Nam y tá bang California nhiễm nCoV sau hơn một tuần được tiêm vaccine của Pfizer, song giới chuyên gia nói đây không phải điều bất thường.
Y tá Matthew W., 45 tuổi, là y tá làm việc tại phòng cấp cứu của hai bệnh viện khác nhau tại thành phố San Diego. Anh được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer hôm 18/12 ngay trong đợt triển khai đầu tiên.
Matthew cho biết anh bị đau cánh tay suốt một ngày sau khi tiêm, nhưng không có thêm tác dụng phụ nào khác.
Tuy nhiên, sau ca làm việc tại khu điều trị Covid-19 đêm Giáng sinh, Matthew bị ốm với các triệu chứng gồm ớn lạnh, đau cơ và mệt mỏi. Ngày 26/12, anh nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.
Dù gây thất vọng, kết quả này không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia y tế công cộng, giới chức cho biết.
"Không có gì bất ngờ cả. Nếu bạn xem xét các con số, đây chính xác là điều chúng tôi dự đoán sẽ xảy ra nếu ai đó bị phơi nhiễm", Christian Ramers, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Sức khỏe Gia đình San Diego, nói với các phóng viên.
Ramers cũng lưu ý rằng có thể Matthew đã bị nhiễm virus từ trước và triệu chứng khởi phát sau khi anh được tiêm vaccine. "Từ các thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi biết sẽ mất khoảng 10 đến 14 ngày sau khi tiêm vaccine, cơ thể bạn mới bắt đầu phát triển khả năng miễn dịch", ông nói thêm.
Matthew cũng chỉ mới được tiêm một liều vaccine duy nhất, trong khi vaccine của Pfizer gồm hai liều riêng biệt, được tiêm bắp cách nhau ba tuần.
Các tài liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cung cấp cho thấy một liều vaccine Pfizer đạt hiệu quả trung bình 88,9%. Các nhà nghiên cứu lưu ý việc thiếu dữ liệu sẵn có với những người chỉ được tiêm một liều vaccine khiến "không thể đưa tới kết luận về hiệu quả của vaccine" vì hầu hết những người tham gia thử nghiệm lâm sàng đều được tiêm cả hai liều.
Ramers nói rằng tỷ lệ hiệu quả sau liều vaccine đầu tiên có thể vào khoảng 50% và liều thứ hai mang lại hiệu quả hơn 95%.
Huyền Lê (Theo Hill)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét