Nga đã duy trì nền kinh tế đứng vững trong một năm qua trước loạt lệnh trừng phạt phương Tây, song thách thức đang ngày càng tăng với Tổng thống Putin.
Phát biểu ngày 14/3 trước công nhân nhà máy hàng không ở Buryatia, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận ông từng lo lắng cho nền kinh tế nước này khi phải hứng chịu làn sóng trừng phạt chưa từng có của phương Tây vào năm ngoái, nhắm vào hệ thống ngân hàng, giới phiệt và công nghệ nhập khẩu Nga.
Tuy nhiên, sau một năm chịu nhiều hạn chế, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, đời sống của người Nga dường như không khác gì so với trước xung đột. "Kẻ thù cho rằng chúng tôi sẽ sụp đổ sau 2-3 tuần hoặc trong vòng một tháng", ông Putin nói. "Nhưng chủ quyền kinh tế của Nga sau đó đã tăng lên nhiều lần".
Nga không ghi nhận tình trạng thất nghiệp hàng loạt, đồng tiền mất giá nghiêm trọng hay dòng người xếp hàng trước các ngân hàng chờ rút tiền. Hệ thống siêu thị không chứng kiến nhiều thay đổi, khi các thương hiệu quốc tế vẫn xuất hiện hoặc có những sản phẩm tương đương.
Số lượng người tới các trung tâm thương mại ở Moskva giảm không đáng kể. Một số công ty nước ngoài như McDonald's và Starbucks rời khỏi Nga, nhưng rất nhanh chóng được công ty trong nước thay thế.
Apple đã ngừng bán sản phẩm ở Nga nhưng Wildberries, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất ở nước này, vẫn bán iPhone 14 bằng giá ở châu Âu.
"Không có gì thay đổi về mặt kinh tế. Tôi vẫn làm việc và mua sắm như trước đây. Giá cả có lẽ tăng một chút, nhưng không đến mức quá lớn", Vladimir Zharov, 53 tuổi, người làm trong lĩnh vực truyền hình, cho hay.
Nga dường như đã né lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách nhập khẩu nhiều mặt hàng từ nước thứ ba không áp lệnh hạn chế với Moskva. Xuất khẩu của Armenia sang Nga tăng 49% trong nửa đầu năm 2022, trong khi điện thoại thông minh và xe hơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở Nga.
Ngành công nghiệp ôtô Nga đối mặt với rào cản lớn hơn. Các nhà sản xuất ôtô phương Tây như Renault, Volkswagen và Mercedes-Benz, đã ngừng sản xuất ở Nga, khiến doanh số giảm 63% và chính quyền địa phương tiếp quản một số nhà máy.
Ôtô nước ngoài ở Nga được bán ít hơn với giá cao hơn, theo Andrei Olkhovsky, CEO của Avtodom, công ty có 36 đại lý ở Moscow, St. Petersburg và Krasnodar.
"Các lô nhập khẩu xe Porsche, cũng như các thương hiệu khác, không thể tiến hành qua kênh chính thức. Phần lớn những thứ được bán trên thị trường đều là hàng nhập khẩu qua kênh cá nhân hoặc các nước thân thiện", ông nói.
Tổng thống Putin đã cho áp dụng những biện pháp quyết liệt để bảo vệ nền kinh tế sau khi đối mặt đòn trừng phạt của phương Tây. Các công ty Nga tìm nguồn cung ứng các linh kiện và thực phẩm trong nước, trong khi chính phủ xây dựng kho dự trữ tiền tệ lớn từ nguồn thu dầu mỏ và khí đốt.
Nguồn thu kỷ lục 325 tỷ USD từ nhiên liệu hóa thạch trong năm ngoái được coi là lý do quan trọng giúp Nga đứng vững trước sức ép trừng phạt phương Tây. Doanh thu đó cùng với hạn chế về nhập khẩu đã khiến Nga thặng dư thương mại, có nghĩa những gì Nga kiếm được từ bán hàng cho các nước khác vượt qua chi tiêu mua hàng nước ngoài của Moskva.
Lợi ích này đã giúp củng cố đồng ruble sau thời gian chao đảo đầu xung đột, cũng như cung cấp cho Nga ngân sách để trang trải cho lương hưu, tiền lương và chi tiêu quân sự.
"Nga sẽ vẫn có đủ tiền dự trữ trong bất kỳ kịch bản nào", Chris Weafer, nhà phân tích nền kinh tế Nga tại công ty tư vấn Macro-Advisory, nhận định. Dầu mỏ dù được bán với giá thấp hơn trước đây vẫn tiếp tục mang về nguồn thu lớn cho Nga, giúp Điện Kremlin "không chịu áp lực kinh tế nào để chấm dứt xung đột Ukraine", theo Weafer.
Sản lượng kinh tế Nga không sụt giảm 11%-15% như dự báo. Nền kinh tế chỉ giảm 2,1% vào năm ngoái, theo cơ quan thống kế Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán kinh tế Nga năm nay tăng trưởng 0,3%.
Xuất khẩu năng lượng có thể là trụ cột quan trọng chống đỡ cho nền kinh tế Nga trong năm 2022, nhưng giới chuyên gia nhận định nước này sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn trong năm nay, khi phương Tây tăng cường biện pháp trừng phạt mới nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt Nga.
Năm ngoái, nhóm G7 đã tránh các biện pháp trừng phạt sâu rộng với dầu mỏ Nga vì sợ đẩy giá năng lượng tăng cao và thúc đẩy lạm phát. Nhưng đến cuối năm, họ quyết định áp giá trần 60 USD mỗi thùng với dầu Nga. Châu Âu hồi tháng 1 áp giá trần tương tự cùng lệnh hạn chế với dầu diesel và các sản phẩm tinh chế khác từ dầu mỏ của Nga.
"Những hạn chế mới nhất nhắm vào dầu mỏ, nguồn doanh thu quan trọng, khiến nền kinh tế của Tổng thống Putin gặp nhiều thử thách thời gian tới", David McHugh, nhà phân tích của AP, nhận định.
Các nhà kinh tế cho rằng biện pháp trừng phạt nhắm vào nhiên liệu hóa thạch sẽ đánh thẳng vào nguồn tài trợ cho chiến dịch của Nga ở Ukraine. Một số nhà phân tích dự đoán Nga sẽ bắt đầu chứng kiến các dấu hiệu rắc rối về tài chính hoặc tiền tệ trong những tháng tới. Doanh thu từ dầu mỏ của Nga hồi tháng một đã giảm 48% so với cùng kỳ năm trước, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nền kinh tế Nga dù sụt giảm mạnh sẽ không đổ vỡ trong năm nay. Janis Kluge, chuyên gia kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề An ninh Quốc tế Đức, cho rằng Moskva vẫn có thể vượt qua ngay cả khi doanh thu dầu tiếp tục giảm trong ngắn hạn.
Ông nói khi doanh thu từ dầu mỏ của Nga giảm 1/3, nó sẽ tác động nghiêm trọng tới GDP, nhưng sẽ không tạo ra hiệu ứng sụp đổ về kinh tế. "Nền kinh tế Nga sẽ thay đổi dần dần khi đối mặt với áp lực ngày càng tăng", ông nói.
Kluge cho hay tác động thực sự sẽ được thể hiện trong dài hạn. Khi không thể tiếp cận với công nghệ hiện đại của phương Tây như chip máy tính, nền kinh tế Nga sẽ rất khó hiện đại hóa.
Nga có thể tái khởi động thành công các nhà máy mà họ tiếp quản từ công ty phương Tây, nhưng "năng lực sản xuất các sản phẩm tinh vi ở Nga sẽ không còn và không thể trở lại", theo Kluge.
Thanh Tâm (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét