Quân đội Mỹ nói rằng tiêm kích Nga đã đổ nhiên liệu vào UAV Mỹ ở Biển Đen và sau đó va chạm với nó, khiến UAV bị rơi.
Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ hôm 14/3 cho biết hai tiêm kích Su-27 của Nga đã chặn máy bay không người lái MQ-9 Reaper trên vùng biển quốc tế và một chiếc Su-27 đã cắt cánh của nó.
"Trước khi va chạm, hai chiếc Su-27 của Nga nhiều lần đổ nhiên liệu và bay về phía chiếc MQ-9 một cách liều lĩnh, không thân thiện với môi trường và thiếu chuyên nghiệp", tuyên bố của Bộ Tư lệnh châu Âu cho hay.
Theo Lầu Năm Góc, chiếc MQ-9 khi đó đang thực hiện nhiệm vụ ISR thông thường, bao gồm tình báo, giám sát và trinh sát.
Mỹ sử dụng MQ-9 Reaper cho cả hoạt động giám sát, tấn công và từ lâu đã hoạt động trên Biển Đen để theo dõi lực lượng hải quân Nga.
"Máy bay MQ-9 của chúng tôi đang thực hiện hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế thì bị một máy bay Nga chặn và đâm trúng, dẫn đến tai nạn và khiến chiếc MQ-9 mất tích hoàn toàn", tướng James Hecker, chỉ huy không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, nói.
"Trên thực tế, hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp này của Nga đã suýt khiến cả hai máy bay gặp nạn. Máy bay của Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục hoạt động trong không phận quốc tế và chúng tôi kêu gọi Nga hành xử một cách chuyên nghiệp, an toàn", ông nói thêm.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, chuẩn tướng Pat Ryder, nói rằng vụ va chạm cũng có thể đã làm hư hại tiêm kích Nga.
Nga phủ nhận cáo buộc khiến UAV của Mỹ rơi. "Máy bay không người lái MQ-9 đã ngoặt gấp, mất kiểm soát và rơi", Bộ Quốc phòng Nga cho hay. '"Các chiến đấu cơ Nga không sử dụng vũ khí, không tiếp xúc với UAV và đã trở về sân bay an toàn".
Biển Đen nằm giữa châu Âu và châu Á, giáp với các quốc gia, trong đó có Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay không người lái Mỹ được phát hiện trên vùng biển gần bán đảo Crimea, khu vực Moskva sáp nhập năm 2014.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu đại sứ Nga Anatoly Antonov để phản đối. "Chúng tôi đang làm việc trực tiếp với phía Nga ở cấp cao để truyền đạt sự phản đối mạnh mẽ với hành động đánh chặn không an toàn, thiếu chuyên nhiệp này", phát ngôn viên Ned Price nói.
Trả lời báo chí sau đó, ông Antonov bác bỏ những cáo buộc của Mỹ. "Chúng tôi coi sự việc lần này là khiêu khích", ông Antonov nói.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby trả lời với báo chí ở thủ đô Washington rằng các vụ đánh chặn của Nga trên Biển Đen là phổ biến, nhưng sự việc lần này "đáng chú ý vì mức độ không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, thực sự liều lĩnh".
Các nhà ngoại giao NATO tại Brussels, Bỉ xác nhận sự việc, nhưng không cho rằng nó sẽ ngay lập tức leo thang thành cuộc đối đầu tiếp theo. Một nguồn tin quân sự phương Tây giấu tên nói với AFP rằng các kênh ngoại giao giữa Nga và Mỹ có thể giúp hạn chế bất kỳ sự cố nào.
Lầu Năm Góc từ chối cho biết liệu họ có cố gắng thu hồi mảnh vỡ của MQ-9 hay không, nhưng lưu ý rằng Nga đã không làm như vậy. "Theo những gì tôi biết lúc này, Nga vẫn chưa thu hồi được chiếc máy bay đó", phát ngôn viên Patrick Ryder cho biết.
Một số chiếc Reaper của Mỹ đã bị mất những năm gần đây. Một chiếc bị bắn hạ năm 2019 ở Yemen bằng tên lửa đất đối không do phiến quân Huthi bắn. Một chiếc MQ-9 bị rơi ở Libya năm 2022, trong khi chiếc khác rơi trong cuộc tập trận ở Romania đầu năm đó.
Reaper có thể được trang bị tên lửa Hellfire cũng như bom dẫn đường bằng laser và có thể bay hơn 1.770 km ở độ cao lên tới 15.000 mét, theo Không quân Mỹ.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét