Tổng thống Putin thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình về Power of Siberia 2, đường ống sẽ dẫn 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga tới Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Nga từ ngày 20 đến 22/3.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Putin cho biết cuộc hội đàm đã diễn ra "thành công, có tính xây dựng" và ông hy vọng sẽ duy trì liên lạc thường xuyên với Chủ tịch Tập trong tương lai. Hai lãnh đạo đã trao đổi về vấn đề Ukraine, nhấn mạnh đàm phán chính là giải pháp cho cuộc xung đột.
Theo ông chủ Điện Kremlin, đề xuất hòa bình do Trung Quốc đưa ra có thể được dùng làm cơ sở để giải quyết khủng hoảng Ukraine khi Kiev cùng các đồng minh phương Tây sẵn sàng. Ông cũng cáo buộc phương Tây đang chiến đấu ở Ukraine "cho đến người Ukraine cuối cùng".
Tổng thống Putin cho biết hai lãnh đạo đã ký các tuyên bố "phản ánh đầy đủ bản chất quan hệ song phương", được ông mô tả là đang ở "đỉnh cao nhất trong lịch sử hai nước". Nga và Trung Quốc "gắn bó với nhau", có "quan hệ láng giềng tốt đẹp", ông chủ Điện Kremlin nói.
Trong khi đó, ông Tập cho biết đề xuất giải quyết khủng hoảng Ukraine do Trung Quốc đưa ra được định hướng theo các nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ông khẳng định Trung Quốc giữ vị thế khách quan trong cuộc xung đột Ukraine.
Theo ông Tập, các mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga "có vai trò quan trọng với thế giới và nhân loại". Ông nói Trung Quốc và Nga đang xây dựng một thế giới đa cực.
Nga và Trung Quốc ra tuyên bố chung, kêu gọi các bên dừng mọi động thái có thể đẩy khủng hoảng Ukraine vào "tình trạng không thể kiểm soát".
Tuyên bố chung cho biết không có ai chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và một cuộc chiến hạt nhân không bao giờ được phép xảy ra. Hai bên nhất trí tăng cường hỗ trợ lẫn nhau với các quốc gia Trung Á để ngăn "các cuộc cách mạng màu".
Tuyên bố chung cũng kêu gọi Washington dừng tìm cách thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, và Mỹ nên phản hồi các "lo ngại chính đáng và hợp pháp" của Triều Tiên, tạo điều kiện nối lại đàm phán. Nga - Trung bày tỏ lo ngại về liên minh quân sự AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia.
Trong hội đàm, ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thay thế các thương hiệu phương Tây đã rời Nga vì chiến sự Ukraine. Ông cũng cho biết đã thảo luận với ông Tập về ý tưởng xây dựng Power of Siberia 2, hệ thống đường ống sẽ chuyển khí đốt Nga tới Trung Quốc.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tháng 9 năm ngoái cho biết Power of Siberia 2 sẽ đi qua Mông Cổ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế cần nhiều năng lượng của Trung Quốc. Đường ống này dự kiến khởi công năm 2024 để có thể vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Lưu lượng này gần tương đương công suất tối đa 55 tỷ m3/năm của Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Nord Stream 1 hiện đã tê liệt hoàn toàn do loạt vụ nổ hồi tháng 9/2022.
"Tôi tin rằng hợp tác trên nhiều phương diện của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước", ông Putin nói, thêm rằng Nga là "nhà cung cấp chiến lược" các mặt hàng dầu khí, than đá cho Trung Quốc.
Đáp lại, ông Tập cho rằng Trung Quốc và Nga cần nỗ lực hơn để thúc đẩy "hợp tác thực tế". "Chúng ta đã đạt thành quả ban đầu của hợp tác và cần đẩy mạnh hơn nữa", ông nói.
Tập đoàn Gazprom của Nga đang chuyển khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia theo thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm được ký hồi cuối năm 2019. Đường ống này có chiều dài khoảng 3.000 km.
Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt Nga tới Trung Quốc vẫn rất nhỏ so với 177 tỷ mét khối mà Moskva chuyển cho châu Âu năm 2018-2019. Sau khi xung đột Ukraine bùng phát, lượng khí đốt Nga tới châu Âu bắt đầu sụt giảm, xuống còn 62 tỷ mét khối năm 2022.
Ông Putin tuyên bố Nga sẽ chuyển ít nhất 98 tỷ mét khối khí đốt đến Trung Quốc vào năm 2030.
Điện Kremlin trước đó cho biết hai lãnh đạo sẽ thảo luận thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc, trao đổi quan điểm về các vấn đề lớn của khu vực và thế giới. Hai bên cũng sẽ ký một số văn kiện quan trọng.
Chủ tịch Tập hôm nay đã gặp Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Moskva. Ông Mishustin cho biết Nga muốn củng cố hơn nữa quan hệ đối tác với Trung Quốc. Đáp lại, ông Tập mô tả Trung Quốc và Nga là "các cường quốc láng giềng", "đối tác chiến lược" và Bắc Kinh sẽ "ưu tiên" các mối quan hệ với Moskva.
"Tôi đã mời Tổng thống Putin thăm Trung Quốc trong năm nay, vào thời điểm phù hợp", ông Tập cho biết thêm.
Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, sau đó cho hay Tổng thống Putin có thể tới thăm Trung Quốc năm 2023, nhưng không nêu thêm chi tiết.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập ngày 20/3 đã có cuộc gặp không chính thức tại Điện Kremlin, không lâu sau khi lãnh đạo Trung Quốc đến Moskva. Truyền thông Nga đưa tin cuộc họp kéo dài gần 4 giờ rưỡi. Theo thông cáo của Điện Kremlin, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập đã gọi nhau là "người bạn thân thiết".
Chủ tịch Tập nói hầu hết các nước phản đối "đổ dầu vào lửa" và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy giải pháp chính trị cho xung đột Ukraine. Ông Putin cho biết Nga đã nghiên cứu kỹ tài liệu 12 điểm thể hiện lập trường Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine và Moskva sẵn sàng đàm phán hòa bình. Ông chủ Điện Kremlin hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề này.
Ông Tập cũng khẳng định củng cố quan hệ song phương với Nga là "lựa chọn chiến lược" của Trung Quốc, dựa trên lợi ích căn bản của nước này và xu hướng chủ đạo của thế giới. Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tăng cường hợp tác chiến lược với Nga.
Giới chuyên gia nhận định Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng. Nhiều quan chức phương Tây cho rằng quan hệ đối tác với Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng giúp Nga chống chọi loạt lệnh trừng phạt chưa từng có.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét