Cuộc chạm trán căng thẳng với chiến hạm Mỹ gần Cuba năm 1962 khiến hạm trưởng tàu ngầm Liên Xô tin rằng chiến tranh đã bùng nổ và ra lệnh phóng ngư lôi hạt nhân trả đũa.
Trong cuộc họp báo thường niên tại Moskva ngày 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Tổng thống Vladimir Putin chưa bao giờ nói ra những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, trái ngược với Mỹ và châu Âu. Phát biểu được đưa ra khi ông được hỏi liệu tình hình thế giới hiện nay có căng thẳng như khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 hay không.
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khi đó, thế giới đã đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân do cuộc truy đuổi kiểu "mèo vờn chuột" giữa hải quân Mỹ và một tàu ngầm tấn công diesel - điện của Liên Xô.
Năm 1962, để đáp trả sự kiện Vịnh Con Lợn cũng như việc Mỹ đưa tên lửa đạn đạo hạt nhân tới Italy và Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô bí mật tiến hành chiến dịch Anadyr, đưa một sư đoàn bộ binh cơ giới, hai sư đoàn tên lửa phòng không, 40 tiêm kích và gần 30 bệ phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đến Cuba bằng đường biển.
Trinh sát cơ U-2 Mỹ ngày 14/10/1962 phát hiện trận địa tên lửa Liên Xô ở San Cristobal, Cuba. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ra lệnh triển khai hàng trăm tàu chiến, trong đó có 4 tàu sân bay, cùng máy bay tuần thám để phong tỏa bờ biển Cuba.
Liên Xô phản đối động thái phong tỏa của Mỹ, đồng thời tiến hành chiến dịch Kama, triển khai 4 tàu ngầm diesel - điện Đề án 641 mang số hiệu B-4, B-36, B-59 và B-130 thuộc Lữ đoàn tàu ngầm số 69 bí mật tìm đường tiếp cận cảng Mariel của Cuba.
Mỗi tàu ngầm Liên Xô tham gia chiến dịch Kama được trang bị 21 ngư lôi thông thường và một quả T-5 mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 10 km, được thiết kế để kích nổ ở độ sâu 35 m và đánh chìm các chiến hạm trong khu vực. Chưa rõ sức mạnh đầu đạn của T-5, nhưng dường như nó có thể tạo ra vụ nổ tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT.
Hạm trưởng trên 4 tàu ngầm đều có quyền tung đòn tấn công hạt nhân mà không cần xin phép lãnh đạo cấp cao của Liên Xô.
Biên đội 4 tàu ngầm Đề án 641 rời bán đảo Kola ngày 1/10/1962, âm thầm vượt qua các phi đội máy bay săn ngầm Neptune và Shackleton của NATO đang quần thảo ở Bắc Đại Tây Dương khi đó.
Tàu ngầm Đề án 641 có thể đạt tầm hoạt động 20.000 km nếu di chuyển gần mặt nước và dùng ống thở, nhưng điều này khiến chúng dễ bị đối phương phát hiện hơn.
Các tàu ngầm có thể hoạt động dưới nước trong 3-5 ngày liên tục, sử dụng ắc quy điện để bảo đảm bí mật. Con số này có thể lên tới 10 ngày nếu chấp nhận đánh đổi điều kiện sinh hoạt của thủy thủ đoàn để dành năng lượng từ ắc quy cho các hoạt động cần thiết nhất của tàu. Sau thời gian này, tàu ngầm phải nổi lên để chạy máy phát diesel và sạc điện cho ắc quy.
Trong quá trình tiếp cận Cuba, hệ thống làm mát trên các tàu ngầm bị hư hỏng do chúng không được thiết kế để hoạt động ở vùng biển ấm, khiến nhiệt độ trong khoang tàu tăng lên mức 37-60°C. Lượng khí CO2 tăng lên và nước ngọt trở nên khan hiếm, tác động đến thể lực và tâm lý thủy thủ đoàn.
Ngày 23/10/1962, phát hiện dấu hiệu tàu ngầm Liên Xô đang tìm cách tiếp cận Cuba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara cho phép tàu chiến nước này dùng bom chìm huấn luyện (PDC) để săn tìm và cảnh cáo, nhằm buộc tàu ngầm Liên Xô nổi lên.
PDC chỉ lớn bằng quả lựu đạn và mang đầu nổ rất nhỏ, thường được dùng để báo hiệu cho tàu ngầm Liên Xô rằng họ đã bị phát hiện và nên nổi lên mặt biển để nhận dạng. Washington từng báo cho Moskva về quy trình thúc đẩy tàu ngầm nổi lên, nhưng thông tin này không được chuyển tới các tàu ngầm của Lữ đoàn 69.
Sự việc nghiêm trọng nhất xảy ra ngày 27/10/1962, khi các máy bay tuần thám Mỹ khiến tàu ngầm B-59 phải vội vã lặn xuống khi chưa kịp sạc đầy ắc quy. Tàu khu trục USS Beale sau đó liên tục thả PDC để gây sức ép, trước khi 10 khu trục hạm thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Randolph tham gia truy đuổi B-59.
"Chúng tôi lúc đó giống như ngồi trong thùng sắt và có người gõ búa liên tục ở bên ngoài. Toàn bộ thủy thủ đoàn đều bị căng thẳng", Victor Orlov, sĩ quan liên lạc trên tàu ngầm B-59, kể về cuộc truy đuổi kéo dài nhiều giờ.
Hạm trưởng Valentin Savitsky quyết không cho tàu ngầm nổi lên, dù nguồn oxy bắt đầu suy giảm và nhiệt độ trong tàu có nơi lên tới 50°C, lượng dưỡng khí giảm nhanh, khiến một số thủy thủ bắt đầu bất tỉnh.
Các quả PDC được tàu chiến Mỹ thả xuống đã làm hư hỏng ăng ten liên lạc trên tàu ngầm Liên Xô, trong khi thủy thủ đoàn không thể dễ dàng phân biệt được tiếng nổ của PDC với bom chìm thực sự.
Điều này khiến hạm trưởng Savitsky tin rằng chiến tranh giữa Liên Xô và Mỹ đã bùng nổ. Ông ra lệnh cho thủy thủ đoàn chuẩn bị ngư lôi hạt nhân để tấn công tàu sân bay USS Randolph. "Có thể chiến tranh đã nổ ra ở bên ngoài khi chúng ta đang mắc kẹt ở đây. Chúng ta sẽ tấn công quyết liệt và sẵn sàng hy sinh mạng sống, không để ô danh hải quân", sĩ quan Orlov dẫn lại lời hạm trưởng Savitsky khi đó.
Chính trị viên Ivan Maslennikov cũng đồng ý với quyết định này. Trong điều kiện thông thường, sự nhất trí của thuyền trưởng và chính trị viên, hai sĩ quan hàng đầu trên tàu, là đủ để khai hỏa ngư lôi hạt nhân. Việc kích nổ ngư lôi T-5 ngoài khơi Bắc Mỹ có thể khơi mào chuỗi phản ứng trả đũa hạt nhân, đẩy thế giới đến nguy cơ hủy diệt.
Tuy nhiên, trên tàu ngầm B-59 lúc đó lại có mặt tham mưu trưởng Lữ đoàn 69 Vasili Arkhipov, người phản đối quyết định phóng ngư lôi hạt nhân. Ý kiến của ông có trọng lượng ngang với hạm trưởng và chính trị viên, dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt trong phòng chỉ huy.
Trong quá trình này, Arkhipov ra sức trấn an thuyền trưởng Savitsky và cuối cùng thành công trong việc thuyết phục sĩ quan này cho tàu ngầm B-59 nổi lên để chờ lệnh từ Moscow.
Chiến hạm và máy bay Mỹ liên tục quần thảo xung quanh tàu ngầm Liên Xô sau khi nó nổi lên. B-59 đình chỉ nhiệm vụ và quay đầu về cảng nhà. Các sự cố kỹ thuật cũng khiến tàu ngầm B-36 và B-130 phải hủy nhiệm vụ ngày 30-31/10 rồi quay về Liên Xô.
Chỉ có tàu ngầm B-4 dưới quyền hạm trưởng Rurik Ketov vượt qua được hàng rào phong tỏa của hải quân Mỹ, nhưng cũng rút lui sau đó.
Ngày 28/10/1962, Tổng thống Kennedy đạt thỏa thuận bí mật với lãnh đạo Liên Xô, đồng ý rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết không xâm lược Cuba, đổi lại Liên Xô sẽ rút vũ khí hạt nhân khỏi Cuba, chấm dứt một trong những cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất lịch sử.
"Khi nghĩ đến khủng hoảng tên lửa Cuba, đừng tưởng tượng cảnh Kennedy xem xét các lựa chọn tấn công hạt nhân từ Nhà Trắng, mà hãy nghĩ tới những thủy thủ khốn khổ trong một chiếc hộp thép dưới lòng biển, những người đang suy nghĩ có nên ra đi trong ngọn lửa hạt nhân hay không", bình luận viên quân sự Sebastien Roblin của trang War Zone nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo National Interest)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét