Cựu quan chức CIA Andrew Kim cho rằng việc chính quyền Biden đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên là "khởi đầu tốt" cho phi hạt nhân hóa.
"Từ kinh nghiệm cá nhân làm việc với họ trong vài năm qua, tôi cho rằng nếu có ai đó trong chính quyền Biden đứng ra nói rằng chúng ta sẵn sàng ngồi lại với Triều Tiên ở cấp làm việc hoặc cấp chuyên gia như một điểm khởi đầu, đó chắc chắn sẽ gửi tín hiệu tích cực tới Triều Tiên", Kim, cựu giám đốc Trung tâm Sứ mệnh Hàn Quốc thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ngày 1/12 nói trong một hội thảo về liên minh Mỹ - Hàn.
Ông cho rằng một đề nghị đàm phán cấp chuyên viên "sẽ là điểm khởi đầu tốt" để nối lại tiến trình phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ.
Triều Tiên đến nay vẫn im lặng về chiến thắng của Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trước đó, Bình Nhưỡng thường đề cập đến vấn đề này hoặc ra thông báo chính thức chỉ vài ngày sau khi Mỹ có kết quả bầu cử.
"Tôi cho rằng Triều Tiên đang chờ đợi chính quyền Biden sẽ nói gì. Họ chỉ muốn đợi xem. Tôi chắc chắn họ đã có một vài kế hoạch khác nhưng họ đang chờ những bình luận từ nhà lãnh đạo chính quyền mới của Mỹ", Kim nói thêm.
Đánh giá về nỗ lực thúc đẩy tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 của Hàn Quốc, Kim cho rằng "có một vài nguy cơ" nếu Hàn Quốc "quá vội vã" làm điều này. Cuộc chiến này mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình, khiến hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
"Nó sẽ mở ra cơ hội cho Triều Tiên và Trung Quốc thách thức cơ sở cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc", Kim cảnh báo. Ngoài ra, theo thời gian, Triều Tiên dường như cũng dần mất đi sự hào hứng đặt bút ký vào tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bị đình trệ kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội năm 2019. Tổng thống đắc cử Biden từng tuyên bố sẽ gặp Kim Jong-un với điều kiện lãnh đạo Triều Tiên đồng ý giảm năng lực hạt nhân của nước này.
Hồi tháng 10, Triều Tiên đã tiến hành cuộc duyệt binh quy mô lớn có sự hiện diện của một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới cùng nhiều loại vũ khí khác. Lãnh đạo Kim Jong-un cam kết sẽ tăng cường "năng lực răn đe" quốc phòng của Triều Tiên.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cho rằng Mỹ - Hàn cần tập trung hơn vào các loại vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên. Hai nước cần đặc biệt lưu ý đến việc Triều Tiên phát triển thành công loại vũ khí có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
"Như những gì chúng ta chứng kiến trong quá khứ, Triều Tiên có thể khiêu khích bằng việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày Biden nhậm chức. Hành động này giúp Triều Tiên nắm thế thượng phong trước khi nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với chính quyền mới của Mỹ", Han Min-koo nhận định.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ vẫn nên được duy trì để gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Khánh An (Theo Yonhap)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét