Một số nước bắt đầu chủ động đề xuất sáng kiến trở thành trung gian hòa đàm để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine, tiêu biểu là Brazil và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira tuần trước tuyên bố nước này muốn thành lập "câu lạc bộ hòa bình" để thúc đẩy đàm phán kết thúc chiến sự Nga - Ukraine.
"Brazil muốn thúc đẩy hoặc hỗ trợ tổ chức cuộc gặp mở đường cho tiến trình hòa bình", Ngoại trưởng Vieira chia sẻ. "Tổng thống nước tôi đã nhiều lần nhận định ông đang nghe thấy quá nhiều lời kêu gọi xung đột, song mọi người lại thảo luận quá ít về hòa bình. Ông ấy mong muốn đối thoại hòa bình".
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đáng lẽ đã có mặt tại Trung Quốc từ ngày 26/3 cho chuyến công du dài 5 ngày, nhưng phải thay đổi lịch trình sang tháng sau vì chưa khỏi bệnh viêm phổi. Xây dựng nhóm trung gian thúc đẩy hòa đàm Ukraine là một trong những nội dung chính mà ông Lula da Silva kỳ vọng thảo luận thêm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Lula da Silva từ trước khi đắc cử đã chủ trương Brazil không nên chọn phe trong chiến sự Nga - Ukraine, không ủng hộ tham gia những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga hay chuyển vũ khí cho Ukraine. Tổng thống Brazil nhiều lần nhắc lại phong trào "không liên kết" và ủng hộ những khuôn khổ phù hợp với tầm nhìn trật tự quốc tế đa cực, trong đó có nhóm BRICS (các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Thế khó của Brazil là nước này thiếu khả năng tác động trực tiếp đến các bên trong chiến sự Nga - Ukraine, từ đó tìm ra giải pháp thực chất cho thách thức chung của thế giới, theo chuyên gia Ryan Berg thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ. Tư cách thành viên trong khối BRICS, với sự tham gia mạnh mẽ của Nga, cũng phần nào gây bất lợi đến hình ảnh trung lập mà ông Lula da Silva muốn theo đuổi.
Brazil đưa ra ý tưởng lập nhóm trung gian hòa đàm Kiev - Moskva hơn một tháng sau khi Trung Quốc công bố "Lập trường về giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine", được mô tả như tầm nhìn của Trung Quốc về lối thoát cho chiến sự Nga - Ukraine.
Trong khi phương Tây hoài nghi Trung Quốc không phát thảo cụ thể những giải pháp chấm dứt xung đột, tài liệu này đã đón nhận nhiều hoan nghênh từ Moskva, còn phía Kiev cũng ủng hộ Bắc Kinh đóng góp cải thiện tình hình.
"Đã đến lúc Trung Quốc ra tay. Tôi đề xuất thành lập một nhóm quốc gia cùng ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine và Nga để tìm kiếm hòa bình", ông Lula da Silva bình luận hồi tháng 2, sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch hòa bình Ukraine.
Đề xuất của Trung Quốc bao gồm kêu gọi ngừng bắn, nối lại đàm phán hòa bình, tránh rủi ro hạt nhân và leo thang xung đột hạt nhân, giảm tác động từ cuộc khủng hoảng lên kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề nhân đạo. Trong cuộc họp với ông Tập tuần trước ở Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh những ý tưởng của Trung Quốc có thể được vận dụng làm nền tảng cho hòa đàm Moskva - Kiev, dù cho rằng "phía Ukraine và phương Tây thời điểm này chưa sẵn sàng đàm phán".
Trước Brazil và Trung Quốc, một số nước khác cũng đã góp thêm âm lượng cho làn sóng kêu gọi tạo cầu nối hòa đàm Nga - Ukraine, song chưa đạt được tiến triển thực chất.
Điển hình là đề xuất từ Tổng thống Mexico Andrés Manuel Lopez Obrador vào tháng 9/2022, đặt vấn đề thành lập một ủy ban quốc tế về đối thoại và hòa bình nhằm "lập tức ngừng mọi hành động thù địch" ở Ukraine. Trong kế hoạch hòa bình của ông Obrador, ủy ban hòa bình nên được dẫn dắt bởi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Giới chức Ukraine phản pháo ý tưởng hòa đàm sẽ tạo cơ hội cho Nga "câu giờ" huy động lực lượng cho đợt tiến công mới. Ý tưởng mà Tổng thống Mexico ấp ủ đã không thể ra đời vì tiếng nói của đất nước không đủ trọng lượng trên nghị trường quốc tế nhưng đề xuất vẫn có nhiều điểm hợp lý, theo đánh giá từ Viện Quincy về Quản trị nhà nước Trách nhiệm ở Mỹ. Mỗi lãnh đạo mà Mexico đề xuất cho "ủy ban hòa bình" đều có những lợi thế nhất định để thiết lập cầu nối hòa đàm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc từng đóng vai trò chủ chốt trong thỏa thuận hành lang an toàn cho vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen, thỏa thuận an ninh duy nhất mà Nga và Ukraine tìm được tiếng nói chung kể từ khi chiến sự bùng phát. Ông Guterres cũng đóng vai trò quyết định trong đàm phán lập hành lang sơ tán cho dân thường rời Mariupol vào năm ngoái và đưa nhóm giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia.
Ấn Độ đang duy trì quan hệ tốt với cả Ukraine và Nga, vừa giữ lập trường trung lập đối với cuộc chiến nhưng cũng duy trì được đối thoại thực chất với Mỹ trên các diễn đàn quốc tế. Trong khi đó, Giáo hoàng Francis là đại diện cho tiếng nói phi chính trị và trung lập. Trong hơn một năm qua, ông đã nhiều lần kêu gọi khởi động đàm phán hòa bình, tăng hỗ trợ nhân đạo đến Ukraine và chỉ trích các nước lớn đang đổ thêm dầu vào lửa.
"Xung đột Ukraine tăng nhiệt chính là do tham vọng cường quốc, không chỉ của riêng Nga, mà còn bởi nhiều cường quốc khác trên khắp thế giới", ông trả lời phỏng vấn với đài RSI của Thụy Sĩ vào đầu tháng này.
Iran vào tháng 8/2022 cũng chuyển đến Nga sáng kiến hòa bình cho xung đột tại Ukraine. Tại cuộc gặp ở Tehran, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nói với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov rằng một lãnh đạo hàng đầu thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhờ Iran thay mặt gửi sáng kiến hòa bình, song không tiết lộ quan chức đó là ai.
Ông Amirabdollahian cho biết sáng kiến nhắm vào hai vấn đề trong chiến sự gồm nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và tù binh chiến tranh, tạo cơ sở "để tái lập hòa bình và chấm dứt chiến sự ở Ukraine". Truyền thông Iran sau đó loan tin đề xuất hòa bình được gửi từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, song Điện Elyssee từ chối bình luận.
Các nước tăng tốc tìm cách tạo cầu nối đàm phán Nga - Ukraine vì chiến sự Nga - Ukraine càng lúc càng khó tìm ra lối thoát, theo giới chuyên gia.
Anatol Lieven, giám đốc chương trình nghiên cứu Á - Âu tại Viện Quincy, nhận định cục diện chiến sự Nga - Ukraine có nguy cơ rơi vào tình trạng "xung đột không hồi kết".
Dương Sinh, cây viết bình luận cho Global Times của Trung Quốc, nhận định rằng Trung Quốc cũng như nhiều nước khác cần đứng ra đảm nhận vai trò trung gian đàm phán do phương Tây "đã thất bại ở vai trò này và chọn đổ thêm dầu vào lửa".
Trong khi đó, chuyên gia Trương Hồng của Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, thừa nhận xung đột Nga - Ukraine khó tìm được giải pháp nhanh chóng vì hai nước đang giằng co trên chiến trường. "Dù vậy, cộng đồng quốc tế vẫn cần đầu tư sẵn bước đệm cho lệnh ngừng bắn và tiến trình dài hạn hướng đến hòa bình", ông nói.
Thanh Danh (Theo Finacial Times, Global Times, Al Jazeera, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét