Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

4 vấn đề có thể định hình thế giới năm 2023

Xung đột Ukraine kéo dài và khủng hoảng kinh tế được cho là hai trong 4 thách thức nghiêm trọng nhất mà thế giới sẽ phải đối mặt trong năm 2023.

Ngày 24/2/2022 sẽ được ghi nhớ như một bước ngoặt địa chính trị của thế kỷ 21, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Vài tuần trước đó, lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã tuyên bố quan hệ hữu nghị giữa hai nước là "không giới hạn".

Cả hai sự kiện này đều đánh dấu một giai đoạn mới của những căng thẳng và hỗn loạn đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu, theo giới quan sát.

Xung đột Ukraine đã gây ra bất ổn nghiêm trọng, làm mất ổn định thị trường lương thực và năng lượng, đồng thời khiến giá cả tăng vọt sau đại dịch. Trong khi đó, Covid-19 khiến phương Tây nhận ra rằng họ không thể phụ thuộc mãi vào ngành sản xuất của Trung Quốc và phải tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2022, xung đột Ukraine và những hệ lụy từ đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu đến trước bờ vực suy thoái, khiến giá dầu tăng mạnh, qua đó phân tán mối quan tâm khỏi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Giới chuyên gia nhận định trong năm 2023, 4 vấn đề sẽ tác động mạnh nhất tới ổn định toàn cầu là xung đột ở Ukraine, căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc, khủng hoảng kinh tế tiếp diễn và an ninh năng lượng.

Xung đột Ukraine

Lữ đoàn Cơ giới số 24 của quân đội Ukraine bắn pháo về phía các lực lượng Nga gần Bakhmut, miền đông nước này, hôm 3/12. Ảnh: Reuters.

Lữ đoàn Cơ giới số 24 của quân đội Ukraine bắn pháo về phía lực lượng Nga gần Bakhmut, miền đông nước này, hôm 3/12. Ảnh: Reuters.

Thế giới đang dõi theo mọi diễn biến chiến sự ở Ukraine. Nhiều quốc gia, đặc biệt là ở nam bán cầu, đã kêu gọi chấm dứt xung đột thông qua ngoại giao. Xuất khẩu lúa mì của Ukraine sụt giảm và giá nhiên liệu tăng đã gây tổn hại cho một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine có lẽ sẽ không diễn ra trong năm 2023. Dù cả Nga và Ukraine đều đã hứng chịu tổn thất nặng nề sau 10 tháng giao tranh, hai bên đều không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ nào.

Ukraine đang hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công của Nga vào nhằm cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tình trạng thiếu điện, nước diễn ra phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người. Dù vậy, phần lớn dân chúng vẫn ủng hộ nỗ lực đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ. Những thành công quân sự gần đây đã giúp họ nâng cao sĩ khí, trong khi viện trợ nhân đạo và quân sự của phương Tây vẫn đổ về Ukraine.

Về phía Nga, bất chấp những tổn thất và thất bại thời gian qua, Tổng thống Vladimir Putin dường như vẫn quyết tâm thúc đẩy chiến dịch quân sự. Quân đội Nga đã huy động 300.000 lính dự bị để triển khai tới chiến trường Ukraine. Dù đang bị bủa vây bởi hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn hoạt động tốt hơn so với nhiều người dự đoán. Các nước như Đức, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua hàng trăm triệu USD dầu mỏ và khí đốt Nga mỗi ngày.

Điều kiện thời tiết mùa đông bất lợi có thể làm đà giao tranh chững lại phần nào, nhưng một lệnh ngừng bắn có lẽ còn quá xa vời. Vì thế, giới quan sát dự đoán chiến sự vẫn sẽ diễn ra ác liệt ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng Ukraine được cho là sẽ tạo ra một dòng di cư lớn, gây thêm áp lực cho châu Âu vốn đang bất ổn.

Căng thẳng Trung Quốc - phương Tây

Xung đột Nga - Ukraine trong suốt năm qua đã thu hút rất nhiều quan tâm. Tuy nhiên, số phận mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc thậm chí còn quan trọng hơn đối với tương lai thế giới vì những tác động to lớn của nó.

Tại cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11, cả hai lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn ngăn quan hệ song phương xấu đi. Cuộc gặp đã giúp nối lại các kênh đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh, sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi mùa hè khiến Trung Quốc giận dữ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11. Ảnh: Reuters.

Năm 2023 sẽ cho thấy liệu hai cường quốc có thể ngăn chặn cạnh tranh biến thành đối đầu hay không. Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden mang lại khoảng nghỉ ngắn ngủi, nhưng phía trước vẫn còn không ít dấu hiệu đáng lo ngại.

Chính quyền Biden vẫn duy trì các hàng rào thuế quan với Trung Quốc có từ thời cựu tổng thống Donald Trump, đồng thời gia tăng các hạn chế nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ và dữ liệu của Mỹ. Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ, nhiều công ty tư nhân nước này đang điều chỉnh chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời giảm đầu tư vào nước này khoảng 20% so với năm trước.

Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng một "nền kinh tế pháo đài" nhằm đưa đất nước thoát phụ thuộc vào đầu tư hoặc tài sản của phương Tây.

Trong khi đó, EU cũng tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt về nguyên liệu thô và vi mạch. Ngoại trừ Canada, hầu hết các nước phương Tây đều dần từ bỏ hợp tác với những công ty viễn thông Trung Quốc.

Nhưng không chỉ vấn đề kinh tế khiến phương Tây suy giảm niềm tin với Bắc Kinh. Vấn đề Đài Loan đang là tâm điểm của căng thẳng. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, có thể bằng vũ lực nếu cần thiết, trong khi Mỹ luôn khẳng định sẽ can thiệp nếu hòn đảo bị tấn công. Lập trường cứng rắn về Đài Loan của cả Mỹ và Trung Quốc cũng là trở ngại lớn ngăn đôi bên xích lại gần nhau.

Một yếu tố quan trọng khác có thể ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - phương Tây năm 2023 là sự phát triển của các liên minh khu vực, trong đó có AUKUS (Australia - Anh - Mỹ) hay nhóm Bộ Tứ (Australia - Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ).

Bắc Kinh vẫn tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự của mình với tốc độ nhanh chóng, nhưng Washington cũng đang giúp các bên liên quan khác trong khu vực tăng cường năng lực vũ trang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần đây tuyên bố Washington "đã rút ra bài học từ cuộc xung đột ở Ukraine để giúp các đối tác ở khu vực tăng khả năng tự vệ".

Khủng hoảng kinh tế

Xung đột Ukraine và căng thẳng Trung Quốc - phương Tây đã góp phần đẩy nền kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái sau đại dịch.

Giới quan sát dự đoán với triển vọng kinh tế năm 2023 vẫn ảm đạm, một số quốc gia sẽ thực sự rơi vào suy thoái. Trung Quốc, trung tâm sản xuất toàn cầu, chưa thể lấy lại động lực kinh tế của mình khi vừa nới hạn chế chống Covid-19 và đang phải đối phó với làn sóng dịch bùng phát mạnh.

Ngay cả khi các công ty chuyển hướng chuỗi cung ứng của họ, điều này sẽ mất thời gian, dẫn đến các đơn đặt hàng không được thực hiện và thiếu hụt, yếu tố có thể gây tăng giá và tình trạng thất nghiệp.

Người bán hàng ngồi trên một con phố ở Izhevsk, Nga, hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.

Người bán hàng ngồi trên một con phố ở Izhevsk, Nga, hồi tháng 8. Ảnh: Reuters.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một số tăng lãi suất để khiến người tiêu dùng ngừng vay, nhưng cũng sẽ dẫn đến đầu tư và mua sắm ít hơn, tiềm ẩn nguy cơ khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Trong khi các quốc gia thu nhập thấp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng và lương thực tăng cao, chủ yếu do những cú sốc kinh tế của xung đột Ukraine, các nước giàu lại cùng nhau đưa ra những gói kích thích để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua sóng gió. Chuyển tiền mặt cho người dân cũng đi đôi với nới lỏng nỗ lực thắt chặt nguồn cung tiền.

Không có giải pháp dễ dàng nào để xoa dịu tình trạng bất ổn kinh tế - xã hội đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, sức mua của người dân đang giảm đều. Tiền lương dường như không thể theo kịp với tốc độ tăng giá nhà ở, hàng hóa cơ bản và chi phí đi lại.

Năm 2023, vừa kiểm soát lạm phát vừa cố gắng duy trì số lượng việc làm ở mức cao sẽ là một thách thức chông gai đối với chính phủ các nước. Với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, năm mới có thể mang đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chi phí sinh hoạt.

An ninh năng lượng

Xung đột Nga - Ukraine đã gây ra gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu, buộc hầu hết các quốc gia chú trọng hơn đến an ninh năng lượng, xa rời các nỗ lực bảo tồn và giảm lượng khí thải carbon. Lo ngại Nga cắt khí đốt, Đức thậm chí còn khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than.

Những kết quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở Ai Cập hồi tháng 11 đã gây thất vọng cho không ít nhà bảo vệ môi trường khi không có bất kỳ tiến triển nào trong vấn đề các quốc gia giàu có phải bồi thường cho những nước nghèo hơn để đổi lấy việc giảm lượng khí thải.

Mặc dù giá khí đốt đã ổn định trong những tháng cuối năm 2022, điều này không đồng nghĩa rằng rủi ro sẽ hoàn toàn biến mất trong năm 2023. Châu Âu còn phải trải qua vài tháng mùa đông nữa, khi hệ thống sưởi ấm trong nhà trở nên vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, châu Âu cũng phải khắc phục tình trạng thâm hụt sản xuất điện do các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng tại các nhà máy điện hạt nhân Pháp. Đối với dầu thô, ít có khả năng giá sẽ giảm hơn nữa khi các nhà sản xuất lớn, như Arab Saudi, sẽ chú ý đến lời kêu gọi không tăng sản lượng của Tổng thống Putin. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ không có động lực tăng nguồn cung, bởi giá cao đồng nghĩa doanh thu lớn hơn với sản lượng thấp hơn.

Ở một cấp độ khác, câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là liệu đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo có thể dẫn đến những kết quả mang tính bước ngoặt hay không.

Xung đột ở Ukraine đã mở ra cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn cung dầu mỏ, khí đốt mới, nhưng nó cũng chứng minh rằng việc phát triển những nguồn năng lượng xanh là điều cần thiết để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Cải thiện các khuôn khổ thúc đẩy đầu tư năng lượng xanh sẽ có vai trò quan trọng hơn vào năm 2023.

Một kỷ nguyên địa chính trị mới, suy thoái kinh tế, lạm phát, môi trường bị hủy hoại... là những vấn đề nổi cộm sẽ quyết định năm tới. Thời gian sẽ trả lời liệu thế giới có thể giải quyết chúng hay không.

Vũ Hoàng (Theo El Pais)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét