Sau khi công bố kết quả phiếu đại cử tri tại Wisconsin, nơi Biden chiến thắng, Thống đốc Tony Evers nói một cách nhẹ nhõm: "Chúng ta đã làm được".
Ngày 14/12, 10 đại cử tri Wisconsin bình tĩnh bước vào tòa nhà nghị viện yên ắng của bang, nơi cảnh sát xuất hiện nhiều hơn so với người biểu tình. Trong lúc chờ bỏ phiếu, họ chụp ảnh selfie tại một căn phòng ốp gỗ được trang trí công phu. Khi thời khắc quan trọng tới, một đại cử tri vẽ trái tim vào lá phiếu dành cho Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Chiều 14/12 (sáng 15/12 giờ Hà Nội), 4 đại cử tri bang Hawaii là những người cuối cùng bỏ lá phiếu trực tiếp bầu tổng thống Mỹ, kết thúc quy trình bầu cử được quy định trong Hiến pháp nước này. Cuối cùng, Joe Biden nhận được 306 phiếu đại cử tri, trong khi số phiếu dành cho Tổng thống Donald Trump là 232.
Thông thường, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn ở Mỹ chỉ mang tính thủ tục, bởi kết quả đã được định đoạt sau khi các bang tuyên bố người chiến thắng. Tuy nhiên, sự chú ý năm nay lại đổ dồn về ngày 14/12, khi Trump quyết không nhượng bộ và tìm mọi cách đảo ngược kết quả bầu cử. Hôm 26/11, ông cho biết sẽ chỉ rời Nhà Trắng nếu Biden chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của đại cử tri, nhưng nói thêm rằng đại cử tri đoàn sẽ "phạm sai lầm" nếu bỏ phiếu cho Biden.
Từ hình ảnh cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giơ ngón tay cái sau khi bỏ phiếu với tư cách đại cử tri bang New York đến những cuộc tụ tập của phe Cộng hòa tại các bang chiến trường, ngày 14/12 trở thành thời khắc mang tính biểu tượng và đầy xúc động đối với nhiều người, thay vì xuất hiện bất ngờ phút chót như một số người khác trông ngóng, bình luận viên Lisa Lerer của NY Times nhận xét.
Robin Smith, một nhà hoạt động Dân chủ tại thành phố Lansing, bang Michigan, cảm thấy nghẹn ngào khi bỏ phiếu cho Biden. Cô đeo khẩu trang có chữ Biden/Harris và cài lên áo chiếc ghim màu đỏ, trắng và xanh gắn đá hình con lừa, biểu tượng của đảng Dân chủ. "Là một phụ nữ da màu, điều này thực sự có ý nghĩa với tôi", cô nói.
Trước cuộc bỏ phiếu đại cử tri tại bang Maryland, Thống đốc Larry Hogan, một đảng viên Cộng hòa phản đối nỗ lực gieo nghi ngờ với kết quả bầu cử của Trump, gọi sự kiện này là "bài học công dân", được cho là ngầm chỉ trích Tổng thống.
"Quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình mà chúng ta tham gia tại đây hôm nay là một dấu ấn của nền dân chủ vốn đã được duy trì hơn 220 năm. Đây là lời nhắc nhở rằng bất chấp những khác biệt, chúng tôi vẫn đoàn kết với tư cách những người Mỹ tôn trọng nguyện vọng của nhân dân", Hogan phát biểu, nói thêm rằng nền dân chủ Mỹ đã được chứng minh.
Tại bang Kentucky, các đại cử tri cam kết không sử dụng vũ khí gây chết chóc đối đầu nhau, một phần được bổ sung vào lời tuyên thệ hồi đầu những năm 1800 do xuất hiện quá nhiều vụ tấn công. Tại bang Alabama, 9 đại cử tri lắng nghe bài giảng lịch sử về vai trò của họ trước khi bỏ toàn bộ phiếu cho Tổng thống Trump.
Điểm khác thường nhất của sự kiện năm nay là bất cứ ai cũng bàn tán về các đại cử tri. Trong bối cảnh nước Mỹ chạm mốc 300.000 người chết vì nCoV và nỗi lo lắng bao trùm việc triển khai vaccine, người Mỹ dường như cảm thấy bị đe dọa bởi những đại cử tri đang trực tiếp bỏ lá phiếu bầu tổng thống. Do đó, đại cử tri đoàn đã nỗ lực thể hiện sự minh bạch, nhằm dập tắt các thuyết âm mưu thu hút những người ủng hộ Trump, bằng cách công khai phát trực tiếp thủ tục bỏ phiếu.
Thất bại trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri dường như "xát thêm muối" vào nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của Trump, sau khi hơn 50 vụ kiện cáo buộc gian lận bầu cử đã thất bại hoặc bị tòa bác bỏ. Phần lớn nỗ lực cuối cùng giờ đây tập trung vào biện pháp mà các đồng minh của Trump gọi là "đại cử tri thay thế".
Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller hôm 14/12 cho biết một nhóm "đại cử tri thay thế ở các bang tranh chấp cũng bỏ phiếu" và họ sẽ gửi kết quả này lên quốc hội. Tuy nhiên, các chuyên gia về luật bầu cử cho rằng các "đại cử tri thay thế" này chỉ là những "đại cử tri tự xưng" không được luật pháp thừa nhận và sẽ không ảnh hưởng gì tới kết quả bầu cử. Hệ thống bầu cử Mỹ không công nhận đồng thời đại cử tri chính thức và đại cử tri "thay thế".
Mặc dù vậy, họ dường như vẫn là nhân tố gây chú ý trong ngày 14/12. Bên ngoài tòa nhà nghị viện bang Michigan, 10 "đại cử tri thay thế" tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho Trump, sau đó bị cảnh sát ngăn chặn vào tòa nhà.
Bernadette Comfort, chủ tịch chiến dịch của Trump tại bang Pennsylvania, nói rằng việc bỏ phiếu đại cử tri song song này "nằm trong thủ tục", không nhằm "chiếm đoạt hay thách thức nguyện vọng của các cử tri Pennsylvania". Tuy nhiên, Tổng chưởng lý Pennsylvania Josh Shapiro, một trong 20 đại cử tri của bang này, gọi đây là "trò lừa đảo lố bịch".
Ngược lại, một số đồng minh của Trump dường như đã sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận thực tế, như các thượng nghị sĩ Cộng hòa tại bang California hay các lãnh đạo phe Cộng hòa ở Michigan, những người đã thừa nhận thất bại của Tổng thống.
"Tôi đã chiến đấu hết mình vì Tổng thống. Không có ai muốn ông ấy giành chiến thắng hơn tôi, nhưng tôi cũng yêu nền cộng hòa của chúng ta. Tôi không thể mạo hiểm các chuẩn mực, truyền thống và thể chế của đất nước để thông qua một nghị quyết thay đổi đại cử tri vì Trump. Tôi sợ chúng ta sẽ đánh mất đất nước vĩnh viễn", Chủ tịch Hạ viện bang Michigan Lee Chatfield cho hay.
Sau những tuần đe dọa và quấy rối các quan chức bầu cử, đến hôm 14/12, chỉ còn vài người ủng hộ Trump tụ tập bên ngoài tòa nhà nghị viện của các bang, dấu hiệu cho thấy niềm hy vọng đang dần tắt, ngay cả với những người ủng hộ Tổng thống nhiệt tình nhất.
Tại thành phố Madison, bang Wisconsin, một nhóm nhỏ tuần hành chậm rãi xung quanh tòa nhà nghị viện trong buổi chiều lạnh giá, mang theo chuỗi hạt và tượng Đức mẹ. "Chúng tôi không biểu tình, mà đang cầu nguyện. Tất cả phiếu bầu của Trump đã bị đánh cắp", một người trong nhóm tên Geralyn Kettermann giải thích.
Kể từ ngày 7/11, khi các hãng truyền thông Mỹ xướng tên Joe Biden là Tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ, khiến chiến dịch của Trump không ngừng nỗ lực lật ngược thế cờ, người dân dường như coi cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn sẽ là dấu chấm hết cho sự hỗn loạn. Nhưng giờ đây, khi sự việc đã qua, không phải ai cũng cảm thấy như vậy.
"Rõ ràng những lời bàn tán về cuộc bầu cử năm 2020 vẫn chưa đến hồi kết, cũng như cách chúng ta tiến hành các cuộc bầu cử trong tương lai. Đây có thể là khởi đầu của một cuộc tranh cãi dai dẳng", Katie Hobbs, Tổng thư ký bang Arizona, nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét