Trung Quốc đang nỗ lực áp dụng chiến lược xuất khẩu vũ khí chuyên biệt và dịch vụ an ninh để tạo ảnh hưởng ở châu Phi, cạnh tranh thị phần với Nga.
Khi chiến sự Ukraine kéo dài, giới quan sát đang ngày càng chú ý đến nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn bằng quan hệ hợp tác quân sự và an ninh trên khắp châu lục. Xu hướng này có thể biến Trung Quốc thành đối thủ cạnh tranh với Nga trong thị trường vũ khí ở khu vực.
Dữ liệu tháng 12/2022 của RAND, tổ chức nghiên cứu chính sách chiến lược và tư vấn hàng đầu ở Mỹ, chuyên theo dõi ảnh hưởng quân sự của Nga và Trung Quốc tại châu Phi, cho thấy Bắc Kinh đã xuất khẩu vũ khí, khí tài cho 17 nước tại lục địa, trong khi số quốc gia đối tác của Moskva là 14.
Các sản phẩm quốc phòng được Trung Quốc và Nga xuất khẩu đến châu Phi gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV), pháo, xe bọc thép, tên lửa và tàu.
Điểm khác biệt của Trung Quốc so với Nga và các nhà cung cấp vũ khí phương Tây khác cho châu Phi là Bắc Kinh tập trung vào các thị phần vũ khí riêng biệt, cũng như những dịch vụ an ninh mang tính chất phòng vệ.
Jevans Nyabiage, bình luận viên của SCMP tại châu Phi, cho biết Trung Quốc hưởng lợi khi sản xuất các hệ thống vũ khí để xuất khẩu, điều có thể giảm chi phí cận biên.
Giới quan sát cũng đánh giá Trung Quốc có thể tăng thị phần vũ khí tại châu Phi trong bối cảnh Nga chật vật với cuộc chiến ở Ukraine. Các khách hàng tiềm năng cũng có thể do dự hơn khi nhập vũ khí Nga, do lo ngại "màn thể hiện" kém hiệu quả ở Ukraine, cũng như các biện pháp trừng phạt thứ cấp của phương Tây và tình trạng khan hiếm linh kiện thay thế.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga, Mỹ, Pháp, Đức và Trung Quốc là 5 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi.
John Parachini, chuyên gia nghiên cứu quốc tế và quốc phòng tại RAND, cho biết Trung Quốc đang tạo ra phân khúc vũ khí riêng tại châu Phi, như các hệ thống vũ khí hay UAV chuyên biệt.
"Trung Quốc giống Nga ở chỗ họ quảng cáo các khí tài của mình như giải pháp thay thế một số sản phẩm phương Tây, nhưng với chi phí thấp", ông nói.
Theo dữ liệu từ Đại học Boston, Trung Quốc đã ứng trước 27 khoản vay quốc phòng trị giá 3,5 tỷ USD cho 8 quốc gia châu Phi trong giai đoạn 2000-2020. 2,1 tỷ USD trong số đó được chuyển cho Zambia để mua máy bay, thiết bị quân sự, huấn luyện phi công, xây dựng các khu nhà ở cho quân đội và cảnh sát.
Trung Quốc cũng là nhà cung cấp các vũ khí thông thường chủ chốt cho các nước như Algeria, Morocco ở Bắc Phi, nơi có nhu cầu vũ khí lớn, bên cạnh Nigeria, Tanzania, Sudan và Cameroon. Tại khu vực châu Phi cận Sahara, Bắc Kinh cũng bám sát Moskva cho "ngôi vị" nhà cung cấp vũ khí hàng đầu.
David Shinn, chuyên gia quan hệ Trung Quốc - châu Phi tại Đại học George Washington, nhận định Bắc Kinh bán vũ khí cho châu Phi không chỉ vì lợi nhuận, mà còn nhằm tăng quan hệ và ảnh hưởng với các chính phủ và quân đội tại các quốc gia ở đây.
"Xuất khẩu vũ khí là công cụ để tạo sức ảnh hưởng", ông Parachini nói, cho biết các giao dịch vũ khí "thường liên quan đến những cuộc đàm phán cấp cao".
"Những lãnh đạo cấp cao của các nước mua vũ khí thường xuyên tham gia vào những giao dịch này, có thể dẫn đến tương tác ngoại giao và thương mại ngoài lề", chuyên gia Parachini cho biết.
Bên cạnh xuất khẩu vũ khí, Bắc Kinh cũng cung cấp dịch vụ từ các nhà thầu an ninh tư nhân (PMSC) để bảo vệ mỏ, cảng biển và tuyến đường sắt, những dự án được tài trợ thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường tại 15 quốc gia châu Phi.
Trong khi các PMSC Nga giành được hợp đồng ở 31 quốc gia châu Phi, PMCS Trung Quốc chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các dự án công nghiệp nói trên. Vai trò này khác so với các công ty quân sự tư nhân như Wagner của Nga, vốn bị phương Tây coi là "lính đánh thuê".
"Cho đến nay, các PMSC Trung Quốc chủ yếu hoạt động không vũ trang, tham gia vào các nhiệm vụ bảo vệ hơn là triển khai các hoạt động quân sự", báo cáo của RAND có đoạn. RAND cũng không tìm thấy bằng chứng PMSC Trung Quốc thực hiện hành động bạo lực hoặc được triển khai như lực lượng Wagner của Nga.
"Trung Quốc xuất khẩu dịch vụ quân sự và an ninh cho các nước châu Phi để tạo ảnh hưởng, cũng như bảo vệ lợi ích, các khoản đầu tư và công dân của họ", Ilaria Carrozza, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa Bình Olso (PRIO), nhận định.
Đức Trung (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét