Không quân Mỹ lần đầu thử thành công trí tuệ nhân tạo trong vai trò điều khiển cảm biến và dẫn đường, hỗ trợ phi công trinh sát cơ U-2.
Cuộc thử nghiệm diễn ra tại căn cứ Beale, bang California, hôm 15/12 với sự tham gia của trinh sát cơ U-2 Dragon Lady thuộc biên chế Không đoàn trinh sát số 9. Thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên "ARTUµ" đã điều khiển hệ thống định vị và hàng loạt cảm biến do thám, trong khi phi công điều khiển máy bay và phối hợp với nó để bảo đảm hoạt động của thiết bị cảm biến.
Chuyến bay thử nghiệm mô phỏng hoạt động của trinh sát cơ U-2 trong một đợt tấn công tên lửa của địch. Nhiệm vụ chính của ARTUµ là tìm kiếm bệ phóng tên lửa đối phương, còn phi công theo dõi các tiêm kích có thể đe dọa chiếc U-2.
Không quân Mỹ mô tả đây là bước nhảy vọt lớn với năng lực phòng thủ quốc gia. Thuật toán ARTUµ được phát triển bởi Phòng thí nghiệm Liên bang U-2 thuộc Bộ tư lệnh Không chiến của không quân Mỹ, giúp huấn luyện AI thực hiện nhiều công việc chuyên biệt trong chuyến bay, giảm tải cho phi công và tăng khả năng nhận thức tình huống trong chiến đấu.
"Cuộc thử nghiệm với ARTUµ là kết quả của ba năm phát triển nhằm xây dựng một lực lượng kỹ thuật số. Lần đầu tiên AI được kiểm soát hệ thống quân sự của Mỹ, đánh dấu khởi đầu kỷ nguyên phối hợp giữa người và máy, cũng như cạnh tranh về thuật toán. Không hiện thực hóa hết tiềm năng AI đồng nghĩa với nhường lợi thế quyết định cho đối thủ", tiến sĩ Willliam Roper, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, cho hay.
U-2 là trinh sát cơ tầm cao do hãng Lockheed phát triển và có chuyến bay đầu tiên vào tháng 8/1955. U-2 là mẫu trinh sát cơ tầm cao chủ lực của quân đội Mỹ, có thể hoạt động ở độ cao trên 24 km và tầm bay hơn 11.000 km. Máy bay được trang bị nhiều cảm biến hiện đại, có thể thu thập thông tin tình báo từ khoảng cách tới 280 km. Washington đang tiến hành nhiều dự án hiện đại hóa dòng phi cơ này để bảo đảm năng lực trinh sát đường không trong thế kỷ 21.
Vũ Anh (Theo Sputnik)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét