Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Cơn sốt chó Bắc Kinh ở Anh thế kỷ 19

Một con chó Bắc Kinh từng có giá trị bằng cả gia tài khi cơn sốt giống chó cảnh này lên tới đỉnh điểm ở Anh thế kỷ 19, 20.

Trong bức tranh năm 1861 do Nữ hoàng Anh Victoria đặt vẽ, một con chó Bắc Kinh màu nâu vàng và trắng ngồi trên chiếc đệm đỏ, nhìn về phía xa. Với chiếc mõm ngắn đáng yêu và những đặc điểm giống sư tử, nó là thành viên mới nhất trong bầy chó cưng của Nữ hoàng lúc bấy giờ.

Rất nhanh sau đó, giống chó cảnh này, chưa từng thấy trước đây ở Anh, đã trở thành một trong những vật phẩm xa xỉ mà giới thượng lưu săn lùng.

Nhưng đằng sau vẻ ngoài dễ thương đó là một quá khứ u tối.

Bức tranh vẽ chó Looty năm 1861 của Friedrich Wilhelm Keyl. Ảnh: Royal Collection Trust

Bức tranh vẽ chó Looty năm 1861 của Friedrich Wilhelm Keyl. Ảnh: Royal Collection Trust

Một năm trước khi họa sĩ người Đức Frederick William Keyl hoàn thành bức tranh, quân đội Anh - Pháp đã xông vào Vườn Minh Viên (Cung điện Mùa hè Cũ) của Bắc Kinh, nơi các vua nhà Thanh ở và cai quản việc triều chính, phá hủy công trình rộng gần 350 ha thành đống đổ nát trong Chiến tranh Nha phiến lần hai.

Truyền thông Trung Quốc viết rằng khi Hoàng đế Hàm Phong và triều đình của ông chạy trốn quân Anh - Pháp, một người cô của Hoàng đế chọn ở lại, tự sát trong nơi ở của mình. Khi quân Anh - Pháp tiến vào, họ thấy vây quanh thi thể của bà là 5 con chó Bắc Kinh. Những con chó bị binh lính bắt lại và đưa về phương Tây cùng với hàng nghìn kho báu khác.

Câu chuyện có thể không hoàn toàn chính xác nhưng con chó Bắc Kinh trong bức tranh chắc chắn đã được đưa đến Anh bởi đại úy John Dunne của Trung đoàn 99, lực lượng đã tham gia cướp phá cung điện theo lệnh nhằm trả đũa việc triều đình nhà Thanh giết một số sứ thần Anh.

"Mọi người nói rằng nó có vẻ đẹp hoàn hảo nhất mà họ từng thấy", ông viết về con chó trong nhật ký của mình. Dunne đã tặng lại con chó cho Nữ hoàng và nó được đặt một cái tên mới: Looty.

Những con chó Bắc Kinh trong một bức ảnh chụp năm 1905. Ảnh: Pekingese Central

Những con chó Bắc Kinh trong một bức ảnh chụp năm 1905. Ảnh: Pekingese Central

Sự xuất hiện của Looty, cùng với những con chó Bắc Kinh khác được đưa đến sau đó hoặc sinh sản ở Anh, đã khiến giới phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu "phát cuồng". Từ năm 1914 đến 1962, chó Bắc Kinh là giống chó cảnh phổ biến nhất tại Anh, với 5.809 con được Câu lạc bộ Chó giống nước này đăng ký vào năm 1950, thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt.

Vào thời Vua Edward trị vì đầu những năm 1900, một lãnh chúa được cho là đã chi tới 3.000 bảng Anh, tương đương 365.000 USD nếu quy ra giá trị ngày nay, để mua chó Bắc Kinh.

Đối với người Anh, những con chó tượng trưng cho "Trung Quốc cổ xưa", gợi liên tưởng đến một quốc gia xa xôi, huyền bí, đang suy yếu bởi cuộc Chiến tranh Nha phiến.

Vì vậy, việc những con chó Bắc Kinh "bị đưa đi" khỏi Trung Quốc đã trở thành một phần dấu ấn đặc biệt của chúng. Viết trên Tạp chí Nghiên cứu Anh năm 2006, Sarah Cheang, nhà sử học thiết kế tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Anh, cho biết những con chó được quảng cáo là "được tuồn lậu" ra khỏi Trung Quốc và gắn liền với những câu chuyện giật gân về nạn trộm cắp của những người hầu trong cung điện.

Nhiều người Anh thời đó cũng cố gán cho chó Bắc Kinh những đặc điểm "phương Đông", như nói rằng chúng không thích giông bão vì sợ bão nhiệt đới, hay nói rằng chúng không chịu chối giao phối với những con chó khác màu do "ý thức được rằng màu vàng là màu thiêng liêng của hoàng đế Trung Hoa".

Một bài báo năm 1912 viết rằng Looty là một sinh vật "cô đơn" tại Cung điện Buckingham, bị tẩy chay bởi những con chó khác của Nữ hoàng. Chúng coi thường "thói quen và ngoại hình phương Đông" của Looty.

Các chủ sở hữu chó Bắc Kinh thành lập những câu lạc bộ thú cưng và tổ chức các sự kiện độc quyền, như bữa tiệc giao lưu chó Bắc Kinh trong vườn của một người phụ nữ giàu có ở London vào năm 1901. Khách mời của bữa tiệc là những con chó Bắc Kinh từ khắp nước Anh, ngồi quây quần trên bãi cỏ khi chủ nhân của chúng giao lưu.

Mặc dù vẫn chưa rõ nguồn gốc chính xác của giống chó này, các ghi chép cho thấy chó Bắc Kinh là vật nuôi của hoàng gia Trung Quốc từ thời nhà Đường, hơn 1.100 năm trước. Trông giống như những con sư tử nhỏ, biểu tượng của sức mạnh, chúng thường thuộc sở hữu của giới giàu có.

Cheng cho biết nhiều thành viên hoàng tộc Trung Quốc đã nuôi chó Bắc Kinh, nổi tiếng nhất là Từ Hi Thái hậu, người từng trị vì gần 50 năm và thường được so sánh với Nữ hoàng Victoria.

Theo một cuốn sách do Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh xuất bản, bà đã nuôi hơn 1.000 con chó, trong đó có nhiều con là chó Bắc Kinh, ở Tử Cấm Thành. Chúng được phép đi lang thang tự do trong Ngự Hoa Viên và được 4 thái giám chăm sóc. Các thái giám bị trừng phạt nghiêm khắc nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra với chúng.

Khi Từ Hy chạy trốn khỏi Bắc Kinh vì phong trào Nghĩa Hòa Đoàn đầu thế kỷ 20, bà đã mang theo một đàn chó Bắc Kinh. Bà được cho là đã yêu cầu giết chết những con còn lại để chúng không bị cướp bóc và rơi vào tay người nước ngoài nữa.Đến cuối thế kỷ 20, chó Bắc Kinh đã trở nên ít phổ biến hơn do thị hiếu thay đổi, theo Ciara Farrell, người quản lý bộ sưu tập và thư viện của Câu lạc bộ Chó giống Anh.

"Chúng được coi là biểu tượng của sang trọng nhưng cũng ngột ngạt và lỗi thời", bà cho hay. "Từ những năm 1970 trở đi, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Mọi người chuyển sang tìm kiếm những con vật nuôi không đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc".

Đồng thời, người Anh cũng hiểu hơn về xã hội Trung Quốc hiện đại. Việc gợi nhớ quá khứ từ chó Bắc Kinh trở nên không còn phù hợp với thời đại, Cheang giải thích.

Looty chết vào mùa xuân năm 1872. Không giống như nhiều con chó của Nữ hoàng Victoria, nó được chôn cất trong một ngôi mộ không đánh dấu ở Lâu đài Windsor. Tuy nhiên, cuộc hành trình của Looty và mặt tối của những gì nó thể hiện, tổn thương mà chủ nghĩa đế quốc Anh mang lại và vấn nạn chiếm đoạt văn hóa, vẫn được nhắc đến tới ngày nay.

Mùa hè vừa qua, bức tranh Looty năm 1861 đã được trưng bày trong một cuộc triển lãm về Trung Quốc thế kỷ 19 tại Bảo tàng Anh ở London.

Câu chuyện về Looty cũng được hồi sinh trong cuốn sách với tựa đề Looty lên thiên đường, một cuốn tiểu thuyết giả tưởng xuất bản năm 2022 của tác giả Amy Ching-Yan Lam.

Một dự án nghệ thuật NFT gần đây nhằm tạo ra phiên bản kỹ thuật số của các vật phẩm trong bảo tàng bị quân đội Anh - Pháp lấy đi cũng được đặt tên là Looty. Chó Bắc Kinh có thể lỗi thời nhưng Looty thì không.

Vũ Hoàng (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét