Donald Trump đối mặt nguy cơ bị truy tố do cáo buộc "bịt miệng" sao khiêu dâm, nhưng đó chỉ là một trong nhiều rắc rối pháp lý lớn đang bủa vây ông.
Cuộc điều tra về khoản tiền 130.000 USD mà luật sư riêng của Donald Trump chi cho nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels để cô không tiết lộ về mối quan hệ với cựu tổng thống đang đốt nóng chính trường Mỹ những ngày qua.
Ông Trump đã đưa ra những tuyên bố trái ngược về cuộc điều tra. Ông ngày 18/3 loan tin rằng Văn phòng Công tố quận Manhattan đang lên kế hoạch truy tố và ra lệnh bắt ông vào ngày 21/3, đồng thời kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình. Khi công tố viên Manhattan không có động thái nào trong tuần qua, ông lại nói rằng cuộc điều tra đã bị "hủy bỏ", dù không đưa ra bằng chứng nào.
Bê bối này chỉ là một phần trong nhiều cuộc điều tra có nguy cơ tác động lớn đến sự nghiệp chính trị và cuộc sống của Trump, người đang là ứng viên tổng thống nổi bật nhất của đảng Cộng hòa.
Cáo buộc gian lận tài chính nhắm vào Tập đoàn Trump
Cuộc điều tra về khoản tiền "bịt miệng" của Trump liên quan đến cáo buộc vi phạm tài chính bầu cử nổi lên từ đầu nhiệm kỳ tổng thống. Những nghi ngờ về hành vi gian lận tài chính của Tập đoàn Trump gần đây nổi lên, sau khi luật sư Micheal Cohen thừa nhận trước tòa rằng đã tự ứng trước tiền túi 130.000 USD để Daniels ký thỏa thuận giữ bí mật về quan hệ với Trump.
Tập đoàn Trump, thuộc sở hữu của Donald Trump và do các con ông điều hành, bị nghi ngờ đã khai báo sai số tiền 420.000 USD trả cho Cohen thành chi phí pháp lý, dù không có hợp đồng cụ thể.
Cohen thừa nhận trước tòa rằng đây là tiền bồi hoàn của Trump cho giao dịch giữa ông với Daniels, cộng với thù lao cho luật sư này. Hành động của Tập đoàn Trump có thể là vi phạm hình sự về tài chính theo luật của bang New York.
Tổng chưởng lý bang New York Letitia James cũng đang tiến hành một cuộc điều tra khác nhắm vào Tập đoàn Trump với nghi vấn công ty đã gian lận tài chính trong nhiều vấn đề, kéo dài trong nhiều thập kỷ, song đây vẫn dừng ở mức độ hành vi dân sự.
Đội ngũ luật sư của cựu tổng thống Trump cho rằng mọi cuộc điều tra nhắm vào các giao dịch của Tập đoàn Trump đều không có căn cứ pháp lý và mang động cơ chính trị. Ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích công tố viên Bragg cùng Tổng chưởng lý Letitia James đang tham gia "cuộc săn phù thủy" nhằm bôi nhọ và ngăn ông tái đắc cử tổng thống.
Trên thực tế, các mũi điều tra nhắm vào Tập đoàn Trump đã khiến một số cộng sự của ông Trump bị truy tố. Ngoài vụ bắt và kết án tù luật sư Cohen vào năm 2018, giới chức Mỹ cũng đã buộc cựu giám đốc tài chính Tập đoàn Trump Allen Weisselberg nhận tội vào đầu năm nay.
Weisselberg chấp nhận nộp phạt 1,6 triệu USD và ngồi tù vài tháng, đổi lại đã cung cấp thêm lời khai cho các điều tra viên của công tố viên Bragg.
Trong khi cuộc điều tra của Bragg có nguy cơ biến Trump thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự, nỗ lực của Tổng chưởng lý Leitia James nếu thành công sẽ buộc gia đình ông phải nộp phạt 250 triệu USD và cấm các thành viên nhà Trump giữ vị trí lãnh đạo trong công ty do ông sáng lập.
Bê bối tài liệu mật
Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra nghi vấn ông Trump mang trái phép tài liệu mật khỏi Nhà Trắng sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2021 và đưa về cất trữ ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phát hiện nhiều tài liệu mật trong đợt khám xét Mar-a-Lago hồi tháng 8/2022.
Trong số 11.000 tài liệu chính phủ mà các điều tra viên thu hồi được có khoảng 100 tài liệu đóng dấu mật và tuyệt mật. Nội dung cụ thể của những tài liệu mật chưa được giới chức Mỹ tiết lộ và cuộc điều tra đang trong giai đoạn đánh giá mức tác động của chúng.
Đối mặt với cáo buộc này, ông Trump sử dụng chiến thuật quen thuộc, cho rằng đây là âm mưu chính trị nhằm cản đường ông trở lại Nhà Trắng. Ông từng tuyên bố mình không vi phạm bất kỳ quy định nào, vì cho rằng các tài liệu chuyển khỏi Nhà Trắng đều đã được giải mật. Tuy nhiên, ông không đưa ra được bằng chứng về chỉ thị giải mật các tài liệu đó.
Bộ Tư pháp Mỹ đã chỉ định một chuyên gia độc lập xem xét về đặc quyền hành pháp của ông Trump liên quan đến số tài liệu gây tranh cãi, cân nhắc xem hành vi của cựu tổng thống và tính chất tài liệu có đủ căn cứ để truy tố ông hay không.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng ông Trump có thể đã vi phạm Đạo luật Tình báo Mỹ khi tàng trữ trái phép tài liệu chứa thông tin về an ninh quốc gia vốn "có thể gây hại cho nước Mỹ nếu bị lạm dụng".
Các điều tra viên còn cân nhắc thêm cáo buộc ông Trump cùng đội ngũ cố vấn đã ngăn cản người thi hành công vụ khi nhiều lần khai báo thiếu trung thực về số tài liệu mật còn lại ở Mar-a-Lago.
Bạo loạn đồi Capitol
Vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021 vẫn chưa được làm rõ. Phe Dân chủ và những nghị sĩ chống Trump trong đảng Cộng hòa cáo buộc ông kích động hàng nghìn người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ, nhằm ngăn lưỡng viện công nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống.
Vụ bạo loạn đang được nhiều cơ quan liên bang Mỹ điều tra, trong đó nổi tiếng nhất là ủy ban điều tra đặc biệt của Hạ viện, cơ quan đã dành 18 tháng để thu thập lời khai và đánh giá các hành động của ông Trump trước, trong và sau cuộc bạo loạn.
Ủy ban điều tra của Hạ viện, gồm 7 nghị sĩ Dân chủ và 2 nghị sĩ Cộng hòa chống Trump, đưa ra 4 cáo buộc hình sự nhắm vào cựu tổng thống Mỹ và đã chuyển hồ sơ tới Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng hành động và ông Trump vẫn chưa bị triệu tập đối chất liên quan đến những cáo buộc bạo loạn.
Bộ Tư pháp Mỹ còn mở một cuộc điều tra riêng về vụ bạo loạn cùng những cáo buộc "lật kèo bầu cử" năm 2020, song diễn tiến chưa được công bố. Đây được xem là cuộc điều tra hình sự lớn nhất lịch sử Mỹ, với nhiều người tham gia bạo loạn đã bị truy tố và xét xử.
Tuy nhiên, mức độ tập trung của cuộc điều tra này vào ông Trump vẫn còn là ẩn số. Cựu tổng thống Mỹ tới nay vẫn phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan vụ bạo loạn, dù liên tục nhắc lại cáo buộc rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã "bị đánh cắp" khỏi tay ông.
Nỗ lực lật kèo bầu cử bang Georgia
Trong những cáo buộc đội ngũ ông Trump tìm cách lật kèo bầu cử tổng thống năm 2020, những gì đã diễn ra ở bang Georgia là tâm điểm điều tra quyết liệt nhất. Giới chức bang đã mở cuộc điều tra hình sự bắt đầu từ cuộc gọi giữa ông Trump và Tổng thư ký bang Brad Raffensperger vào ngày 2/1/2021, thời điểm quá trình kiểm phiếu đang diễn ra.
Trong cuộc gọi kéo dài một tiếng, ông Trump bị cáo buộc đã gây áp lực để Tổng thư ký Raffensperger "tìm kiếm" 11.780 phiếu ủng hộ ông nhằm đảm bảo chiến thắng tại bang chiến trường quan trọng này.
Đại bồi thẩm đoàn gồm 26 thành viên, được chính quyền bang Georgia thành lập để điều tra cáo buộc này, đầu năm nay đã nộp lại cho cơ quan tư pháp bang một tài liệu đánh giá vụ án. Nội dung bản đánh giá chưa được công bố, nhưng được cho là gồm các cáo trạng nhắm vào ông Trump như thông đồng gian lận bầu cử, khai man với quan chức chính phủ và gian lận phiếu bầu.
Giới chức bang Georgia chưa cho biết liệu ông Trump có bị điều tra trực tiếp hay không, song một số đồng minh của ông có thể đã chịu liên đới. Ông Trump chỉ trích công tố viên Fani Willis của hạt Fulton, người phụ trách vụ án, là "thành viên cực đoan cánh tả của đảng Dân chủ, trẻ người non dạ và đầy tham vọng".
Bà Willis tháng trước nhận định những cáo buộc được đưa ra trong cuộc điều tra là rất nghiêm trọng và "nếu tiến trình truy tố được khởi động, sẽ có người phải nhận án tù", dù không đề cập trực tiếp đến ông Trump.
Thanh Danh (Theo BBC, CBS, Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét