Hải quân Trung Quốc dự kiến sở hữu 76 tàu ngầm vào năm 2030, nhiều hơn Mỹ 10 chiếc, theo dự đoán của giới chuyên gia quân sự.
Hải quân Mỹ đang sở hữu 68 tàu ngầm, nhiều hơn Trung Quốc (66 chiếc) và Nga (64 chiếc). Tuy nhiên, bảng xếp hạng này có thể có sự thay đổi lớn trong 10 năm tới, chuyên gia quân sự H.I Sutton nhận định trong bài viết hôm 13/12.
"Dựa trên kế hoạch và dự báo hiện nay, Mỹ và Trung Quốc sẽ đổi vị trí vào năm 2030", Sutton viết. "Hải quân Trung Quốc (PLAN) khi đó có thể sở hữu nhiều hơn Mỹ khoảng 10 tàu ngầm".
Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch đóng mới ba tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm, số tàu ngầm của Mỹ từ 70 chiếc năm 2022 lên 92 chiếc năm 2051. Tuy nhiên, trước khi đạt được dấu mốc này, Mỹ sẽ trải qua giai đoạn sụt giảm số lượng tàu ngầm do nhiều tàu cũ bị loại biên.
"2025-2030 là giai đoạn Mỹ sở hữu ít tàu ngầm nhất, đây cũng là thời điểm Trung Quốc gặt hái thành công sau khi đầu tư vào các cơ sở mới", Sutton cho biết.
Hải quân Mỹ dự kiến loại bỏ hoàn toàn tàu ngầm mang tên lửa hành trình khỏi biên chế, khi bốn chiếc thuộc lớp Ohio sẽ dừng hoạt động vào tháng 7/2026. Các chiến hạm này sẽ được thay thế bằng tàu ngầm lớp Virginia biến thể Block-V, vốn mang nhiều tên lửa hành trình hơn các phiên bản đang vận hành.
Hải quân Mỹ cũng sẽ biên chế nhiều phương tiện dưới nước không người lái (UUV) cỡ lớn thực hiện một số nhiệm vụ thay cho tàu ngầm. Lực lượng này dự kiến nhận 4 UUV Orca năm 2025.
Dự báo PLAN sở hữu 76 tàu ngầm năm 2030 được rút từ báo cáo Hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc của chính phủ Mỹ, được công bố hôm 18/3. Trung Quốc đang đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng chế tạo tàu ngầm, trong đó có mở rộng nhà máy Bột Hải, nơi nước này đóng tàu ngầm hạt nhân.
Các lớp tàu ngầm tấn công và tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới của Trung Quốc dự kiến sớm ra mắt khi nhiều dấu hiệu của chúng đã xuất hiện. Nhiều tàu ngầm của Trung Quốc là loại diesel - điện với kích thước nhỏ hơn và tầm hoạt động ngắn hơn chiến hạm sử dụng năng lượng hạt nhân của Mỹ.
"Tuy nhiên, điều này khiến chúng phù hợp hơn với một số nhiệm vụ như hoạt động ở vùng nước nông ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Công nghệ này còn giúp các tàu ngầm rẻ và dễ chế tạo hơn. Các chiến hạm mới nhất thuộc lớp Type-039A được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP)", Sutton nhận định. AIP giúp kéo dài thời gian và tầm hoạt động, đồng thời giảm tiếng ồn của tàu ngầm.
Năng lực tác chiến của hạm đội tàu ngầm không chỉ dựa vào số lượng mà còn chất lượng của chiến hạm, vũ khí và thủy thủ đoàn. "Hải quân Mỹ được coi là vượt xa PLAN", Sutton nhận định. "Tuy nhiên, số lượng mang đến chất lượng riêng. Lực lượng Mỹ phải trải rộng hơn nhiều so với Trrung Quốc và phải đối phó với hạm đội tàu ngầm của hải quân Nga đang hoạt động ngày càng quyết liệt".
Theo Sutton, Triều Tiên đang là nước sở hữu nhiều tàu ngầm nhất thế giới với 71 chiếc, song năng lực của các chiến hạm này khó so sánh được với hải quân ba nước Mỹ, Trung Quốc, Nga.
Nguyễn Tiến (Theo Naval News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét