Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

Thế bị động buộc Mỹ dằn mặt Houthi

Houthi nhiều tháng qua đẩy Mỹ vào thế bị động khi phải liên tục dùng tên lửa đắt tiền bắn hạ UAV giá rẻ, buộc Washington phải tung đòn tập kích răn đe.

Tổng thống Joe Biden ngày 11/1 thông báo các tàu chiến Mỹ cùng tiêm kích Anh, với sự hỗ trợ về hậu cần, tình báo của Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan, các thành viên trong liên minh Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng do Washington dẫn đầu, đã tập kích các khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát ở Yemen, nhằm "trả đũa" những cuộc tấn công liên tiếp gần đây của nhóm vũ trang vào tàu hàng ở Biển Đỏ.

"Tôi sẽ không do dự ra lệnh triển khai thêm biện pháp để bảo vệ con người và dòng chảy thương mại tại vùng biển nếu cần thiết", ông Biden khẳng định.

Houthi trước đó cho biết lực lượng này chỉ tập kích các tàu của Israel hoặc có liên hệ với Tel Aviv, nhằm gây sức ép buộc nước này ngừng chiến dịch tấn công Hamas tại Dải Gaza. Tuy nhiên, Houthi gần đây cảnh báo sẽ tấn công tất cả các nước liên quan tới liên minh quốc tế do Mỹ dẫn dầu tại Biển Đỏ.

Thế khó buộc Mỹ, Anh tập kích Houthi

Mỹ triển khai máy bay phục vụ chiến dịch tập kích Houthi ngày 11/1. Video: CENTCOM

Để đối phó với mối đe dọa từ Houthi, liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu chỉ triển khai tàu chiến, tiêm kích đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) mà nhóm vũ trang phóng, do không muốn xung đột lan rộng ở Trung Đông, cũng như lo ngại rủi ro có thể xảy ra khi phải leo thang đối đầu với Houthi.

Đây được đánh giá là chiến lược phòng thủ bị động, trong đó tàu chiến Mỹ, Anh và các nước trong liên minh thường xuyên túc trực, tuần tra trên Biển Đỏ, sử dụng hệ thống cảm biến hiện đại để phát hiện tên lửa, UAV Houthi đe dọa tàu hàng. Khi phát hiện mối đe dọa, các chiến hạm này sẽ phóng tên lửa để đánh chặn.

Mỹ dường như hy vọng việc duy trì chiến lược phòng thủ bị động này sẽ mở cánh cửa để giải quyết căng thẳng bằng con đường ngoại giao, có thể là thông qua bên thứ ba như Iran, hoặc cho đến khi Houthi tự chấm dứt các cuộc tập kích.

Tuy nhiên, kỳ vọng này sụp đổ khi Houthi hôm 9/1 tiến hành đợt tấn công lớn kỷ lục bằng tên lửa và UAV vào các tàu hàng cũng như chiến hạm Mỹ, Anh trên Biển Đỏ. Đòn tấn công này khiến Washington nhận ra rằng tình thế phòng thủ bị động của họ không chỉ gây tốn kém về chi phí, mà còn tạo nguy cơ rất lớn về khí tài và con người.

Trong vụ tập kích, nhóm vũ trang tại Yemen đã triển khai tổng cộng 21 tên lửa, UAV các loại, tất cả đều bị tiêm kích và tàu chiến của Mỹ, Anh bắn hạ.

Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết một UAV của Houthi đã lọt qua lớp phòng thủ bên ngoài và áp sát tàu chiến HMS Diamond của Anh, buộc nó phải khai hỏa pháo phòng không 30 mm trong hệ thống phòng thủ tầm cực gần để bắn hạ.

Pháo phòng không này chỉ có tầm bắn hiệu quả 1-2 km, nên nếu nó bắn trượt, tàu HMS Diamond sẽ không còn bất cứ biện pháp phòng thủ nào trước mối đe dọa.

Theo Tom Sharpe, cựu sĩ quan hải quân Anh, sự cố cho thấy các đòn tấn công của Houthi vẫn gây ra mối đe dọa nhất định đối với liên quân, bất chấp năng lực phòng thủ hiện đại mà họ sở hữu, nhất là nếu lực lượng ở Yemen triển khai vũ khí hiện đại hơn để tập kích.

"Bình thường sẽ không tàu chiến nào muốn đối mặt với đòn đánh của đối phương ở tầm gần như vậy, mà sẽ chủ động tiêu diệt mối đe dọa từ xa", Sharpe nhận định. "Nếu quả đạn là tên lửa hành trình siêu thanh hoặc tên lửa đạn đạo siêu vượt âm, mức độ nguy hiểm sẽ lớn hơn nhiều".

Tàu ngầm tên lửa hành trình của Mỹ đi qua bên dưới cầu Al Salam ở đông bắc thủ đô Cairo, Ai Cập tháng 11/2023. Ảnh: CENTCOM

Tàu ngầm tên lửa hành trình của Mỹ đi qua bên dưới cầu Al Salam ở đông bắc thủ đô Cairo, Ai Cập tháng 11/2023. Ảnh: CENTCOM

Ngay cả khi tàu chiến Mỹ và đồng minh không bị tổn hại, không phải lúc nào lực lượng này cũng phản ứng kịp thời để bảo vệ tàu hàng ở Biển Đỏ. Trên thực tế, một số tàu chở hàng đã bị UAV đánh trúng khi đi qua vùng biển này, song chưa gây thiệt hại lớn.

Chi phí để đánh chặn các đòn tấn công của Houthi cũng là vấn đề không nhỏ với liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu. Nhóm vũ trang có thể triển khai hàng chục UAV tự sát giá khoảng vài chục nghìn USD trong mỗi cuộc tập kích, trong khi tên lửa Aster mà tàu Anh dùng để bắn hạ một chiếc UAV có giá đắt gấp hàng chục lần.

Việc nạp đạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi tàu chiến Mỹ, Anh phải di chuyển quãng đường dài về bến cảng có hạ tầng thích hợp để bổ sung đạn được. Điều này sẽ để lại lỗ hổng trong lưới phòng thủ trên Biển Đen nếu không có khí tài thay thế.

"Các hệ thống phóng thẳng đứng trên tàu chiến thường không thể nạp đạn ở trên biển, mà phải quay về cảng để tiếp thêm vũ khí. Điều này về lâu dài sẽ trở nên rất tốn thời gian và tiền bạc", Sidharth Kaushal, chuyên gia hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho hay.

Theo Sharpe, hiện Anh không có tàu chiến nào ở vùng biển có thể trám chỗ trống của tàu HMS Diamond nếu nó phải quay về cảng nạp đạn. Đây cũng có thể là lý do chỉ huy tàu HMS Diamond chấp nhận mạo hiểm sử dụng pháo phòng thủ tầm cực gần bắn hạ UAV Houthi, nhằm tiết kiệm những quả tên lửa đắt tiền, giúp tàu có thể hoạt động lâu hơn trước khi phải quay về cảng.

Tàu HMS Diamond ở ngoài khơi Scotland tháng 10/2020. Ảnh: BQP Anh

Tàu HMS Diamond ở ngoài khơi Scotland tháng 10/2020. Ảnh: BQP Anh

Theo Sharpe, để tránh làm xung đột lan rộng ở khu vực, Mỹ và đồng minh cần phải tiến hành tập kích trả đũa một cách chóng vánh, tốt nhất là ngay sau khi lực lượng Houthi vừa tấn công Biển Đỏ, đồng thời nhắm chính xác vào mục tiêu quân sự của nhóm như bệ phóng tên lửa, UAV và radar, hạn chế tối đa thiệt hại ngoài dự kiến cho dân thường.

Điều này giúp liên quân chứng minh rằng họ đang tiến hành các cuộc tập kích mang tính tự vệ, chứ không có ý định châm ngòi xung đột quy mô lớn với Houthi hay gây thương vong người dân Yemen, qua đó ngăn các lực lượng hậu thuẫn Houthi như Iran có lý do để mở mặt trận mới tại Trung Đông.

"Các cuộc tập kích như vậy sẽ là đòn tấn công trực diện, bào mòn kho vũ khí và ý chí chiến đấu của Houthi, thay vì chỉ phòng thủ bị động. Kết hợp với nỗ lực ngoại giao, hoạt động giao thương tại Biển Đỏ sẽ có cơ hội được khôi phục", chuyên gia Sharpe nhận định.

Đòn tập kích vào các mục tiêu Houthi ở Yemen cho thấy lực lượng Mỹ tại Biển Đỏ có đủ năng lực để tiến hành hoạt động đáp trả một cách nhanh chóng. Năng lực trinh sát tiên tiến trên tàu chiến, tiêm kích Mỹ giúp lực lượng này có thể xác định vị trí mà Houthi đặt bệ phóng tên lửa và radar, qua đó tung các đòn đánh một cách chính xác.

Nước này có lượng lớn tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk với tầm bắn 1.600 km trang bị trên tàu chiến, tàu ngầm ở Biển Đỏ, cùng các phi đội tiêm kích hiện đại trên tàu sân bay, có thể tấn công các mục tiêu ở Yemen ngay sau khi nhận lệnh.

Hình ảnh được cho là các vụ nổ ở tỉnh Saada, phía bắc thủ đô Sanaa, ngày 12/1 sau đòn tập kích của lực lượng Mỹ, Anh nhằm vào Houthi ở Yemen. Ảnh: CNN

Hình ảnh được cho là các vụ nổ ở tỉnh Saada, phía bắc thủ đô Sanaa, ngày 12/1 sau đòn tập kích của lực lượng Mỹ, Anh nhằm vào Houthi ở Yemen. Ảnh: CNN

Theo các nguồn thạo tin, lực lượng Mỹ, Anh đã triển khai tiêm kích và tàu chiến để phóng tên lửa tập kích lực lượng Houthi, trong đó có "sứ giả chiến tranh" Tomahawk. Hàng chục mục tiêu của nhóm vũ trang đã bị bắn trúng, trong đó có hệ thống radar, kho chứa tên lửa đạn đạo và các điểm phóng tên lửa.

Bộ Quốc phòng Anh sau đó xác nhận 4 chiến đấu cơ Typhoon của nước này đã ném bom dẫn đường Paveway xuống hai vị trí phóng tên lửa, UAV của lực lượng Houthi ở tây bắc Yemen.

Trong khi đó, các quan chức Houthi cho biết đợt không kích của Mỹ và Anh nhằm vào căn cứ không quân Al-Dailami ở phía bắc thủ đô Sanaa, khu vực xung quanh sân bay quốc tế Hodeidah ở miền tây Yemen, căn cứ của lực lượng ở tỉnh miền bắc Saada, sân bay quốc tế cùng một số địa điểm ở tỉnh Taiz và sân bay ở thị trấn miền bắc Abs.

Nhóm Houthi cũng tuyên bố đã tấn công trả đũa lực lượng Anh, Mỹ trên Biển Đỏ, đồng thời cảnh báo sẽ không dừng tập kích cho tới khi các lực lượng này rời khỏi khu vực.

"Việc Mỹ, Anh tấn công lực lượng Houthi không phải là giải pháp để chấm dứt xung đột ở Biển Đỏ, nhưng là một bước quan trọng để tiến tới điều này. Dù vậy, cần phải cẩn trọng để không làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn", Sharpe nhấn mạnh.

Vị trí Biển Đỏ và các nước lân cận. Đồ họa: AFP

Vị trí Biển Đỏ và các nước lân cận. Đồ họa: AFP

Phạm Giang (Theo Telegraph, Guardian, Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét