Những hệ thống tác chiến điện tử hiện đại của Nga đang trở thành mối đe dọa lớn, cản trở nỗ lực tấn công của Ukraine.
Không quân Ukraine cho biết Nga ngày 8/1 triển khai 24 tên lửa hành trình Kh-101/555 và 8 tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-22 phóng từ oanh tạc cơ chiến lược, 4 quả đạn siêu vượt âm Kinzhal, 13 tên lửa đạn đạo Iskander-M và phòng không hoán cải S-300, cùng 8 máy bay không người lái (UAV) tự sát kiểu Shahed-136/131 nhằm vào nước này.
Đây là cuộc tấn công mới nhất trong loạt vụ tập kích quy mô lớn mà Nga tiến hành nhắm vào Ukraine trong hai tuần qua, trong đó có cuộc không kích lớn chưa từng thấy hôm 29/12 khiến ít nhất 30 người ở Kiev thiệt mạng.
Số lượng các cuộc không kích kỷ lục vào Ukraine cũng khắc họa những khó khăn mà Kiev phải đối mặt trên mặt trận tác chiến điện tử nhằm gây nhiễu và làm chệch hướng UAV, tên lửa dẫn đường Nga. Kể từ khi chiến sự nổ ra, hai bên đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống tác chiến điện tử nhằm vô hiệu hóa khí tài trên không của nhau, song Nga dường như vẫn chiếm ưu thế.
Mykola Kolesnyk, chỉ huy một đơn vị UAV Ukraine, cho biết các cuộc đối đầu với Nga về tác chiến điện tử diễn ra ác liệt và không ngừng nghỉ. Ông mô tả những biện pháp tác chiến điện tử này như "chiếc kéo vô hình cắt đứt kết nối của thiết bị điều khiển từ xa", vốn ngày càng trở nên phổ biến trên chiến trường.
Ukraine và Nga sử dụng hàng chục nghìn UAV mỗi tháng. Cả hai bên đều tăng cường sử dụng những chiếc UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) giá rẻ và sẵn có trên thị trường để tung đòn tấn công tự sát vào khí tài, hạ tầng đối phương.
UAV FPV là loại vũ khí có thể điều khiển từ xa bằng tay cầm và một bộ thiết bị đeo trên đầu, giúp người sử dụng có góc nhìn chân thực giống như phi công đang ngồi trong buồng lái, giúp tăng độ chính xác và hiệu quả của đòn đánh. Chúng được chế tạo từ các linh kiện giá rẻ và có thể lắp ráp ngay trên chiến trường, có tầm hoạt động hàng chục km, giúp hạn chế thương vong với người điều khiển.
"Người Nga gần đây sản xuất chúng nhiều đến mức trở thành một mối đe dọa lớn. Việc sử dụng ồ ạt UAV ở đây là điều mới mẻ, nên tác chiến điện tử ngày càng quan trọng", đại tá Ivan Pavlenko, chỉ huy đơn vị tác chiến điện tử và chiến tranh mạng thuộc Bộ Tổng tham mưu Ukraine, nói.
Ông Pavlenko kêu gọi các đồng minh của Ukraine tăng cường viện trợ để giúp họ có khả năng "chế áp hoặc đánh lạc hướng" hệ thống dẫn đường vệ tinh (GNSS) của UAV và tên lửa dẫn đường Nga.
"Việc cung cấp cho Ukraine đủ số lượng thiết bị gây nhiễu GNSS hoặc ít nhất là những bộ khuếch đại tín hiệu có thể giúp chống lại các cuộc tập kích của họ", ông nói.
Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đòi hỏi nhiều linh kiện công nghệ cao như bộ khuếch đại, bộ tổng hợp tín hiệu và phần mềm. Do đó, ông cho rằng điều quan trọng là đồng minh phương Tây phải áp đặt hạn chế để ngăn Nga tiếp cận những công nghệ này.
Việc sử dụng phổ biến UAV trên chiến trường là một trong nhưng x lý do khiến chiến dịch phản công của Ukraine trong năm qua không đạt được kỳ vọng. Nó cũng giải thích tại sao cuộc chiến trên bộ hiện nay giữa Nga và Ukraine lâm vào bế tắc. Bất kỳ nhóm xe tăng, xe bọc thép nào xuất kích cũng có thể bị UAV phát hiện và tiêu diệt chỉ trong vài phút.
Nga ngày càng tăng cường tác chiến điện tử để đối phó các loại đạn dẫn đường tầm xa mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, như rocket HIMARS và đạn pháo Excalibur. Moskva cũng sử dụng năng lực này để gây nhiễu hoặc đánh lừa hệ thống phòng không Ukraine, theo Pavlenko.
Ban đầu, Ukraine nhận thấy đạn pháo Excalibur dẫn đường bằng GPS chệch mục tiêu. Sau đó, rocket từ hệ thống HIMARS, mà Ukraine từng khoe có độ chính xác "tuyệt vời", cũng không thể bắn trúng mục tiêu. Điều tương tự cũng xảy ra với những quả bom dẫn đường JDAM mà Mỹ cung cấp.
Nguyên nhân nằm ở mạng lưới thiết bị gây nhiễu tín hiệu vô tuyến, hồng ngoại và radar được Nga triển khai dọc theo tiền tuyến, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Kiev, theo Joe Barnes, nhà phân tích của Telegraph.
"Họ có hệ thống tác chiến điện tử tốt ngay từ đầu cuộc chiến, giờ nó còn vượt trội hơn", một binh sĩ Ukraine nói.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết các hệ thống tác chiến điện tử lớn được Nga triển khai dày đặc ở tiền tuyến, mỗi tổ hợp cách nhau khoảng 10 km. Đài gây nhiễu Shipovnik-Aero, một trong những hệ thống uy lực nhất của Nga ở Ukraine, cũng tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong việc vô hiệu hóa UAV.
Tổ hợp này có thể nhận diện mục tiêu và gây gián đoạn tín hiệu điều khiển, thậm chí chiếm quyền kiểm soát phi cơ chỉ trong 25 giây, đồng thời xác định tọa độ kíp vận hành UAV của đối phương với sai lệch chỉ một mét để chỉ điểm tọa độ cho pháo binh.
Trong khi đó, nhiều binh sĩ Ukraine than phiền về tình trạng thiếu lá chắn tác chiến điện tử để bảo vệ họ sau nhiều tuần bị Nga bắn phá dữ dội ở mặt trận miền đông. Nếu không có lá chắn này, lực lượng Ukraine có thể dễ dàng trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công bằng pháo binh dẫn đường, UAV tự sát của Nga.
"Tác chiến điện tử là gì? Chúng tôi không có. Tôi thậm chí không muốn nhớ lại những ngày ở chiến hào, khi đồng đội của tôi liên tiếp ngã xuống", binh sĩ này nói.
Tướng Valery Zaluzhny, tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, hồi tháng 11/2023 cảnh báo tác chiến điện tử là "chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến UAV" và phá vỡ thế bế tắc dọc tiền tuyến.
"Chúng tôi cũng cần tiếp cận nhiều hơn với thông tin tình báo điện tử từ các đồng minh và mở rộng sản xuất các hệ thống tác chiến điện tử chống UAV ở Ukraine và nước ngoài", ông cho hay.
"Tác chiến điện tử là một phần quan trọng trong các cuộc chiến hiện đại và người Nga đã có lợi thế đáng kể trong suốt xung đột", Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện RUSI ở Anh, nói. "Họ có thể triển khai hệ thống tác chiến điện tử ở hầu hết mặt trận".
Hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của Nga có thể được bố trí linh hoạt trên mặt đất, trên các tòa tháp, hoặc gắn lên xe tải. Nó có thể gây nhiễu trong khu vực có phạm vi khoảng 150 km. Hệ thống Murmansk sử dụng ăng ten dài 32 m và có thể được gắn trên xe bọc thép.
Tuy nhiên, Ukraine cũng đã phát hiện một số điểm yếu trong hệ thống tác chiến điện tử và phòng không của Nga, cho phép UAV của họ tấn công các căn cứ, kho bãi và mục tiêu quân sự khác nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Trước khi tiến hành cuộc tập kích tên lửa tầm xa vào Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol hồi đầu năm ngoái, lực lượng Ukraine đã vô hiệu hóa hệ thống tác chiến điện tử gắn trên giàn khoan dầu của Nga. Cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea là một trong những nơi được bảo vệ bằng hệ thống tác chiến điện tử nhiều nhất trong cuộc chiến với Ukraine.
Kiev cho biết đã cải thiện khả năng tác chiến điện tử nhờ những hệ thống tự sản xuất cũng như công nghệ do phương Tây cung cấp.
Hệ thống Bukovel gắn trên xe có thể phát hiện, gây nhiễu UAV cũng như vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh Glonass của Nga. Ukraine cũng được cho là đã sản xuất hệ thống mới có tên Pokrova với khả năng chặn tín hiệu dẫn đường của tên lửa.
Pavlenko khoe rằng hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine đã ngăn chặn các UAV của Nga như Orlan và khiến chúng bay trở lại Nga. Ông cho biết Ukraine có thể trở thành trung tâm thử nghiệm công nghệ tác chiến điện tử, dù thừa nhận một số quân đội phương Tây không muốn chia sẻ công nghệ với Kiev.
"Phần mềm của bất kỳ thiết bị công nghệ cao nào cũng có thể bị can thiệp và gây nhiễu. Đây chính là tương lai. Tác chiến điện tử là lĩnh vực đầy hứa hẹn và liệu còn nơi nào tốt hơn Ukraine để thử nghiệm chúng?", ông nói.
Thanh Tâm (Theo FT, Telegraph, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét