Không chỉ gặp khó khăn trước Nga trên chiến trường, Ukraine chịu nhiều áp lực từ mặt trận ngoại giao, khi nền tảng ủng hộ của phương Tây dần xuất hiện nhiều vết nứt.
Gần hai năm sau khi chiến sự với Nga bùng nổ, Ukraine đang đối mặt với một mùa đông khó khăn, khi chiến dịch phản công quy mô lớn của họ rơi vào bế tắc. Tại Mỹ và châu Âu, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của người dân và các chính trị gia, vốn tạo nên thành trì vững chắc hậu thuẫn Ukraine trong thời gian qua, đang dần suy giảm.
Vết nứt rõ ràng nhất xuất hiện trong quan hệ giữa Ukraine và Ba Lan, một trong những nước ủng hộ nhiệt thành nhất của Kiev kể từ khi xung đột với Nga bùng phát cuối tháng 2/2022.
Hôm 23/11, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đường bộ Quốc tế Ukraine Volodymyr Balin ước tính nước này thiệt hại khoảng 436 triệu USD do các tài xế xe tải Ba Lan chặn cửa khẩu biên giới hai nước.
Tài xế xe tải Ba Lan bắt đầu chặn cửa khẩu biên giới với Ukraine từ ngày 6/11, phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) cho các tài xế Ukraine không phải xin giấy phép qua biên giới. Các tài xế Ba Lan cho rằng động thái miễn trừ của EU đã gây tổn hại hoạt động kinh doanh của họ.
Kiev và Warsaw trước đó căng thẳng về vấn đề ngũ cốc. Ba Lan là một trong những nước đã áp lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine, vì cho rằng ngũ cốc giá rẻ từ nước láng giềng gây thiệt hại cho nông dân cùng thị trường nội địa.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 20/9 nói rằng Ukraine "giống như người chết đuối cố bám vào mọi thứ. Một người đuối nước vô cùng nguy hiểm khi có thể kéo cả bạn xuống nước". Ông đề cập tới gánh nặng của Ba Lan khi phải viện trợ nhân đạo và vũ khí cho Kiev, cũng như đón hàng triệu người tị nạn từ quốc gia láng giềng.
Lập trường với Ukraine không chỉ đảo chiều ở Ba Lan. Tại Slovakia, các tài xế xe tải cũng chặn cửa khẩu biên giới Vysne Nemecke với Ukraine tuần trước, để bày tỏ ủng hộ với người biểu tình Ba Lan. Slovakia trước đó cũng áp lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine.
Nền tảng ủng hộ Ukraine của Slovakia suy giảm rõ rệt hơn khi Thủ tướng Robert Fico trở lại nắm quyền sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9. Một trong những cam kết của ông khi tranh cử là ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Liên minh cầm quyền của Fico đã chặn gói viện trợ quốc phòng trị giá 44 triệu USD mà chính quyền tiền nhiệm cam kết hỗ trợ Kiev.
Xa hơn, nhiều nước châu Âu cũng như Mỹ đang và sắp bước vào những cuộc bầu cử quan trọng và giới quan sát cho rằng đây sẽ là yếu tố lớn có thể khiến thành trì ủng hộ Ukraine rạn nứt nhiều hơn nữa.
Niklas Masuhr, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Công nghệ Liên bang ở Zurich, Thụy Sĩ, nhận định nền chính trị châu Âu có thể đối mặt với một làn gió mới, khi các đảng cực hữu và dân túy tăng cường khơi dậy chủ nghĩa dân tộc để lấy lòng cử tri và dần giành ưu thế trong các cuộc bầu cử.
Điều đó được thể hiện rõ nhất trong cuộc bầu cử vừa qua ở Hà Lan. Đảng Tự do theo đường lối cực hữu của ông Geert Wilders tuần trước bất ngờ giành nhiều ghế nhất trong quốc hội, chấm dứt kỷ nguyên của Thủ tướng Mark Rutte, người ủng hộ Ukraine nhiệt thành.
Là người hâm mộ Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Wilders tuyên bố sẽ ngăn chặn kết nạp bất kỳ thành viên mới nào vào Liên minh châu Âu, gồm cả Ukraine. Ông cũng nhiều lần nói rằng Hà Lan nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine vì nước này cần vũ khí để tự vệ.
Giới quan sát đã nhiều lần cảnh báo về "nỗi mệt mỏi Ukraine" khi cuộc chiến kéo dài. Chiến dịch phản công gây thất vọng của Kiev đã khiến nỗi mệt mỏi đó trở nên nặng nề hơn.
Các nước phương Tây từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào chiến dịch phản công này, tin rằng nó sẽ tạo ra đòn giáng đủ mạnh để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán, hướng tới chấm dứt chiến sự.
Nhưng trong gần nửa năm qua, quân đội Ukraine không thể xuyên thủng phòng tuyến Nga, vốn được bảo vệ bởi các bãi mìn dày đặc, hệ thống công sự kiên cố và hàng nghìn binh sĩ bổ sung từ lệnh động viên. Hàng tỷ USD vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine chưa mang lại đột phá lớn nào.
Thủ tướng Slovakia nhận định xung đột tại Ukraine "đã đóng băng", có thể kéo dài đến 2029 hoặc 2030 nếu các bên không ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
"Tốt hơn là đàm phán 10 năm trong hòa bình hoặc tạm ngừng giao chiến, hơn là bước vào bàn đàm phán sau 10 năm không đạt kết quả nào trên chiến trường ngoài việc có thêm 500.000-600.000 người chết", ông Fico nói ngày 24/11.
Bên bờ tây Đại Tây Dương, Mỹ cam kết sẽ duy trì ủng hộ "chừng nào còn cần thiết" như Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định trong năm nay. Quốc hội Mỹ tới nay đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những cam kết nghe có vẻ sắt đá này phụ thuộc vào hai biến số không chắc chắn, gồm khả năng cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraine và ý chí chính trị của giới lãnh đạo cũng như dư luận Mỹ, theo Economist.
Đề xuất về gói viện trợ gần 106 tỷ USD của Tổng thống Biden cho Ukraine, Israel và các nhu cầu ngân sách khác đang nằm im tại quốc hội, không được chấp thuận hay bác bỏ. Các nghị sĩ Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện muốn coi đề xuất này như một đòn bẩy để đưa ra những yêu cầu riêng, trong đó có chính sách kiểm soát biên giới Mỹ - Mexico chặt chẽ hơn để ngăn dòng người di cư.
Sự ủng hộ của lưỡng viện Mỹ dành cho Ukraine giai đoạn đầu xung đột đang dần suy giảm, biến thành cuộc tranh cãi đảng phái ở Mỹ. Ngày càng nhiều tiếng nói của đảng Cộng hòa phản đối bổ sung viện trợ cho Ukraine.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng "cách tốt nhất" để đảm bảo ủng hộ của họ với Ukraine là ông Biden và đảng Dân chủ phải chấp nhận thay đổi chính sách biên giới, nhằm hạn chế dòng người di cư qua biên giới Mexico vào Mỹ.
Nhiệm kỳ ngắn ngủi của cựu chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã chứng minh chỉ một nhóm thiểu số các nhà lập pháp cứng rắn có thể định hình chương trình nghị sự của quốc hội Mỹ và làm suy yếu các ưu tiên của phe đa số.
Các nhà lập pháp và quan chức chính quyền Mỹ nhận thức rõ ràng Ukraine có thể chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường nếu dòng chảy vũ khí, pháo binh cùng các loại đạn dược của Mỹ bị gián đoạn.
"Mọi thứ giờ không hoàn toàn chắc chắn và không thể dự đoán điều này sẽ diễn ra thế nào", trợ lý của đảng Cộng hòa ở quốc hội nói về việc viện trợ cho Ukraine.
Mỹ năm sau bước vào cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, đang giữ lợi thế trong kịch bản tái đấu với Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2024.
Chính sách của ông Trump về Ukraine không nhất quán. Hồi tháng 3, ông tuyên bố sẽ giải quyết xung đột "trong vòng 24 giờ" nếu trở thành tổng thống. Tới tháng 5, ông phàn nàn về tình trạng Mỹ thiếu đạn dược vì "đang cho đi quá nhiều".
Tuy nhiên, ông hồi tháng 9 bác bỏ khả năng thúc đẩy thỏa thuận cho phép Nga giữ lãnh thổ Ukraine. "Không ai cứng rắn với Nga hơn tôi", ông nói, nhấn mạnh sẽ đạt được "thỏa thuận công bằng cho tất cả".
Quan chức phương Tây lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ chờ xem liệu ông Trump có tái đắc cử tổng thống hay không trước khi nghĩ tới đàm phán với Ukraine. Kịch bản đó làm dấy lên cuộc tranh luận quyết liệt ở châu Âu.
"Nếu Mỹ có tổng thống mới, người tìm cách thúc ép một giải pháp đàm phán về Ukraine, châu Âu sẽ có rất ít khả năng kháng cự", Liana Fix và Michael Kimmage, hai chuyên gia về Nga, lập luận trong bài viết trên Foreign Affairs gần đây.
Một mình châu Âu sẽ rất khó động đủ tiền và vũ khí để giúp Ukraine duy trì cuộc chiến với Nga nếu lãnh đạo mới của Mỹ cắt hoàn toàn dòng chảy viện trợ này.
Mỹ được xem là điểm tựa cho các đồng minh trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng khẳng định không cho phép xe tăng Leopard mà nước này sản xuất được gửi đến Ukraine, trừ khi ông Biden chấp nhận gửi xe tăng Abrams cho Kiev. Một số nước châu Âu khác đã quyết định gửi vũ khí cho Ukraine với hứa hẹn nhận được vũ khí mới bù đắp từ Mỹ.
Do đó, các nhà phân tích cho rằng việc thay thế vai trò lãnh đạo và nguồn viện trợ từ Mỹ là nhiệm vụ rất khó khăn.
"Tôi thấy các đối tác đang ngày càng mệt mỏi và rệu rã. Họ muốn quên đi xung đột này, nhưng nó đang tiếp diễn khốc liệt", Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko ngày 14/10 cho biết bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Marrakech, Morocco. "Thay đổi địa chính trị và tình hình chính trị nội bộ ở nhiều quốc gia đang làm suy giảm mong muốn hỗ trợ Ukraine".
Thanh Tâm (Theo BBC, Economist, NBC News, ABC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét