Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Vũ Hán chật vật hồi sinh hậu Covid-19

Một buổi tối chủ nhật, khách ngồi kín các bàn bên trong nhà hàng của Wu Cheng ở Vũ Hán. Anh thấy vui nhưng nét âu lo vẫn hiện trên khuôn mặt.

Từng là tâm dịch của Trung Quốc, quang cảnh ở Vũ Hán giờ đây trái ngược hoàn toàn với nhiều thành phố khác trên thế giới, những nơi hiện vẫn phải đóng cửa hầu hết hoạt động kinh doanh vì làn sóng tái bùng phát Covid-19.

Thành phố 11 triệu dân này đã không báo cáo ca lây nhiễm tại địa phương nào từ hồi tháng 5 đến nay. Công việc kinh doanh của Wu Cheng đang khởi sắc từng ngày, nhưng lượng khách đến quán chỉ bằng 70-80% so với trước đại dịch.

Người dân đi lại trên đường phố Vũ Hán hôm 17/12. Ảnh: AFP.

Người dân đi lại trên đường phố Vũ Hán hôm 17/12. Ảnh: AFP.

"Đại dịch đã thay đổi quan điểm của người dân về tiêu dùng", Wu, 28 tuổi, chủ nhà hàng Dragon Boat, người sinh ra và lớn lên ở Vũ Hán, cho biết. "Nhiều người dường như vẫn ngần ngại đến những địa điểm như nhà hàng, quán ăn, nơi thường đông đúc".

Để giải quyết mối lo ngại này, nhà hàng của Wu đã giảm số lượng bàn từ 19 xuống còn 15 nhằm tạo thêm khoảng cách giữa các thực khách. Song, doanh thu lại bị ảnh hưởng. Nhà hàng cũng mất khách vì giờ có ít người từ nơi khác đến làm việc tại Vũ Hán hơn trước đây.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và kiểm soát đà gia tăng số ca nhiễm, chính quyền thành phố đã áp đặt lệnh phong tỏa trong 76 ngày, từ 23/1 đến 8/4.

Wu ước tính anh thiệt hại khoảng 45.000 USD trong năm nay và phải hủy bỏ kế hoạch mở nhà hàng thứ hai. Nhiều quyết định khó khăn khác cũng được đưa ra nhằm giảm thiểu chi phí.

"Sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, nhiều nhân viên cũ của tôi đã gọi đến nhà hàng bày tỏ rằng họ sẵn sàng trở lại làm việc, nhưng chúng tôi buộc phải từ chối", Wu nói. "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác... Tôi cảm thấy có lỗi... Đây là một quyết định khó khăn".

Các kế hoạch phát triển kinh doanh không phải thứ duy nhất mà Wu cần điều chỉnh. Trước đây, anh và nhân viên thường lui tới chợ hải sản đầu mối Hoa Nam để mua nguyên liệu. Đây được cho là nơi đầu tiên phát hiện nCoV. Hiện tại, khu chợ vẫn đóng cửa.

"Ấn tượng của tôi về chợ Hoa Nam là môi trường không tốt lắm", Wu chia sẻ. "Bên cạnh thực phẩm đông lạnh, họ còn bán cả thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt cừu, cá và hải sản".

Từ đó đến nay, các sạp hàng trong chợ đều đã được di chuyển tới những khu chợ khác trong thành phố. Wu vẫn nhận nguyên liệu từ một số cơ sở cũ anh từng đặt hàng.

Những tháng gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang tích cực truyền đi thông điệp rằng Covid-19 có thể không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam hay từ Vũ Hán. Thay vào đó, họ cho rằng virus dường như đã xâm nhập vào Trung Quốc qua thực phẩm đông lạnh.

Wu Cheng tại nhà hàng của mình ở Vũ Hán. Ảnh: CNA.

Wu Cheng tại nhà hàng của mình ở Vũ Hán. Ảnh: CNA.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý việc nói rằng Covid-19 không bắt nguồn từ Trung Quốc là "mang tính suy đoán cao".

Viện dưỡng lão Nhân Thọ Đường ở Vũ Hán chỉ nằm cách chợ hải sản Hoa Nam 500 m. Khi tin tức về những người nhiễm virus lạ xuất hiện dày đặc, họ bắt đầu nâng cao cảnh giác. Trung tâm thông báo phong tỏa vào ngày 20/1, ba ngày trước khi Vũ Hán ban bố lệnh phong tỏa toàn thành phố. 600 người cao tuổi và 200 nhân viên vẫn lưu lại viện dưỡng lão này phải gần 6 tháng sau mới được phép bước ra ngoài.

"Lúc đó, thứ chúng tôi thiếu nhất và cần nhất là các nguồn lực y tế công cộng", Phó giám đốc trung tâm Tian Meng Jie cho hay. "Toàn bộ hệ thống y tế Vũ Hán về cơ bản đã rơi vào điểm bế tắc".

Ngoài việc thiếu khẩu trang và đồ bảo hộ, theo Tian, sự mệt mỏi cũng là mối đau đầu lớn bởi nhân viên tại viện phải đảm nhận thêm nhiều vai trò khác nhau để đảm bảo vẫn chăm sóc tốt các cư dân.

Dù đại dịch đã được kiểm soát tại Vũ Hán, Nhân Thọ Đường vẫn không thể trở lại như bình thường.

Giờ đây, các chuyến thăm của người thân chỉ có thể diễn ra một tuần một lần với khung thời gian hạn hẹp. Những người cao tuổi không được phép rời khỏi cơ sở ngoại trừ có lý do đặc biệt.

Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đã khiến nhiều cư dân quyết định rời bỏ trại dưỡng lão. Điều này, kết hợp với việc chi phí gia tăng do thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khiến Nhân Thọ Đường có thể thiệt hại 760.000 USD trong năm nay.

"Với chúng tôi, thách thức vẫn là như nhau dù hậu đại dịch hay trong đại dịch", Tian nói.

Chính quyền Trung Quốc cũng đang nỗ lực thu hút khách du lịch quay trở lại Vũ Hán. Nhiều chiến dịch nhắm tới khách nội địa đã được đưa ra như miễn phí vé vào cửa tham quan tại các điểm du lịch nổi tiếng hay phát hành một video quảng cáo giới thiệu những thắng cảnh và món ngon của thành phố.

"Năm nay không dễ dàng gì vì dịch bệnh nhưng hiện tại, tình hình có vẻ ổn định hơn và chúng tôi nghĩ mình nên tới đây ngắm cảnh", Xie Xiaowei, 22 tuổi, khách du lịch đến từ Quảng Châu, cho biết.

Dù vậy, theo một số doanh nghiệp làm du lịch, chính phủ vẫn cần tiếp tục duy trì và tăng cường thêm những biện pháp hỗ trợ cho ngành này.

Wu Xin sở hữu một gian hàng bán các món đặc sản địa phương, như món mỳ trộn cay Vũ Hán. Theo bà, các biện pháp khuyến khích du lịch của chính phủ giúp cải thiện đáng kể tình hình. Nếu không có chúng, lượng du khách có thể chỉ bằng 10% trước đây.

"Nhiều nhóm khách du lịch người cao tuổi đến Vũ Hán và nói rằng họ đi chỉ vì những biện pháp khuyến khích từ chính phủ. Nếu không, họ sẽ không dám đến vì sợ nguy hiểm", Wu nói. "Nhưng tôi bảo họ rằng Vũ Hán không hề nguy hiểm. Tất cả người dân đều đã được xét nghiệm. Nơi đây hoàn toàn an toàn".

Khoảng 18 triệu người đã đến thăm Vũ Hán trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc hồi tháng 10. Nhưng Jiang Shao, 30 tuổi, chủ một nhà nghỉ nhỏ, nhận thấy số lượng khách đã giảm dần kể từ đầu mùa đông.

"Mật thì ít mà ruồi thì nhiều", Jiang cười nói. "Có rất nhiều khách sạn nhưng khách du lịch lại không quá đông".

Jiang cho rằng do thời tiết lạnh và một số thông tin gần đây về các ca nhiễm Covid-19 cộng đồng ở vài địa phương dẫn tới tình trạng khách du lịch sụt giảm. Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu vãn công việc kinh doanh, anh buộc phải hạ giá phòng, xuống dưới 8 USD một đêm.

"Những người khác cùng hoạt động trong ngành hỏi tôi liệu tôi có kiếm được tiền với mức giá đó không. Tất nhiên là không rồi, nhưng như thế còn hơn là để phòng trống", anh cho hay. "Tôi có thể cầm cự được bao lâu ư? Hiện tại, chúng tôi đang duy trì hoạt động nhờ đi vay. Tình hình vô cùng khó khăn".

Vũ Hoàng (Theo Channel News Asia)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét