Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Trẻ em Anh lần đầu cần viện trợ lương thực khẩn sau 70 năm

UNICEF lần đầu viện trợ thực phẩm khẩn cấp cho trẻ em ở Anh trong hơn 70 năm qua do ảnh hưởng của Covid-19.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cơ quan chịu trách nhiệm viện trợ nhân đạo cho trẻ em toàn thế giới, đã tiến hành biện pháp ứng phó khẩn cấp này ở Anh để giúp đỡ trẻ em nước này không bị đói ăn do hậu quả của Covid-19. UNICEF cho biết đại dịch là cuộc khủng hoảng lớn nhất ảnh hưởng tới trẻ em từ sau Thế chiến II.

Theo kết quả thăm dò YouGov hồi tháng 5 do tổ chức từ thiện Quỹ Thực phẩm thực hiện, 2,4 triệu trẻ em ở Anh đang sống trong các hộ gia đình không đủ ăn. Đến tháng 10, có thêm 900.000 trẻ đăng ký nhận bữa ăn học đường miễn phí.

Các tình nguyện viên giao bữa ăn từ thiện tại Hillingdon, bắc London. Ảnh: Guardian.

Các tình nguyện viên giao bữa ăn từ thiện tại Hillingdon, bắc London. Ảnh: Guardian.

UNICEF đã cam kết tài trợ 25.000 bảng Anh (34.000 USD) cho dự án cộng đồng Thực phẩm Nhà trường để cung cấp 18.000 bữa sáng dinh dưỡng cho 25 trường học trong hai tuần lễ nghỉ Giáng sinh và nửa học kỳ tháng 2 cho trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch ở Southwark, phía nam London.

Công ty giao thực phẩm Abel & Cole sẽ cung cấp 1,2 tấn hoa quả và rau củ trị giá 4.500 bảng Anh (6.100 USD) đi kèm bữa sáng.

"Chúng tôi rất biết ơn UNICEF đã kịp thời viện trợ. Qua chương trình bữa sáng dinh dưỡng hồi mùa hè, lần này, chúng ta thấy được các gia đình đang thực sự khó khăn và đối mặt với thực tế khắc nghiệt về kỳ nghỉ đông dài hai tuần mà không được nhận bữa ăn miễn phí ở trường cũng như nỗi buồn khi phải dựa vào thực phẩm viện trợ để nuôi con cái", Stephanie Slater, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Thực phẩm Nhà trường, nói.

Angela Rayner, phó chủ tịch Công đảng Anh, cho rằng Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak "nên cảm thấy xấu hổ" vì "để UNICEF phải tham gia viện trợ trẻ em đói ăn là một nỗi nhục nhã với đất nước".

"Chúng ta là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Trẻ em của chúng ta đáng lẽ không cần sống nhờ các tổ chức từ thiện, những tổ chức vốn hoạt động tại các khu vực chiến tranh và thiên tai", Rayner nói. "Các tổ chức từ thiện và doanh nghiệp khắp cả nước đã làm một việc tuyệt vời tại lĩnh vực mà chính phủ thất bại, điều đáng lẽ không bao giờ xảy ra".

Richard Burgon, nghị sĩ Công đảng Anh, đăng Twitter với nội dung: "Anh là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. UNICEF, lần đầu tiên trong lịch sử, đang viện trợ khẩn cấp thực phẩm cho trẻ em nước Anh".

"Đói nghèo là lựa chọn chính trị. Chính phủ không thể chấm dứt đói nghèo ở Anh bằng cách bắt người siêu giàu đóng thuế công bằng. Họ không chịu làm như vậy".

Anna Kettley, giám đốc UNICEF tại Anh, cho biết đây là lần đầu cơ quan này viện trợ lương thực khẩn cấp tại Anh, "nhằm giải quyết khủng hoảng chưa từng có do đại dịch gây ra và tiếp cận những gia đình khó khăn nhất".

"Nguồn tài trợ này sẽ giúp xây dựng những cộng đồng mạnh hơn khi ảnh hưởng của đại dịch tồi tệ hơn, nhưng về lâu dài, cần một giải pháp triệt để giải quyết nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu lương thực, để không còn trẻ em nào bị đói", Kettley nói.

Phát ngôn viên của chính phủ Anh cho hay họ "cam kết hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp nhất trong suốt đại dịch và lâu dài hơn. Đó là lý do chúng tôi tăng mức lương cơ bản, tăng hỗ trợ phúc lợi lên hàng tỷ bảng Anh và đưa ra chương trình hỗ trợ Covid-19 mùa đông trị giá 170 triệu bảng (gần 231 triệu USD) để giúp trẻ em và các gia đình đủ ấm và đủ ăn trong những tháng lạnh nhất".

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét