Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Trung Quốc đòi lại tượng Phật chứa xác ướp nhà sư

Một tòa án Trung Quốc yêu cầu nhà sưu tập Hà Lan phải trả lại tượng Phật nghìn năm chứa xác ướp nhà sư trong vòng 30 ngày.

Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, hôm 4/12 ra phán quyết người dân hai làng Yangchun và Dongpu ở huyện Đại Điền được sở hữu độc quyền tượng Phật và quyền thu hồi di tích văn hóa quý giá bị buôn lậu ra nước ngoài.

Bức tượng hiện thuộc sở hữu của Oscar van Overeem, một nhà sưu tập nghệ thuật người Hà Lan. Người dân cáo buộc Van Overeem đã mua bức tượng bị đánh cắp ở Hong Kong năm 1996. Tòa yêu cầu nhà sưu tập phải trả lại nguyên trạng bức tượng ở tỉnh Phúc Kiến, miền đông Trung Quốc trong vòng 30 ngày.

Tượng phật chứa xác ướp nhà sư (trái) và ảnh chụp CT cho thấy bộ xương người bên trong bức tượng tại cuộc triển lãm ở Hungary năm 2015. Ảnh: Xinhua.

Tượng phật chứa xác ướp nhà sư (trái) và ảnh chụp CT cho thấy bộ xương người bên trong bức tượng tại cuộc triển lãm ở Hungary năm 2015. Ảnh: Xinhua.

Phán quyết sẽ có hiệu lực nếu không bị kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn trong vòng 30 ngày, theo Luật Tố tụng Dân sự Trung Quốc.

Bức tượng Phật được thờ phụng tại ngôi chùa thuộc sở hữu chung của hai làng Yangchun và Dongpu nhiều thế kỷ trước khi bị đánh cắp vào cuối năm 1995. Bức tượng có niên đại 1.000 năm, kích thước tương đương người thật, bên trong chứa xác ướp một nhà sư được cho là Trương Công Lục Toàn.

Trương Công Lục Toàn là một nhà sư được tôn kính của triều đại nhà Tống (960-1279). Sau khi qua đời ở tuổi 37, ông được ướp xác và bọc trong bức tượng. Bức tượng được lưu giữ trong chùa hơn 1.000 năm trước khi bị đánh cắp.

Bức tượng xuất hiện trở lại tại một cuộc triển lãm ở Hungary vào tháng 3/2015. Dân làng và cơ quan quản lý di sản văn hóa tỉnh Phúc Kiến xác nhận đó là tượng Phật Trương Công Lục Toàn đã mất. Đầu tháng 2 cùng năm, một bản chụp CT cho thấy tượng chứa xác ướp nhà sư.

Sau khi thương lượng không thành công, các làng đã kiện Van Overeem tại tỉnh Phúc Kiến năm 2015 và tại Hà Lan năm 2016 để yêu cầu trả lại tượng Phật. Tòa án Amsterdam của Hà Lan tổ chức phiên xét xử đầu tiên ngày 14/7/2017 nhưng không đưa ra phán quyết nào, trong khi tòa án Phúc Kiến xét xử hai lần vào tháng 7 và tháng 10/2018.

Tòa án Nhân dân Trung cấp Tam Minh tuyên bố tượng Phật là di sản quan trọng ở nơi tượng xuất hiện và được bảo quản, nuôi dưỡng tinh thần của nhiều tín đồ địa phương.

Van Overrem từng nói rằng ông đã đổi lấy bức tượng với một nhà sưu tập người Trung Quốc năm 2015 và không biết danh tính người này. Tuy nhiên, ông vui mừng nếu bức tượng quay về Trung Quốc, đồng thời bác bỏ cáo buộc buôn cổ vật Trung Quốc cũng như mua bức tượng ở Hong Kong.

"Tôi là kiến trúc sư, là nhà sưu tập đam mê nghệ thuật, chắc chắn không phải tay buôn", ông nói. Van Overeem khẳng định không biết nguồn gốc bức tượng.

Những vụ hoàn trả cổ vật Trung Quốc thường được thực hiện thông qua con đường ngoại giao. Những năm gần đây, Bắc Kinh phản đối quyết liệt việc buôn bán các đồ tạo tác mà họ cho rằng bị đánh cắp hồi thế kỷ 19, khi các cường quốc châu Âu tiến vào Trung Quốc.

Huyền Lê (Theo CGTN)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét