Tập đoàn quốc phòng Đức muốn xây nhà máy chế tạo 400 xe tăng mỗi năm tại Ukraine, song giới chuyên gia cho rằng kế hoạch khó khả thi.
Armin Papperger, giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall, gần đây nhiều lần cho biết đang đàm phán với Ukraine về khả năng đầu tư 215 triệu USD xây dựng nhà máy chế tạo xe tăng hoàn toàn mới ở nước này. Nhà máy mới dự kiến chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực Panther KF51 với công suất 400 chiếc mỗi năm để phục vụ nhu cầu của quân đội Ukraine.
Jan-Phillipp Weisswange, phát ngôn viên Rheinmetall, xác nhận thông tin, song từ chối cung cấp chi tiết về kế hoạch xây nhà máy vì lý do nhạy cảm về an ninh.
Tuy nhiên, chuyên gia Mark Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Mỹ, nhận định năng suất dự kiến của nhà máy này dường như cao một cách phi lý, trong khi khoản đầu tư 215 triệu USD quá thấp so với quy mô dự án.
"Để sản xuất 400 chiếc xe tăng hoàn chỉnh mỗi năm là nỗ lực rất lớn", ông Cancian nói. "Mỹ mỗi năm chỉ sản xuất khoảng 100 xe tăng".
Cancian cũng cho rằng sản lượng của nhà máy vượt quá nhu cầu của quân đội Ukraine rất nhiều lần. "Quân đội Ukraine sở hữu 800 xe tăng trước khi chiến sự bùng phát. Giả sử tuổi thọ của một xe tăng là 20 năm, họ cần mua 40 chiếc mỗi năm, không phải 400 chiếc", ông nói.
Hiện chưa rõ tập đoàn Đức dự định xây dựng nhà máy với dây chuyền sản xuất xe tăng hoàn chỉnh, hay chỉ dừng ở mức lắp ráp.
Chuyên gia quốc phòng Marta Kepe thuộc hãng phân tích RAND nhận định nếu Rheinmetall chế tạo các bộ phận tại Đức, sau đó tiến hành lắp ráp và kiểm định tại Ukraine, phương án này "tiềm ẩn rủi ro liên quan đến vận chuyển hàng hóa nhạy cảm vào vùng chiến sự".
Việc chế tạo hoàn chỉnh xe tăng Panther KF51 tại Ukraine có thể giảm bớt khó khăn về lâu dài và mang lại lợi ích cho các nước châu Âu khác.
"Sản xuất Panther KF51 tại Ukraine đồng nghĩa Đức và các nước châu Âu không cần chuyển xe tăng trong biên chế cho Ukraine, do đó đảm bảo năng lực phòng thủ và răn đe của họ, cùng nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Kiev", bà Kepe nói.
Xe tăng Panther KF51 của hãng Rheinmetall được giới thiệu lần đầu tại triển lãm quốc phòng Eurosatory ở Paris hồi mùa hè năm 2022, về bản chất là biến thể Leopard 2A4 được trang bị tháp pháo với pháo chính 130 mm cùng hệ thống nạp đạn tự động, không phải dòng xe tăng chủ lực mới. Rheinmetall dự tính tới năm 2026 mới hoàn thiện kỹ thuật cho thiết kế Panther KF51.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, tập đoàn quốc phòng Rheinmetall cần chính phủ Đức chấp thuận cho đặt nhà máy xe tăng tại Ukraine. Giới chuyên gia phương Tây nhận định Berlin có thể rất thận trọng với bước đi này, bởi nó có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro chính trị.
Chuyên gia Cancian nhận định Ukraine đang đối mặt với thách thức hậu cần rất lớn do được viện trợ nhiều loại xe tăng khác nhau của phương Tây, nên việc có thêm một mẫu xe tăng mới sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề mà Ukraine phải đối mặt, do đó đề xuất của tập đoàn Đức "không hợp lý".
Theo ông Cancian, xây dựng hoặc hiện đại hóa nhà máy chế tạo nhằm nâng cấp xe tăng chủ lực của Ukraine, trong đó có mẫu T-64 và T-72, sẽ hữu ích hơn với Kiev.
"Ukraine sở hữu nhiều xe tăng từ thời Liên Xô và có thể hiện đại hóa chúng với chi phí thấp hơn nhiều. Hướng đi này cũng có thể giúp họ thâm nhập thị trường quốc tế vì nhiều nước đang sở hữu biến thể T-72 dần trở nên lỗi thời", ông nói.
Dù phương án xây nhà máy ở Ukraine gặp nhiều thách thức, chuyên gia Scott Boston thuộc hãng phân tích RAND vẫn cho rằng mẫu xe tăng chủ lực mới với các công nghệ tiên tiến có thể là thứ Ukraine cần về lâu dài. Ông đánh giá pháo chính 130 mm của Panther KF51 có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Ông cũng hy vọng Panther KF51 có thể điều khiển các nền tảng như máy bay hoặc phương tiện mặt đất không người lái. "Với kinh nghiệm sử dụng máy bay không người lái (UAV) trên chiến trường của Ukraine, công nghệ này có thể chứng minh bước nhảy vọt về năng lực tác chiến", chuyên gia Boston nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo Defense News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét