Moskva nói phải đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ vì Washington đang sử dụng hiệp ước này để giúp Ukraine tấn công địa điểm chiến lược của Nga.
"Tình hình càng xấu đi sau khi Mỹ nỗ lực thăm dò an ninh các cơ sở chiến lược của Nga theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) bằng cách hỗ trợ Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào những cơ sở này", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva, Thụy Sĩ hôm nay.
"Trong những trường hợp này, chúng tôi buộc phải tuyên bố đình chỉ hiệp ước", ông Ryabkov nói thêm. "Nga không có lựa chọn nào khác vì một cuộc chiến tổng lực đã xảy ra để chống lại chúng tôi".
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/2 ký thông qua luật đình chỉ tham gia New START, thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington, sau khi được Hạ viện và Thượng viện phê duyệt. Nga khẳng định sẽ không tham gia New START tới khi nào Mỹ lắng nghe lập trường của Moskva.
Trả lời phóng viên sau bài phát biểu tại hội nghị ở Geneva, Thứ trưởng Ryabkov cáo buộc Ukraine sẽ không thể nhắm mục tiêu cơ sở hạ tầng của Nga thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nếu không có Mỹ giúp đỡ.
"Chúng tôi biết những cuộc tấn công đó sẽ không bao giờ có thể xảy ra nếu không có sự hỗ trợ sâu sắc và tinh vi của Mỹ cho quân đội Ukraine", ông nói.
Để phản đối sự hiện diện của ông Ryabkov tại Hội nghị Giải trừ quân bị, đại diện thường trực của Mỹ, Pháp và các nước phương Tây khác tại Liên Hợp Quốc ở Geneva đã đứng bên ngoài phòng khi ông phát biểu.
Ông Ryabkov khẳng định Nga sẽ tiếp tục tuân thủ giới hạn về vũ khí tấn công chiến lược do hiệp ước đặt ra, đồng thời bày tỏ lo ngại ngày nào đó Mỹ có thể tiến hành vụ thử hạt nhân.
"Nếu Mỹ không thử nghiệm, chúng tôi cũng sẽ không thử nghiệm, nhưng chúng ta nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cảnh báo sự tham gia của Mỹ và NATO vào cuộc chiến ở Ukraine nguy cơ gây ra "hậu quả thảm khốc". "Mối đe dọa chiến lược nghiêm trọng nhất hiện nay là chính sách của Mỹ và NATO nhằm tiếp tục thúc đẩy xung đột trong và xung quanh Ukraine. Việc họ tham gia ngày càng nhiều vào đối đầu vũ trang sẽ dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, dẫn tới hậu quả thảm khốc", ông cho hay.
Hội nghị Giải trừ Quân bị là diễn đàn giải trừ quân bị đa phương quan trọng nhất trên thế giới, được tổ chức từ năm 1979 để ngăn chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh. Hội nghị Giải trừ Quân không phải cơ quan của Liên Hợp Quốc, nhưng họp tại trụ sở của LHQ ở Geneva ba phiên mỗi năm để thảo luận về kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, với trọng tâm là kiềm chế chạy đua vũ trang hạt nhân.
Trong phiên khai mạc hôm 27/2, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Bonnie Jenkins chỉ trích việc Nga đình chỉ New START.
"Nga một lần nữa cho thế giới thấy rằng họ không phải cường quốc hạt nhân có trách nhiệm. Chúng ta đang phải đối mặt môi trường an ninh bất ổn nghiêm trọng khiến chúng ta không thể hành động tập thể", bà nói.
New START được ký tại Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tổng thống Mỹ Barack Obama. Hiệp ước có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Thỏa thuận giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.
New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sau khi Mỹ hồi năm 2018 quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) ký với Nga.
Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Putin gọi New START là di sản của thời kỳ Nga - Mỹ không coi nhau là đối thủ. "Phương Tây tìm cách gây thất bại chiến lược cho chúng tôi và len lỏi vào các cơ sở hạt nhân của chúng tôi. Hôm nay tôi buộc phải thông báo rằng Nga sẽ ngừng tham gia", ông cho hay.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moskva và Washington đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét