Uy tín của Tổng thống Biden có nguy cơ suy giảm khi ông từng chỉ trích người tiền nhiệm Trump vì xử lý sai thông tin mật, nhưng nay lại rơi vào tình cảnh tương tự.
Triển vọng tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong năm tới đã bị giáng một đòn mạnh sau khi Bộ Tư pháp bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt điều tra vụ tài liệu mật được phát hiện ở văn phòng cũ và nhà riêng của ông.
Quyết định được đưa ra vài giờ sau khi Nhà Trắng xác nhận phát hiện lô tài liệu mật thứ hai thời ông Biden làm phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama tại nhà riêng của ông ở thành phố Wilmington, bang Delaware.
Số tài liệu mật đầu tiên được tìm thấy hồi tháng 11/2022 trong văn phòng tại thủ đô Washington, nơi ông Biden sử dụng từ giữa năm 2017 với tư cách cựu phó tổng thống, cho đến khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
"Tôi đã ký quyết định bổ nhiệm ông Robert Hur làm công tố viên đặc biệt cho vấn đề mà tôi vừa mô tả. Quyết định này cho phép điều tra xem có cá nhân hoặc tổ chức nào vi phạm luật liên quan đến vấn đề hay không", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland ngày 12/1 nói về cuộc điều tra sự cố tài liệu mật liên quan tới Tổng thống Biden.
Ông Biden cùng ngày nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng sẽ "hợp tác đầy đủ và trọn vẹn" với cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về cách thức lưu trữ thông tin mật cũng như các hồ sơ chính phủ khác.
Theo giới chuyên gia pháp lý, những tài liệu mật được phát hiện tại nhà Tổng thống Biden có thể ngăn ông ra tranh cử tổng thống một lần nữa, dù về bản chất nó khác với vụ phát hiện tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida của cựu tổng thống Donald Trump.
Jonathan Turley, chuyên gia từ Đại học George Washington, lưu ý rằng Bộ Tư pháp từng nhấn mạnh việc xử lý sai các tài liệu mật như vậy gần như chắc chắn có thể bị quy kết là hành vi hình sự.
"Nhiều chuyên gia từng nói rằng riêng việc sở hữu chúng đã là hành vi phạm tội, trong khi số khác cho rằng cựu tổng thống Trump nên bị cấm tranh cử ngay cả khi ông ấy thừa nhận đã xử lý sai các tài liệu mật", Turley cho biết thêm.
Sau cuộc khám xét của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Trump hồi tháng 8 năm ngoái, mức độ ủng hộ chính trị với ông đã tăng từ 41,4% lên 44,8%, theo trang tổng hợp thăm dò dư luận FiveThirtyEight. Tuy nhiên, phần lớn sự ủng hộ này đến từ những người tin rằng ông đã bị biến thành một mục tiêu chính trị.
Theo McCarthy, hai cuộc điều tra sẽ có tác động đáng kể đến triển vọng bầu cử năm 2024 của cả ông Biden và ông Trump. "Chúng ta đang nói về việc đưa ra cáo buộc với tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống, nhưng về cơ bản cũng là những ứng viên trong cuộc bầu cử năm 2024. Vì thế, cuộc điều tra cũng sẽ tạo ra chia rẽ rất lớn về mặt chính trị", ông nhấn mạnh.
Phản ứng trước những tin tức mới nhất về sự cố tài liệu mật, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, một đảng viên Cộng hòa, tuyên bố "quốc hội cần điều tra việc này".
Mike Turner, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, đã yêu cầu các cơ quan tình báo phải tiến hành "đánh giá thiệt hại" từ sự việc, đặc biệt khi những nội dung bị lưu trữ sai cách là tài liệu mật.
Ông cũng đề nghị Bộ trưởng Garland và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines báo cáo về những đánh giá của họ đối với sự cố tài liệu mật của Tổng thống Biden.
"Việc tài liệu mật xuất hiện tại những địa điểm cá nhân có thể cho thấy rằng Tổng thống đã xử lý sai hay tiềm ẩn nguy cơ sử dụng sai và làm lộ thông tin mật", Turner tuyên bố.
Tổng thống Biden cuối năm ngoái chỉ trích cách ông Trump trữ tài liệu mật trong dinh thự Mar-a-Lago là hành động "vô trách nhiệm". Cựu công tố viên liên bang Andy McCarthy nhận định bình luận đó giờ đây sẽ quay trở lại ám ảnh ông.
"Một trong những quy tắc chính trị quan trọng là 'cười người chớ vội cười lâu', và nó xảy ra ngay vào thời điểm vô cùng quan trọng", McCarthy nói.
Vũ Hoàng (Theo AFR)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét