Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

Thủ tướng Slovakia lo ngại chiến sự Ukraine kéo dài đến năm 2030

Thủ tướng Slovakia nhận định xung đột tại Ukraine "đã đóng băng", có thể kéo dài đến 2029 hoặc 2030 nếu không đàm phán hòa bình.

"Tốt hơn là đàm phán 10 năm trong hòa bình hoặc tạm ngừng giao chiến, hơn là bước vào bàn đàm phán sau 10 năm không đạt kết quả nào trên chiến trường ngoài việc có thêm 500.000-600.000 người chết", Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói trong buổi họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Czech Petr Fiala hôm 24/11.

Ông Fico đánh giá cục diện chiến trường Ukraine đã "đóng băng", cảnh báo xung đột có nguy cơ kéo dài đến năm 2029 hoặc 2030 nếu các bên không đàm phán. Thủ tướng Slovakia tái khẳng định sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng cam kết không lên án những nước duy trì cung cấp vũ khí.

Cũng trong cuộc họp báo, Thủ tướng Fiala khẳng định chính phủ Czech sẽ duy trì hỗ trợ "cuộc đấu tranh dũng cảm" của Ukraine.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại thủ đô Bratislava vào ngày 23/10. Ảnh: AFP

Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại thủ đô Bratislava vào ngày 23/10. Ảnh: AFP

Robert Fico là chính trị gia cánh tả, dẫn dắt đảng Dân chủ Xã hội Slovakia giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử vào tháng 9. Một trong những cam kết của ông với cử tri là ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Liên minh cầm quyền của Fico đã chặn gói viện trợ quốc phòng trị giá 44 triệu USD mà chính quyền tiền nhiệm cam kết hỗ trợ Ukraine.

Đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraine kết thúc từ tháng 4/2022, sau khi những cuộc gặp ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được đột phá.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 lần đầu công bố dự thảo thỏa thuận hòa bình mang tên "Hiệp ước về Quy chế Trung lập vĩnh viễn và Bảo đảm an ninh của Ukraine" được hai bên xây dựng trong các cuộc đàm phán.

Theo đó, Ukraine cam kết đưa trạng thái "trung lập vĩnh viễn" vào hiến pháp, trong khi Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước này.

Ông Putin khẳng định phái đoàn đàm phán Ukraine đã ký nháy vào dự thảo, nhưng Kiev sau đó xé bỏ thỏa thuận sơ bộ.

Nghị sĩ David Arakhamia, cựu trưởng đoàn đàm phán Ukraine, phủ nhận thông tin và lưu ý rằng phái đoàn đại diện không có thẩm quyền ký kết. Ông nói rằng Moskva đưa ra đề xuất Kiev đổi trung lập lấy hòa bình, nhưng Ukraine không tin tưởng đối phương và lo ngại Nga hứa suông để có thời gian chuẩn bị cho chiến dịch mới.

Thanh Danh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét