Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Nội bộ Israel rạn nứt giữa xung đột với Hamas

Một bài đăng Twitter gây tranh cãi cuối tuần qua của Thủ tướng Netanyahu đã khiến các vết nứt xuất hiện trong nội bộ Israel giữa xung đột với Hamas.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nửa đêm 28/10 đăng bài trên mạng xã hội X, tên mới của Twitter, rằng ông chưa bao giờ được cảnh báo về cuộc tấn công của Hamas vào nước này ngày 7/10. Ông dường như đổ trách nhiệm vụ tấn công khiến 1.400 người thiệt mạng lên vai các lãnh đạo quân đội và tình báo Israel.

"Tất cả quan chức an ninh, trong đó có người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự và người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Shin Bet, đều tin rằng Hamas đã bị kiềm chế và sẵn sàng thỏa hiệp", ông nói.

Bình luận của Thủ tướng Netanyahu đã gây bão dư luận. Nhiều người chỉ trích ông chỉ quan tâm đến sự nghiệp chính trị của mình giữa lúc đất nước đang trong chiến dịch chống Hamas đầy khó khăn ở Dải Gaza. Làn sóng phẫn nộ dâng cao tới mức ông Netanyahu phải xóa bài đăng và xin lỗi.

"Tôi đã sai", ông cho hay. "Những điều tôi đăng sau buổi họp báo đáng lẽ không được phép nói ra và tôi xin lỗi vì việc này".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp báo ở Tel Aviv ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp báo ở Tel Aviv ngày 28/10. Ảnh: Reuters

Chuyên gia nói rằng sự việc này đã phơi bày vết rạn ngày càng lớn trong giới chính trị và quân sự Israel, khi nhiều người hoài nghi vai trò lãnh đạo và khả năng của Thủ tướng Netanyahu trong nỗ lực chèo lái đất nước giữa khủng hoảng.

"Nói ông ấy hành xử không đúng mực sẽ là quá nhẹ nhàng", Yossi Mekelberg, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức Anh Chatham House, nói.

Mekelberg thêm rằng chiến dịch chống Hamas sẽ rất khó khăn, "vì vậy người dân Israel cần một thủ tướng có trách nhiệm". Mekelberg đánh giá quan chức trong chính phủ Israel "sẽ không tin tưởng" vào ông Netanyahu sau phát ngôn này.

Không lâu sau cuộc tấn công ngày 7/10, Thủ tướng Netanyahu thành lập nội các thời chiến, một thành viên trong đó là thủ lĩnh phe đối lập Benny Gantz. Nội các thời chiến là ủy ban được thành lập trong thời kỳ chiến tranh để điều phối hoạt động chiến đấu một cách hiệu quả. Nội các thời chiến thường có các sĩ quan quân sự cấp cao và các chính trị gia đối lập. Họ được quyền đưa ra các quyết định liên quan đến chiến tranh mà không cần thông qua Knesset, quốc hội của Israel.

Benny Gantz, lãnh đạo đảng Đoàn kết Dân tộc đối lập, từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel năm 2011-2015 và Bộ trưởng Quốc phòng năm 2020-2022. Ông Gantz đã nhanh chóng yêu cầu ông Netanyahu xóa bài đăng gây tranh cãi, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với quân đội và Shin Bet.

Sau Gantz, nhiều lãnh đạo khác cũng lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Israel. "Ông Netanyahu không quan tâm tới an ninh, con tin mà chỉ quan tâm đến chính trị", nhà lập pháp đối lập Avigdor Lieberman từng là bộ trưởng quốc phòng, nói.

Người phát ngôn hàng đầu của quân đội Israel Daniel Hagari từ chối bình luận, nói rằng "chúng tôi đang bận với cuộc chiến".

Những lời chỉ trích là dấu hiệu căng thẳng mới nhất trong giới chính trị của Israel khi nước này vật lộn với hậu quả của một trong những thất bại tình báo lớn nhất.

Nhiều người trong bộ máy an ninh Israel thừa nhận những thiếu sót, nhưng ông Netanyahu không như vậy. Trước bài đăng trên X gây bão dư luận, lãnh đạo Israel đã tổ chức cuộc họp báo ngày 28/10 song né tránh những câu hỏi liệu ông có phải chịu trách nhiệm hay không. Ông nói rằng mọi người sẽ phải "đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi khó" khi chiến tranh kết thúc.

"Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về những gì sẽ xảy ra đối với chính phủ Israel khi xung đột qua đi. Ông ấy đang chẩn bị cơ sở cho những tranh luận của mình", Alon Lien, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Israel, nói.

Mối quan hệ giữa Thủ tướng Netanyahu với phần lớn công chúng Israel đang bị thử thách. Cuộc chiến với Hamas diễn ra sau cuộc khủng hoảng chính trị. Chính phủ dân tộc cực hữu do ông Netanyahu lãnh đạo thúc đẩy cải cách gây tranh cãi nhằm hạn chế quyền lực của ngành tư pháp. Những người chỉ trích mô tả đây là mối đe dọa đối với nền dân chủ. Hàng chục nghìn người biểu tình đã tràn xuống phố suốt nhiều tháng, đẩy lùi cuộc cải tổ tư pháp.

Nhiều quân nhân dự bị nằm trong số những người phản đối. Giới quan sát cho rằng làn sóng biểu tình đã ảnh hưởng tới khả năng và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Kể từ ngày 7/10, hàng nghìn quân nhân dự bị đã tham gia cuộc chiến chống Hamas, thách thức quân sự lớn nhất của Israel kể từ cuộc chiến chống Ai Cập và Syria hồi tháng 10/1973.

Quân đội Israel cuối tuần trước cho hay binh lính và xe bọc thép đang tiến sâu hơn vào lãnh thổ Gaza như một phần của "giai đoạn hai chiến dịch". Giai đoạn này diễn ra sau 3 tuần lực lượng Israel không kích dữ dội vào Gaza, khiến hơn 8.700 người Palestine thiệt mạng và gây ra thảm họa nhân đạo ở dải đất vốn chìm trong nghèo đói, xung đột.

Các nhà phân tích nói rằng sự đoàn kết của người Israel trong nỗ lực chống Hamas không đồng nghĩa họ ủng hộ chính phủ của ông Netanyahu.

"Chính phủ đã mất tín nhiệm của một bộ phận quan trọng trong xã hội trước sự kiện ngày 7/10 và tình hình không được cải thiện kể từ đó", Mouin Rabbani, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột và Nhân đạo có trụ sở ở Qatar, nói.

Theo kết quả khảo sát của Viện Dân chủ Israel công bố tuần trước, mức độ tín nhiệm với chính phủ hiện xuống mức thấp nhất trong 20 năm, khi chỉ 20% người dân nói rằng họ tin tưởng nội các của ông Netanyahu. Con số này thấp hơn 8% so với kết quả thăm dò hồi tháng 6.

Tướng Yaron Finkelman (giữa), tư lệnh Quân khu Miền nam Israel, mang súng trường cùng các binh sĩ ở Dải Gaza ngày 30/10. Ảnh: IDF

Tướng Yaron Finkelman (giữa), tư lệnh Quân khu Miền nam Israel, mang súng trường cùng các binh sĩ ở Dải Gaza ngày 30/10. Ảnh: IDF

Dù nội các thời chiến có thể bị chia rẽ, việc ông Netanyahu mời thủ lĩnh đối lập từng là quan chức quân sự cấp cao gia nhập có thể đem đến lợi ích chính trị cho mình, theo Rabbani.

"Động thái đó không chỉ nhằm mở rộng nền tảng chính trị, mà còn có thể giúp ông Netanyahu đổ trách nhiệm lên vai giới an ninh nếu xảy ra những thất bại quân sự", Rabbani nói.

Thủ tướng Netanyahu vốn nổi tiếng vì khả năng vượt qua những khủng hoảng chính trị. Ông là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Israel, nhậm chức lần đầu tiên năm 1996.

"Dù ông ấy và chính phủ vấp phải nhiều phản đối, chúng ta không nên phủ nhận thực tế rằng ông ấy có nền tảng ủng hộ rất mạnh mẽ", Rabbani nói.

Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét