Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Phương Tây chạy đua giúp Ukraine củng cố lá chắn UAV

Phương Tây nỗ lực chuyển giao khí tài, phát triển công nghệ để giúp Ukraine củng cố hệ thống phòng không "chắp vá" trước mối đe doạ từ UAV Nga.

Hơn ba tháng từ khi Nga bắt đầu sử dụng ồ ạt máy bay không người lái (UAV) tự sát tập kích cơ sở hạ tầng chiến lược của Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang phải chạy đua vượt qua nhiều thách thức để có thể giúp Kiev chống lại mối đe dọa từ chúng.

Lầu Năm Góc hồi tháng 8 năm ngoái thông báo sẽ cung cấp hệ thống chống UAV mang tên Vampire cho Ukraine, nhưng đến tận giữa tháng 12 mới phê duyệt hợp đồng trị giá 40 triệu USD cho vũ khí này. Phải đến giữa năm 2023, 4 tổ hợp Vampire đầu tiên mới có thể được chuyển giao cho Ukraine và thêm 10 hệ thống vào cuối năm.

Các binh sĩ Ukraine phóng một UAV về phía lực lượng Nga ở Bakhmut, miền đông nước này, hồi tháng 12/2022. Ảnh: AP.

Binh sĩ Ukraine phóng một UAV về phía lực lượng Nga ở Bakhmut hồi tháng 12/2022. Ảnh: AP.

Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu lý do họ mất nhiều thời gian như vậy để phê duyệt thỏa thuận chuyển Vampire cho Ukraine. Luke Savoie, giám đốc phụ trách kinh doanh thiết bị tình báo, giám sát và trinh sát tại L3Harris Technologies, công ty sản xuất Vampire, cho rằng vấn đề nằm ở khâu thủ tục, giấy tờ.

Thỏa thuận cung cấp hệ thống Vampire cho thấy Washington và các đồng minh đang nỗ lực giúp Kiev củng cố lá chắn phòng không để chống lại mối đe dọa từ UAV Nga.

"Tôi nghĩ Ukraine cần rất nhiều hệ thống như Vampire để triển khai đến tất cả mặt trận", Sam Bendett, chuyên gia về UAV tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), Mỹ, cho hay. "Họ sẽ cần bố trí hàng trăm hệ thống xung quanh các thành phố lớn, cơ sở quân sự quan trọng, các căn cứ quân sự, cơ sở hạ tầng thiết yếu và những nơi tương tự".

Vampire sử dụng các cảm biến độ nét cao để theo dõi mối đe dọa trên không, trong đó có cả UAV, rồi đánh chặn chúng bằng đạn dẫn đường bằng laser. Theo L3Harris, hệ thống này được thiết kế rất nhỏ gọn, để vừa ngay cả trên thùng xe bán tải.

Dù vậy, quá trình chuyển giao Vampire chậm chạp cũng cho thấy phương Tây đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong nỗ lực giúp Ukraine sở hữu hệ thống phòng không hiệu quả, nhanh chóng.

Ukraine đã đạt một số thành công trong nỗ lực bắn hạ UAV, song đến nay chưa sở hữu hệ thống nào mang đến khả năng phòng thủ toàn diện. Ukraine cho rằng Nga đã sử dụng UAV Shahed-136 giá rẻ do Iran sản xuất để tập kích ồ ạt các mục tiêu quân sự, cơ sở hạ tầng dân sự từ tháng 9 năm ngoái.

Để đối phó với UAV, quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng tên lửa đất đối không, không đối không, pháo phòng không và cả hệ thống tên lửa vác vai, theo Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, trụ sở ở London.

Hồi đầu tháng một, các quan chức Ukraine cho biết họ đã bắn hạ UAV bằng NASAMS, hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không hiện đại do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, đạn đánh chặn của NASAMS lại quá đắt để đánh chặn UAV, khiến phương án này thiếu bền vững.

Theo Bendett, UAV mà Nga đang sử dụng ở Ukraine có giá rất rẻ vì hầu hết các bộ phận của chúng đều có thể dễ dàng được mua trên thị trường. Khi sử dụng chúng thay cho các tên lửa hành trình đắt tiền, Nga có thể giảm đáng kể chi phí trên chiến trường. "Nếu chi phí tấn công thấp hơn phòng thủ, áp lực sẽ dồn lên đối phương", ông nói.

Tại một hội nghị về UAV hồi tháng trước, Richard Ast, giám đốc công nghệ không người lái từ ban nghiên cứu và kỹ thuật trực thuộc Lầu Năm Góc, cho biết đơn vị của ông đang cố gắng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Ông đặc biệt cảnh báo về nguy cơ từ những UAV tự động được triển khai với số lượng lớn.

Các quan chức Mỹ và NATO từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những hệ thống chống UAV khác mà họ đang tìm cách chuyển cho Ukraine.

Scott Crino, người sáng lập công ty tư vấn Red Six Solutions, cho hay Mỹ đang tập trung phát triển công nghệ laser và vi sóng công suất cao để tiêu diệt UAV cỡ nhỏ, nhưng các vũ khí này chưa đủ năng lực để chống lại mẫu UAV tự sát cỡ lớn như Shahed-136.

Hệ thống chống UAV Vampire của Mỹ đặt trên thùng xe bán tải. Ảnh: L3Harris Technologies.

Hệ thống chống UAV Vampire của Mỹ đặt trên thùng xe bán tải. Ảnh: L3Harris Technologies.

Giải pháp hứa hẹn nhất là tác chiến điện tử, gây nhiễu tín hiệu vô tuyến điều khiển UAV hoặc hệ thống định vị vệ tinh của nó. Tuy nhiên, theo Crino, Shahed-136 sử dụng ăng-ten chống nhiễu, khiến biện pháp tác chiến điện tử giảm hiệu quả.

Các công ty an ninh tư nhân Mỹ cho biết họ đang coi những mẫu UAV tự sát cỡ lớn như Shahed-136 là mục tiêu trong kế hoạch phát triển các biện pháp đối phó.

Bill Haraka, phó chủ tịch quốc phòng và an ninh từ Robin Radar Hà Lan, cho biết công ty ông đang tối ưu hóa cảm biến để nhận diện UAV hiệu quả hơn, trong đó có cả Shahed-136.

"Chúng tôi đang nhận được nhiều yêu cầu từ các tổ chức khác nhau ở châu Âu để chống lại mối đe dọa từ chúng", ông nói.

Fortem Technologies, công ty an ninh an ninh hàng không có trụ sở tại Utah, Mỹ, cho hay họ đang chỉnh sửa DroneHunter, khí tài có thể tung lưới bắt UAV, để chống lại Shahed-136.

"Chúng tôi đã hiểu rõ về các đặc điểm của Shahed-136 và đã thực hiện một số cải tiến để có thể bắt chúng", Jon Gruen, giám đốc điều hành Fortem Technologies, nói. "Shahed-136 hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với các hệ thống phòng thủ UAV trong xung đột Ukraine".

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét