Tác chiến điện tử, được ví như "cuộc chiến vô hình", đang buộc Ukraine và Nga phải tính toán từng động thái của đối phương trong hoạt động này.
Máy bay không người lái (UAV) của một công ty Đức cung cấp cho quân đội Ukraine hoạt động trơn tru trong nhiều tháng, giúp phát hiện nhiều xe tăng và quân nhân Nga trên chiến trường. Song tới cuối năm 2022, những chiếc UAV này đột ngột rơi từ trên trời xuống đất khi chúng trở về sau nhiệm vụ.
Khi được Bộ Quốc phòng Ukraine gửi công văn yêu cầu giải thích lý do, đại diện của công ty Đức chế tạo mẫu UAV nói trên chỉ có thể trả lời rằng "đó là bí ẩn".
Các kỹ sư của công ty Đức sau đó phát hiện ra lực lượng Nga đã gây nhiễu tín hiệu kết nối với vệ tinh mà UAV của họ dùng để định hướng, khiến chúng lao thẳng xuống mặt đất.
Một cuộc chiến vô hình đang nổ ra trên sóng vô tuyến tại chiến trường Nga - Ukraine. Lực lượng tác chiến điện tử các bên sử dụng tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu liên lạc giữa UAV và người vận hành, xác định mục tiêu và đánh lừa vũ khí dẫn đường.
"Tác chiến điện tử tác động đến chiến sự Nga - Ukraine tương tự yếu tố thời tiết và địa hình", Bryan Clark, chuyên gia tại Viện Hudson có trụ sở tại Mỹ, nhận định. Theo ông Clark, mọi hoạt động của các bên tham gia chiến sự Nga - Ukraine đều phải tính đến động thái của đối phương trong lĩnh vực tác chiến điện tử.
Tác chiến điện tử đã xuất hiện trong các cuộc xung đột và chiến tranh trong hơn 100 năm qua. Trong Thế chiến I, quân đội Anh bắt chước tín hiệu vô tuyến của Đức nhằm đánh lừa hệ thống nhắm mục tiêu trên oanh tạc cơ nước này.
Vào thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đầu tư rất nhiều vào các tổ hợp tác chiến điện tử nhằm đạt lợi thế phi đối xứng trước tên lửa và máy bay của Mỹ.
Hoạt động tấn công và phòng thủ điện tử càng trở nên rõ rệt trong những thập kỷ qua. Trong Chiến tranh Iraq vào những năm 2000, Mỹ chế tạo thiết bị gây nhiễu để ngăn cản thiết bị nổ tự chế liên lạc với bộ điều khiển ở xa chúng. Israel gần đây dùng các tổ hợp tác chiến điện tử "trộn lẫn" tín hiệu GPS trong không phận để gây nhiễu những đợt tập kích bằng UAV và tên lửa.
Chiến sự Nga - Ukraine là cuộc xung đột đầu tiên trong thời gian gần đây mà hai lực lượng quân đội quy mô lớn triển khai rộng rãi khí tài tác chiến điện tử, cũng như phát triển kỹ thuật liên quan trong thời gian thực. Tác chiến điện tử từng là lĩnh vực của các chuyên gia được đào tạo kỹ lưỡng, song nay đã được phổ biến đến từng binh lính.
Các binh sĩ Ukraine chịu trách nhiệm vận hành UAV nói rằng họ luôn điều chỉnh phương pháp của mình để tránh những đòn tấn công vô hình từ Nga. Họ cho biết có thể chuyển sang tần số vô tuyến mới hoặc thay ăng-ten khác để làm điều này.
Khi phát động chiến dịch nhằm vào Ukraine cuối tháng 2/2022, Nga sử dụng loạt thiết bị gây nhiễu và tên lửa mồi với năng lực mạnh để tấn công phòng không đối phương. Điều này buộc Ukraine phải điều máy bay để đối phó với không quân Nga, vốn có ưu thế lớn hơn nhiều.
Khí tài tác chiến điện tử thoạt nhìn không nguy hiểm, chúng thường có dạng ăng-ten chảo hoặc ăng-ten cỡ lớn đặt trên xe tải, cánh đồng hay các tòa nhà. Chúng phát ra tín hiệu vô tuyến nhằm theo dõi, đánh lừa hoặc chặn các loại cảm biến, liên kết thông tin vốn làm nhiệm vụ dẫn đường cho vũ khí chính xác hoặc phục vụ liên lạc vô tuyến.
Một loại khí tài cơ bản nhưng hiệu quả là thiết bị gây nhiễu, chúng làm gián đoạn liên lạc bằng cách gửi tín hiệu mạnh cùng tần số mà bộ đàm hoặc UAV sử dụng. Điều này khiến tín hiệu nhiễu loạn đến mức các hệ thống dùng chúng không thể truyền phát hoặc tiếp nhận.
Loại khí tài khác gửi tín hiệu giả. Khí tài này có thể gửi dữ liệu tọa độ sai và khiến hệ thống điều khiển trên tên lửa hoặc UAV cho rằng chúng đang bay sai hướng.
Ngoài ra, loại khí tài này có thể giả mạo tín hiệu do tên lửa hoặc máy bay tạo ra nhằm đánh lừa tổ hợp phòng không của đối phương "phát hiện" và khai hỏa đối phó với đợt không kích không hề diễn ra.
Một số khí tài khác theo dõi chùm sóng vô tuyến và tìm cách xác định vị trí phát ra chúng. Loại khí tài này thường được dùng để tìm kiếm và tấn công các binh sĩ vận hành UAV.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định sau những thành công bước đầu, lực lượng Nga gặp phải một số rắc rối với các tổ hợp tác chiến điện tử của họ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự với Ukraine kéo dài, Nga thực hiện nhiều đổi mới bằng cách chế tạo các loại vũ khí tác chiến điện tử cỡ nhỏ hơn, ví dụ súng chống UAV và thiết bị cực nhỏ tạo vùng nhiễu xung quanh chiến hào.
"Phản ứng của Nga trên thực địa nhanh hơn những gì chúng tôi dự đoán", James A. Lewis, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định. "Điều này sẽ khiến NATO lo ngại".
Để chống lại năng lực tác chiến điện tử của Nga, Ukraine chuyển sang hướng tiếp cận các dự án khởi nghiệp. Ý tưởng mà Ukraine đưa ra là giúp nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao nhanh chóng tạo ra các sản phẩm tác chiến điện tử, thử nghiệm chúng rồi đưa ra chiến trường.
Tuy nhiên, một kỹ sư Ukraine nhận định tất cả hệ thống tác chiến điện tử của Nga "có cấu trúc chặt chẽ hơn". "Chúng tôi đang cố gắng bắt kịp, song sẽ phải mất thời gian", kỹ sư này thừa nhận.
Chiến sự Nga - Ukraine mang lại cái nhìn về cách thức tác chiến điện tử có thể diễn ra trong tương lai. Mỹ và châu Âu rất chú ý đến việc các loại vũ khí của họ sẽ có tác dụng ra sao khi đối mặt với hệ thống của Nga. Một số người bày tỏ lo ngại vũ khí của phương Tây không phản ứng đủ nhanh.
Chuyên gia Clark cho biết Mỹ và các đồng minh đã áp dụng một số chiến thuật chống gây nhiễu mà Ukraine phát triển. "Bạn có thể thấy một số quốc gia, trong đó có Mỹ, đang triển khai những tổ hợp nhỏ hơn giống những gì mà Ukraine đang lắp ráp", ông Clark nói.
Tuy nhiên, với nhiều binh sĩ Ukraine, các cải tiến trong đối phó tác chiến điện tử của Nga chưa đủ nhanh. Binh sĩ Ukraine tên là Vladislav cho biết "dù có khiến UAV tàng hình, bộ điều khiển và ăng-ten vẫn phát ra tín hiệu".
"Nga có thể phát hiện một ô cửa sổ trên khu vực rộng 200 m2, nơi một binh sĩ vận hành UAV đứng sau đó. Pháo binh Nga từng bắn trúng vị trí cách chỗ tôi đứng khoảng 15-20 m", Vladislav nói. "Không thể ẩn nấp hoàn toàn được".
Nguyễn Tiến (Theo Yahoo News, RIA Novosti)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét