Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhận định bất chấp Covid-19, Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu đối ngoại năm 2020 nhờ chủ động thích ứng.
"Các hoạt động đối ngoại trên thế giới bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn triển khai được các hoạt động quan trọng, cả song phương lẫn đa phương", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí tại Hà Nội ngày 24/12.
Việt Nam chuyển sang hình thức điện đàm, trực tuyến để duy trì quan hệ với các đối tác. Thông thường hàng năm có khoảng 10-20 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam và ngược lại, nhưng riêng năm 2020, Việt Nam triển khai 33 cuộc điện đàm của các lãnh đạo cấp cao. "Điều đó nói lên chúng ta vẫn duy trì được quan hệ với tất cả các nước quan trọng", Phó thủ tướng nói.
Ông nhấn mạnh Việt Nam "hoàn thành xuất sắc" vai trò Chủ tịch của ASEAN, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Đông Nam Á (AIPA) và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.
Việt Nam cũng đạt được thành tựu về hội nhập kinh tế như cùng Liên minh Châu Âu thúc đẩy và thông qua Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và cùng các nước trong ASEAN thúc đẩy để ký kết được Hiệp định thương mại RCEP.
Phó thủ tướng lưu ý một hoạt động đối ngoại rất quan trọng của 2020 là bảo hộ công dân. Việt Nam là một trong số ít các nước có các chuyến bay đưa công dân học tập hoặc thăm viếng ở nước ngoài bị mắc kẹt muốn về nước. Việt Nam đã triển khai trên 260 chuyến bay chở 73.000 công dân Việt ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hồi hương.
Vấn đề quảng bá Việt Nam ra nước ngoài vẫn tiếp tục được thực hiện. Mặc dù phóng viên báo chí nước ngoài không thể đến Việt Nam do Covid-19, báo chí Việt Nam tiếp tục quảng bá được đất nước, con người thông qua phương thức mới là nền tảng số.
Phó thủ tướng nhấn mạnh trong năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề ra chủ đề đúng với tình hình là "gắn kết và chủ động thích ứng", đảm bảo thực hiện các nội dung đã đề ra. ASEAN năm 2020 thông qua trên 80 văn kiện, tập trung vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, rà soát lại Hiến chương ASEAN và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025. 28 sáng kiến của Việt Nam đã được đưa vào các văn kiện.
Việt Nam tổ chức được các hội nghị đặc biệt của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác để ứng phó với Covid-19 và đưa ra được 4 nội dung, gồm xây dựng quỹ ứng phó, kho dự phòng, kế hoạch để thích ứng với từng kịch bản Covid-19 và kế hoạch phục hồi kinh tế sau Covid-19.
"Năm 2020 chúng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là đánh giá không phải của chúng ta, đây là đánh giá của cộng đồng quốc tế, đánh giá trong các nước ASEAN và dư luận đối với chúng ta", ông Phạm Bình Minh nói thêm.
Việt Nam đã tổ chức trên 550 cuộc họp trực tuyến, trong đó có 20 cuộc họp cấp cao, gồm những cuộc họp cấp cao thường niên như Cấp cao 36, 37 và các cuộc họp cấp cao của ASEAN với các đối tác đặc thù về ứng phó với Covid-19, cùng 70 cuộc họp cấp bộ trưởng.
"Chúng ta đã chuyển đổi phương thức rất nhanh, vẫn đảm bảo được tất cả cuộc họp của ASEAN được tổ chức theo đúng kế hoạch và trên tất cả các lĩnh vực, trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh - quốc phòng, kinh tế và văn hóa - xã hội", Phó thủ tướng nhận xét.
Ngoài ra, Việt Nam còn đưa ra những nội dung mới trong họp ASEAN, như nêu cao vai trò của phụ nữ, tăng cường kết nối, trao đổi về kết nối giữa ASEAN với các tiểu khu vực, cụ thể là hợp tác của các nước trong khu vực Mekong.
Trong vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA), Việt Nam đã đóng góp vào giải quyết các vấn đề với tâm thế của một nước có tiếng nói và vai trò, đồng thời là đại diện của các nước đang phát triển cũng như các nước trung bình và nhỏ.
Ông chỉ ra ngay tháng đầu tiên làm thành viên HĐBA, Việt Nam đã đóng vai trò Chủ tịch và đây là tháng duy nhất trong năm tổ chức được tất cả cuộc họp trực tiếp. Việt Nam đã tổ chức được phiên họp mở của HĐBA về việc tăng cường thực thi Hiến chương LHQ, nêu cao vấn đề hợp tác giữa HĐBA với ASEAN, thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam như thúc đẩy vai trò của phụ nữ với hòa bình, an ninh.
Một điểm rất đáng chú ý là lần đầu tiên Việt Nam dự thảo và đưa ra, thông qua một nghị quyết của LHQ lấy ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Nghị quyết do Việt Nam dự thảo được 106 nước đồng tác giả, là con số kỷ lục về đồng tác giả của một nghị quyết. "Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, đánh dấu một dấu ấn vươn tầm của đối ngoại Việt Nam, ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại LHQ", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Nhận định về định hướng đối ngoại 2021, Phó thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước bằng những phương thức mới, đạt hiệu quả cao, tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động tại HĐBA, phát huy những kết quả trong năm Chủ tịch ASEAN, duy trì đà phát triển của ASEAN cũng như những sáng kiến, nội dung của ASEAN trong năm 2020 tiếp tục phát triển trong năm 2021.
Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam cần thực thi hiệu quả hiệp định thương mại tự do, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền biển đảo, chú trọng bảo hộ công dân.
"Có lẽ điều tiếc nuối duy nhất về đối ngoại năm 2020 là các chuyến thăm của các nước đến Việt Nam chưa tổ chức được do Covid-19", Phó thủ tướng nói. "Đó là điều mà chúng ta trăn trở. Nhưng đổi lại, chúng ta có thể dùng các phương thức khác để bày tỏ lòng hiếu khách của Việt Nam thông qua các cuộc điện đàm, quảng bá Việt Nam không được trực tiếp thì qua trực tuyến".
Phương Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét