Đòn tập kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Houthi có thể khiến nhóm này trả đũa quyết liệt hơn, châm ngòi xung đột quy mô lớn ở Trung Đông.
Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực tìm cách kiềm chế căng thẳng lan ra khu vực Trung Đông. Nhưng đòn tập kích tên lửa do Mỹ và đồng minh thực hiện nhắm vào loạt mục tiêu của nhóm Houthi ở Yemen hôm 11/1 có nguy cơ đẩy khủng hoảng lên một mức nguy hiểm mới.
Suốt nhiều tháng, các quan chức hàng đầu Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh Tổng thống Biden không muốn chứng kiến cuộc chiến ở Dải Gaza leo thang thành xung đột lớn hơn ở Trung Đông. Đây là thông điệp trọng tâm mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken truyền tải trong tuần qua, khi ông thực hiện chuyến công du thứ tư tới khu vực kể từ khi giao tranh Israel - Hamas nổ ra.
"Chúng tôi muốn tránh leo thang ở Biển Đỏ", Ngoại trưởng Mỹ nói tại Cairo hôm 11/1, khi được hỏi về những nỗ lực của ông nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng.
Nhưng chỉ vài giờ sau, Mỹ xác nhận đã cùng Anh và một số quốc gia đồng minh tiến hành cuộc tập kích tên lửa vào loạt mục tiêu của Houthi ở Yemen, nhằm đáp trả các cuộc tấn công tàu hàng mà nhóm này thực hiện trên Biển Đỏ suốt nhiều tuần qua.
Chính quyền Biden tuyên bố đòn tập kích nhằm gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Houthi, sau nhiều lần phát cảnh báo qua kênh ngoại giao bất thành. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hành động này đi ngược lại mục tiêu đã nêu của Washington là giảm leo thang, đồng thời không thể tháo gỡ căng thẳng giữa Israel và Hamas, nguyên nhân sâu xa khiến khủng hoảng gia tăng.
"Nó trái ngược với những gì chính quyền Mỹ đã nói, nhưng là điều khó tránh khỏi", Hassan El-Tayyab, chuyên gia về chính sách Trung Đông tại Washington, nhận xét. "Giới quan sát đều biết việc xung đột ở Gaza lan ra khắp khu vực chỉ là vấn đề thời gian. Và chúng ta đang thấy điều đó không chỉ ở Biển Đỏ mà còn ở Lebanon, Syria và Iraq".
Hugh Lovatt, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, trụ sở tại Berlin, Đức, có chung nhận định. Theo ông, Washington muốn chứng tỏ rằng họ sẵn sàng ngăn chặn các hành động khiêu khích, nên đã bố trí các tàu sân bay và chiến đấu cơ tại khu vực để đáp trả nhanh chóng. Nhưng lập trường này cũng khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn.
"Nếu không có một lệnh ngừng bắn ở Gaza, mọi chuyện khó lòng tốt lên được. Nồi nước đang sôi sùng sục và mọi chuyện sẽ chỉ ngày càng tệ hơn theo thời gian. Đây thực sự là thời điểm rất nguy hiểm", El-Tayyab nói.
Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn và đang kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở Yemen, trong đó có bờ biển phía tây nhìn ra eo biển Bab al-Mandeb, dẫn tới Biển Đỏ. Nhóm này bắt đầu phóng tên lửa vào Israel và dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ ngay sau khi chiến sự ở Gaza bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái.
Houthi tuyên bố họ nhắm mục tiêu vào các tàu liên quan tới Israel để bày tỏ đoàn kết với Hamas và gây áp lực buộc Tel Aviv chấm dứt chiến dịch quân sự ở Gaza, cũng như cho phép vận chuyển nhiều hàng viện trợ nhân đạo hơn vào dải đất.
Các cuộc tấn công do Houthi thực hiện ở Biển Đỏ, tuyến vận chuyển quan trọng mà khoảng 12% lượng hàng hóa thương mại toàn cầu đi qua, ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của các công ty vận tải biển.
Giữa tháng 12, Washington thành lập một lực lượng đa quốc gia nhằm bảo vệ "tự do hàng hải" ở Biển Đỏ, và trong hai tuần, lực lượng Mỹ đã đánh chìm 3 xuồng của Houthi, khiến 10 tay súng thiệt mạng.
Các lãnh đạo Mỹ và Anh mô tả cuộc tập kích Houthi là một thành công, nhưng giới phân tích cho rằng đó là bằng chứng về thất bại của Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn xung đột lan ra khu vực.
Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang tìm kiếm "giải pháp nhanh chóng cho các cuộc xung đột lâu dài, đã có từ lâu" ở Trung Đông, Baraa Shiban, chuyên gia từ Viện nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh, nhận xét.
"Họ thiếu tư duy chiến lược và việc không đầu tư tâm sức cho vấn đề, về mặt nào đó, có thể tạo cơ hội cho Houthi", ông nói.
Laurent Bonnefoy, nhà nghiên cứu nghiên cứu về Yemen tại tổ chức Sciences Po ở Paris, đánh giá đòn tập kích do Mỹ và đồng minh tiến hành nhắm vào Yemen chính là điều mà Houthi đang tìm kiếm.
"Houthi đang đạt được những gì họ muốn, chứng tỏ bản thân là lực lượng táo bạo nhất trong khu vực khi đối đầu với liên minh các cường quốc, vốn phần lớn ủng hộ Israel", ông cho hay. "Điều này củng cố hình ảnh của Houthi, tạo ra một số động lực hỗ trợ cho họ trên phạm vi quốc tế cũng như trong nội bộ Yemen".
Một số quốc gia ở Trung Đông đã bày tỏ hoài nghi hoặc lên án cuộc tập kích. Arab Saudi, đối tác thân cận của Mỹ trong khu vực, đã cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng. Bộ Ngoại giao Arab Saudi cho biết họ đang "theo dõi chặt chẽ" các diễn biến "với mối quan ngại sâu sắc".
Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi nói rằng cuộc tập kích "đi ngược lại lời khuyên của chúng tôi và sẽ chỉ đổ thêm dầu vào tình hình đang cực kỳ nguy hiểm".
"Tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tập trung vào lệnh ngừng bắn ở Gaza", ông cho hay.
"Người dân Yemen trên khắp đất nước vừa tỉnh giấc với nỗi lo sợ xung đột quay lại", Jared Rowell, giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế tại Yemen, cho biết trong tuyên bố hôm 12/1. "Cuộc tập kích của Mỹ, Anh làm bật lên nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu khu vực và quốc tế sâu rộng hơn".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh cuộc tập kích nhằm "phá vỡ và làm suy yếu năng lực của Houthi". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Washington thậm chí khó đạt được mục tiêu này.
Trong cuộc nội chiến gần 10 năm qua ở Yemen, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã đối đầu với liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu. Arab Saudi mở chiến dịch ở Yemen nhằm đẩy lùi Houthi khỏi thủ đô Sanaa và khôi phục chính quyền được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang sống lưu vong
Ibrahim Jalal, nhà phân tích của Viện Trung Đông, mô tả Houthi là lực lượng vũ trang linh hoạt, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu sau khi đối phó với hàng nghìn cuộc không kích từ Arab Saudi.
"Houthi có rất ít cơ sở quân sự cố định, quy mô lớn mà thay vào đó, họ sử dụng các bệ phóng di động cho tên lửa và UAV, ẩu náu trong mạng lưới đường hầm và hang động, khiến việc nhắm mục tiêu vào họ trở nên phức tạp hơn", ông giải thích.
Cuộc tập kích hôm 11/1 "phần lớn chỉ mang tính biểu tượng" và không có nhiều tác động răn đe, Jalal nhận định.
"Houthi có quá ít thứ để mất nhưng lại có quá nhiều thứ đạt được", ông nói.
Xung đột ở Gaza đã giúp nhóm tự định vị mình là lực lượng bảo vệ chính nghĩa cho người Palestine trong khu vực, giành được ủng hộ từ một nhóm công chúng nhất định cả trong và ngoài Yemen.
Theo ông, thách thức mà Houthi đặt ra với Mỹ hiện nay một phần là hệ quả từ việc "quản lý yếu kém" của phương Tây đối với xung đột Yemen.
"Trước đây, Mỹ cảm thấy ổn với lực lượng được Iran hậu thuẫn này vì họ nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề của Yemen, một vấn đề của khu vực. Tính toán sai lầm đó đưa chúng ta tới bối cảnh hiện nay", Jalal lưu ý.
Theo Maysaa Shuja al-Deen, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Sanaa, Yemen, kể từ khi Houthi mới khởi đầu là một phong trào thanh niên ở miền bắc đất nước cách đây nhiều thập kỷ, họ đã định vị mình không chỉ là một lực lượng địa phương.
"Họ có tham vọng trở thành một thế lực trong khu vực", bà nói.
Giờ đây, khi Houthi đối đầu trực tiếp với Mỹ và các đồng minh, mong muốn của họ đã thành hiện thực. Họ đã chứng minh được khả năng tấn công các mục tiêu vượt xa biên giới Yemen và khiến Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, phải chú ý.
"Houthi chắc chắn sẽ trả đũa", Shuja al-Deen cho hay. "Và họ có khả năng này".
Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành Viện Quản lý Nhà nước Trách nhiệm Quincy, tổ chức tư vấn ở Washington, đánh giá các cuộc tập kích ở Yemen còn là bằng chứng cho thấy Mỹ và Anh đã thất bại như thế nào trong việc thuyết phục Israel chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza.
"Câu hỏi cần được đặt ra là tại sao Mỹ và Anh lại chọn cách leo thang căng thẳng bằng hành động quân sự, về cơ bản là nhằm ngăn chặn Houthi tấn công tàu, thay vì thực sự theo đuổi giải pháp ngừng bắn ở Gaza", ông nói.
Theo Parsi, một lệnh ngừng bắn ở Gaza sẽ chấm dứt thảm cảnh với người Palestine, giúp đảm bảo việc thả các tù nhân Israel bị bắt giam, đồng thời ngăn chặn các cuộc tập kích vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, vốn cũng đã leo thang kể từ đầu tháng 10.
"Chiến lược của chính quyền Biden là cố gắng giảm leo thang bằng cách leo thang", ông nhận xét. "Và rõ ràng là nó không có tác dụng về lâu dài, bởi vì Houthi nhiều khả năng sẽ không lùi bước".
Chuyên gia về Trung Đông El-Tayyab có chung nhận định, nhấn mạnh gia tăng hành động quân sự "không bao giờ là câu trả lời".
"Họ nên cố gắng chấm dứt giao tranh ở Gaza vì lợi ích của chính mình, bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đang diễn ra tại đây", ông nói, đề cập đến tình trạng người Palestine phải sơ tán hàng loạt và nguy cơ về nạn đói trong khu vực.
"Lệnh ngừng bắn ở Gaza còn có tác dụng dây chuyền làm giảm leo thang và bạo lực ở eo biển Bab al-Mandeb, ở Lebanon, từ đó đảm bảo an toàn cho tất cả người dân trong khu vực, cũng như đảm bảo lợi ích của Mỹ ở nước ngoài", El-Tayyab nói. "Thực sự, cách duy nhất để xử lý đống hỗn độn này là con đường ngoại giao".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Al Jazeera, AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét