Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Việt Nam nêu 4 lĩnh vực quan tâm hàng đầu tại COP28

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết Việt Nam kỳ vọng Hội nghị COP28 sẽ đạt những bước tiến thực chất trong nhiều lĩnh vực nhằm ứng phó biến đối khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), tiến hành một số hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/11-3/12.

"Biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, được cộng đồng quốc tế quan tâm cao nhất trong năm 2023. Hơn 130 nguyên thủ và thủ tướng các quốc gia đến tham dự để cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp lâu dài thể hiện Hội nghị COP28 là sự kiện đa phương quan trọng nhất về biến đổi khí hậu trong năm nay", Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay.

Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ để đạt mục tiêu theo Thỏa thuận Paris về giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C.

Điều đó đồng nghĩa với cần thu hẹp khoảng cách giữa cam kết đề ra và kết quả đạt được, đặc biệt về giảm phát thải khí nhà kính, tài chính cho khí hậu và hỗ trợ các nước đang phát triển khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn hôm 27/11. Ảnh: BNG

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn hôm 27/11. Ảnh: BNG

Ông Việt cho biết Việt Nam kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên 4 lĩnh vực quan tâm hàng đầu. Đầu tiên là các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng.

Những nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này, thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030.

Quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi. Cuối cùng là sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Kể từ sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26 hồi năm 2021, chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm đạt mục tiêu này.

Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và các hoạt động song phương tại UAE của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị và tạo động lực mới, mang tính đột phá cho hợp tác của Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ và UAE trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, tới lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng", ông Việt cho hay.

Đây cũng là chuyến thăm thứ hai của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Trung Đông chỉ trong vòng hai tháng, sau chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và tiến hành các hoạt động song phương tại Arab Saudi hồi tháng 10, qua đó lan tỏa thông điệp về cam kết mạnh mẽ và thể hiện sự quan tâm rất rõ ràng của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với khu vực Trung Đông giàu tiềm năng.

Vũ Anh

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét