Tòa Công lý Quốc tế phán quyết Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế khi đóng băng một số tài sản của Iran, yêu cầu Washington bồi thường cho Tehran.
Theo phán quyết của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan hôm nay, số tiền bồi thường cụ thể sẽ được xác định ở giai đoạn kế tiếp của vụ kiện.
Tuy nhiên, phán quyết cũng nêu rằng ICC không có quyền tài phán đối với tài sản của các ngân hàng, do đó tòa bác đề nghị của Iran về việc giải phóng số tài sản trị giá gần 2 tỷ USD thuộc về Ngân hàng Trung ương Iran đang bị Mỹ đóng băng.
Iran đệ đơn kiện Mỹ lên ICJ năm 2016 với cáo buộc vi phạm hiệp ước hữu nghị năm 1955 bằng cách cho phép các tòa án Mỹ đóng băng tài sản của các công ty Iran, trong đó có Ngân hàng Trung ương nước này. Số tài sản bị đóng băng đó đã được sử dụng để bồi thường cho nạn nhân những cuộc tấn công khủng bố.
Trong phiên tranh luận năm ngoái, Mỹ cho rằng ICJ nên bác đơn kiện vì "bàn tay Iran cũng đã nhúng chàm" và tài sản bị tịch thu là kết quả của việc Tehran "tài trợ chủ nghĩa khủng bố". Tòa án bác bỏ lập luận này, cho rằng hiệp ước hữu nghị 1955 giữa Mỹ và Iran vẫn có hiệu lực.
Hiệp ước hữu nghị này được ký từ rất lâu trước khi Cách mạng Hồi giáo năm 1979 nổ ra ở Iran. Cuộc cách mạng này đã lật đổ quốc vương Iran do Mỹ hậu thuẫn và hai nước sau đó cắt quan hệ. Washington rút khỏi hiệp ước vào năm 2018.
Phán quyết của ICJ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Tehran sau các cáo buộc tấn công lẫn nhau giữa lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và quân đội Mỹ ở Syria tuần trước. Mối quan hệ cũng trở nên căng thẳng sau khi nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc trên thế giới bị đình trệ.
ICJ, cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc, là tòa án hàng đầu thế giới đứng ra giải quyết những khiếu nại pháp lý giữa các quốc gia về cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc, nhưng cơ quan này không có phương thức nào đảm bảo thực thi phán quyết. Trong một số vụ trước đây, nước bị kiện vẫn phớt lờ phán quyết của tòa.
Năm 1984, ICJ từng ra phán quyết sơ bộ yêu cầu Mỹ bồi thường cho Nicaragua vì cáo buộc hỗ trợ tài chính và vật lực cho phiến quân muốn lật đổ chính phủ nước này. Mỹ khi đó cũng từ chối tham dự phiên tòa, lập luận ICJ không đủ thẩm quyền.
Sau khi Nicaragua được xử thắng kiện, Mỹ chặn nghị quyết thực thi kết luận của ICJ tại Hội đồng Bảo an, từ chối bồi thường cho quốc gia Trung Mỹ.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét