Mỹ cùng đối tác tấn công radar và hệ thống quang học, đóng vai trò như tai mắt để Houthi tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ, song khó có thể xóa sổ năng lực này.
Vài giờ sau khi Mỹ tung đòn không kích phủ đầu nhằm vào vị trí Houthi triển khai 4 tên lửa đạn đạo chống hạm hôm 16/1, lực lượng này phản ứng bằng cách phóng tên lửa tập kích tàu hàng Zografia trên Biển Đỏ. Giới chuyên gia cho rằng đây là bằng chứng cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm vô hiệu hóa năng lực nhắm mục tiêu của Houthi không mấy hiệu quả.
Quân đội Mỹ và Anh gần đây mở một số đợt không kích nhằm vào đài radar, hệ thống phòng không, kho và bãi phóng máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Houthi. Khu trục hạm USS Carney ngày 13/1 dùng tên lửa Tomahawk tấn công trận địa radar của Houthi, song Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) không thông báo hiệu quả của chiến dịch.
"Những vụ không kích này chủ yếu nhằm làm suy yếu hệ thống ngắm mục tiêu của Houthi", Brian Carter, chuyên gia thuộc Dự án Các mối đe dọa nghiêm trọng của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định. "Mỹ và đồng minh rất khó xóa sổ hệ thống cảm biến lẫn cơ cấu chỉ huy và kiểm soát của Houthi".
Theo ông Carter, yếu tố địa hình tại Yemen là một trong những thách thức chính. Khác với địa hình bằng phẳng ở nhiều nước Trung Đông, Yemen có khu vực miền tây và miền trung nhiều đồi núi, có những ngọn núi cao gần 2.000 m.
Khu vực này tiếp giáp với vùng đồng bằng ven Biển Đỏ tại miền tây Yemen, mang lại lợi thế cho các hệ thống radar và quang học bố trí tại đây. Trong khi đó, các thung lũng trên dãy Haraz và khu vực lân cận là nơi ẩn náu tốt hoặc vị trí khó bị nhắm mục tiêu cho các đài radar tĩnh lẫn tổ hợp di động.
Lực lượng Houthi đang kiểm soát những khu vực nói trên. "Đối với CENTCOM, điều quan trọng là địa hình tại Yemen khó khăn thế nào và lực lượng Houthi có bao nhiêu chỗ ẩn náu. Mỹ có thể làm suy giảm một chút mối đe dọa từ tên lửa và UAV của Houthi, song không thể loại bỏ hoàn toàn, cũng như gặp khó khăn trong việc ngăn Houthi mở các đợt tập kích tiếp theo", Carter nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng với sự hỗ trợ của Iran, Houthi đã sở hữu radar giám sát biển, cũng như năng lực trinh sát, giám sát và nhắm mục tiêu nhất định để điều khiển UAV hoặc tên lửa tấn công mục tiêu trên Biển Đỏ.
Trong số vũ khí mà Houthi dùng để tập kích tàu hàng có UAV với hệ thống quang điện có thể phát hiện và truyền về tọa độ của tàu hàng hoặc chiến hạm hoạt động gần bờ biển Yemen. Houthi cũng có thể nhận thông tin từ các tàu dân sự dùng để trinh sát trong khu vực, vốn có kích thước nhỏ, hoạt động ở mọi nơi và khó phân biệt với tàu thuyền thông thường.
Thông tin từ các nguồn mở như Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS), dùng để xác định vị trí tàu thuyền trên biển, có thể được Houthi tận dụng cho các đợt tập kích. Dù các tàu có thể tắt AIS khi đi qua eo biển Bal el-Mandeb hoặc Biển Đỏ, thông tin công khai vẫn phần nào giúp xác định vị trí các phương tiện này.
Ngoài ra, tàu chở hàng Behshad của Iran đang neo đậu tại Biển Đỏ bị nghi là căn cứ trinh sát và chỉ huy tiền phương của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tàu Behshad có thể thu thập thông tin về các phương tiện qua khu vực và chuyển cho Houthi để họ xác định mục tiêu. Nhiều tàu khác của Iran trên Biển Đỏ, vịnh Aden và eo biển Hormuz được cho làm cùng nhiệm vụ như Behshad.
"Khi Mỹ tập kích các vị trí triển khai radar tại Yemen, tàu Behshad có thể cung cấp thông tin mục tiêu ở mức nào để hỗ trợ hoạt động của Houthi", chuyên gia Carter nói. Theo chuyên gia này, IRGC đã cử chuyên gia tới Yemen để hỗ trợ hoạt động của Houthi và những người này có thể giúp họ nhắm mục tiêu.
Việc chưa xác định được trong kho của Houthi có bao nhiêu UAV và tên lửa có thể dẫn đường bằng radar di động hoặc cảm biến khác càng làm phức tạp thêm nhiệm vụ xóa sổ năng lực tập kích tàu hàng của họ. Houthi có thể dễ dàng giấu số UAV và tên lửa này ở khu vực đồi núi, rồi nhanh chóng tái triển khai chúng cho đòn tấn công.
Theo chuyên gia Carter, Houthi cần triển khai, kích hoạt các tổ hợp radar và bệ phóng đúng chỗ, đúng lúc để nhắm mục tiêu hiệu quả các tàu đang di chuyển trên biển. Một số tên lửa với hệ thống dẫn đường khá phức tạp vẫn cần tọa độ cơ sở để hoạt động.
"Liên quân có thể đánh trúng những mục tiêu này, song không thể ngăn Houthi tái triển khai chúng. Phải tập kích các mục tiêu đó của Houthi trong bao lâu? Tần suất các đợt tập kích là hai, ba hay 4 ngày mỗi lần? Nếu dừng tấn công, tôi cho rằng Iran sẽ giúp lực lượng Houthi khôi phục những khí tài này", Carter nói.
Chi phí đánh chặn các đợt tập kích của Houthi đang gia tăng. Trong khi đó, ngành vận tải đối mặt việc chi phí hành trình và thời gian tăng lên đáng kể khi các tàu hàng phải chọn tuyến đường xa hơn thay vì đi qua Biển Đỏ. Bất chấp tình trạng này, Mỹ không tấn công tàu Behshad hay các nguồn chi viện từ Iran cho Houthi.
Theo chuyên gia Carter, Mỹ đang cố gắng tiến hành các đợt không kích chính xác nhằm làm suy yếu năng lực của Houthi mà không đe dọa khả năng kiểm soát Yemen của nhóm này, nhằm tránh tạo lỗ hổng quyền lực khiến các nhóm vũ trang cực đoan trỗi dậy. Động thái này có lẽ cũng nhằm tránh làm đảo lộn các cuộc đàm phán hòa bình do Arab Saudi làm trung gian giữa lực lượng Houthi và chính phủ Yemen được quốc tế công nhận.
"Điều này thực sự thu hẹp danh sách mục tiêu. Nếu muốn Houthi thiệt hại nặng, Mỹ phải nhắm vào các địa điểm vừa có thể dùng để mở những đợt tập kích nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ, lại vừa là nơi Houthi có thể mở chiến dịch tiến công đối phương", Carter cho biết.
"Arab Saudi vẫn muốn các bên tham chiến tại Yemen thông qua thỏa thuận hòa bình. Tấn công các địa điểm nói trên có thể khiến lực lượng Houthi tức giận và làm sụp đổ thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen, vốn là ưu tiên thực sự của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden", chuyên gia này giải thích.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes, Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét