Dù Mỹ áp lệnh trừng phạt dầu Nga, dòng nhiên liệu này vẫn len lỏi vào nguồn cung của quân đội Mỹ, có thể thông qua nhà máy lọc dầu Hy Lạp.
Sau khi phương Tây thông báo lệnh cấm dầu Nga vào năm ngoái nhằm đáp trả cuộc chiến ở Ukraine, nhà máy lọc dầu Motor Oil Hellas trên Biển Aegean của Hy Lạp chuyên phục vụ quân đội Mỹ đã nhanh chóng hành động để tuân thủ. Vài tháng sau, họ thông báo với các nhà đầu tư rằng đã ngừng tiếp nhận dầu Nga và tìm được nguồn thay thế.
Tuy nhiên, dầu Nga vẫn tiếp tục chảy vào nhà máy Motor Oil Hellas, theo phân tích dữ liệu vận chuyển và thương mại của Washington Post. Chúng đi theo tuyến đường mới xa hơn hàng trăm km, qua kho lưu trữ Dortyol ở Thổ Nhĩ Kỳ, được đổi chủ nhiều lần trước khi đến Hy Lạp.
Bề ngoài, việc nhà máy Motor Oil Hellas nhận nguồn cung dầu từ kho Dortyol dường như cho thấy lệnh cấm dầu Nga của phương Tây đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực dầu mỏ cho hay kho lưu trữ Dortyol ở Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên trộn lẫn dầu từ các nguồn khác nhau trước khi chuyển tới khách hàng cuối và đây là cách dầu Nga có thể tới Hy Lạp.
"Tôi chỉ có thể đi đến kết luận rằng dầu Nga đã được chuyển đến Motor Oil Hellas", Robert Auers, nhà phân tích thị trường nhiên liệu tại công ty nghiên cứu RBN Energy ở Mỹ, nói. Việc các lô hàng từ Dortyol chứa dầu từ Nga đã phản ánh nhiều lỗ hổng trong thực thi lệnh trừng phạt của phương Tây.
Washington Post đã sử dụng dữ liệu vận chuyển và nhiều hồ sơ để theo dõi dòng chảy của dầu cho tới khi chúng được chế biến thành xăng dầu dùng cho tàu chiến và máy bay của quân đội Mỹ. Dự án Giám sát Chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, đã cung cấp một số dữ liệu về vận chuyển dầu khi phối hợp với Data Desk, đơn vị tư vấn chuyên điều tra về các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Theo kết quả điều tra, trong hai năm qua, kho Dortyol ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận 5,4 triệu thùng mazut bằng đường biển, trong đó 1,9 triệu thùng từ Nga, theo dữ liệu thương mại và vận chuyển của công ty Refinitiv, trụ sở tại Anh.
Kể từ khi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực hồi tháng 2, Nga vẫn chuyển tổng cộng 2,7 triệu thùng dầu mazut tới Dortyol, tương đương hơn 69% tổng lượng dầu được đưa tới kho lưu trữ này bằng đường biển trong cùng giai đoạn.
Cũng từ tháng 2, Dortyol đã xuất 7 triệu thùng dầu, trong đó 4,2 triệu thùng tới nhà máy Motor Oil Hellas. Những lô hàng này chiếm ít nhất 56% tổng lượng dầu mà nhà máy lọc dầu Hy Lạp nhập bằng đường biển.
Nhà máy này đã ký các hợp đồng mới trị giá gần một tỷ USD với Lầu Năm Góc kể từ khi lệnh cấm dầu Nga của Mỹ có hiệu lực vào tháng 3 năm ngoái. Dầu thành phẩm từ Motor Oil Hellas cũng được chuyển tới khách hành ở Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Anh.
Joe Yoswa, người phát ngôn Cơ quan Hậu cần Quốc phòng của Lầu Năm Góc, nơi chuyên mua nhiên liệu cho quân đội Mỹ, nói rằng cơ quan này không biết dầu Nga được chuyển tới nhà cung cấp Hy Lạp. Yoswa thêm rằng các nhà thầu như Motor Oil Hellas "chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành liên quan tới kinh doanh với Nga và công ty Nga".
Theo ông, các thành phần trong nhiên liệu họ mua từ Motor Oil Hellas "có thể thay đổi liên tục giữa các lần giao hàng". Do đó, việc truy tìm nguồn gốc của các sản phẩm tinh chế "rất khó hoặc không thể".
Motor Oil Hellas cho biết công ty "không mua, chế biến hoặc giao dịch các sản phẩm dầu Nga. Tất cả hàng nhập khẩu đều được chứng nhận có nguồn gốc từ những nước không bị trừng phạt".
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và đại diện của Tập đoàn Dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ không trả lời những câu hỏi liên quan tới nguồn gốc số dầu được đổ vào kho Dortyol.
Quan chức Global Terminal Services, cơ quan chủ quản của Dortyol, cho biết họ chỉ là "trung gian" lưu trữ sản phẩm và không sở hữu chúng. Họ khẳng định không chấp nhận các lô hàng từ tàu mang cờ Nga và "tuân thủ đầy đủ" quy tắc cũng như luật hiện hành của quốc tế và nước sở tại. Theo điều khoản lệnh trừng phạt phương Tây, các cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ được phép nhận dầu Nga, nhưng nhà máy lọc dầu Hy Lạp không thể.
Trong ít nhất 5 chuyến hàng từ Nga tới Dortyol năm nay, dầu ban đầu thuộc sở hữu của tập đoàn Nga Rosneft. Sau khi được chuyển lên tàu đi qua Biển Đen, các lô hàng này được bán cho công ty ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chủ sở hữu lô dầu này sau đó chuyển giao chúng cho các thực thể do công ty dầu quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, trước khi chuyển đến Dortyol.
Giới quan sát cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều động lực để quyết tâm ngăn chặn giao dịch dầu có nguồn gốc từ Nga, bởi số hàng này mang lại nhiều lợi nhuận cho họ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước có quan hệ tốt với Nga.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây được đưa ra để giáng đòn mạnh vào kinh tế Nga, nơi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm gần một nửa ngân sách nước này. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng chống chịu tốt, một phần là do khả năng lách các biện pháp trừng phạt, theo giới chuyên gia.
Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan quản lý và thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế của Washington, từ chối trả lời câu hỏi về nguồn gốc sản phẩm xăng dầu mà Lầu Năm Góc mua từ Motor Oil Hellas. Tuy nhiên, phát ngôn viên Megan Apper của bộ này cho biết "chúng tôi đang tập trung phối hợp với các đồng minh, đối tác để giảm doanh thu bán dầu của Nga và hạn chế khả năng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine".
Motor Oil Hellas là nhà cung cấp xăng dầu chính của Lầu Năm Góc trong nhiều năm qua. Kể từ năm 2019, Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ đã trả cho Motor Oil Hellas hơn 1,1 tỷ USD, khiến công ty Hy Lạp trở thành một trong 10 nhà thầu hàng cung cấp nhiên liệu hàng đầu của cơ quan này, theo Deltek, đơn vị chuyên theo dõi dữ liệu mua bán của chính phủ Mỹ. Đơn hàng trị giá 479 triệu USD giữa Lầu Năm Góc và Motor Oil Hellas đã được hoàn tất hồi tháng 5.
Một trong những loại dầu được chuyển từ Nga tới Hy Lạp là dầu nhớt. Hồ sơ vận chuyển cho thấy 198.000 thùng dầu nhớt Nga đã chuyển tới Dortyol vào tháng 7, sau nhiều lần đổi chủ trên đường vận chuyển. Một lượng hàng tương tự được chuyển từ Dortyol tới Motor Oil Hellas vài tuần sau đó. Cách thức vận chuyển tương tự đã được thực hiện nhiều lần kể từ khi lệnh cấm của Mỹ và EU có hiệu lực.
"Lô hàng dầu nhớt được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuối cùng cập bến Hy Lạp", Viktor Katona, người đứng đầu bộ phận phân tích dầu của công ty Kpler ở Brussels, nói.
Khi tới Motor Oil Hellas, dầu nhớt được trộn với lượng lớn dầu thô từ nhiều quốc gia khác để sản xuất nhiên liệu máy bay phản lực. Các sản phẩm nhiên liệu khác có nguồn gốc từ Nga được chuyển đến Dortyol với số lượng lớn hơn có thể được dùng để sản xuất dầu diesel cho tàu chiến. Các tàu từ kho lưu trữ của Thổ Nhĩ Kỳ đã giao những sản phẩm như vậy cho Motor Oil Hellas, công ty bán dầu diesel cho quân đội Mỹ.
Theo lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Motor Oil Hellas cùng các khách hàng phương Tây khác không thể nhập xăng dầu từ Nga. Song họ có thể nhập khẩu các sản phẩm sản xuất từ dầu Nga nếu chúng được tinh chế và biến thành nhiên liệu khác sau khi rời Nga. Trong những trường hợp như vậy, sản phẩm mới có thể được dán nhãn quốc gia tinh chế, theo chuyên gia.
Quân đội Mỹ đang nhận sản phẩm từ Motor Oil Hellas trên những tàu chở dầu như Overseas Sun Coast, Stena Polaris và Valtellina. Các tàu dầu này sẽ chuyển nhiên liệu tới những nơi như căn cứ hải quân Rota ở Tây Ban Nha, nơi đặt một số tàu chiến Mỹ, căn cứ không quân Mỹ Lajes Field ở quần đảo Azores và căn cứ Souda của NATO ở đảo Crete, Hy Lạp.
Hồi đầu tháng 9, lô nhiên liệu máy bay trị giá 38 triệu USD được tinh chế ở Motor Oil Hellas đã chuyển lên tàu chở dầu treo cờ Mỹ và chuyển tới cơ sở hỗ trợ hải quân Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương vài tuần sau đó.
Các sản phẩm từ Motor Oil Hellas đang được chuyển đi khắp châu Âu và xa hơn nữa vào thời điểm các lãnh đạo phương Tây lo ngại về hiệu quả của lệnh trừng phạt Nga. Quan chức Ukraine cảnh báo cách thực thi trừng phạt lỏng lẻo đang làm suy yếu nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến của Nga.
"Nếu Nga có thể cung cấp dầu cao hơn trần giá dầu và bán cho các nước đã áp lệnh trừng phạt, liệu các biện pháp trừng phạt như vậy có hiệu quả gì không? Câu trả lời rõ ràng là không", Oleksandr Novikov, người đứng đầu Cơ quan Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine, nói.
Về lý thuyết, các biện pháp trừng phạt vẫn cho phép dầu Nga được lưu hành như vậy, miễn là Moskva phải giao dịch thấp hơn trần giá dầu. Tuy nhiên, việc thực thi lỏng lẻo cũng dẫn tới những vi phạm về trần giá, cho phép Nga bán dầu với giá cao hơn đáng kể so với mức lệnh trừng phạt cho phép.
Giới chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đối mặt nguy cơ bị quy là đồng lõa trong nỗ lực tránh né lệnh trừng phạt nếu họ sử dụng các sản phẩm dầu mỏ từ Nga.
"Quân đội Mỹ đã không thẩm định nguồn gốc dầu. Không khó để biết nó đến từ đâu", Isaac Levi, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch ở Phần Lan, chỉ trích.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét