Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Anh nỗ lực gây dựng niềm tin vào vaccine Covid-19

Gần 138.000 người Anh đã tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech, nhưng giới chức nước này mong muốn 66 triệu dân đều đồng ý tham gia.

Vấn đề đặt ra với giới chức Anh là làm thế nào có thể thuyết phục tất cả người dân tiêm loại vaccine mới phát triển, được cấp phép sử dụng khẩn cấp, trong bối cảnh niềm tin vào chính phủ bị xói mòn và có tới 1/3 người tham gia khảo sát từ chối tiêm hoặc muốn có thêm thời gian xem xét. Các chuyên gia y tế cộng đồng chưa tìm được câu trả lời chắc chắn và điều này khiến họ thấy lo lắng.

Anh đang lên kế hoạch phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cho công chúng, đánh vào lòng vị tha cũng như vị kỷ của người dân. Những người có ảnh hưởng trong cộng đồng sẽ được huy động để kêu gọi mọi người tiêm chủng.

Một trong những người đầu tiên tiêm vaccine của Pfizer là Prue Leith, 80 tuổi, giám khảo chương trình truyền hình nổi tiếng "Great British Bake Off". Sau đó, Leith đã đăng Twitter bức ảnh chụp của bà tại văn phòng bác sĩ riêng, cùng dòng trạng thái "Ai lại không muốn miễn dịch với #Covid-19 bằng một mũi tiêm không đau cơ chứ?".

Bài đăng của bà nhanh chóng được chia sẻ bởi Thủ tướng Boris Johnson. "Tin tốt lành, Prue!", ông viết. "Thật tuyệt vời khi thấy nhiều người Anh tiêm vaccine. Cảm ơn các nhân viên y tế, những người đã làm việc không mệt mỏi để đưa vaccine tới mọi người dân".

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở hạt Surrey, Anh hôm 16/12. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở hạt Surrey, Anh hôm 16/12. Ảnh: Reuters.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng nỗ lực thuyết phục là không đủ, chính phủ Anh sẽ cần dùng thêm chiến lược "cây gậy và củ cà rốt", kết hợp giữa thưởng và phạt để thúc đẩy người dân tiêm vaccine.

Chính phủ Anh cũng cho biết trong tương lai, những người có kháng thể nCoV có thể dễ dàng tham gia các sự kiện thể thao hoặc đi máy bay hơn. Họ có thể coi đây như "củ cà rốt" để nhấn mạnh lợi ích của việc tiêm chủng, dù hiện tại Thủ tướng Johnson và cố vấn khoa học của ông đều nói rằng tiêm vaccine là không bắt buộc.

Nhiều quốc gia có thể yêu cầu người nhập cảnh phải chứng minh đã tiêm vaccine Covid-19. Trước đó, không ít nước từng yêu cầu tiêm phòng bại liệt và sốt vàng da như một điều kiện để nhập cảnh, hay Arab Saudi đòi hỏi người hành hương tới thánh địa Mecca phải tiêm phòng viêm màng não.

Nhiều lao động cũng có thể được yêu cầu tiêm vaccine, đặc biệt ở các cơ sở khó duy trì biện pháp giãn cách xã hội, như nhà máy chế biến thức ăn hoặc dây chuyền đóng gói tự động. Các cơ sở kinh doanh ở Anh cũng đang tìm kiếm khuyến nghị từ chính phủ về việc liệu họ có thể hoặc nên khuyến khích tiêm chủng với người lao động hay không.

Một số cơ sở khác như trường học, bệnh viện, hay viện dưỡng lão cũng có thể thêm tiêm chủng vaccine Covid-19 vào quy định mới của họ. Nhiều chính phủ trên thế giới thậm chí có thể yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc đối với những người muốn hưởng phúc lợi xã hội, như cách Australia làm.

Một vài chuyên gia khác lại đề xuất ý tưởng trả tiền cho người tiêm vaccine. Julian Savulescu, giáo sư triết học tại Đại học Oxford, cho rằng với những rủi ro có thể xảy ra khi tiêm vaccine Covid-19, việc áp dụng chính sách tiêm chủng bắt buộc có thể "gây rắc rối về thực tiễn và đạo đức", khi mọi thứ còn chưa chắc chắn vào thời điểm ban đầu.

Bởi vậy, ông cho rằng khi trả tiền cho người tiêm vaccine, chính phủ Anh cho người dân lựa chọn, không phải ép buộc họ. Ông thêm rằng việc tin tưởng vào lòng vị tha của công chúng Anh, hay bất kỳ quốc gia nào, đều là lạc quan thái quá. "Thực tế là mọi người không phải thiên thần. Họ cần sự khích lệ và luật pháp. Họ cần một cú hích", ông nói.

Giới chức y tế nói rằng tiêm vaccine trên diện rộng rất quan trọng để ngăn chặn đại dịch. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm nói rằng cần có ít nhất 70% dân số có kháng thể nCoV để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, vấn đề rắc rối mà chính phủ Anh và nhiều nước khác phải đối mặt là các nhóm hoài nghi vaccine, những người lo ngại quá trình thử nghiệm và phê duyệt vaccine bị cắt ngắn, cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra. Họ không phải nhóm bài vaccine, nhưng cần thời gian để cân nhắc sử dụng chúng.

Scott Anderson, một kỹ sư 29 tuổi, nằm trong nhóm không muốn tiêm vaccine. "Tôi không phải là người bài vaccine. Tôi đã từng tiêm nhiều loại vaccine. Nhưng cá nhân tôi thấy nó được phát triển quá nhanh. Đây không phải thuyết âm mưu, mà là lo ngại thực sự", anh nói và thêm rằng "bạn chưa thể biết được ảnh hưởng lâu dài của nó trong vòng 10 năm tới".

Anderson lo lắng về cái mà mọi người gọi là "hộ chiếu vaccine" nếu họ muốn đi thăm gia đình hoặc tới xem các trận bóng. Anh đã gửi thư kiến nghị với tiêu đề "Ngăn các hạn chế đối với người từ chối tiêm vaccine Covid-19", thu hút hơn 320.000 chữ ký trên trang web của Hạ viện Anh và đã được các nghị sĩ tranh luận hôm 14/12.

Kháo sát của nhóm chuyên gia Đại học Oxford chỉ ra khoảng 72% người được hỏi sẵn sàng tiêm vaccine, nhưng 16% không chắc chắn và 12% có thể trì hoãn hoặc từ chối việc này. Một trong 5 người nói rằng các dữ liệu vaccine an toàn và hiệu quả là thêu dệt, và một trong 20 người phản đối tiêm vaccine Covid-19.

Daniel Freeman, giáo sư thuộc nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford, nói rằng thái độ do dự với vaccine có thể thấy ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi và nghề nghiệp. Do đó, nhiều chuyên gia y tế đang tích cực xuất hiện trên các chương trình tin tức buổi sáng hoặc hội thảo để trấn an công chúng.

Một người phụ nữ biểu tình phản đối vaccine và phong tỏa ở London hồi đầu tháng này. Ảnh: AP.

Một người phụ nữ biểu tình phản đối vaccine và phong tỏa ở London hồi đầu tháng này. Ảnh: AP.

Bước tiếp theo trong chiến dịch khuyến khích cộng đồng là huy động những người nổi tiếng, như thành viên hoàng gia hoặc các ngôi sao bóng đá, truyền hình. Như ở Mỹ, ba cựu tổng thống, gồm Barack Obama, Georgia W.Bush và Bill Clinton, đều tuyên bố tiêm vaccine công khai.

Tuy nhiên, Penny Ward, nhà nghiên cứu dược phẩm tại Đại học King’s College ở London, nói rằng quan chức Anh chưa thực sự khởi động một chiến dịch truyền thông lớn, một phần bởi chưa đủ nguồn cung vaccine. Trong vài tuần đầu tiên, Anh chỉ có đủ vaccine Pfizer/BioNTech cho khoảng 400.000 người.

"Đó là tình huống mà bạn phải cân nhắc. Một mặt, bạn muốn gửi đi các thông điệp trấn an công chúng. Nhưng mặt khác, bạn cũng không muốn mọi người xếp hàng ở các trung tâm vaccine trong khi bạn không có đủ để cung cấp", Ward nói.

Nhưng bà thêm rằng giới chức đã lên kế hoạch cho ngày đó. "Tôi biết rằng mẹ tôi sẽ làm tất cả điều gì Nữ hoàng làm", bà nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét