Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Ông Kim Jong-un ca ngợi năng lực của phi công Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm trụ sở không quân, đề cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các phi công nước này.

Trong chuyến thăm trụ sở không quân nhân ngày phi công Triều Tiên 30/11, lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra các hướng dẫn chiến lược nhằm cải thiện năng lực cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu, truyền thông Triều Tiên ngày 1/12 đưa tin.

Ông Kim Jong-un sau đó cùng con gái tới thăm một phi đội máy bay chiến đấu, nơi các phi công tổ chức bay biểu diễn.

"Lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các phi công để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trên không, dù điều kiện bất lợi thế nào", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho hay.

Ông Kim Jong-un và con gái tại căn cứ không quân Sunchon ngà 30/11. Ảnh: Rodong Sinmun

Ông Kim Jong-un và con gái tại căn cứ không quân Sunchon ngày 30/11. Ảnh: Rodong Sinmun

Tờ Rodong Sinmun công bố những bức ảnh cho thấy chỉ huy lực lượng không quân Kim Kwang-hyok và lãnh đạo Triều Tiên đang xem xét "kế hoạch tấn công" trên bản đồ Hàn Quốc.

Một bức ảnh cho thấy ông Kim Jong-un đang kiểm tra hình ảnh vệ tinh về nơi có thể là căn cứ không quân của Hàn Quốc. Tuy nhiên, hình ảnh này đã bị làm mờ, khiến khó xác định nó có được chụp bởi vệ tinh trinh sát quân sự Triều Tiên mới phóng hay không.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem xét các kế hoạch tấn công tại trụ sở không quân ngày 30/11. Ảnh: Rodong Sinmun

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xem xét các kế hoạch tấn công tại trụ sở không quân ngày 30/11. Ảnh: Rodong Sinmun

Triều Tiên tuần trước phóng thành công vệ tinh trinh sát đầu tiên mà Bình Nhưỡng cho biết được thiết kế để theo dõi hoạt động quân sự của Mỹ, Hàn Quốc. Mỹ và đồng minh lên án động thái này vì vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng thêm vệ tinh và gọi đây là hành động thực hiện quyền tự vệ.

Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều để đáp trả vụ phóng vệ tinh và tăng cường giám sát dọc biên giới với Triều Tiên. Bình Nhưỡng phản ứng lại bằng cách tuyên bố sẽ triển khai lực lượng vũ trang mạnh hơn và vũ khí mới dọc khu vực biên giới.

Huyền Lê (Theo Reuters, Yonhap)

Adblock test (Why?)

Israel tức giận với Thủ tướng Tây Ban Nha

Israel tức giận triệu đại sứ Tây Ban Nha để khiển trách sau khi Thủ tướng Sanchez nghi ngờ việc Tel Aviv tôn trọng luật nhân đạo ở Dải Gaza.

"Dựa trên video chúng tôi xem được và số lượng trẻ em tử vong ngày càng gia tăng, tôi thực sự nghi ngờ Israel có đang tuân thủ luật nhân đạo quốc tế hay không", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói trong cuộc phỏng vấn ngày 30/11. "Những gì chúng ta đang thấy ở Dải Gaza là không thể chấp nhận được".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau đó cho biết ông đã chỉ thị Ngoại trưởng Eli Cohen triệu đại sứ Tây Ban Nha để khiển trách "sau tuyên bố đáng xấu hổ của Thủ tướng Tây Ban Nha vào cùng ngày Hamas sát hại người Israel ở Jerusalem".

Bình luận của ông Netanyahu đề cập việc hai tay súng Hamas giết chết ba dân thường tại một trạm xe buýt ở Jerusalem trong giờ cao điểm sáng 30/11.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, Ngoại trưởng Cohen cho biết đã triệu hồi Đại sứ Israel tại Tây Ban Nha để tham vấn. "Israel tự biết cách hành xử và sẽ tiếp tục hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Cohen cho hay.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại cuộc họp báo ở Madrid ngày 20/11. Ảnh: AFP

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại cuộc họp báo ở Madrid ngày 20/11. Ảnh: AFP

Hamas tấn công lãnh thổ Israel hồi đầu tháng trước, khiến 1.200 người thiệt mạng. Tel Aviv cam kết "nghiền nát" Hamas để đáp trả và đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn, khiến khoảng 15.000 người ở Gaza thiệt mạng.

Khi cùng Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thăm cửa khẩu biên giới Rafah giữa Gaza và Ai Cập hôm 24/11, ông Sanchez nói rằng "việc giết hại bừa bãi dân thường vô tội" trên lãnh thổ Palestine là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Hai lãnh đạo đều kêu gọi đình chiến tại Gaza.

Bộ Ngoại giao Israel sau đó nhanh chóng triệu đại sứ Tây Ban Nha và Bỉ để "chỉ trích gay gắt" về những bình luận của lãnh đạo hai nước. Đáp lại, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares triệu đại sứ Israel để phản đối những cáo buộc của Tel Aviv.

Bất chấp căng thẳng ngoại giao, ông Sanchez cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 30/11 rằng mối quan hệ giữa Israel và Tây Ban Nha là "đúng đắn" và "các nước có quan hệ thân thiện cũng phải trao đổi thẳng thắn với nhau".

Huyền Lê (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Hamas nói gia đình con tin nhỏ tuổi nhất đã chết vì đòn không kích của Israel

Hamas cho biết con tin 10 tháng tuổi Kfir Bibas cùng mẹ và anh trai 4 tuổi đã thiệt mạng vì đòn không kích của Israel vào Dải Gaza trước khi có thỏa thuận ngừng bắn.

Cánh vũ trang al-Qassam của Hamas ngày 29/11 thông báo gia đình con tin Kfir Bibas, 10 tháng tuổi, Ariel, 4 tuổi, và người mẹ Shiri đã thiệt mạng vì đòn không kích của Israel vào Dải Gaza trước khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn. Lực lượng này không đề cập tới Yarden, bố của hai cậu bé.

Gia đình Bibas nằm trong số những con tin được quan tâm nhất, do Kfir mới 9 tháng tuổi khi bị Hamas bắt hôm 7/10.

Quân đội Israel cùng ngày cho biết đang xác minh thông tin mà Hamas đưa ra. "Hamas hoàn toàn chịu trách nhiệm về an toàn của toàn bộ con tin ở Dải Gaza. Những hành động của Hamas tiếp tục làm hại các con tin, trong đó có 9 trẻ em", quân đội Israel ra tuyên bố.

Hamas trước đó nói rằng 60 con tin đã thiệt mạng trong các vụ tấn công của Israel vào Dải Gaza.

Hình ảnh gia đình Bibas ở Kibbutz Nir Oz, miền nam Israel, bị Hamas bắt cóc hôm 7/10, đã trở thành một trong những biểu tượng của cuộc tấn công. Người mẹ Shiri sợ hãi ôm chặt hai con trai khi bị Hamas bắt về Dải Gaza. Người bố Yarden bị thương ở đầu.

Hamas nói gia đình con tin bé nhất đã chết vì đòn không kích Israel

Gia đình Bibas hoảng sợ khi bị Hamas bắt cóc hôm 7/10. Video: NBC

Daniel Hagari, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), tuần này cho biết rằng gia đình Bibas bị một nhóm vũ trang khác ngoài Hamas giữ ở Dải Gaza.

Ofri Bibas Levy, em gái của Yarden, nói trong cuộc biểu tình ở Tel Aviv hôm 28/11 rằng số phận gia đình anh trai "trực tiếp nằm trong tay Hamas". Dana Siton, em gái của Shiri, nói rằng mạng sống của gia đình chị gái "đang nguy hiểm từng ngày".

Hamas ngày 29/11 còn thông báo đã thả hai nữ con tin quốc tịch Nga "sau những nỗ lực của Tổng thống Putin".

Lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel sẽ hết hạn vào sáng 30/11. Theo thỏa thuận, Hamas đã thả tổng cộng 60 con tin Israel và người mang quốc tịch kép. Đổi lại, 180 tù nhân người Palestine được phóng thích khỏi các nhà tù Israel.

Hamas cũng đã thả tổng cộng 20 người Thái, một người Philippines và ba người Nga. Đây là những trường hợp được trả tự do nhờ nỗ lực ngoại giao riêng biệt, không nằm trong thỏa thuận ngừng bắn.

Hamas hôm 29/11 nói sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 4 ngày và thả thêm con tin Israel để đối lấy tự do cho các tù nhân người Palestine.

Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)

Adblock test (Why?)

Việt Nam đóng góp 500.000 USD cứu trợ nhân đạo người Palestine

Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam sẽ đóng góp 500.000 USD để cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Palestine tại Dải Gaza.

Hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiều 29/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết số tiền 500.000 USD sẽ được Việt Nam đóng góp thông qua Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA).

Người dân Palestine ở Dải Gaza đã lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn từ khi xung đột nổ ra giữa nhóm vũ trang Hamas và Israel vào đầu tháng 10.

Thảo luận về quan hệ song phương trong cuộc hội kiến, Thủ tướng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như giày dép, nông sản, thủy sản thâm nhập vào chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối của Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo chính phủ Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào hydrogen, cơ sở hạ tầng, logistics... tại Việt Nam.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ coi trọng phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam - nước có vị trí đặc biệt quan trọng tại Đông Nam Á. Ông cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam khắc phục hậu quả trận động đất hồi tháng 2 và đánh giá cao nhiệt tình, chuyên môn cao của nhóm cứu hộ do Bộ Quốc phòng và Công an Việt Nam cử sang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thống nhất nhận định tiềm năng hợp tác còn rất lớn, cần được quan tâm khai thác cụ thể. Tổng thống khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư với Việt Nam, đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD trong giai đoạn tới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn hai nước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, y tế, năng lượng... Hai lãnh đạo thống nhất thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực khác như phát triển ngành Halal (sản phẩm phù hợp với quy định Hồi giáo), du lịch, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, tăng cường giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiều 29/11. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiều 29/11. Ảnh: Dương Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang trong chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-30/11.Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/6/1978, hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông và là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Nam Âu. Kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD.

Lũy kế đến tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Có khoảng 200 người Việt sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thảm họa động đất diễn ra tại đông nam Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2, Việt Nam đã viện trợ 100.000 USD và cử hai đội cứu hộ cứu nạn sang giúp khắc phục hậu quả.

Viết Tuân

Adblock test (Why?)

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Hamas thả thêm 12 con tin

Hamas bàn giao thêm 12 con tin, Israel trả tự do cho 30 tù nhân Palestine trong ngày đầu tiên hai bên gia hạn lệnh ngừng bắn.

10 công dân Israel và hai công dân Thái Lan đã được thả từ Gaza, Văn phòng Thủ tướng Israel xác nhận ngày 28/11. Các con tin được đưa về hai bệnh viện ở Tel Aviv để chăm sóc và đoàn tụ với thân nhân.

Đổi lại, giới chức Israel trả tự do cho 30 nữ tù nhân Palestine từ Nhà tù Ofer ở Bờ Tây và một cơ sở giam giữ tại Jerusalem.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed al-Ansari nói 10 công dân Israel được thả đều là nữ, trong đó có một trẻ vị thành niên. Trong số này có một người quốc tịch kép Israel - Philippines, hai người quốc tịch kép Israel - Argentina. Một số con tin do Lữ đoàn Al Quds, cánh vũ trang của nhóm Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ), trao trả.

PIJ cùng với Hamas là hai nhóm vũ trang chính ở Dải Gaza. PIJ có quy mô nhỏ hơn và ủng hộ Hamas, lực lượng kiểm soát khu vực. Qatar là bên trung gian đàm phán thúc đẩy việc ngừng bắn và trao trả con tin.

Một con tin Israel được thành viên Hamas và PIJ bàn giao cho Hội Chữ thập Đỏ ở Rafah, miền nam Gaza, ngày 28/11. Ảnh: AFP

Một con tin Israel được thành viên Hamas và PIJ bàn giao cho Hội Chữ thập Đỏ ở Rafah, miền nam Gaza, ngày 28/11. Ảnh: AFP

Israel và Hamas ngừng bắn từ ngày 24/11 theo thỏa thuận kéo dài 4 ngày. Hamas đồng ý thả khoảng 50 con tin, phần lớn là trẻ em và phụ nữ. Đổi lại, Israel sẽ thả 150 tù nhân Palestine bị giam trong các nhà tù nước này.

Hai bên đều thực hiện nghĩa vụ trong thỏa thuận ngừng bắn ban đầu. Tổng cộng, Hamas đã thả 69 người, gồm 50 người Israel và người mang quốc tịch kép, cùng với 19 người nước ngoài. Hamas và Israel chỉ tính nhóm 50 người là nằm trong thỏa thuận ngừng bắn.

Thỏa thuận sau đó được gia hạn thêm hai ngày, với Hamas được cho là sẽ thả thêm 10 con tin Israel mỗi ngày. Phía Israel cũng sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn thêm một ngày với mỗi 10 con tin Israel được thả.

Ông al-Ansari cho biết "đã có một số vi phạm nhỏ" xảy ra trong ngày 28/11 nhưng nhìn chung không ảnh hưởng đến bản chất thỏa thuận. Qatar đang nỗ lực hòa giải nhằm giúp các bên đạt được một thỏa thuận ngừng bắn bền vững.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Lý do Iran quyết 'không đội trời chung' với Israel

Giới lãnh đạo Iran luôn thể hiện thái độ thù địch với Israel vì cho rằng Tel Aviv "chiếm đất của người Hồi giáo" và giật dây chính sách Mỹ ở Trung Đông.

Iran nổi lên như một trong những bên có tiếng nói gay gắt nhất chống lại chiến dịch tấn công trên bộ của Israel ở Dải Gaza, cáo buộc Tel Aviv "phạm tội ác chiến tranh" khi khiến gần 15.000 người ở vùng đất này thiệt mạng. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei ngày 19/11 thậm chí kêu gọi các quốc gia Hồi giáo cắt quan hệ và ngừng giao thương với Israel.

Xung đột Gaza đã châm ngòi cuộc tranh luận về lý do giới lãnh đạo Iran luôn thể hiện thái độ thù địch với Israel, quốc gia mà họ tuyên bố là "không đội trời chung". Một số chuyên gia, quan chức Mỹ đưa ra giả thuyết rằng Iran muốn phá vỡ nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Arab Saudi, nên đã hỗ trợ Hamas tiến hành cuộc đột kích để làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong thế giới Arab.

Tuy nhiên, Reuel Marc Gerecht, nhà nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ Nền dân chủ tại Washington, và Ray Takeyh, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho rằng quan điểm này đã không tính đến quan điểm chống Do Thái được giới lãnh đạo Iran thể hiện trong hàng chục năm qua.

Các giáo sĩ Iran luôn coi Israel là "quốc gia bất hợp pháp", được thành lập dựa trên nỗ lực chiếm đoạt các vùng đất linh thiêng của người Hồi giáo. Họ gọi Israel là "nhà nước định cư - thực dân", cũng như tin rằng người Do Thái đã thao túng chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Do đó, trong quan điểm của Tehran, người Hồi giáo có nghĩa vụ chống lại Israel và người Do Thái toàn cầu.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran hôm 25/10. Ảnh: AFP

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran hôm 25/10. Ảnh: AFP

Lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini chính là người đã đặt ra hệ tư tưởng này cho người Hồi giáo Iran. Trong cuốn sách Chính quyền Hồi giáo, ông viết rằng "ngay từ đầu, phong trào đấu tranh lịch sử của Hồi giáo đã phải đấu tranh với người Do Thái, vì chính họ là những người đầu tiên tuyên truyền chống Hồi giáo". Ông mô tả dân Do Thái là những người bóp méo kinh Koran, những kẻ đầu cơ tài chính và là đặc vụ của phương Tây.

Quan điểm bài Do Thái của ông Khomeini đã được cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani và lãnh tụ tối cao hiện tại Ali Khamenei tiếp nối. Ông Rafsanjani đã xuất bản cuốn sách Israel và Jerusalem yêu dấu, tuyên bố chống nhà nước Do Thái là nghĩa vụ thiêng liêng của "mỗi người Hồi giáo và bất cứ ai tin vào Thiên Chúa".

Theo Gerecht và Takeyh, Iran đã tạo ra cỗ máy tuyên truyền thù địch với Israel trong suốt 4 thập kỷ qua. Các hãng thông tấn quốc gia Iran thường xuyên đăng tải cuốn sách có tên Mật thư của các trưởng lão Zion (theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái) và các bài báo bài Do Thái khác. Đài truyền hình Iran cũng chiếu nhiều phim tài liệu bài Do Thái.

Giới lãnh đạo Iran, gồm cả ông Khamenei, thường xuyên gặp những người phương Tây bác bỏ cuộc thảm sát người Do Thái (Holocaust) tại các hội nghị được nước này hậu thuẫn ở Tehran. Cuộc thi vẽ tranh biếm họa Holocaust do ông Khamenei phát động năm 2006 đã trao giải cho các tác phẩm bài Do Thái.

Lập trường của Iran về tiến trình hòa bình Trung Đông luôn cực đoan hơn hầu hết nước Arab tại khu vực. Tehran đã hậu thuẫn và trang bị vũ khí cho các nhóm vũ trang như Hamas ở Gaza, Islamic Jihad ở Bờ Tây và Hezbollah ở Lebanon.

Ông Khamenei, người thường xuyên nói về Israel như "khối u cần cắt bỏ" của thế giới Hồi giáo, nhấn mạnh rằng Tel Aviv "đã phải chịu thất bại không thể khắc phục cả về quân sự và tình báo", đề cập tới cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10.

Shireen Hunter, thành viên danh dự tại Trung tâm Kiến thức về Hồi giáo và Kito giáo tại Đại học Georgetown ở Mỹ, nói rằng trong thế giới quan của Iran, Israel được xem là tiền đồn thuộc địa của phương Tây và chủ nghĩa phục quốc Do Thái là phiên bản của chủ nghĩa đế quốc.

Trước Cách mạng Hồi giáo, Iran từng có quan hệ khá gần gũi với Israel. Đây là quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo thứ hai công nhận Israel vào năm 1950, sau Thổ Nhĩ Kỳ. Trong giai đoạn này, Tehran và Tel Aviv trở nên thân thiết dựa trên hợp tác chặt chẽ về các vấn đề quân sự, công nghệ, nông nghiệp và dầu khí. Iran khi đó coi Israel là cánh cửa để nhận được sự ủng hộ và tài trợ lớn của Mỹ.

Giữa những năm 1970, Iran không còn được xem là lực lượng đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Với doanh thu từ dầu mỏ tăng, lãnh đạo Iran khi đó là vua Mohammad Reza Pahlavi đã áp dụng chính sách độc lập và chủ động hơn về các vấn đề khu vực và tăng cường quan hệ với những nước Arab.

Lực lượng bán quân sự khiêng quan cài tượng trung cho sự kết thúc của Israel và Mỹ tại cuộc diễu hành quân sự ở Tehran, Iran ngày 24/11. Ảnh: Zuma Press

Lực lượng bán quân sự khiêng quan tài tượng trung cho sự kết thúc của Israel và Mỹ tại cuộc diễu hành quân sự ở Tehran, Iran ngày 24/11. Ảnh: Zuma Press

Năm 1975, vua Pahlavi ký thỏa thuận với Iraq, trong đó Baghdad nhất trí giải quyết tranh chấp tuyến đường thủy Shatt al-Arab theo hướng có lợi cho Iran để đối lấy việc Tehran ngừng hỗ trợ người Kurd chống chính phủ Iraq.

Israel, khi đó ủng hộ người Kurd ở Iraq, cảm thấy bị phản bội vì hành động này, mất niềm tin vào vua Pahlavi và không còn xem Iran như đồng minh. Israel xem cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn của Iran đối với các phần tử cực đoan Arab có thể làm thay đổi cán cân quyền lực chống Israel. Tel Aviv luôn muốn giữa duy trì căng thẳng giữa Iran và các nước Arab để hai bên tự kiềm chế lẫn nhau, tránh chĩa mũi dùi vào Israel.

Ngoài ra, vào giữa những năm 1970, vua Pahlavi còn muốn sở hữu năng lực hạt nhân dân sự để có thể chấm dứt sự độc quyền vũ khí hạt nhân của Israel ở Trung Đông. Với nền kinh tế sôi động và năng lực quân sự lớn, Iran lúc đó nổi lên như đối tác thương mại và an ninh quan trọng của Mỹ ở Vịnh Ba Tư, đồng thời là đối thủ tiềm năng của Israel.

Tuy nhiên, nhiều người xem nỗi bất bình của Mỹ đối với vua Pahlavi về việc ủng hộ tăng giá dầu sau chiến tranh Arab - Israel năm 1973 là do Tel Aviv giật dây.

Giá trị của Iran đối với Israel và Mỹ giảm sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tuy nhiên, Tel Aviv đã thuyết phục chính quyền tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi đó bí mật bán vũ khí cho Iran trong chiến tranh Iran - Iraq vào những năm 1980, coi Baghdad là mối nguy hiểm lớn hơn.

Đến năm 1987, khi cả Iraq và Iran đều suy yếu sau cuộc chiến, Israel đã thay đổi chiến lược, tìm cách xây dựng thỏa thuận hòa bình với Ai Cập, đồng thời duy trì sự cô lập với Iran.

Israel phản đối bất kỳ phản ứng tích cực nào của phương Tây đối với các dấu hiệu ôn hòa của Iran trong các nhiệm kỳ tổng thống Hashemi Rafsanjani, Mohammad Khatami và sau đó là Hassan Rouhani. Quốc gia Do Thái thúc đẩy chiến lược "ngăn chặn kép" Iran và Iraq của Mỹ trong những năm 1990, đồng thời vận động hành lang để Mỹ tăng cường trừng phạt Iran.

Khi Mỹ chuẩn bị triển khai chiến dịch tấn công Iraq năm 2003 với cáo buộc Baghdad sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, một số lãnh đạo Israel đã tìm cách thuyết phục Nhà Trắng có hành động quân sự tương tự với Iran, cáo buộc Tehran cũng đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

Vị trí giữa Israel và các quốc gia trong khu vực. Đồ họa: DW

Vị trí giữa Israel và các quốc gia trong khu vực. Đồ họa: DW

Tel Aviv cũng tham gia cuộc đua giành ảnh hưởng với Iran ở các nước thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là Azerbaijan, và thiết lập liên minh với Baku chống Tehran. Trong khi đó, Iran mở rộng ảnh hưởng ở các quốc gia gần Israel, đặc biệt là Syria.

Israel những năm gần đây thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với loạt nước Trung Đông, châu Phi như Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Morocco, Sudan và sắp tới đây có thể là Arab Saudi. Điều này có thể khiến Iran cảm thấy cán cân ngoại giao ở Trung Đông đang không nghiêng về phía họ, theo giới quan sát.

Tiến sĩ Ali Bilgic, chuyên gia về quan hệ quốc tế và an ninh tại Đại học Loughborough, Anh, nhận định Iran có thể tận dụng cuộc tấn công của Hamas vào Israel để giành lại "hào quang", qua đó khẳng định vị thế đất nước như "lãnh đạo của thế giới Hồi giáo".

Khi mối quan hệ giữa Israel và Iran liên tục căng thẳng, chuyên gia Shireen Hunter nhận định "một kết quả tích cực để giải quyết tình trạng thù địch giữa hai bên khó có thể sớm xảy ra".

Thanh Tâm (Theo WSJ, Stimson)

Adblock test (Why?)

Ấn Độ giải cứu 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm

Lực lượng cứu hộ Ấn Độ đã giải cứu được toàn bộ 41 công nhân mắc kẹt 17 ngày trong đường hầm tại bang Uttarakhand.

Harpal Singh, thành viên lực lượng cứu hộ, nói họ tạo lối thoát thành công vào lúc 19h05 và công nhân đầu tiên được đưa ra ngoài vào khoảng 20h (21h30 giờ Hà Nội), hãng tin Ấn Độ Press Trust of India cho biết.

"Tôi cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhõm và hạnh phúc khi 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm Silkyara được giải cứu thành công ", Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari nói. "Đây là nỗ lực được phối hợp tốt giữa nhiều cơ quan, là một trong những chiến dịch cứu hộ lớn nhất gần đây".

Ấn Độ bắt đầu đưa 41 công nhân mắc kẹt ra ngoài

Công nhân Ấn Độ đầu tiên được giải cứu khỏi đường hầm. Video: Press Trust of India

Xe cứu thương sau đó đưa họ về cơ sở y tế cách hiện trường 30 km để chăm sóc. Các bác sĩ trước đó cảnh báo các công nhân có thể gặp hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Nhóm 41 công nhân bị mắc kẹt sau khi hầm đường bộ đang thi công ở khu vực dãy Himalaya bị sập hôm 12/11. Giới chức chưa công bố nguyên nhân sập hầm, nhưng khu vực này thường xảy ra lở đất, động đất và lũ lụt.

Giới chức địa phương chào đón công nhân đầu tiên được giải cứu khỏi đường hầm ở bang Uttarakhand ngày 28/11. Ảnh: NDTV

Giới chức địa phương chào đón công nhân đầu tiên được giải cứu khỏi đường hầm ở bang Uttarakhand ngày 28/11. Ảnh: NDTV

Trong 17 ngày qua, giới chức Ấn Độ triển khai nhiều phương án giải cứu các nạn nhân, nhưng gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình và thời tiết. Lực lượng cứu hộ đã đào và thiết lập hai đường ống nhỏ để cung cấp oxy, nước và đồ ăn cho nhóm công nhân.

Đến ngày 27/11, lực lượng cứu hộ phải áp dụng phương pháp "đào hang chuột", sử dụng máy khoan thủ công để tạo lối mở qua những mét đất đá cuối cùng tới nơi nhóm công nhân mắc kẹt.

Đường hầm nơi các công nhân mắc kẹt là một phần trong dự án đường cao tốc Char Dham trị giá 1,5 tỷ USD, một trong những dự án tham vọng nhất của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm kết nối 4 địa điểm hành hương của người theo đạo Hindu thông qua hệ thống đường bộ dài 890 km.

Vị trí đường hầm 41 công nhân mắc kẹt. Đồ họa: AFP

Vị trí đường hầm 41 công nhân mắc kẹt. Đồ họa: AFP

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Thành trì ủng hộ Ukraine bắt đầu rạn nứt

Không chỉ gặp khó khăn trước Nga trên chiến trường, Ukraine chịu nhiều áp lực từ mặt trận ngoại giao, khi nền tảng ủng hộ của phương Tây dần xuất hiện nhiều vết nứt.

Gần hai năm sau khi chiến sự với Nga bùng nổ, Ukraine đang đối mặt với một mùa đông khó khăn, khi chiến dịch phản công quy mô lớn của họ rơi vào bế tắc. Tại Mỹ và châu Âu, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của người dân và các chính trị gia, vốn tạo nên thành trì vững chắc hậu thuẫn Ukraine trong thời gian qua, đang dần suy giảm.

Vết nứt rõ ràng nhất xuất hiện trong quan hệ giữa Ukraine và Ba Lan, một trong những nước ủng hộ nhiệt thành nhất của Kiev kể từ khi xung đột với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022.

Hôm 23/11, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đường bộ Quốc tế Ukraine Volodymyr Balin ước tính nước này thiệt hại khoảng 436 triệu USD do các tài xế xe tải Ba Lan chặn cửa khẩu biên giới hai nước.

Tài xế xe tải Ba Lan bắt đầu chặn cửa khẩu biên giới với Ukraine từ ngày 6/11, phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) cho các tài xế Ukraine không phải xin giấy phép qua biên giới. Các tài xế Ba Lan cho rằng động thái miễn trừ của EU đã gây tổn hại hoạt động kinh doanh của họ.

Kiev và Warsaw trước đó căng thẳng về vấn đề ngũ cốc. Ba Lan là một trong những nước đã áp lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine, vì cho rằng ngũ cốc giá rẻ từ nước láng giềng gây thiệt hại cho nông dân cùng thị trường nội địa.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 20/9 nói rằng Ukraine "giống như người chết đuối cố bám vào mọi thứ. Một người đuối nước vô cùng nguy hiểm khi có thể kéo cả bạn xuống nước". Ông đề cập tới gánh nặng của Ba Lan khi phải viện trợ nhân đạo và vũ khí cho Kiev, cũng như đón hàng triệu người tị nạn từ quốc gia láng giềng.

Hàng dài xe tải xếp hàng chặn cửa khẩu biên giới Medyka giữa Ba Lan và Ukraine hôm 23/11. Ảnh: AFP

Hàng dài xe tải xếp hàng chặn cửa khẩu biên giới Medyka giữa Ba Lan và Ukraine hôm 23/11. Ảnh: AFP

Lập trường với Ukraine không chỉ đảo chiều ở Ba Lan. Tại Slovakia, các tài xế xe tải cũng chặn cửa khẩu biên giới Vysne Nemecke với Ukraine tuần trước, để bày tỏ ủng hộ với người biểu tình Ba Lan. Slovakia trước đó cũng áp lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine.

Nền tảng ủng hộ Ukraine của Slovakia suy giảm rõ rệt hơn khi Thủ tướng Robert Fico trở lại nắm quyền sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9. Một trong những cam kết của ông khi tranh cử là ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Liên minh cầm quyền của Fico đã chặn gói viện trợ quốc phòng trị giá 44 triệu USD mà chính quyền tiền nhiệm cam kết hỗ trợ Kiev.

Xa hơn, nhiều nước châu Âu cũng như Mỹ đang và sắp bước vào những cuộc bầu cử quan trọng và giới quan sát cho rằng đây sẽ là yếu tố lớn có thể khiến thành trì ủng hộ Ukraine rạn nứt nhiều hơn nữa.

Niklas Masuhr, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Công nghệ Liên bang ở Zurich, Thụy Sĩ, nhận định nền chính trị châu Âu có thể đối mặt với một làn gió mới, khi các đảng cực hữu và dân túy tăng cường khơi dậy chủ nghĩa dân tộc để lấy lòng cử tri và dần giành ưu thế trong các cuộc bầu cử.

Điều đó được thể hiện rõ nhất trong cuộc bầu cử vừa qua ở Hà Lan. Đảng Tự do theo đường lối cực hữu của ông Geert Wilders tuần trước bất ngờ giành nhiều ghế nhất trong quốc hội, chấm dứt kỷ nguyên của Thủ tướng Mark Rutte, người ủng hộ Ukraine nhiệt thành.

Là người hâm mộ Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Wilders tuyên bố sẽ ngăn chặn kết nạp bất kỳ thành viên mới nào vào Liên minh châu Âu, gồm cả Ukraine. Ông cũng nhiều lần nói rằng Hà Lan nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine vì nước này cần vũ khí để tự vệ.

Giới quan sát đã nhiều lần cảnh báo về "nỗi mệt mỏi Ukraine" khi cuộc chiến kéo dài. Chiến dịch phản công gây thất vọng của Kiev đã khiến nỗi mệt mỏi đó trở nên nặng nề hơn.

Các nước phương Tây từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào chiến dịch phản công này, tin rằng nó sẽ tạo ra đòn giáng đủ mạnh để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán, hướng tới chấm dứt chiến sự.

Nhưng trong gần nửa năm qua, quân đội Ukraine không thể xuyên thủng phòng tuyến Nga, vốn được bảo vệ bởi các bãi mìn dày đặc, hệ thống công sự kiên cố và hàng nghìn binh sĩ bổ sung từ lệnh động viên. Hàng tỷ USD vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine chưa mang lại đột phá lớn nào.

Thủ tướng Slovakia nhận định xung đột tại Ukraine "đã đóng băng", có thể kéo dài đến 2029 hoặc 2030 nếu các bên không ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.

"Tốt hơn là đàm phán 10 năm trong hòa bình hoặc tạm ngừng giao chiến, hơn là bước vào bàn đàm phán sau 10 năm không đạt kết quả nào trên chiến trường ngoài việc có thêm 500.000-600.000 người chết", ông Fico nói ngày 24/11.

Bên bờ tây Đại Tây Dương, Mỹ cam kết sẽ duy trì ủng hộ "chừng nào còn cần thiết" như Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định trong năm nay. Quốc hội Mỹ tới nay đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những cam kết nghe có vẻ sắt đá này phụ thuộc vào hai biến số không chắc chắn, gồm khả năng cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraine và ý chí chính trị của giới lãnh đạo cũng như dư luận Mỹ, theo Economist.

Đề xuất về gói viện trợ gần 106 tỷ USD của Tổng thống Biden cho Ukraine, Israel và các nhu cầu ngân sách khác đang nằm im tại quốc hội, không được chấp thuận hay bác bỏ. Các nghị sĩ Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện muốn coi đề xuất này như một đòn bẩy để đưa ra những yêu cầu riêng, trong đó có chính sách kiểm soát biên giới Mỹ - Mexico chặt chẽ hơn để ngăn dòng người di cư.

Tổng thống Volodymyr Zelensky tại sựu kiện ở Lutsk, Ukraine hồi tháng 7/2023. Ảnh: Reuters

Tổng thống Volodymyr Zelensky tại sự kiện ở Lutsk, Ukraine hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Sự ủng hộ của lưỡng viện Mỹ dành cho Ukraine giai đoạn đầu xung đột đang dần suy giảm, biến thành cuộc tranh cãi đảng phái ở Mỹ. Ngày càng nhiều tiếng nói của đảng Cộng hòa phản đối bổ sung viện trợ cho Ukraine.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng "cách tốt nhất" để đảm bảo ủng hộ của họ với Ukraine là ông Biden và đảng Dân chủ phải chấp nhận thay đổi chính sách biên giới, nhằm hạn chế dòng người di cư qua biên giới Mexico vào Mỹ.

Nhiệm kỳ ngắn ngủi của cựu chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã chứng minh chỉ một nhóm thiểu số các nhà lập pháp cứng rắn có thể định hình chương trình nghị sự của quốc hội Mỹ và làm suy yếu các ưu tiên của phe đa số.

Các nhà lập pháp và quan chức chính quyền Mỹ nhận thức rõ ràng Ukraine có thể chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường nếu dòng chảy vũ khí, pháo binh cùng các loại đạn dược của Mỹ bị gián đoạn.

"Mọi thứ giờ không hoàn toàn chắc chắn và không thể dự đoán điều này sẽ diễn ra thế nào", trợ lý của đảng Cộng hòa ở quốc hội nói về việc viện trợ cho Ukraine.

Mỹ năm sau bước vào cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, đang giữ lợi thế trong kịch bản tái đấu với Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2024.

Chính sách của ông Trump về Ukraine không nhất quán. Hồi tháng 3, ông tuyên bố sẽ giải quyết xung đột "trong vòng 24 giờ" nếu trở thành tổng thống. Tới tháng 5, ông phàn nàn về tình trạng Mỹ thiếu đạn dược vì "đang cho đi quá nhiều".

Tuy nhiên, ông hồi tháng 9 bác bỏ khả năng thúc đẩy thỏa thuận cho phép Nga giữ lãnh thổ Ukraine. "Không ai cứng rắn với Nga hơn tôi", ông nói, nhấn mạnh sẽ đạt được "thỏa thuận công bằng cho tất cả".

Quan chức phương Tây lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ chờ xem liệu ông Trump có tái đắc cử tổng thống hay không trước khi nghĩ tới đàm phán với Ukraine. Kịch bản đó làm dấy lên cuộc tranh luận quyết liệt ở châu Âu.

"Nếu Mỹ có tổng thống mới, người tìm cách thúc ép một giải pháp đàm phán về Ukraine, châu Âu sẽ có rất ít khả năng kháng cự", Liana Fix và Michael Kimmage, hai chuyên gia về Nga, lập luận trong bài viết trên Foreign Affairs gần đây.

Một mình châu Âu sẽ rất khó động đủ tiền và vũ khí để giúp Ukraine duy trì cuộc chiến với Nga nếu lãnh đạo mới của Mỹ cắt hoàn toàn dòng chảy viện trợ này.

Mỹ được xem là điểm tựa cho các đồng minh trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng khẳng định không cho phép xe tăng Leopard mà nước này sản xuất được gửi đến Ukraine, trừ khi ông Biden chấp nhận gửi xe tăng Abrams cho Kiev. Một số nước châu Âu khác đã quyết định gửi vũ khí cho Ukraine với hứa hẹn nhận được vũ khí mới bù đắp từ Mỹ.

Cục diện chiến trường Ukraine tính tới ngày 19/11. Đồ họa: AFP

Cục diện chiến trường Ukraine tính tới ngày 19/11. Đồ họa: AFP

Do đó, các nhà phân tích cho rằng việc thay thế vai trò lãnh đạo và nguồn viện trợ từ Mỹ là nhiệm vụ rất khó khăn.

"Tôi thấy các đối tác đang ngày càng mệt mỏi và rệu rã. Họ muốn quên đi xung đột này, nhưng nó đang tiếp diễn khốc liệt", Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko ngày 14/10 cho biết bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Marrakech, Morocco. "Thay đổi địa chính trị và tình hình chính trị nội bộ ở nhiều quốc gia đang làm suy giảm mong muốn hỗ trợ Ukraine".

Thanh Tâm (Theo BBC, Economist, NBC News, ABC News)

Adblock test (Why?)

Việt Nam nêu 4 lĩnh vực quan tâm hàng đầu tại COP28

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết Việt Nam kỳ vọng Hội nghị COP28 sẽ đạt những bước tiến thực chất trong nhiều lĩnh vực nhằm ứng phó biến đối khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), tiến hành một số hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/11-3/12.

"Biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, được cộng đồng quốc tế quan tâm cao nhất trong năm 2023. Hơn 130 nguyên thủ và thủ tướng các quốc gia đến tham dự để cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp lâu dài thể hiện Hội nghị COP28 là sự kiện đa phương quan trọng nhất về biến đổi khí hậu trong năm nay", Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay.

Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ để đạt mục tiêu theo Thỏa thuận Paris về giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C.

Điều đó đồng nghĩa với cần thu hẹp khoảng cách giữa cam kết đề ra và kết quả đạt được, đặc biệt về giảm phát thải khí nhà kính, tài chính cho khí hậu và hỗ trợ các nước đang phát triển khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn hôm 27/11. Ảnh: BNG

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn hôm 27/11. Ảnh: BNG

Ông Việt cho biết Việt Nam kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên 4 lĩnh vực quan tâm hàng đầu. Đầu tiên là các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng.

Những nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này, thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030.

Quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi. Cuối cùng là sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Kể từ sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26 hồi năm 2021, chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm đạt mục tiêu này.

Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và các hoạt động song phương tại UAE của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị và tạo động lực mới, mang tính đột phá cho hợp tác của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, tới lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng", ông Việt cho hay.

Đây cũng là chuyến thăm thứ hai của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Trung Đông chỉ trong vòng hai tháng, sau chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và tiến hành các hoạt động song phương tại Arab Saudi hồi tháng 10, qua đó lan tỏa thông điệp về cam kết mạnh mẽ và thể hiện sự quan tâm rất rõ ràng của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với khu vực Trung Đông giàu tiềm năng.

Vũ Anh

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

Hamas thả thêm 17 con tin

Hamas thả 17 con tin trong đợt trao đổi người thứ ba từ khi ngừng bắn với Israel.

Các quan chức Israel cho biết 17 con tin đã được đưa trở lại lãnh thổ Israel sau khi Hamas trả tự do cho họ vào ngày 26/11. Một người phụ nữ khoảng 80 tuổi phải nhập viện và đang trong tình trạng nguy kịch.

Tổng thống Joe Biden thông báo trong số những con tin được trả tự do có một bé gái 4 tuổi người Mỹ.

"Cô bé đã trải qua một tổn thương khủng khiếp", ông Biden nói về Abigail, bé gái có cha mẹ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10.

Các con tin được Hamas thả bên trong một chiếc xe buýt chở họ đến căn cứ quân sự ở Ofakim, miền nam Israel, ngày 26/11. Ảnh: AFP

Các con tin được Hamas thả bên trong một chiếc xe buýt chở họ đến căn cứ quân sự ở Ofakim, miền nam Israel, ngày 26/11. Ảnh: AFP

17 con tin, trong đó có 3 công dân Thái Lan, được thả ngoài các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn.

Hamas cùng ngày cho biết công dân Nga gốc Israel Ron Krivoy đã được trả tự do "để đáp lại những nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin" và "lập trường ủng hộ của ông đối với chính nghĩa của người Palestine".

Theo kế hoạch ban đầu, lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ kéo dài 4 ngày và kết thúc vào ngày 27/11. Hamas đồng ý thả khoảng 50 con tin, phần lớn là trẻ em và phụ nữ. Bộ Tư pháp Israel cũng công bố danh sách 300 tù nhân Palestine có thể được phóng thích trong thỏa thuận trao đổi, dù ban đầu Hamas thông báo Israel chỉ chấp nhận thả 150 người.

Đợt trả con tin thứ ba đưa số người Israel được Hamas phóng thích lên 39 kể từ ngày 24/11.

Đổi lại, thêm 39 tù nhân Palestine được trả tự do trong ngày 26/11 sau khi 78 người khác được thả khỏi các trại giam Israel trong hai ngày trước đó.

Một nguồn tin thân cận với Hamas cho biết nhóm này đã thông báo với các bên hòa giải rằng họ sẵn sàng kéo dài thời gian ngừng bắn với Israel thêm 2 đến 4 ngày.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Israel đã dập tắt hy vọng về một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Các tù nhân Palestine bên trong một chiếc xe sau khi rời nhà tù quân sự Ofer của Israel ngày 26/11. Ảnh: Reuters

Các tù nhân Palestine bên trong một chiếc xe sau khi rời nhà tù quân sự Ofer của Israel ngày 26/11. Ảnh: Reuters

"Chúng ta sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc, đến khi chiến thắng", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói tại Gaza ngày 26/11.

Mặc trang phục quân đội màu xanh lá cây và đứng giữa đám đông binh lính, ông tuyên bố sẽ giải thoát tất cả con tin và "diệt trừ Hamas".

Ông Netanyahu là thủ tướng Israel đầu tiên tới Gaza kể từ năm 2005.

"Không có gì có thể ngăn cản chúng ta và chúng tôi tin rằng ta có sức mạnh, ý chí và quyết tâm đạt được tất cả các mục tiêu của cuộc chiến", Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.

Tại thành phố Khan Yunis phía nam Gaza, người dân nhận được tin nhắn từ lực lượng Israel nói rằng họ biết các con tin đang bị giam tại đây.

"Quân đội sẽ vô hiệu hóa bất cứ ai bắt cóc con tin", tin nhắn viết.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Ukraine thất thế trên mặt trận tác chiến điện tử

Các gói viện trợ của phương Tây chưa thể giúp Ukraine khắc phục thế yếu về tác chiến điện tử, trong khi Nga ngày càng mạnh trong lĩnh vực này.

Phân đội Máy bay không người lái Phản ứng nhanh (BOBR) thuộc Bộ Quốc phòng Nga hôm 23/11 công bố video tập kích đơn vị vận hành flycam tự sát của quân đội Ukraine. "Vị trí kíp lái đối phương được xác định nhờ chặn thu tín hiệu video truyền về từ phi cơ của chính họ", BOBR cho hay.

Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga ngày càng thể hiện ưu thế về tác chiến điện tử trong xung đột Ukraine, cũng như hàng loạt khó khăn mà Kiev đang đối mặt.

Tác chiến điện tử - điểm yếu phương Tây khó khỏa lấp cho Ukraine

Lính Nga chặn thu tín hiệu flycam và tấn công vị trí binh sĩ Ukraine trong video đăng hôm 23/11. Video: Telegram/BOBRMORF

Phần lớn các gói viện trợ của Mỹ và đồng minh dành cho Ukraine đều tập trung vào những vũ khí như xe tăng thiết giáp, pháo tự hành, tên lửa dẫn đường chiến thuật và các tổ hợp phòng không. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây gần như chưa bao giờ đề cập đến phương án cải thiện điểm yếu của Kiev về tác chiến điện tử.

"Nga đã dành nguồn lực khổng lồ suốt nhiều năm qua để phát triển và chế tạo hàng loạt hệ thống tác chiến điện tử ấn tượng, nhằm đối phó học thuyết tác chiến kết nối mạng sâu rộng của NATO", Seth Jones, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.

Tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny thừa nhận họ chỉ sở hữu một số tổ hợp tác chiến điện tử cũ kỹ từ thời Liên Xô, gần như lép vế trước Nga trong "mặt trận vô hình" này.

Sự chênh lệch đó không có nhiều tác động trong giai đoạn đầu chiến sự, do các đơn vị tác chiến điện tử Nga không bắt kịp với đà tiến của bộ binh, khiến họ thường xuyên bị máy bay không người lái (UAV) Ukraine tập kích. "Chúng chủ yếu được thiết kế để phòng thủ, nên khả năng cơ động kém và số lượng không nhiều", Bryan Clark, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson ở Mỹ, nhận xét.

Nga dần rút được kinh nghiệm khi xung đột kéo dài. Thay vì sử dụng các khí tài cồng kềnh và dễ bị phát hiện, họ tăng cường triển khai các thiết bị nhỏ gọn, có khả năng cơ động và ẩn mình cao hơn. Phòng tuyến kiên cố được xây dựng trong nhiều tháng cũng cho phép quân đội Nga bố trí các khí tài gây nhiễu uy lực gần tiền tuyến, cho phép chúng phát huy tối đa uy lực.

Từ tháng 3, quân đội Ukraine phát hiện đạn pháo Excalibur cỡ 155 mm dẫn đường bằng định vị vệ tinh (GPS) liên tục rơi trượt mục tiêu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với bom lượn tầm xa JDAM-ER và rocket GMLRS của pháo phản lực HIMARS.

Một số khu vực Nga kiểm soát giờ đây gần như miễn nhiễm với rocket GMLRS, khi phần lớn các quả đạn đều bị gây nhiễu hệ thống dẫn đường và không thể tới được mục tiêu đã định.

Điều đáng lo ngại hơn là tác chiến điện tử Nga ngày càng gây khó khăn cho những UAV cỡ nhỏ, giá rẻ được Ukraine dùng để trinh sát, liên lạc hoặc tập kích mục tiêu đối phương. Những UAV này thường bị chế áp tín hiệu định vị vệ tinh hoặc kênh điều khiển, dẫn tới tình trạng mất lái hoặc bay treo đến khi hết pin rồi lao xuống đất.

Một đơn vị tác chiến điện tử Nga triển khai ở tỉnh Zaporizhzhia hồi tháng 11/2022. Ảnh: RIA Novosti

Một đơn vị tác chiến điện tử Nga triển khai ở tỉnh Zaporizhzhia hồi tháng 11/2022. Ảnh: RIA Novosti

Trong cáo báo hồi tháng 5 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ba sĩ quan Ukraine giấu tên ước tính họ thiệt hại khoảng 10.000 UAV mỗi tháng, chủ yếu do các hệ thống gây nhiễu của Nga. Quân đội Ukraine chưa có biện pháp nào nhằm tăng khả năng kháng nhiễu hoặc trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để điều khiển UAV khi mất tín hiệu điều khiển.

Nga cũng nắm lợi thế về UAV được sử dụng. Các loại phi cơ trinh sát không ngừng quần thảo trên chiến trường, trong khi UAV tự sát từ cỡ nhỏ như flycam đến mẫu Lancet và Geran-2 liên tục tập kích mục tiêu. Binh sĩ Ukraine tham chiến ở hướng Bakhmut nói rằng số lượng UAV tiến công của họ chỉ bằng một nửa đối phương.

Ưu thế thiết bị bay không người lái của Nga bắt nguồn một phần từ mật độ tổ hợp tác chiến điện tử bố trí dọc tiền tuyến.

RUSI nhận định các đơn vị tác chiến điện tử Nga hiện được triển khai đến cấp trung đội, trong đó cứ 10 km phòng tuyến lại có một hệ thống chủ chốt, và liên tục thay đổi phương án hoạt động. Chúng thường nằm cách tiền tuyến khoảng 6 km và chịu trách nhiệm vô hiệu hóa UAV đối phương.

Một trong những hệ thống uy lực nhất được Nga triển khai ở Ukraine là đài gây nhiễu Shipovnik-Aero với khả năng tấn công hai UAV cùng lúc. Tổ hợp này có thể nhận diện mục tiêu và gây gián đoạn tín hiệu điều khiển, thậm chí giành quyền kiểm soát phi cơ chỉ trong 25 giây, đồng thời xác định tọa độ kíp vận hành UAV của đối phương với sai lệch chỉ một mét để chỉ điểm cho pháo binh.

Ukraine đang phải chật vật phát triển những hệ thống điện tử nội địa, trong bối cảnh thua kém nhiều so với Nga về trình độ công nghệ và tác chiến. Nước này đã đạt một số bước tiến, như triển khai hệ thống Pokrova chuyên chế áp và làm giả tín hiệu định vị vệ tinh để đánh lừa hệ thống dẫn đường đối phương.

Hệ thống tác chiến điện tử Pokrova có thể đạt hiệu quả cao khi đối phó với UAV tự sát dùng định vị vệ tinh như Geran-2, nhưng gần như không có tác dụng với tên lửa hành trình tầm xa trang bị hệ thống khớp viền địa hình hoặc so sánh ảnh quang học kỹ thuật số (DSMAC) như Kh-101 của Nga.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

"Lỗ hổng lớn nhất là Mỹ và các đồng minh không sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến điện tử, điều sẽ khó thay đổi trong tương lai. Tác chiến điện tử nằm trong diện hạn chế chuyển giao công nghệ và Bộ Ngoại giao Mỹ kiểm soát rất nghiêm ngặt mọi hoạt động xuất khẩu liên quan", chuyên gia Jones nói.

Nico Lange, chuyên gia về Ukraine tại Hội thảo An ninh Munich, có cùng quan điểm và tỏ ý nghi ngờ rằng năng lực tác chiến điện tử của NATO đang thua kém cả Nga. "Tệ hơn nữa là phương Tây, đặc biệt là Mỹ, dường như rất ngần ngại để lộ khả năng của mình, vì những thông tin như tần số hoạt động và kỹ thuật nhảy tần có thể bị Nga thu thập và chuyển cho Trung Quốc", ông nói.

Lange cho rằng cách hỗ trợ tốt nhất để phương Tây hỗ trợ Ukraine là triển khai UAV trinh sát tầm xa để thu thập dữ liệu về hoạt động gây nhiễu của Nga, sau đó phối hợp với Kiev nhằm xây dựng biện pháp đối phó. "Nếu không làm vậy, Ukraine sẽ phải tự mình đối mặt với những thách thức trên mặt trận tác chiến điện tử", ông nêu quan điểm.

Vũ Anh (Theo Economist)

Adblock test (Why?)

Bulgaria có thể giảm cơn khát vũ khí của Ukraine

Bulgaria có thể góp phần bù đắp thiếu hụt vũ khí của Ukraine, giữa lúc các đồng minh phương Tây gặp nhiều khó khăn trong viện trợ quân sự cho Kiev.

Chính phủ Bulgaria đang dần điều chỉnh chiến lược ủng hộ Ukraine và nghiêng về phương Tây rõ rệt hơn, dù quốc gia Đông Âu này từng chịu ảnh hưởng lớn của Moskva và người dân có nhiều thiện cảm với nước Nga.

Thủ tướng Nikolay Denkov hồi tháng 7 thông báo viện trợ 100 thiết giáp cho Ukraine, chỉ một tháng sau khi quốc hội Bulgaria phê duyệt nội các mới. Đó cũng là lần đầu tiên Bulgaria công khai gói viện trợ quốc phòng cho Ukraine, sau hơn một năm bí mật cung cấp đạn dược cho Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Todor Tagarev cho rằng Bulgaria có trách nhiệm hỗ trợ Ukraine vì Nga đã "hủy hoại kiến trúc an ninh quốc tế" khi phát động chiến sự ở nước láng giềng.

"Ukraine trụ vững trước Nga, khôi phục được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng phù hợp với lợi ích chiến lược của Bulgaria. Đây là vấn đề then chốt với sự ổn định của châu Âu, đặc biệt là vùng Đông Âu quanh Biển Đen", Tagarev nói.

Quân nhân Ukraine vận hành súng chống tăng ATGL-H của Bulgaria trên chiến trường phía đông vào tháng 12/2022. Ảnh: BulgarianMilitary

Quân nhân Ukraine vận hành súng chống tăng ATGL-H của Bulgaria trên chiến trường phía đông vào tháng 12/2022. Ảnh: BulgarianMilitary

Theo tiết lộ từ cựu thủ tướng Kiril Petkov và cựu bộ trưởng tài chính Assen Vassilev, khoảng 30% nhu cầu đạn dược và 40% dầu diesel của Ukraine trong giai đoạn đầu chiến sự được cung cấp bởi Bulgaria.

Chính sách hỗ trợ được triển khai trong bí mật với các công ty tư nhân làm trung gian. Đạn dược và nhiên liệu được chuyển trực tiếp đến Ukraine hoặc qua các nước thành viên NATO. Các hợp đồng này được Anh và Mỹ đứng ra chi trả thay Ukraine.

Petkov nói Bulgaria còn chủ động mở không phận cho hàng viện trợ đến Ba Lan và kết nối vận chuyển vũ khí bằng đường bộ từ Romania hay Hungary.

Bulgaria cũng là một trong những nước Đông Âu đầu tiên được Ukraine và đồng minh đề nghị hỗ trợ tiêm kích MiG-29, song các bên không đạt được thỏa thuận nào. NATO và Bulgaria đánh giá nước này cần bảo toàn số lượng tiêm kích nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và trấn giữ cánh đông của NATO.

Bộ trưởng Kinh tế Bogdan Bogdanov cho biết ngành công nghiệp quốc phòng nước này, gồm cả khu vực tư nhân và quốc doanh, đã tăng gấp đôi sản lượng trong một năm qua, khi Bulgaria tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.

Một trong những đơn hàng đang được Bulgaria chuẩn bị chuyển sang Ukraine là tên lửa 5B55P dành cho hệ thống phòng không S-300. Quốc hội Bulgaria khẳng định đây là những tên lửa gặp lỗi và không thể vận hành, nhưng Ukraine có thể rã xác chúng để lấy phụ tùng và linh kiện cho những tên lửa họ có sẵn.

Ngoài ra, hình ảnh do quân đội Ukraine công bố trong năm qua cho thấy Bulgaria còn cung cấp cho láng giềng một số vũ khí, trong đó có súng chống tăng, súng phóng lựu, ống nhòm hay mìn chống bộ binh và bộ binh.

Những ủng hộ từ Sofia rất quan trọng đối với Kiev trong tình hình hiện tại, khi sự hậu thuẫn từ phương Tây có nguy cơ lung lay. Đồng minh lớn nhất là Mỹ đang phân tâm bởi cuộc chiến của Israel trên Dải Gaza và căng thẳng Trung Đông, còn Hạ viện Mỹ đang cân nhắc lại về quy mô viện trợ cho Ukraine. Trong khi đó, các chính phủ Slovakia và Hungary đang kìm hãm mức ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.

Quân nhân Ukraine kiểm tra súng máy của xe tăng trong cuộc huấn luyện gần tiền tuyến Zaporizhzhia ngày 29/3. Ảnh: Reuters

Quân nhân Ukraine kiểm tra súng máy của xe tăng trong cuộc huấn luyện gần tiền tuyến Zaporizhzhia ngày 29/3. Ảnh: Reuters

Bởi vậy, kho vũ khí thời Liên Xô dồi dào, cùng ngành công nghiệp quốc phòng quy mô lớn có thể khiến Bulgaria là chìa khóa giải tỏa cơn khát vũ khí cho Ukraine, khi chiến sự kéo dài và sự ủng hộ của phương Tây đang giảm dần.

Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Nikolay Denkov sẽ cần hết sức khéo léo để vừa hỗ trợ Kiev, vừa tránh rủi ro chính trị khi "chọc giận" Moskva.

Bộ trưởng Quốc phòng Tagarev thừa nhận một bộ phận đáng kể dân chúng Bulgaria vẫn có quan điểm ủng hộ Nga. Nhiều người Bulgaria vẫn ghi nhận công lao nước Nga giải phóng họ khỏi đế chế Ottoman vào thế kỷ 19. Về kinh tế, quốc gia Đông Âu này chưa thể thoát phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga.

Quan hệ Sofia - Moskva vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể với chính trường Bulgaria. Tổng thống Rumen Radev giữ lập trường thân Nga. Ông từng chỉ trích Kiev "ngoan cố gây chiến" nhưng buộc châu Âu trả toàn bộ chi phí. Một số tiếng nói thân Nga tại Bulgaria còn lập luận rằng hạn chế viện trợ cho Ukraine là phương án tăng tốc đàm phán hòa bình và tái lập ổn định cho châu Âu.

Chính quyền Thủ tướng Denkov tuyên bố phát ngôn của Tổng thống Radev không thể hiện lập trường của chính phủ và liên minh cầm quyền, hay rộng hơn là EU và liên minh quân sự NATO. Theo ông Tagarev, trong hệ thống chính trị Bulgaria, mọi chính sách quốc phòng, an ninh và đối ngoại do chính phủ và Thủ tướng quyết định, trong khi Tổng thống có vai trò rất hạn chế.

"Nội các quyết định tất cả và lập trường của nội các khác với Tổng thống", Tagarev khẳng định, đồng thời bổ sung rằng chính phủ không thảo luận toàn bộ kế hoạch viện trợ quốc phòng cho Ukraine với ông Radev.

Ngoài những lực cản chính trị, Bulgaria còn phải cân nhắc những ưu tiên quốc phòng của riêng mình trước khi nghĩ đến việc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Quốc gia Đông Âu đang lo ngại về những động thái của Nga trên Biển Đen, cũng như tình hình an ninh khu vực ngày một khó lường sau khi chiến sự bùng phát tại Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Tagarev cho biết hiện đại hóa quân đội Bulgaria là ưu tiên hàng đầu của ông. Bulgaria trong hai năm qua đã tổ chức 5 cuộc bầu cử, đến tháng 6 mới thành lập được một liên minh cầm quyền và nội các đủ ổn định. Bulgaria do đó còn nhiều vấn đề quốc phòng bị đình trệ trong hai năm chính trường hỗn loạn.

Ông nhận định kế hoạch hiện đại hóa quân đội Bulgaria đang đối diện nhiều thách thức, "ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực chiến đấu". Bulgaria bị đánh giá là nền kinh tế kém phát triển nhất EU và không đủ ngân sách để hiện đại hóa quân đội đạt tiêu chuẩn chung của NATO.

Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria khẳng định nước này "đang thực hiện mọi phương án khả thi" để cung cấp những loại vũ khí thời Liên Xô cho Ukraine. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện nay chủ yếu tập trung vào vũ khí hạng nhẹ, súng và đạn dược.

"Chính phủ tạo điều kiện cho các công ty tư nhân tự chủ mua bán. Họ sẽ tự ký hợp đồng và tìm hướng đưa sản phẩm đến Ukraine", ông nói, đồng thời bổ sung rằng sản lượng công nghiệp của Bulgaria trong năm qua đã tăng gấp hai đến ba lần, trong đó xuất khẩu quốc phòng chiếm phần lớn.

Thanh Danh (Theo Kyiv Independent, BulgarianMilitary, Guardian)

Adblock test (Why?)

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

Những phụ nữ thay đàn ông làm thợ mỏ ở Ukraine

Krystyna bắt đầu làm việc ở độ sâu hàng trăm mét dưới mỏ khai thác than ở miền đông Ukraine vì công ty thiếu lao động nam.

Sau khi hơn 1.000 lao động nam nhập ngũ, một công ty khai thác than ở Dnipropetrovsk, miền đông Ukraine đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, buộc họ phải cho phép phụ nữ làm việc dưới lòng đất lần đầu tiên trong lịch sử. Hơn 100 người đã nhận công việc.

"Tôi nhận việc vì đang có xung đột và không có việc làm nào khác", Krystyna, 22 tuổi, nói.

Krystyna đứng ở độ sâu hàng trăm mét trong khu hầm mỏ vùng Dnipropetrovsk, Ukraine, ngày 17/11. Ảnh: Reuters

Krystyna đứng ở độ sâu hàng trăm mét trong khu hầm mỏ vùng Dnipropetrovsk, Ukraine, ngày 17/11. Ảnh: Reuters

Cô làm kỹ thuật viên ở độ sâu 470 mét dưới lòng đất suốt 4 tháng nay. Krystyna vận hành đoàn tàu điện nhỏ chở công nhân đi hơn 4 km từ khu vực thang máy xuống lòng đất tới vỉa than.

Khu mỏ giống một tòa tháp rộng lớn với các thang máy chạy sâu hơn 600 m dưới lòng đất. Krystyna quyết định nhận công việc sau khi vượt qua nỗi sợ phải để lại Denys, con trai 4 tuổi, ở nhà để bà ngoại chăm sóc. Nhà cô ở Pavlohrad, cách tiền tuyến 100 km nhưng thường xuyên bị tên lửa Nga tấn công.

Krystyna cho hay công việc thú vị nhưng vất vả, nặng nhọc và hơi nước tỏa ra gây khó chịu. Tuy nhiên, cô nhận mức lương cao và cảm thấy có nghĩa vụ ở lại, làm việc vì những người đã ra trận.

Anh trai cô từng làm việc ở khu mỏ. Hai tuần sau khi Nga phát động chiến dịch hồi tháng 2/2022, anh nhập ngũ và Krystyna rất lo lắng. "Đàn ông Ukraine đều ra mặt trận, Bây giờ chúng tôi cần hỗ trợ họ, không còn ai làm việc trong mỏ nữa", cô nói.

Ngành than Ukraine từng là một trong những ngành khai thác than lớn nhất châu Âu nhưng đã suy thoái suốt nhiều thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã. Lực lượng dân quân được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine đã kiểm soát nhiều khu vực giàu mỏ than từ năm 2014. Bây giờ, Nga còn nắm nhiều mỏ hơn.

DTEK, chủ khu mỏ kiêm công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, cho hay trong số 20.000 thợ mỏ, gần 3.000 người đang ở tiền tuyến. Trong số hàng nghìn thợ tại khu mỏ này và một khu mỏ gần đó cũng thuộc công ty đang tham gia chiến đấu, 42 người đã chết.

Trước cuộc xung đột, một số phụ nữ đã làm việc ở khu mỏ nhưng vẫn bị chính phủ cấm làm việc dưới lòng đất vì cho rằng công việc quá nặng nhọc, theo chính sách từ thời Liên Xô. Lệnh cấm được bãi bỏ trong thời chiến, khoảng 400 phụ nữ đang làm việc dưới lòng đất trong các hầm mỏ của DTEK và chiếm 2,5 % lực lượng lao động dưới lòng đất.

Natalia, 43 tuổi, nối nguồn điện với bộ sạc pin tàu trong hầm mỏ ở Dnipropetrovsk, Ukraine, ngày 17/11. Ảnh: Reuters

Natalia, 43 tuổi, nối nguồn điện với bộ sạc ắc quy tàu trong hầm mỏ ở Dnipropetrovsk, Ukraine, ngày 17/11. Ảnh: Reuters

Theo công ty, phụ nữ chỉ làm công việc hỗ trợ, không đòi hỏi lao động chân tay quá vất vả. Natalia, 43 tuổi, kỹ thuật viên vận hành tàu, cho hay "chúng tôi làm việc cùng cường độ với đàn ông, trừ phi đồ quá nặng không nhấc nổi".

Bà từng làm việc trong cửa hàng bán đồ điện tử nhưng thất nghiệp do các doanh nghiệp Ukraine đóng cửa vì cuộc xung đột. Khi Natalia quyết định tới đây, cậu con trai 19 tuổi của bà đã làm việc ở khu mỏ lân cận được một năm.

"Thực ra ban đầu tôi đã thuyết phục con đừng tới đó làm việc", bà nhớ lại, cho biết bây giờ đã thay đổi suy nghĩ và cảm thấy công việc ở mỏ rất vui. Bà dự định tiếp tục ở lại sau khi xung đột chấm dứt.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Thủ tướng Slovakia lo ngại chiến sự Ukraine kéo dài đến năm 2030

Thủ tướng Slovakia nhận định xung đột tại Ukraine "đã đóng băng", có thể kéo dài đến 2029 hoặc 2030 nếu không đàm phán hòa bình.

"Tốt hơn là đàm phán 10 năm trong hòa bình hoặc tạm ngừng giao chiến, hơn là bước vào bàn đàm phán sau 10 năm không đạt kết quả nào trên chiến trường ngoài việc có thêm 500.000-600.000 người chết", Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói trong buổi họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Czech Petr Fiala hôm 24/11.

Ông Fico đánh giá cục diện chiến trường Ukraine đã "đóng băng", cảnh báo xung đột có nguy cơ kéo dài đến năm 2029 hoặc 2030 nếu các bên không đàm phán. Thủ tướng Slovakia tái khẳng định sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng cam kết không lên án những nước duy trì cung cấp vũ khí.

Cũng trong cuộc họp báo, Thủ tướng Fiala khẳng định chính phủ Czech sẽ duy trì hỗ trợ "cuộc đấu tranh dũng cảm" của Ukraine.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại thủ đô Bratislava vào ngày 23/10. Ảnh: AFP

Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại thủ đô Bratislava vào ngày 23/10. Ảnh: AFP

Robert Fico là chính trị gia cánh tả, dẫn dắt đảng Dân chủ Xã hội Slovakia giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử vào tháng 9. Một trong những cam kết của ông với cử tri là ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Liên minh cầm quyền của Fico đã chặn gói viện trợ quốc phòng trị giá 44 triệu USD mà chính quyền tiền nhiệm cam kết hỗ trợ Ukraine.

Đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraine kết thúc từ tháng 4/2022, sau khi những cuộc gặp ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được đột phá.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 lần đầu công bố dự thảo thỏa thuận hòa bình mang tên "Hiệp ước về Quy chế Trung lập vĩnh viễn và Bảo đảm an ninh của Ukraine" được hai bên xây dựng trong các cuộc đàm phán.

Theo đó, Ukraine cam kết đưa trạng thái "trung lập vĩnh viễn" vào hiến pháp, trong khi Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước này.

Ông Putin khẳng định phái đoàn đàm phán Ukraine đã ký nháy vào dự thảo, nhưng Kiev sau đó xé bỏ thỏa thuận sơ bộ.

Nghị sĩ David Arakhamia, cựu trưởng đoàn đàm phán Ukraine, phủ nhận thông tin và lưu ý rằng phái đoàn đại diện không có thẩm quyền ký kết. Ông nói rằng Moskva đưa ra đề xuất Kiev đổi trung lập lấy hòa bình, nhưng Ukraine không tin tưởng đối phương và lo ngại Nga hứa suông để có thời gian chuẩn bị cho chiến dịch mới.

Thanh Danh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Hamas thả 24 con tin

Qatar và Hội Chữ thập đỏ thông báo Hamas thả 24 người, đánh dấu nhóm con tin đầu tiên được trả tự do sau thỏa thuận ngừng bắn giữa nhóm và Israel.

"Chúng tôi xác nhận Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã tiếp nhận 24 công dân, trong đó có một số phụ nữ và trẻ em", Ngoại trưởng Qatar Majed Al Ansari ngày 24/11 thông báo trên mạng xã hội X. Qatar là bên trung gian đàm phán thúc đẩy việc ngừng bắn và trao trả con tin.

Ông Al Ansari cho biết trong số 24 người được Hamas trả tự do có 13 công dân Israel, một số mang hai quốc tịch, cùng 10 công dân Thái Lan và một người Philippines.

Chi nhánh Hội Chữ thập đỏ tại khu vực cùng ngày xác nhận đã tiếp nhận từ Hamas 24 con tin từ Dải Gaza. Họ được đưa sang Ai Cập thông qua cửa khẩu Rafah giữa nước này với Gaza.

Xe của Hội Chữ thập đỏ được cho là chở con tin được Hamas trả tự do rời Dải Gaza đến Ai Cập ngày 24/11. Ảnh: Reuters

Xe của Hội Chữ thập đỏ chở con tin mà Hamas trả tự do rời Dải Gaza vào Ai Cập ngày 24/11. Ảnh: Reuters

Trước đó, Thủ tướng Israel thông báo 13 công dân nước này được thả, trùng với thông tin Qatar đưa ra. Trong số này có 4 trẻ em và 6 người trên 70 tuổi.

Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói rằng ông nhận được thông tin 12 công dân nước này được thả. Việc này khiến các hãng truyền thông ban đầu đưa tin rằng Hamas đã thả tổng cộng 25 con tin, trước khi sửa lại số liệu thành 24 theo thông báo của Qatar và Hội Chữ thập đỏ, bên trực tiếp phụ trách di chuyển con tin.

Hiện chưa rõ lý do có sự khác biệt trong thông tin từ các phía.

Đoàn xe của Hội Chữ thập đỏ được cho là chở con tin mà Hamas trả tự do rời Dải Gaza đến Ai Cập ngày 24/11. Ảnh: AFP

Đoàn xe của Hội Chữ thập đỏ chở con tin mà Hamas trả tự do rời Dải Gaza đến Ai Cập ngày 24/11. Ảnh: AFP

Israel và Thái Lan đều nói rằng các công dân của họ sẽ được đưa đến căn cứ không quân Hatzerim của Israel và sau đó được theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.

Cũng trong ngày 24/11, ICRC điều xe buýt tới nhà tù Ofer ở Bờ Tây để đón 39 tù nhân Palestine được Israel trả tự do theo thỏa thuận ngừng bắn, bao gồm 24 phụ nữ và 15 trẻ vị thành niên. Hamas ra tuyên bố kêu gọi người Palestine "hân hoan chào đón" họ.

Một người phụ nữ được thả từ Dải Gaza. Ảnh: Al Jazeera

Một người phụ nữ được thả từ Dải Gaza. Ảnh: Al Jazeera

Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 4 ngày kể từ 24/11. Theo thỏa thuận, Hamas thả 50 con tin còn Israel phóng thích 150 tù nhân Palestine và tạo điều kiện tăng cường viện trợ cho người dân tại Dải Gaza. Các đợt phóng thích con tin và tù nhân dự kiến tiếp tục diễn ra trong những ngày tới. Hamas đã bắt khoảng 240 người làm con tin khi đột kích Israel hôm 7/10, trong đó có khoảng 25 người Thái.

Một quan chức liên quan đến cuộc đàm phán với Hamas cho biết các con tin Thái Lan được thả theo thỏa thuận riêng, không nằm trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn nói trên. Những công dân Thái Lan này là nam giới và không nằm trong diện trao đổi theo thỏa thuận giữa Israel và Hamas, vốn chỉ liên quan tới phụ nữ và trẻ em. Việc họ được trả tự do là kết quả sau khi Ngoại trưởng Thái Lan hồi cuối tháng 10 đến Qatar để thúc đẩy nỗ lực giải cứu con tin.

Sau khi các con tin Thái Lan được thả, Bộ Ngoại giao nước này ra thông cáo cảm ơn ICRC và một số nước như Qatar, Ai Cập, Iran, Malaysia, Israel.

Bộ Lao động Thái Lan cho biết khoảng 30.000 công dân nước này làm việc tại Israel, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trước khi Hamas mở đợt tấn công ngày 7/10.

Vị trí cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập - Dải Gaza. Đồ họa: Data Wrapper

Vị trí cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập - Dải Gaza. Đồ họa: Data Wrapper

Nguyễn Tiến (Theo AFP, Al Jazeera)

Adblock test (Why?)

Thủ tướng sắp dự COP28 ở UAE và thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân sẽ dự hội nghị COP28, tiến hành hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo lời mời của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/11-3/12, Bộ Ngoại giao cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thông qua tại Hội nghị của LHQ Môi trường và Phát triển bền vững tại Rio de Janeiro, Brazil tháng 6/1992. COP là cơ quan ra quyết định cao nhất của UNFCCC.

COP28 dự kiến diễn ra ngày 30/11-12/12 tại Dubai, UAE với hơn 70.000 đại biểu tham gia, trong đó có các lãnh đạo thế giới và người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và bên liên quan khác.

Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP 28 ngày 1-2/12 với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các quốc gia. Sự kiện này nhằm mục đích xây dựng diễn đàn để các quốc gia đưa ra cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris năm 2015.

Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/6/1978, hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông và là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Nam Âu. Kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD.

Lũy kế đến tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồi tháng 8, công ty IC Ictas thuộc Tập đoàn IC Holdings của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu Liên danh Vietur đã trúng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành.

Có khoảng 200 người Việt sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thảm họa động đất diễn ra tại đông nam Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2, Việt Nam đã viện trợ 100.000 USD và cử hai đội cứu hộ cứu nạn sang giúp khắc phục hậu quả.

Nguyễn Tiến

Adblock test (Why?)

Hamas thả 25 con tin

Hamas trả tự do cho 12 người Thái Lan và 13 người Israel, đánh dấu nhóm con tin đầu tiên được thả sau thỏa thuận ngừng bắn giữa nhóm này và Israel.

Giới chức Ai Cập thông báo Hamas đã thả 12 công dân Thái Lan và 13 người Israel, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Các con tin được bàn giao cho Hội Chữ thập đỏ và đưa sang Ai Cập thông qua cửa khẩu Rafah giữa nước này với Gaza.

Thủ tướng Israel xác nhận 13 công dân nước này đang ở Ai Cập cùng Hội Chữ thập đỏ. Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ sẽ đón con tin bằng trực thăng và chở họ đến căn cứ không quân Hatzerim.

Hội Chữ thập đỏ cùng ngày điều xe buýt tới nhà tù Ofer ở Bờ Tây để đón 39 tù nhân Palestine được Israel trả tự do theo thỏa thuận, bao gồm 24 phụ nữ và 15 trẻ vị thành niên.

Xe của Hội Chữ thập đỏ được cho là chở con tin được Hamas trả tự do rời Dải Gaza đến Ai Cập ngày 24/11. Ảnh: Reuters

Xe của Hội Chữ thập đỏ được cho là chở con tin mà Hamas trả tự do rời Dải Gaza đến Ai Cập ngày 24/11. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cùng ngày thông báo đã nhận được thông tin xác nhận về việc 12 công dân nước này được thả khỏi Gaza. "Nhân viên sứ quán đang trên đường đến đón họ", ông viết trên mạng xã hội X. Hơn 20 công dân Thái Lan bị Hamas bắt trong vụ tấn công ngày 7/10.

Một quan chức liên quan đến cuộc đàm phán với Hamas, được Ai Cập và Qatar làm trung gian, cho biết 12 con tin Thái Lan được thả theo thỏa thuận riêng. Các công dân Thái Lan này là nam giới và không nằm trong diện trao đổi theo thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, vốn liên quan tới phụ nữ và trẻ em.

Theo quan chức nói trên, các cuộc đàm phán được mở ra sau khi Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-nukara tới thăm Qatar ngày 31/10 dẫn đến thỏa thuận riêng với Hamas để trả tự do cho công dân nước này.

Bộ Lao động Thái Lan cho biết khoảng 30.000 công dân nước này làm việc tại Israel, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trước khi Hamas mở đợt tấn công ngày 7/10. Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, 39 người nước này thiệt mạng và 19 người bị thương trong vụ tấn công của Hamas.

Đoàn xe của Hội Chữ thập đỏ được cho là chở con tin mà Hamas trả tự do rời Dải Gaza đến Ai Cập ngày 24/11. Ảnh: AFP

Đoàn xe của Hội Chữ thập đỏ được cho là chở con tin mà Hamas trả tự do rời Dải Gaza đến Ai Cập ngày 24/11. Ảnh: AFP

Giới chức Israel thông báo khoảng 240 người, trong đó có một số công dân nước ngoài, bị bắt làm con tin khi các đơn vị của Hamas tràn vào nước này trong vụ tấn công ngày 7/10. Trong số những người bị bắt có ít nhất 30 trẻ em, một số còn nhỏ tuổi.

Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 4 ngày kể từ 24/11. Theo thỏa thuận, Hamas thả 50 con tin còn Israel phóng thích 150 tù nhân Palestine và tạo điều kiện tăng cường viện trợ cho người dân tại Dải Gaza. Các đợt phóng thích con tin và tù nhân dự kiến tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.

*Tiếp tục cập nhật

Vị trí cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập - Dải Gaza. Đồ họa: Data Wrapper

Vị trí cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập - Dải Gaza. Đồ họa: Data Wrapper

Nguyễn Tiến (Theo AFP, Al Jazeera)

Adblock test (Why?)