Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Ông Zelensky chật vật giữ lửa chiến đấu cho Ukraine

Tổng thống Zelensky vẫn miệt mài cố gắng thuyết phục đồng minh duy trì viện trợ cho Ukraine, nhưng nhiệm vụ của ông ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Hồi cuối tháng 9, hàng trăm người, trong đó có các lãnh đạo quốc hội và quan chức hàng đầu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, được mời tới Cơ quan Lưu trữ Quốc gia ở Washington nghe bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Sự kiện được kỳ vọng mang lại cho lãnh đạo Ukraine cơ hội truyền cảm hứng và thu hút ủng hộ từ giới lãnh đạo Mỹ. Nhưng nó đã diễn ra không đúng như kế hoạch.

Chiều hôm đó, cuộc họp của Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã khiến ông bị trễ mất một tiếng và khi bắt đầu bài phát biểu ở Cơ quan Lưu trữ Quốc gia lúc 18h41, ông trông lơ đãng và hơi khó chịu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO ở Vilnius, Lithuania, hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO ở Vilnius, Lithuania, hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Vợ ông, Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska, đã đọc diễn văn truyền tải thông điệp về tinh thần kiên cường của Ukraine, trong khi bài phát biểu của ông có vẻ cứng nhắc. Thậm chí khi màn trao huy chương sau bài phát biểu diễn ra, ông đã thúc giục ban tổ chức nhanh chóng hoàn thành nó.

Tổng thống Zelensky về sau giải thích rằng ông cảm thấy kiệt sức vào tối hôm đó, mệt mỏi vì phải liên tục thuyết phục các đồng minh rằng nếu họ tiếp tục hỗ trợ, Ukraine có thể giành chiến thắng.

"Không ai tin vào chiến thắng của chúng tôi như tôi. Không ai cả", Zelensky nói với tạp chí TIME trong một cuộc phỏng vấn sau chuyến thăm Mỹ. Nỗ lực truyền niềm tin đó tới các đồng minh "lấy đi tất cả sức mạnh, năng lượng của bạn", ông nhấn mạnh.

Nhiệm vụ của Tổng thống Ukraine ngày càng khó khăn hơn. Sau 20 tháng chiến sự, Ukraine vẫn chưa thể giành lại khoảng 1/5 lãnh thổ Nga kiểm soát. Hàng chục nghìn binh sĩ và dân thường đã thiệt mạng. Zelensky có lẽ đã cảm nhận được trong chuyến công du rằng số phận đất nước ông không còn là chủ đề thu hút sự quan tâm toàn cầu nữa.

"Điều đáng sợ nhất là một phần thế giới đã trở nên quen thuộc với cuộc xung đột ở Ukraine", ông nói.

Ủng hộ của công chúng Mỹ đối với nỗ lực viện trợ Ukraine đã suy giảm trong nhiều tháng và chuyến thăm của Zelensky không thể giúp vực dậy điều đó. Theo một cuộc khảo sát do Reuters được thực hiện ngay sau khi ông về nước, khoảng 41% người Mỹ muốn quốc hội cung cấp thêm vũ khí cho Kiev, giảm so với mức 65% vào tháng 6, khi Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công lớn.

Chiến dịch này đã diễn ra với tốc độ chậm chạp và gây ra tổn thất lớn, khiến Tổng thống Zelensky khó lòng thuyết phục các đối tác rằng chiến thắng đang đến gần. Khi chiến sự Israel - Hamas bùng nổ vào đầu tháng trước, việc vận động thế giới tiếp tục chú ý tới Ukraine đã trở thành một thách thức.

Từ Mỹ, phóng viên TIME đã theo chân Tổng thống Ukraine trở lại Kiev, hy vọng hiểu được ông sẽ phản ứng thế nào trước những tín hiệu nhận được sau chuyến công du, đặc biệt là khi lòng nhiệt thành của các đồng minh phương Tây đang dần phai nhạt đối với một cuộc chiến không có hồi kết.

Tâm lý lạc quan, khiếu hài hước, xu hướng làm sôi động các cuộc họp bằng những lời bông đùa đã không còn xuất hiện ở Tổng thống Ukraine, khi chiến sự bước sang năm thứ hai.

"Bây giờ, ông ấy chỉ bước vào phòng họp, nghe báo cáo cập nhật tình hình, đưa ra mệnh lệnh và rời đi", một quan chức thân cận với Tổng thống Zelensky nói.

Một người khác cho hay trên hết, ông Zelensky cảm thấy bị các đồng minh phương Tây phản bội vì họ không cung cấp cho ông phương tiện để giành chiến thắng, mà chỉ mang đến thứ giúp ông sống sót.

Nhưng niềm tin của Zelensky vẫn không thay đổi. Bất chấp những thất bại gần đây trên chiến trường, ông không có ý định từ bỏ chiến đấu hay yêu cầu bất kỳ hình thức hòa bình nào. Niềm tin mãnh liệt đến mức nó khiến một số cố vấn của ông lo lắng.

"Ông ấy đang tự lừa dối mình", một trợ lý thân cận của Tổng thống Zelensky nói. "Chúng tôi không còn lựa chọn nào nữa. Chúng tôi khó lòng chiến thắng. Nhưng hãy thử nói với ông ấy điều đó xem".

Khi nhóm của Tổng thống Zelensky tranh luận về tương lai cuộc xung đột, cụm từ "đàm phán với Nga" luôn là thứ cấm kỵ. Ông năm ngoái đã ký sắc lệnh cấm mọi hình thức đàm phán với Nga khi Tổng thống Vladimir Putin vẫn nắm quyền.

Theo các cuộc khảo sát gần đây, hầu hết người Ukraine đều phản đối phương án này, đặc biệt nếu nó dẫn đến việc họ bị mất đi những vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát.

Zelensky vẫn kiên quyết phản đối ngay cả một thỏa thuận ngừng bắn. "Đối với chúng tôi, điều đó có nghĩa là để lại vết thương này cho các thế hệ tương lai", ông nói. "Có lẽ nó sẽ xoa dịu một số người trong và ngoài nước, ít nhất là những người muốn giải quyết mọi việc bằng bất cứ giá nào. Nhưng đối với tôi, đó là vấn đề, bởi vì chúng ta bị bỏ lại với một quả bom nổ chậm chỉ chờ lúc phát nổ".

Hiện tại, Tổng thống Zelensky quyết tâm giành chiến thắng với những điều kiện có lợi cho Ukraine và ông đang thay đổi chiến thuật để đạt được điều này. Hiểu rõ rằng nguồn cung vũ khí của phương Tây có thể cạn kiệt theo thời gian, Ukraine đã tăng cường tự sản xuất máy bay không người lái (UAV) và tên lửa, sử dụng chúng để tấn công các tuyến tiếp tế, sở chỉ huy và kho đạn Nga ở xa phòng tuyến. Nga đã đáp trả bằng hàng loạt cuộc tập kích, tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng mà Ukraine rất cần cho mùa đông sắp tới.

Vào thời điểm Tổng thống Zelensky từ Mỹ trở về Kiev, các trợ lý của ông đang gấp rút chuẩn bị cho mùa đông thứ hai của cuộc chiến. Ba quan chức cấp cao chính quyền Ukraine cho hay tình trạng mất điện có thể nghiêm trọng hơn vào mùa đông năm nay và người dân có thể không dễ dàng lượng thứ như năm ngoái.

"Năm ngoái họ đổ lỗi cho Nga", một người nói. "Năm nay, họ sẽ trách chúng tôi không chuẩn bị đầy đủ".

Cái lạnh cũng sẽ khiến nỗ lực tiến quân trở nên khó khăn hơn, khiến cục diện chiến trường có thể đóng băng ít nhất cho đến mùa xuân. Nhưng Zelensky không chịu chấp nhận thực tế này. "Đối với tôi, việc đóng băng chiến trường đồng nghĩa chúng ta sẽ đánh mất nó", ông nói.

Một trợ lý thân cận của ông Zelensky tiết lộ nhiều chỉ huy tiền tuyến đã bắt đầu từ chối mệnh lệnh tiến quân, ngay cả khi họ nhận chỉ thị trực tiếp từ Văn phòng Tổng thống, trong bối cảnh họ đã cạn kiệt cả về vũ khí lẫn quân số.

"Họ chỉ muốn ngồi trong chiến hào và giữ phòng tuyến", ông nói. "Nhưng chúng tôi không thể chiến thắng theo cách đó".

Các binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến gần Bakhmut hồi tháng 3. Ảnh: TIME

Các binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến gần Bakhmut hồi tháng 3. Ảnh: TIME

Tình hình chiến trường bế tắc không phải là lý do duy nhất khiến Tổng thống Zelensky phiền lòng. Trong những tháng gần đây, vấn đề tham nhũng trong chính quyền đã khiến mối quan hệ của ông với các đồng minh trở nên căng thẳng.

Trước chuyến thăm Washington, Nhà Trắng đã chuẩn bị một danh sách các cải cách chống tham nhũng để yêu cầu Kiev thực hiện. Một trong những trợ lý đi cùng ông Zelensky cho hay những đề xuất này nhắm vào các cấp cao nhất của bộ máy nhà nước.

"Đó không phải là những gợi ý mà là các điều kiện", một cố vấn khác nói.

Để giải quyết những lo ngại của Mỹ, Tổng thống Zelensky đã thực hiện một số bước đi quyết liệt. Vào đầu tháng 9, ông sa thải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Oleksiy Reznikov, người đã để nạn tham nhũng tràn lan trong cơ quan do ông quản lý.

Hai cố vấn Tổng thống cho hay cá nhân Reznikov không liên quan đến tham nhũng, nhưng ông đã không giữ được kỷ cương trong Bộ Quốc phòng, đề cập đến mức giá tăng cao bất thường mà Bộ phải trả cho các vật tư, như áo khoác mùa đông cho binh lính và trứng gà để nuôi quân.

Khi tin tức về những vụ bê bối này lan rộng, Tổng thống Zelensky đã nghiêm khắc yêu cầu các quan chức tránh tư tưởng làm giàu cho bản thân. "Đừng mua sắm bất cứ thứ gì đắt tiền. Đừng đi nghỉ. Chỉ cần ngồi vào bàn làm việc, im lặng và làm việc", một nhân viên chính phủ mô tả về các chỉ thị.

Một số quan chức cấp trung trong chính quyền phàn nàn về tình trạng bộ máy bị tê liệt và tinh thần làm việc sa sút khi công việc của họ bị giám sát chặt chẽ hơn.

Trước sức ép chống tham nhũng quyết liệt của Tổng thống, nhiều người cho rằng các quan chức Ukraine có thể sẽ suy nghĩ kỹ trước khi nhận hối lộ hay biển thủ công quỹ. Nhưng một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Zelensky lại cho hay "nhiều người đang bòn rút như không có ngày mai".

Ông nói thêm ngay cả việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng cũng không khiến các quan chức cảm thấy sợ hãi vì cuộc thanh lọc mất quá nhiều thời gian. Tổng thống được cảnh báo từ tháng hai rằng nạn tham nhũng đang tràn lan trong Bộ Quốc phòng, nhưng ông đã lưỡng lự trong hơn 6 tháng để cho các quan chức cấp cao, vốn là đồng minh của ông, có thêm thời gian giải quyết vấn đề.

Một cố vấn cấp cao khác cho hay vào thời điểm ông hành động trước chuyến thăm Mỹ, "mọi chuyện đã quá muộn". "Đã có những tổn thất nhất định về danh tiếng", người này lưu ý.

Các đồng minh phương Tây của Ukraine lúc đó đã biết về vụ bê bối. Những người lính ở mặt trận đã bắt đầu mỉa mai về "những quả trứng của Reznikov", một phép ẩn dụ mới cho nạn tham nhũng.

Trong bối cảnh tình hình trong nước ngày càng khó khăn, thách thức lại lớn bội phần với Tổng thống Zelensky khi chiến sự Israel - Hamas bùng nổ.

Ngay từ những ngày đầu xung đột, ưu tiên hàng đầu của ông Zelensky là khiến toàn cầu chú ý vào Ukraine. Nhưng những gì đang diễn ra ở Dải Gaza đã nhanh chóng thu hút mọi mối quan tâm của dư luận quốc tế cũng như nguồn lực quốc phòng của phương Tây.

"Đó là điều bình thường", ông Zelensky nói. "Tất nhiên là chúng tôi sẽ bị thiệt thòi vì những sự kiện ở Trung Đông. Mọi người đang chết dần và ở đó cần được giúp đỡ".

Nhưng cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đã ngay lập tức tác động đến Ukraine. Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, thành viên đảng Cộng hòa, đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không ủng hộ dự luật ngân sách hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mà chỉ đồng ý viện trợ cho đồng minh Israel.

Johnson tuyên bố sẽ không chấp nhận dự luật kết hợp được Tổng thống Biden đề xuất, trong đó có 61 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, 44 tỷ USD dành cho Israel và an ninh biên giới phía nam của Mỹ. Tổng thống Biden đã dọa sẽ phủ quyết bất cứ dự luật nào không có khoản hỗ trợ Ukraine.

Những động thái này cho thấy viện trợ Ukraine không còn là mối quan tâm lớn nhất ở Washington nữa. Tổng thống Zelensky thừa nhận rằng đôi tay của Tổng thống Biden dường như bị trói buộc bởi phe Cộng hòa.

Ông cho biết Nhà Trắng vẫn cam kết giúp đỡ Ukraine, nhưng những lời kêu gọi bảo vệ các giá trị chung không còn gây ảnh hưởng nhiều đến các chính trị gia ở Đồi Capitol.

"Chính trị là thế", Tổng thống Zelensky nói với tạp chí TIME với nụ cười mệt mỏi. "Họ cân nhắc lợi ích riêng của họ".

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) tiếp người đồng cấp Ukraine Zelensky tại Nhà Trắng ngày 21/9. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) tiếp người đồng cấp Ukraine Zelensky tại Nhà Trắng ngày 21/9. Ảnh: Reuters

Khi xung đột mới nổ ra, sứ mệnh của Tổng thống Zelensky là duy trì sự cảm thông của thế giới đối với Ukraine. Hiện tại, nhiệm vụ trở nên phức tạp hơn. Trong các chuyến công du nước ngoài và các cuộc điện đàm với lãnh đạo thế giới, ông cần thuyết phục họ rằng việc giúp đỡ Ukraine là vì lợi ích quốc gia của chính họ. Nhiệm vụ này chắc chắn không dễ dàng khi các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang ngày càng gia tăng, giới chuyên gia đánh giá.

Nhưng đối mặt với việc phải dừng chiến đấu hoặc thua cuộc, ông Zelensky không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vượt qua mùa đông sắp tới và hơn thế nữa. "Tôi không nghĩ Ukraine có thể cho phép mình mệt mỏi vì chiến đấu", ông nói. "Ngay cả khi ai đó cảm thấy mệt mỏi từ bên trong, rất nhiều người cũng không thừa nhận điều đó".

Vũ Hoàng (Theo TIME)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét