Loạt tập kích gần đây cho thấy tiềm lực quân sự của Nga còn rất mạnh, trong khi Ukraine đối mặt với nhiều vấn đề, nhất là thiếu viện trợ.
Xung đột Nga - Ukraine nóng lên những ngày qua khi hai bên liên tục tiến hành các cuộc tập kích quy mô lớn nhằm vào lãnh thổ của nhau. Nga hôm 29/12 đã phóng 158 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát vào loạt đô thị chủ chốt của Ukraine, mức cao nhất từ đầu chiến sự, khiến 31 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương.
Sau đó một ngày, quân đội Ukraine đã pháo kích tỉnh biên giới Belgorod của Nga để đáp trả, làm 24 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Moskva đêm cùng ngày tiến hành cuộc tập kích trả đũa nhằm vào các sở chỉ huy và cơ sở quân sự của Ukraine tại tỉnh Kharkov bằng tên lửa và UAV.
Hai bên tiếp tục tiến hành các cuộc tập kích qua lại trong những ngày đầu năm mới, lớn nhất là cuộc tấn công của Nga vào hôm 2/1, khi Moskva triển khai 134 tên lửa các loại và 35 UAV tự sát nhằm vào Ukraine. Kiev cho biết phòng không nước này đã bắn hạ 10 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, 62 tên lửa hành trình Kh-101 và Kalibr cùng 35 UAV tự sát của đối phương.
Justin Bronk, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định đây là bằng chứng cho thấy Nga có đủ năng lực để kéo dài cuộc chiến tại Ukraine, trái với dự đoán trước đó của một số nhà quan sát. "Nga đã chuyển đổi thành công nền kinh tế sang mô hình thời chiến", Bronk cho hay.
Một số chuyên gia quân sự và quan chức quốc phòng phương Tây từng nhiều lần nhận định kho vũ khí của Moskva, trong đó có tên lửa tầm xa, sắp cạn kiệt do tần suất sử dụng cao. Tuy nhiên, các thông tin gần đây cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã chuyển sang chế độ làm việc thời chiến để bảo đảm tốc độ xuất xưởng, đáp ứng nhu cầu chiến dịch tại Ukraine.
Báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái của RUSI cho biết Nga hiện sản xuất được khoảng 100 tên lửa tầm xa một tháng, tăng 2,5 lần so với tháng 2/2022. Tại cuộc họp tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố các doanh nghiệp vũ khí của nước này "đã tăng gấp 4 lần công suất" so với thời điểm chiến sự mới bắt đầu, trong đó sản lượng UAV tăng 16,8 lần, đạn pháo tăng 17,5 lần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt ngân sách quốc phòng năm 2024 là 10,8 nghìn tỷ ruble (khoảng 122 tỷ USD), tăng khoảng 70% so với năm 2023 và tương đương 6% GDP, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng trên chiến trường.
Các quan chức phương Tây và Ukraine thời gian qua đã phải thay đổi quan điểm về tình trạng kho vũ khí của Nga. Vadym Skibitsky, Cục phó Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), đầu tháng 11/2023 cho biết Nga có gần 900 tên lửa tầm xa, không giảm so với cùng thời điểm một năm trước, dù tình báo nước này hồi tháng 3 từng nhận định Moskva chỉ còn "90 tên lửa đạn đạo Iskander-M, 45 tên lửa hành trình Iskander-K và 36 tên lửa diệt hạm Kh-22" trong kho.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cuối tháng 11 năm ngoái cho hay Nga đang tích trữ tên lửa để chuẩn bị cho các cuộc tập kích quy mô lớn vào hạ tầng năng lượng, quân sự của Ukraine trong mùa đông, chứ không phải nước này đã cạn kiệt vũ khí tầm xa.
Theo giới quan sát, mục tiêu của Nga khi dồn lực tập kích Ukraine thời gian qua là nhằm làm suy giảm sức chiến đấu của Kiev, buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán trong thế yếu.
Loạt vụ tập kích cũng là cách để Nga khiến Ukraine nhanh chóng cạn kiệt tên lửa phòng không, đặc biệt là đạn cho các tổ hợp hiện đại do phương Tây cung cấp như Patriot hay NASAM, trong bối cảnh Kiev đang thiếu đạn được do viện trợ quân sự từ nước ngoài giảm mạnh.
Khi lưới phòng không Ukraine xuất hiện nhiều lỗ hổng vì cạn tên lửa, máy bay quân sự Nga có thể tiếp cận nhiều mục tiêu và không kích bằng vũ khí tầm ngắn, thay vì tên lửa tầm xa với chi phí cao và nguồn cung hạn chế, qua đó gia tăng ưu thế trong cuộc xung đột.
Tổng thống Putin ngày 2/1 khẳng định Nga sẽ tiếp tục đẩy mạnh tấn công Ukraine nhằm trả đũa vụ pháo kích của Kiev vào Belgorod. Các quan chức Ukraine nhận định Nga đủ khả năng lặp lại các cuộc tập kích với quy mô tương tự, thậm chí là lớn hơn các vụ mà nước này tiến hành những ngày qua.
"Nga có thể phóng 300 UAV tự sát và 150 tên lửa trong một lần để tấn công chúng ta", nghị sĩ Ukraine Sasha Ustinova cho hay.
Giới phân tích cho rằng các cuộc tập kích sắp tới của Nga sẽ là thử thách lớn đối với tinh thần chiến đấu của Ukraine, trong bối cảnh nhiều người dân nước này đã cảm thấy quá mệt mỏi khi xung đột vẫn tiếp tục kéo dài.
Tình hình còn khó khăn hơn với Ukraine trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với một số vấn đề nội bộ. Tổng thống Zelensky dường như đang mâu thuẫn với Tổng tham mưu trưởng Valeriy Zaluzhny, liên quan đến kết quả "không như kỳ vọng" của chiến dịch phản công.
Trong bài bình luận trên báo Economist hồi tháng 11, tướng Zaluzhny tuyên bố chiến sự tại Ukraine đang ở thế bế tắc và Kiev nhiều khả năng sẽ "không có bất kỳ bước đột phá nào" nếu như không nhận được thêm sự hỗ trợ.
Tổng thống Zelensky ngay lập tức bác bỏ bình luận trên, các quan chức trong văn phòng của ông cũng công khai bày tỏ bất bình với tướng Zaluzhny. Tuy sau đó ông Zelensky phủ nhận có mâu thuẫn với tướng hàng đầu của mình, các đồng minh của Tổng thống Ukraine vẫn tiếp tục chỉ trích ông Zaluzhny, trong đó một nghị sĩ cho rằng ông phải chịu trách nhiệm cho cuộc phản công bế tắc của Ukraine và cần từ chức.
Dư luận Ukraine đang tranh cãi về kế hoạch huy động thêm 450.000-500.000 binh sĩ mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đề cập cuối năm ngoái. Ông nói quân đội đưa ra đề xuất này nhằm tạo ra bước tiến lớn trong cuộc xung đột với Nga. Dự luật mới đề xuất giảm độ tuổi nhập ngũ của nam giới từ 27 xuống 25, cũng như điều chỉnh các quy định về nhóm dân cư được miễn trừ nhập ngũ.
Việc công bố dự luật đã gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội ở Ukraine, trong bối cảnh quân đội nước này đang đối mặt nguy cơ thiếu quân trên chiến trường.
Rạn nứt trong thành trì ủng hộ Ukraine của phương Tây cũng là mối lo ngại khác của Kiev. Theo báo cáo công bố tháng 12 năm ngoái của cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức, cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Ukraine từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Nguyên nhân được cho là thế giới đang chuyển bớt chú ý sang xung đột ở Dải Gaza, sự thất vọng của các nước phương Tây trước cuộc phản công bế tắc của Ukraine và bất đồng nội bộ tại một số quốc gia, trong đó có Mỹ. Quốc hội nước này tới nay vẫn chưa phê duyệt gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, do phe Cộng hòa yêu cầu bổ sung điều khoản về tăng cường kiểm soát biên giới ở phía nam.
Vấn đề giảm viện trợ từ phương Tây đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình chiến trường Ukraine. Tướng Oleksandr Tarnavsky, tư lệnh nhóm tác chiến - chiến lược Tavria phụ trách mặt trận phía nam của quân đội Ukraine, tháng trước cho biết lực lượng này đang thiếu đạn pháo trên toàn tiền tuyến, khiến các đơn vị ở mặt trận đông nam phải thu hẹp quy mô tác chiến và chuyển sang thế phòng thủ.
Vitaliy Barabash, lãnh đạo cơ quan quân sự Avdeevka, cũng cảnh báo Ukraine có thể sẽ sớm mất thành phố chiến lược này nếu không nhận được đạn dược bổ sung từ Mỹ và đồng minh.
Dù vậy, tình hình sắp tới không chỉ toàn màu xám với Kiev. Tổng thống Zelensky tháng trước cho biết sản lượng vũ khí của Ukraine trong năm 2023 đã tăng gấp ba lần so với năm ngoái, đặc biệt là đạn pháo. Nước này cũng đang đẩy mạnh hội nhập với ngành công nghiệp vũ khí quốc tế và đã đạt thỏa thuận hợp tác với một số quốc gia và tập đoàn quốc phòng hàng đầu thế giới.
Dây chuyền sản xuất UAV của Ukraine đang được hệ thống hóa, với mục tiêu chế tạo hơn một triệu chiếc trong năm 2024.
Trong thông điệp mừng năm mới vừa qua, ông Zelensky cũng đề cập đến việc Ukraine đã gây thiệt hại lớn cho Hạm đội Biển Đen của hải quân Nga trong năm 2023.
Không quân nước này ngày 26/12 năm ngoái tuyên bố đã phóng tên lửa hành trình vào cảng Feodosia ở bán đảo Crimea, khiến tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk của Nga bị phá hủy. Kiev trước đó cũng nhiều lần tập kích các mục tiêu quân sự ở vùng lãnh thổ, khiến một số tàu quân sự của Nga bị hư hỏng nặng.
leksiy Danilov, lãnh đạo Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine (RNBO), cho biết khoảng 20% lực lượng của Hạm đội Biển Đen đã "biến mất" sau khi liên tục hứng chịu các đòn đánh của Kiev từ đầu chiến sự.
Theo giới quan sát, điều này cho thấy Ukraine đủ khả năng để gây thiệt hại lớn cho Nga dù chỉ sở hữu số lượng hạn chế tên lửa tầm xa, như dòng Storm Shadow hay ATACMS. "Nếu Ukraine được chuyển giao tên lửa có tầm bắn xa hơn nữa, họ hoàn toàn có thể hủy diệt hệ thống hậu cần của Nga", Ben Hodges, cựu tư lệnh các lực lượng Mỹ ở châu Âu, nhận định.
Một số ý kiến cũng cho rằng các đòn tập kích quy mô lớn của Nga có thể đem lại hiệu ứng tích cực cho Ukraine, khiến người dân nước này trở nên đoàn kết hơn. "Nga muốn đe dọa Ukraine bằng tên lửa và khiến mọi người chìm trong nỗi sợ hãi. Trên thực tế, mỗi một cuộc tập kích lớn từ Nga lại khiến người dân Ukraine đồng lòng hơn", nhà báo Ukraine Kristina Berdynskykh bình luận.
Dù vậy, về tổng thể, tình thế trước mắt vẫn không lạc quan với Kiev, ít nhất là tới khi viện trợ quân sự từ phương Tây được khơi thông trở lại. Theo Peter Rough, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hudson, trụ sở tại Mỹ, cuộc phản công được kỳ vọng của Ukraine đã "hoàn toàn chấm dứt" và nước này thời gian tới cần tập trung cho việc phòng thủ, hơn là tấn công.
"Nếu quốc hội Mỹ không sớm thông qua viện trợ bổ sung cho Kiev, ngay cả việc giữ vững phòng tuyến cũng là điều không dễ dàng", ông nhận định.
Phạm Giang (Theo Guardian, Foreign Policy, Newsweek)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét