Các hàng không Nga liên tiếp ghi nhận sự cố gần đây, làm dấy lên lo ngại về an toàn và tác động từ đòn trừng phạt của phương Tây.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Nga Rosaviatsia ngày 21/1 cho biết một máy bay Dassault Falcon 10 rơi tại vùng đồi núi đông bắc Afghanistan khi đang chở 6 người đến Moskva. Truyền thông Nga cho biết đây là chuyến bay được một cặp vợ chồng thuê để chở người vợ bị ốm đến nơi điều trị. Các thành viên tổ bay và hành khách đều là người Nga.
Đây là một trong loạt sự cố mà hàng không Nga đối mặt gần đây, khi ngành này đối mặt áp lực ngày càng tăng từ loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây liên quan chiến sự Ukraine.
Trong tháng 12/2023, các máy bay dân dụng Nga đã trải qua ít nhất 8 sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, khiến phi công phải hạ cánh khẩn cấp và hành khách kinh hãi.
Ngày 8/12/2023, máy bay Boeing 737 của hãng hàng không S7 Airlines vừa cất cánh từ thành phố Novosibirsk để tới Moskva thì hành khách nghe thấy tiếng nổ lớn, cả hai động cơ của máy bay đều phụt ra lửa, buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp.
Khi hai động cơ ngừng hoạt động hoàn toàn, máy bay cách mặt đất khoảng 200 mét, phi công đã tận dụng sức lượn của nó để hạ cánh an toàn. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy một số "vụ nổ nhỏ" liên quan đến nhiên liệu đã khiến động cơ máy bay bốc cháy.
Cùng ngày, chiếc Airbus A319 của hãng Rossiya Airlines từ Mineralnye Vody tới St. Petersburg gặp sự cố mất áp suất ở cabin ngay sau khi cất cánh, khiến phi công phải hạ cánh khẩn. Video trên mạng xã hội ở Nga cho thấy hành khách trong cabin đã la hét và kêu khóc, trong khi mặt nạ dưỡng khí rơi xuống trước mặt họ.
Ngày 11/12, chuyến bay của hãng Utair cũng phải hạ cánh khẩn cấp vì sự cố ở cánh khi đang chở 104 hành khách và khoảng 19 kg chất phóng xạ, theo truyền thông Nga. Một máy bay khác của Utair đang bay từ Moskva tới Kogalym, vùng Khanty-Mansi ở Siberia đã phát tín hiệu khẩn cấp vì lỗi động cơ ngày 29/12.
Cũng trong tháng 12/2023, hãng hàng không chính của Nga Aeroflot ghi nhận hàng loạt sự cố, gồm một chiếc Airbus A321 bị hỏng động cơ bên trái, một chiếc Airbus 321 khác bị lỗi điều hòa không khí, hai chiếc Boeing 737 bị hỏng bộ phận hạ cánh, một chiếc Boeing 737 bị hỏng cánh tà và một chiếc Boeing 777 bị chập điện, khiến khói bao trùm cabin.
Các hãng hàng không khác của Nga báo cáo những sự cố như động cơ ngắt đột ngột hay lỗi hệ thống thủy lực, cánh tà, hệ thống lái, hệ thống lái tự động, bộ lọc dầu và nhiều vấn đề khác. Dù các sự cố như vậy không gây thảm họa quy mô lớn, chúng cho thấy những mối nguy hiểm đang rình rập với hàng không Nga, vốn đang chịu nhiều áp lực từ các lệnh cấm vận của phương Tây.
Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Mỹ cùng đồng minh phương Tây đã nhanh chóng áp các biện pháp trừng phạt với hàng nghìn cá nhân và công ty Nga, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, đóng băng dự trữ ngoại tệ ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga, áp trần giá dầu Nga.
Ngành hàng không Nga cũng không thoát khỏi các đòn trừng phạt. Phương Tây đã cấm chuyển giao công nghệ và phụ tùng máy bay, cũng như cung cấp dịch vụ, bảo hiểm hay cập nhật phần mềm với phi đội máy bay phương Tây mà Nga đang sử dụng.
Vào tháng 9/2022, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cảnh báo về nguy cơ với ngành hàng không Nga, do lo ngại về khả năng duy trì an toàn của các phi cơ. Tuy nhiên, giới chức hàng không Nga tuyên bố "mọi thứ đều ổn", nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến an toàn bay.
"Các chuỗi hậu cần vẫn đảm bảo cho các hãng hàng không nội địa, do đó họ có thể nhận đủ phụ tùng và linh kiện cần thiết cho hoạt động bình thường của máy bay", Mikhail Vasilenkovf, đại diện Cơ quan Vận tải Hàng không Nga, nói hồi tháng trước.
Cơ quan này đã báo cáo 400 sự cố hàng không dân dụng do thiết bị trục trặc từ tháng 1-11/2023, khẳng định đây là tin tốt vì đã giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Song trong bài bình luận trên báo Kommersant hồi tháng 12 năm ngoái, Oleg Panteleyev, giám đốc tổ chức tư vấn hàng không Nga Aviaport cho biết rủi ro đã "tăng theo cấp số nhân", thêm rằng đã có sự sụt giảm trong khâu kiểm tra kỹ thuật.
Một số nhà phân tích hàng không Nga đã hỗ trợ chính phủ tìm cách giảm thiểu nguy cơ, trong khi một số khác cảnh báo về một thảm họa lớn.
"Các biện pháp trừng phạt tất nhiên ảnh hưởng tới an toàn bay. Không thể có chuyện không bị ảnh hưởng", Andrei Menshenin, nhà phân tích hàng không Nga, nói.
Ông cho biết các hãng hàng không Nga đã giảm bớt tác động bằng cách nhập khẩu phụ tùng thay thế và động cơ từ Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Iran và nhiều nước khác. Song ông thừa nhận các biện pháp thay thế rất tốn kém.
"Tình hình an toàn bay ở Nga tốt hơn nhiều so với dự kiến và những gì được dự đoán vào đầu năm 2022", ông nói. Tuy nhiên, ông cho biết các phi công chịu áp lực rất lớn khi phải đối mặt với những quyết định sống còn vì gặp sự cố.
Một phân tích của Reuters hồi cuối tháng 12 cho biết chính phủ Nga đã trợ cấp và cho vay 12 tỷ USD để sản xuất máy bay và duy trì hoạt động của ngành hàng không kể từ khi phương Tây áp biện pháp trừng phạt vì xung đột Ukraine.
Các nguồn cung phụ tùng quan trọng và dịch vụ bảo trì bị cắt đứt, khiến ngành hàng không Nga gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào máy bay được sản xuất ở nước ngoài. Airbus và Boeing đã ngừng cung cấp dịch vụ và phụ tùng thay thế từ tháng 3/2022, cũng như ngừng hỗ trợ bảo dưỡng cho máy bay của các hãng hàng không Nga.
"Máy bay do nước ngoài sản xuất chiếm phần quá nhiều trong đội bay của chúng ta", Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận hồi tháng 12/2023. "Chúng tôi có kế hoạch sản xuất hơn 1.000 máy bay cho Nga vào năm 2030. Đây là công việc rất cần thiết".
Các hãng hàng không Nga hiện vận hành 991 máy bay, trong đó 405 chiếc được sản xuất tại Nga, theo ch-aviation, nhà cung cấp thông tin hàng không của Thụy Sĩ.
Andrei Patrakov, chuyên gia về an toàn hàng không Nga kiêm người đứng đầu công ty chuyên về an toàn của máy bay và máy bay không người lái RunAvia, cho biết giới chức Nga đã cho phép các hãng hàng không sử dụng phụ tùng vượt quá tuổi thọ cho phép, dẫn tới các sự cố.
Hồi tháng 10 năm ngoái, 10 hành khách đã đòi xuống máy bay sau khi chiếc Sukhoi Superjet do Nga sản xuất bị chết máy trên đường băng. Các nhân chứng cho biết cơ trưởng nói với hành khách rằng ông đã khởi động lại động cơ và mọi thứ đều ổn.
Tháng trước đó, các phi công chuyến bay Flight 1383 của hãng Ural Airlines đang từ Sochi, miền nam Nga, tới Omsk ở Siberia đã phải chuyển hướng đến sân bay có đường băng dài hơn vì gặp sự cố với hệ thống thủy lực. Khi chiếc Airbus 320 cạn nhiên liệu, họ buộc phải hạ cánh xuống một cánh đồng.
Nhưng nỗ lực xử lý sự cố của các phi công không được ca ngợi. Họ thậm chí bị chuyên gia và đồng nghiệp chỉ trích vì gây nguy hiểm cho tính mạng hành khách khi chọn chọn quãng đường xa hơn để tới đường băng dài hơn.
Năm 2022, giới chức Nga đã cấp giấy phép cho 100 công ty, trong đó có 7 hãng hàng không, để phụ trách sửa chữa và bảo trì máy bay. Song hồi tháng 11 năm ngoái, hãng hàng không Pobeda đã bị đình chỉ giấy phép vì vi phạm nghiêm trọng trong sửa chữa ba chiếc Boeing, trong đó có thay đổi hệ thống tránh va chạm, theo tờ Izvestia.
Nhà phân tích Patrakov nói rằng nhiều máy bay Nga hiện cần được bảo trì, song "không thể thực hiện vì thiếu phụ tùng do lệnh trừng phạt".
"Nếu một linh kiện máy bay xuất hiện vấn đề, bạn sẽ có một khoảng thời gian dự trữ để thay thế nó, thường là 10 ngày. Tuy nhiên, bạn không thể kéo dài thêm 3-4 lần, bởi nó chỉ có thời gian khắc phục giới hạn. Câu hỏi đặt ra là khi nào vấn đề sẽ chạm tới giới hạn, khiến linh kiện đó bị hỏng hoàn toàn và có thể gây ra một sự cố thảm khốc", ông cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét