Trung Quốc sẽ thành lập cơ chế giám sát về tài chính, công nghệ, vấn đề Hong Kong, Macau do đảng điều hành, trong nỗ lực cải tổ các cơ quan quản lý.
Ủy ban Tài chính Trung ương sắp được thành lập sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển và giám sát ngành tài chính, tăng cường "sự lãnh đạo thống nhất về công tác tài chính", theo kế hoạch được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải hôm nay.
Việc thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương đồng nghĩa với sự giải thể của Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính (FSDC) do nhà nước điều hành. FSDC được thành lập năm 2017 và do cựu phó thủ tướng Lưu Hạc đứng đầu, nhằm hạn chế rủi ro trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Để củng cố hệ tư tưởng và vai trò chính trị của đảng trong hệ thống tài chính tổng thể của Trung Quốc, Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương riêng biệt cũng sẽ được thành lập.
Việc cải tổ cơ quan tài chính của đảng và nhà nước diễn ra sau khi ông Tập Cận Bình được quốc hội bầu giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba. Tháng 10 năm ngoái, ông tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) tại Đại hội 20.
Reuters trước đó đưa tin Trung Quốc có kế hoạch hồi sinh cơ quan giám sát tài chính của đảng hoạt động từ năm 1998 đến 2003 để tăng cường kiểm soát chính trị đối với lĩnh vực tài chính. Cơ quan này sẽ được lãnh đạo bởi một thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập đứng đầu.
Sự tái xuất của cơ quan giám sát cấp cao diễn ra khi giới lãnh đạo Trung Quốc chạy đua để tạo động lực mới cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau ba năm bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này đi xuống.
Dưới sự điều hành của Quốc vụ viện do tân Thủ tướng Lý Cường đứng đầu, Trung Quốc sẽ thành lập cơ quan quản lý tài chính quốc gia có nhiệm vụ điều chỉnh ngành tài chính trị giá 57 nghìn tỷ USD của đất nước, ngoại trừ lĩnh vực chứng khoán. Cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm của Quốc vụ viện sẽ bị bãi bỏ, và một số chức năng của ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý chứng khoán sẽ được chuyển giao cho cơ quan quản lý tài chính mới.
Trung Quốc cũng sẽ thành lập Ủy ban Công nghệ Trung ương mới để tăng cường sự lãnh đạo tập trung của đảng đối với khoa học và công nghệ. Văn phòng Trung ương về Hong Kong và Macau do đảng quản lý cũng sẽ ra đời để giám sát việc thực hiện chính sách "Một quốc gia, hai chế độ". Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau thuộc Quốc vụ viện sẽ bị bãi bỏ.
Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành việc cải tổ các cơ quan chính quyền trung ương vào cuối năm 2023.
Huyền Lê (Theo Xinhua, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét