Mỹ nói bất kỳ cuộc tấn công trong không gian nào sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ với Nhật Bản, khi Trung Quốc gia tăng áp lực trong khu vực.
Vài tuần sau khi thông qua kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã cử Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng tới Washington để đàm phán về cập nhật mới trong liên minh.
Trong cuộc họp ngày 11/1, Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi nói hai nước có cùng tầm nhìn về một "liên minh hiện đại hóa để thắng thế trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới". Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken "đồng ý rằng Trung Quốc là thách thức chiến lược chung lớn nhất".
Trong bối cảnh lĩnh vực vệ tinh của Bắc Kinh nhanh chóng đạt được những thành quả tiến bộ, ông Blinken tuyên bố Washington và Tokyo đã đồng ý rằng "các cuộc tấn công đến, từ hoặc trong không gian" có thể kích hoạt Điều 5 trong hiệp ước phòng thủ chung, trong đó cuộc tấn công một phía có thể xem là tấn công vào cả hai phía.
Mỹ cũng tuyên bố sẽ triển khai Trung đoàn Thủy quân Lục chiến Ven Biển trên đảo Okinawa phía nam Nhật bản, có vị trí chiến lược gần Đài Loan, từ năm 2025, thay thế một trung đoàn pháo binh hiện có. Đây là đơn vị phản ứng nhanh, có thể gia tăng khả năng phòng thủ trên biển và trên không.
"Điều này sẽ đóng góp quan trọng cho nỗ lực bảo vệ Nhật Bản của Mỹ, đồng thời thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở hơn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói.
Nhật Bản có khoảng 55.000 lính Mỹ đồn trú, chủ yếu gồm hải quân và thủy quân lục chiến. Đảo Okinawa, nơi tập trung đến 70% căn cứ trên bộ của Mỹ tại Nhật Bản, đang cảm nhận ngày một rõ những thay đổi trong tư duy chiến lược mới của Lầu Năm Góc, trong đó đánh giá lại cách bố trí lực lượng quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mục tiêu của Mỹ là sở hữu lực lượng viễn chinh liên quân linh hoạt rải khắp khu vực, khiến đối phương khó tấn công bằng một đòn chí tử, nhưng vẫn bố trí đủ gần những khu vực trọng yếu.
Hai nước đưa ra cam kết mới không lâu sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ký kết Thỏa thuận Tiếp cận Song phương (RAA) với Anh, trong chuyến thăm London ngày 11/1, trong đó cho phép hai nước triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau.
Chuyến thăm Anh của Thủ tướng Kishida nằm trong chuỗi công du 5 nước thành viên G7, trong đó có Pháp, Italy, Canada và Mỹ. Nhật Bản đang giữ ghế chủ tịch nhóm G7. Ông Kishida sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/1.
Chính phủ Nhật Bản tháng 12/2022 thông qua kế hoạch xây dựng quốc phòng trị giá 320 tỷ USD, lớn nhất từ Thế chiến II, nhằm đối phó với "hàng loạt thách thức an ninh".
Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Nhật Bản phần lớn ủng hộ bước thay đổi này, nhưng chúng vẫn có thể gây tranh cãi vì hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản yêu cầu quân đội chỉ tiến hành các hoạt động mang tính tự vệ. Chính quyền Thủ tướng Kishida đang nỗ lực diễn giải lại hiến pháp để tăng cường năng lực tấn công cho lực lượng vũ trang.
Đức Trung (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét