Vụ đánh bom kép dịp tưởng niệm tướng Soleimani khiến Iran nổi giận và thề đáp trả, khiến lửa căng thẳng ở Trung Đông có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.
Hai vụ nổ xảy ra cách nhau 10 phút, gần nơi chôn cất tướng Qassem Soleimani tại nhà thờ Hồi giáo Saheb al-Zaman ở thành phố Kerman, Iran, ngày 3/1, khiến ít nhất 95 người thiệt mạng, 211 người bị thương.
Tướng Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vốn được coi là người quyền lực thứ hai Iran sau lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Ông thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq cách đây 4 năm.
Thời điểm hai vụ nổ làm rung chuyển thành phố, đám đông đang tưởng niệm ngày tướng Soleimani qua đời. Sự việc xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ Trung Đông bị đẩy vào một cuộc xung đột quy mô lớn hơn, khi Israel không chỉ vướng vào cuộc chiến với lực lượng Hamas do Iran hậu thuẫn ở Gaza, mà còn phải đối đầu với những hành động trả đũa từ các nhóm Hồi giáo khác như Hezbollah ở Lebanon hay Houthi ở Yemen.
Căng thẳng vốn đã lên cao sau khi Israel bị cáo buộc tiến hành tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) hạ sát phó thủ lĩnh Hamas ở Beirut hôm 2/1. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành cuộc tấn công nhắm vào al-Arouri. Tuy nhiên, phát ngôn viên IDF Daniel Hagari từ chối bình luận, đồng thời tuyên bố quân đội Israel "đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống" phát sinh từ sự việc này.
Trong bối cảnh đó, vụ đánh bom kép ở Iran có thể đổ thêm dầu vào lửa. Khi chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã nhanh chóng cáo buộc Mỹ và Israel thực hiện vụ tấn công.
"Chúng tôi đảm bảo rằng các người sẽ phải trả giá rất đắt cho những tội ác mà các người đã gây ra và sẽ hối hận về điều đó", ông nói.
Các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để kết luận ai đã gây ra vụ đánh bom kép, bởi có rất nhiều phe nhóm có khả năng tiến hành các hoạt động như vậy, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay các nhóm ly khai Iran, tất cả đều từng tấn công thường dân Iran trong quá khứ.
Nhiều chuyên gia cho rằng vụ đánh bom mang những nét đặc trưng của một cuộc tấn công khủng bố.
Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại tổ chức tư vấn Crisis Group, cho biết vụ đánh bom kép không giống chiến thuật mà Israel thường áp dụng khi tấn công nhằm vào Iran. Theo ông, Israel chưa từng tấn công thường dân, thay vào đó, họ có xu hướng nhắm mục tiêu chính xác vào các cá nhân như nhà khoa học hạt nhân, quan chức an ninh cấp cao hoặc các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Iran.
Gregory Brew, chuyên gia về Iran tại tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group, cũng có chung nhận định, cho rằng mục tiêu Israel nhắm tới trước đây ở Iran đều có ý nghĩa quân sự hoặc chiến lược, thay vì một buổi lễ đông người.
Arash Azizi, nhà sử học, thành viên Trung tâm Trật tự Toàn cầu và Trung Đông, trụ sở ở Berlin, Đức, nhận định "dựa trên những bằng chứng sẵn có cho đến nay, với mục tiêu và phương pháp được sử dụng, IS, đặc biệt là chi nhánh của nhóm tại Afghanistan, được gọi là ISKP, nhiều khả năng là thủ phạm đứng sau cuộc tấn công".
"Chưa có tiền lệ nào về việc Israel tiến hành tấn công kiểu như vậy nhằm vào dân thường Iran", ông nói thêm.
Nhưng nếu Iran nhất quyết đổ lỗi cho Israel, nhiều khả năng họ sẽ tìm cách trả thù, qua đó thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng ở Trung Đông.
Brew cho hay kể từ khi chiến sự Gaza bùng phát, một số nhóm Hồi giáo trong "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn như Hezbollah và Houthi đã công khai đối đầu với Israel, nhưng Tehran vẫn tìm cách tránh sa lầy vào cuộc xung đột quy mô lớn.
Nếu Iran phát động một cuộc chiến với Israel, gần như chắc chắn Mỹ sẽ bị kéo vào xung đột, khiến Tehran rơi vào tình thế đặc biệt bấp bênh. Tehran khi đó có thể đối mặt với liên minh đối thủ mạnh hơn nhiều và các lực lượng thuộc "trục kháng chiến" mà họ dày công xây dựng ở Trung Đông cũng có nguy cơ bị xóa sổ.
Song vụ đánh bom kép tại Kerman có thể là nguồn cơn khiến Tehran thay đổi tính toán. Một số tổ chức Hồi giáo đã kêu gọi Iran có hành động quyết liệt hơn sau vụ đánh bom gần mộ tướng Soleimani cũng như cuộc không kích phó thủ lĩnh Hamas ở Lebanon.
Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành Viện Quincy về Quản lý Nhà nước Có trách nhiệm, trụ sở tại Washington, Mỹ, cảnh báo "hiện tại là thời điểm rất nguy hiểm" đối với Trung Đông, trong bối cảnh chiến sự Israel - Hamas ở Gaza đang dâng cao đến đỉnh điểm.
"Một cuộc xung đột khu vực ngày càng có nhiều khả năng xảy ra hơn", ông nói.
Hezbollah và Houthi, các đối tác khu vực của Iran, đã gây ra cơn đau đầu cho Israel bằng các cuộc tấn công nhằm thể hiện tình đoàn kết với Hamas ở Gaza. Nhưng những loạt tên lửa xuyên biên giới của Hezbollah hay hành vi quấy rối tàu hàng của Houthi đều được điều chỉnh mức độ nhằm tránh thổi bùng một cuộc xung đột khu vực.
Tuy nhiên, theo Julian Borger, nhà phân tích kỳ cựu từ báo Guardian, việc điều chỉnh mức độ này vô cùng rủi ro, đặc biệt khi các cuộc tấn công được thực hiện với những vũ khí nhồi đầy chất nổ. Nguy cơ tính toán sai lầm đang không ngừng tăng lên.
Hầu hết UAV và tên lửa Houthi phóng vào tàu hàng trên Biển Đỏ đã bị liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu đánh chặn trong những ngày gần đây. Điều kỳ diệu là không có trường hợp tử vong nào trên các tàu mục tiêu. "Nhưng may mắn đó sẽ không còn mãi", Borger nói. "Và một nhóm quan chức Lầu Năm Góc đang thúc đẩy quan điểm rằng Houthi là mối đe dọa với tự do hàng hải ở Biển Đỏ, nên lực lượng này không được phép tồn tại quá lâu".
Rạng sáng 1/1, trực thăng Mỹ đã bắn chìm ba xuồng của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ, nhưng quân đội Mỹ vẫn chưa tung đòn tấn công trực diện vào các cơ sở tên lửa và trung tâm chỉ huy của Houthi ở Yemen nhằm tránh làm chệch hướng tiến trình hòa bình tại đây. Tuy nhiên, lựa chọn này đang được đưa trở lại bàn thảo luận.
Hôm 3/1, Mỹ và 11 đồng minh phát thông điệp cảnh báo tới Houthi rằng họ sẽ phải "chịu trách nhiệm về hậu quả" của các cuộc tấn công tiếp theo vào hoạt động vận tải hàng hải trên Biển Đỏ.
Trong khi Houthi chịu sức ép lớn, đồng minh Hezbollah của Iran cũng nổi giận với vụ hạ sát Saleh al-Arouri, phó thủ lĩnh Hamas. Al-Arouri được mô tả là "cầu nối" quan trọng giữa Hamas với Hezbollah ở Lebanon và Iran.
Thủ lĩnh Hezbollah gọi vụ tấn công đoạt mạng al-Arouri là "hành động xâm phạm trắng trợn của Israel", khẳng định ông coi đây là hành động nhắm vào cả Hezbollah và Lebanon.
Borger lưu ý những diễn biến leo thang liên quan đến xung đột Israel - Hamas gần đây có thể ảnh hưởng lớn đến tính toán thiệt hơn của Iran.
Các nhà ngoại giao ở Washington cho biết Đại sứ quán Lebanon tại Mỹ đã đảm bảo với chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng vụ hạ sát al-Arouri sẽ không kích động các cuộc trả thù hàng loạt của Hezbollah. Nhưng chính phủ Lebanon không phải lúc nào cũng đoán trước được ý định của Hezbollah, theo Borger.
Một yếu tố khó đoán khác tiềm ẩn nguy cơ khiến khủng hoảng lan rộng là nền chính trị Israel. Mỹ đã nhiều lần phát thông điệp yêu cầu Israel kiềm chế chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Tuy nhiên, rõ ràng là khi đề cập đến Gaza hay Lebanon, những lo ngại chính trị trong nước sẽ lấn át áp lực từ Mỹ lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Borger nhấn mạnh.
"Thủ tướng Netanyahu sẽ không lắng nghe nhiều như Mỹ mong đợi", một nhà ngoại giao châu Âu nói. "Đối với ông ấy, mở chiến dịch tấn công vào Gaza có thể là cơ hội để vãn hồi hình ảnh sau thất bại trong vụ đột kích của Hamas ngày 7/10, nhưng tính toán này cũng bắt nguồn từ cả yếu tố chính trị trong nước".
Đến nay, quan điểm của các bộ trưởng chính phủ Israel vẫn không thay đổi: Nếu cộng đồng quốc tế không thể ngăn Hezbollah tiếp tục tiến hành các cuộc tập kích ở biên giới, Israel sẽ tự mình giải quyết vấn đề.
Trong những tháng gần đây, Mỹ và các đồng minh đang cân nhắc các giải pháp ngoại giao khả thi nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông. "Tuy nhiên, mọi hy vọng về một giải pháp hòa bình đang tắt dần sau vụ hạ sát al-Arouri và bây giờ là vụ đánh bom kép ở Kerman", Borger nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét