Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

2020 - năm sóng gió của hoàng gia thế giới

Hoàng gia cả châu Âu và châu Á có một năm nhiều biến động khi Harry - Meghan rút khỏi hoàng gia Anh còn Vua Thái Lan đối mặt với làn sóng biểu tình.

Hoàng gia Anh đón nhận cú sốc vào đầu năm 2020 khi Hoàng tử Harry và Công nương Meghan ngày 9/1 bất ngờ tuyên bố rút khỏi vai trò cấp cao hoàng gia. Harry và Meghan không còn mang danh hiệu hay tham gia các hoạt động của hoàng gia Anh, không đại diện cho Nữ hoàng Elizabeth II khi tới các sự kiện.

Harry - Meghan tại London hồi tháng ba. Ảnh: Reuters.

Harry - Meghan tại London hồi tháng ba. Ảnh: Reuters.

Meghan, cựu nữ diễn viên truyền hình Mỹ, được cho là đã không thích ứng với cuộc sống hoàng gia. Cặp đôi tố truyền thông xâm phạm đời tư, đồng thời có thông tin về rạn nứt ngày càng tăng giữa anh em Harry và William. Harry - Meghan hiện sống ở California, Mỹ và sẽ không trở về Anh để đón Giáng sinh do Covid-19. Meghan tháng trước tiết lộ cô đã bị sảy thai hồi tháng 7.

Covid-19 đã có tác động lớn đến hoàng gia Anh. Nữ hoàng, Hoàng thân Philip và vợ chồng Thái tử Charles phải tránh xuất hiện trước công chúng và hạn chế thực hiện nhiệm vụ hoàng gia vì họ thuộc nhóm dễ bị tổn thương do tuổi tác cao.

Thái tử Charles, 71 tuổi, hồi tháng ba đã nhiễm nCoV và có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, ba tháng sau, trong một chuyến đến thăm các nhân viên y tế, Thái tử tiết lộ ông vẫn chưa hoàn toàn khôi phục vị giác và khứu giác. Hoàng tử William, con của Thái tử, cũng từng nhiễm nCoV và âm thầm điều trị hồi tháng 4 vì không muốn công chúng hoang mang.

Covid-19 cũng khiến lượng khách tham quan tới các dinh thự hoàng gia giảm mạnh và Nữ hoàng Anh có thể thất thu 5 triệu bảng (6,38 triệu USD) mỗi năm trong ít nhất 3 năm tới, Michael Stevens, kế toán của hoàng gia Anh, cho biết hôm 24/9. Một nguồn tin giấu tên hôm 10/12 nói với Sun rằng hoàng gia Anh "mong muốn trở lại cuộc sống bình thường" sau năm giông tố 2020.

Từ phải qua: Công chúa Delphine Boel, cựu vương Albert II và vợ Paola tại dinh thự hoàng gia ở lâu đài Belvedere hôm 25/10. Ảnh: Reuters.

Từ phải qua: Công chúa Delphine Boel, cựu vương Albert II và vợ Paola tại dinh thự hoàng gia ở lâu đài Belvedere hôm 25/10. Ảnh: Reuters.

Hoàng gia Bỉ năm 2020 "đón" công chúa mới sau cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài 7 năm. Họa sĩ Delphine Boël, con gái ngoài giá thú của cựu vương Albert II, muốn được sử dụng tước vị hoàng gia Bỉ và danh xưng công chúa nhưng nguyện vọng này đã vấp phải sự phản đối của cựu vương.

Delphine sinh năm 1968, mẹ bà là nữ nam tước Sibylle xứ Selys Longchamps, đã ngoại tình trong 18 năm với ông Albert khi ông chưa trở thành vua Bỉ. Bất chấp nhiều tin đồn nảy sinh, Albert tiếp tục phủ nhận quan hệ cha con với Delphine suốt thời kỳ trị vì năm 1993 - 2013, cho tới khi một tòa án yêu cầu ông cung cấp mẫu ADN để xét nghiệm năm 2019. Delphine cho biết bà đã cảm thấy "như bị đâm sau lưng" khi bị bố đẻ lạnh nhạt.

Tòa án ở Brussels ngày 1/10 ra phán quyết Delphine có quyền mang họ hoàng gia của bố. Bà được công nhận là công chúa Bỉ, hai con của bà cũng được công nhận là hoàng tử và công chúa.

Vào tháng 10, Delphine lần đầu tiên gặp Vua Bỉ Philippe, anh cùng cha khác mẹ và cựu vương Albert II. "Sau những xáo trộn, tổn thương và đau khổ, đã đến lúc cần tha thứ, hàn gắn và hòa giải. Đây là con đường cần tới sự kiên trì và đôi khi sẽ vấp phải khó khăn, nhưng chúng tôi đã quyết định cùng nhau bước đi", hai cha con ra tuyên bố vào tháng 10.

Vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng quý phi Sineenat tại Thái Lan năm 2019. Ảnh: AFP.

Vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng quý phi Sineenat tại Thái Lan năm 2019. Ảnh: AFP.

Tại châu Á, hoàng gia Thái Lan trở thành tâm điểm chú ý với sự trở lại của Hoàng quý phi Sineenat.

Cuối tháng 7/2019, Vua Maha Vajiralongkorn phong bà Sineenat làm hoàng quý phi, tước hiệu dành cho phi tần đứng đầu trong hoàng gia. Buổi lễ đánh dấu lần đầu tiên một quốc vương Thái Lan công khai có hơn một người vợ kể từ khi nền quân chủ chuyên chế kết thúc vào năm 1932 và Sineenat trở thành Hoàng quý phi đầu tiên của nước này từ năm 1921.

Nhưng vào tháng 10/2019, bà bị phế truất mọi tước hiệu, huy chương và quân hàm vì cáo buộc "âm mưu lật đổ Hoàng hậu Suthida". Sau gần một năm, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn phục vị cho Hoàng quý phi Sineenat và xóa bỏ mọi sai phạm.

Giới quan sát cho rằng dù đã trở lại, Hoàng quý phi Sineenat có thể đối mặt với áp lực từ nhóm ủng hộ Hoàng hậu, sau khi hàng trăm bức ảnh nhạy cảm của bà Sineenat được tung ra vào tháng trước. Andrew McGregor Marshall, nhà báo người Scotland đưa tin về hoàng gia Thái Lan suốt nhiều thập kỷ, cảnh báo về "cuộc chiến quyền lực" trong hậu cung Thái Lan khi bà Sineenat và bà Suthida cạnh tranh vị thế và ân sủng.

"Sự cạnh tranh gay gắt giữa hai người phụ nữ là điều dĩ nhiên, việc đó sẽ gây ra tình trạng bè phái và bất ổn trong cung điện. Rất khó để tình huống này kết thúc êm đẹp", ông nhận định.

Không chỉ có thay đổi về nội bộ, hoàng gia Thái Lan còn đối mặt áp lực lớn từ bên ngoài. Kể từ tháng 7, các cuộc biểu tình nổ ra ở Thái Lan với ba yêu cầu chính gồm đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, thay đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ.

Biểu tình đã trở thành thách thức lớn nhất đối với hoàng gia Thái Lan trong suốt nhiều thập kỷ khi người biểu tình phá vỡ những điều cấm kỵ bằng cách công khai chỉ trích chế độ quân chủ, vốn phải được tôn kính theo Hiến pháp.

Tài sản của Vua Vajiralongkorn trở thành tâm điểm chú ý của người biểu tình sau những thay đổi pháp lý khi ông lên ngôi năm 2016, giúp ông đứng tên sở hữu và quản lý các tài sản của Cục Tài sản Hoàng gia, bao gồm những bất động sản cao cấp ở Bangkok và cổ phiếu trong các doanh nghiệp, gồm ngân hàng Siam. Ông được cho là sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 40 tỷ USD.

Người biểu tình yêu cầu hủy những điều luật sửa đổi đó để phân chia rõ ràng giữa tài sản cá nhân của Vua và tài sản hoàng gia mà họ muốn được đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính. Họ cũng muốn cắt giảm ngân sách quốc gia được phân bổ cho hoàng gia, để phù hợp với tình hình kinh tế dựa nhiều vào du lịch của Thái Lan, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Người biểu tình cũng cho rằng việc Quốc vương Vajiralongkorn ở lại Đức trong thời gian dài là "lãng phí" và chế độ quân chủ tạo điều kiện cho quân đội "thống trị hàng thập kỷ" khi chấp nhận các cuộc đảo chính. Theo hiến pháp Thái Lan, hoàng gia được tôn sùng ở vị trí cao nhất nhưng về nguyên tắc không được can dự vào chính trị.

Dù vậy, Nhà vua vẫn giành được sự ủng hộ của nhiều người dân. Hàng nghìn người đã tổ chức các cuộc tuần hành và hô vang "Đức vua vạn tuế". Hồi tháng 11, khi truyền thông quốc tế hỏi ông sẽ nói gì với những người biểu tình xuống đường kêu gọi cải cách, Quốc vương Vajiralongkorn trả lời ông "không có bình luận" song thêm rằng "chúng tôi yêu quý tất cả người dân như nhau".

Khi được hỏi liệu có bất kỳ cơ hội thỏa hiệp nào với những người biểu tình đang thách thức quyền lực của ông không, Vua Vajiralongkorn cho biết "Thái Lan là vùng đất của thỏa hiệp".

Công chúa Mako (phải) và hôn phu Komuro trong cuộc họp báo ở Nhật năm 2017. Ảnh: Reuters.

Công chúa Mako (phải) và hôn phu Komuro trong cuộc họp báo ở Nhật năm 2017. Ảnh: Reuters.

Tại Nhật, hôn lễ của Công chúa Mako tiếp tục bị hoãn. Hôn phu Kei Komuro và Công chúa Mako, cả hai đều 29 tuổi, thông báo đính hôn vào tháng 9/2017 với dự định kết hôn vào năm 2018. Tuy nhiên, hoàng gia Nhật thông báo đám cưới bị trì hoãn cho đến năm 2020, sau khi có thông tin về tranh chấp hơn 4 triệu yên (38.400 USD) giữa mẹ của Komuro và bạn trai cũ.

Hồi tháng 11, Công chúa Mako tuyên bố hoãn hôn lễ lần nữa, cho biết chưa quyết định về ngày cưới. Thái tử Nhật Bản Akishino, bố của Công chúa, nhấn mạnh gia đình con rể tương lai cần giải quyết tranh chấp để người dân Nhật Bản "cảm thấy thuyết phục và hài lòng về cuộc hôn nhân của họ".

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét