Dư luận Trung Quốc rúng động sau khi người đàn ông ở tỉnh Sơn Đông cán xe nhiều lần khiến vợ tử vong vì tranh cãi trong gia đình.
Video được nhân chứng chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc đầu tuần này cho thấy người đàn ông liên tục lái chiếc xe màu đen cán qua người phụ nữ đang nằm trên mặt đường ở thành phố Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông. Chiếc xe đạp điện nằm cạnh đó.
Anh ta nhiều lần ra khỏi xe để kiểm tra người phụ nữ còn sống hay không, trước khi tiếp tục rồ ga cán qua người cô. Người phụ nữ cố núp dưới chiếc ôtô đang đậu gần đó, nhưng người đàn ông kéo cô trở lại đường và cán qua người cô một lần nữa.
Nhân viên bệnh viện thành phố Đông Dinh xác nhận khi họ đến hiện trường, người phụ nữ không còn dấu hiệu sự sống.
Cảnh sát sau đó xác định tài xế và nạn nhân là vợ chồng. Trong tuyên bố cuối ngày 27/6, cảnh sát Đông Dinh cho biết nghi phạm họ Wang, 37 tuổi, đã bị giam vì cáo buộc hành hung, cán chết người vợ họ Zhang, 38 tuổi, do "tranh cãi trong gia đình".
Sự việc đang tiếp tục được điều tra. Hội phụ nữ địa phương đang tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của nạn nhân cũng như tư vấn tâm lý cho các con của cô.
Đến sáng 28/6, vụ tấn công đã trở thành chủ đề thịnh hành nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thu hút 300 triệu lượt xem. Nhiều người bị sốc trước mức độ tàn nhẫn trong vụ tấn công, sau một số vụ bạo lực gia đình gây chú ý gần đây.
Người dùng mạng Trung Quốc lên án hành vi của người chồng. Một số người kêu gọi áp dụng khung hình phạt nặng nhất có thể cho thủ phạm.
Tháng trước, người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, đâm chết vợ và chị dâu của cô. Người vợ được cho là đã phải chịu đựng bạo lực gia đình suốt nhiều năm và đang lên kế hoạch ly hôn.
Tuần trước, người phụ nữ ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên nói rằng từng trải qua 8 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt sau khi bị chồng hành hung ở khách sạn hồi tháng 4 vì phát hiện cô sắp nộp đơn ly hôn. Trong bài đăng trên mạng xã hội, cô nói bị hành hung 16 lần trong hai năm chung sống.
Giới chức Pháp thông báo triển khai 45.000 cảnh sát trên toàn quốc cùng thiết giáp để đối phó bạo loạn sau vụ một thiếu niên bị bắn chết.
Bộ Nội vụ Pháp ngày 30/6 thông báo cảnh sát nước này bắt 875 nghi phạm bạo loạn trong một ngày qua. 249 cảnh sát bị thương trong những vụ đụng độ, song không ai trong tình trạng nghiêm trọng.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cùng ngày thông báo nước này sẽ triển khai 45.000 cảnh sát trên toàn quốc, tăng 5.000 nhân sự so với một ngày trước, cũng như điều động nhiều đơn vị đặc nhiệm. Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết lực lượng quân cảnh Pháp sẽ triển khai thiết giáp để đối phó với các vụ bạo loạn.
Bạo loạn bùng phát sau vụ cảnh sát Pháp bắn chết Nahel, 17 tuổi, sau khi dừng xe của thiếu niên này để kiểm tra hồi đầu tuần. Sự việc làm nóng trở lại tranh cãi về tình trạng cảnh sát phân biệt đối xử với người sống tại các khu ngoại thành, vốn có thu nhập thấp và đa sắc tộc.
Bất chấp phản ứng từ chính phủ Pháp, bạo loạn tại nước này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính phủ Pháp cho biết trong đêm 29/6, người biểu tình đã đập phá 492 công trình, đốt 2.000 phương tiện giao thông và gây ra khoảng 3.880 vụ cháy trên cả nước.
Bộ Nội vụ Pháp thông báo dịch vụ xe buýt và xe điện tại Paris sẽ dừng hoạt động từ 21h mỗi đêm tới sáng hôm sau. Cơ quan này cũng cấm bán pháo hoa cỡ lớn và một số dung dịch dễ cháy.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 30/6 nói tình trạng bạo loạn 4 đêm liên tiếp "là sự trục lợi không thể chấp nhận được cái chết của một thiếu niên" ở một số khu vực.
Ông Macron nhận định thành phần tham gia bạo loạn chủ yếu là thanh thiếu niên, trong đó có người vị thành niên. Bạo loạn leo thang một phần bởi nội dung bạo lực được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Snapchat.
Chính phủ Pháp đang nỗ lực tránh tái diễn tình trạng bạo loạn kéo dài nhiều tuần như cuộc khủng hoảng năm 2005, bùng nổ sau cái chết của hai trẻ gốc Phi trong một vụ truy đuổi của cảnh sát. Khoảng 6.000 người bị bắt do liên quan vụ bạo loạn năm 2005.
Quan chức Nhà Trắng nhận định giai đoạn đầu đợt phản công của Ukraine không như kỳ vọng, song khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ.
"Chúng tôi thường xuyên liên lạc với phía Ukraine", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 30/6 cho biết. "Chúng tôi tiếp tục làm những gì có thể để giúp họ phản công, như huấn luyện cấp lữ đoàn, các năng lực bổ sung, lời khuyên và thông tin. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ khi Ukraine triển khai đợt phản công, song họ sẽ quyết định đi đâu và tiến nhanh thế nào".
Ông Kirby đánh giá lực lượng Ukraine "đạt được một số tiến bộ, song chính họ thừa nhận rằng điều này không nhiều như họ mong muốn". Ông Kirby từ chối nhận định chiến sự Nga - Ukraine có thể kéo dài trong bao lâu nữa.
Các quan chức Mỹ tuần trước nhận định đợt phản công của Ukraine "không đáp ứng bất cứ kỳ vọng nào trên chiến trường", trong khi các đợt tiến công cho thấy tuyến phòng thủ của Nga đã được củng cố vững chắc.
Nga phá hủy nhiều xe tăng cùng thiết giáp của Ukraine bằng vũ khí chống tăng và mìn, cũng như triển khai năng lực tác chiến đường không hiệu quả hơn. Một quan chức phương Tây nhận định lực lượng Ukraine "đang tỏ ra dễ tổn thương" trước các bãi mìn và "Nga có năng lực phòng thủ".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Mark Milley ngày 30/6 đánh giá tốc độ tiến quân của Ukraine chậm hơn kỳ vọng "là một phần bản chất chiến sự". "Tôi đã nói rằng điều này sẽ mất 6-10 tuần, rất khó khăn, rất dài và vô cùng đẫm máu", tướng Milley nhận định.
Ukraine tung một số lữ đoàn do NATO huấn luyện với vũ khí phương Tây vào chiến dịch phản công bắt đầu từ đầu tháng 6. Ukraine nhiều lần tuyên bố đợt phản công "thành công một phần" và quân đội nước này đang tiến lên mỗi ngày, đồng thời thông báo đã tái kiểm soát 9 ngôi làng.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine mất nhiều phương tiện cơ giới hạng nặng như xe tăng chủ lực Leopard 2 và thiết giáp M2 Bradley. Ukraine nhấn mạnh giai đoạn chính còn ở phía trước và hối thúc phương Tây cung cấp thêm vũ khí.
Một số quan chức Ukraine khẳng định nước này không cố ý trì hoãn đợt phản công. Tuy nhiên, các bãi mìn và ưu thế trên không của Nga, cũng như thời tiết xấu cản trở bước tiến của lực lượng Ukraine. Họ cũng bày tỏ mong muốn lực lượng Ukraine có thể tiến nhanh hơn trong đợt phản công.
Trong khi đó, các quan chức Nga ngày 22/6 nói Ukraine mất hơn 13.000 binh sĩ, hàng trăm phương tiện cơ giới cùng nhiều xe tăng, thiết giáp sau 16 ngày triển khai nỗ lực bất thành nhằm phá vỡ phòng tuyến của Nga. Họ nhận định tổn thất đáng kể khiến quân đội Ukraine phải giảm hoạt động để tái tập hợp lực lượng.
Trận đột kích thất bại của hai lữ đoàn tại Zaporizhzhia khiến Ukraine mất 20% xe Leopard 2A6 và Bradley, tồi tệ hơn nhận định của chuyên gia Mỹ.
Tài khoản AndreiBtvt ủng hộ quân đội Ukraine trên Twitter hôm 26/6 đăng loạt ảnh chụp cận cảnh xe tăng thiết giáp nước này bị phá hủy trong cuộc đột kích bất thành gần làng Mala Tokmachka ở phía nam tỉnh Zaporizhzhia trước đó gần ba tuần.
Trong ảnh, hàng loạt xe tăng chủ lực Leopard 2A6 và xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley bị cháy rụi, ít nhất một xe Bradley nổ bay tháp pháo. Bức ảnh thứ hai cho thấy nhiều xe khác bị bỏ lại ở phía xa, trong khi mìn chống tăng xuất hiện dày đặc quanh trận địa.
"Nỗ lực vượt bãi mìn do Lữ đoàn cơ giới số 33 và Lữ đoàn xung kích số 47 quân đội Ukraine tiến hành ngày 8/6 còn tồi tệ hơn những gì chúng ta nghĩ. Trận đánh thảm họa này đã khiến hàng chục phương tiện tốt nhất do phương Tây chế tạo bị phá hủy, đồng thời khiến nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương", David Axe, chuyên gia phân tích quân sự của Forbes, nói.
Chiến dịch tiến công của Lữ đoàn số 33 và 47 diễn ra khoảng 4 ngày sau thời điểm Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công. Nhiệm vụ của hai lữ đoàn này là tấn công phòng tuyến Nga ở thị trấn Robotyne, cách làng Mala Tokmachka khoảng 8 km, dọc theo cao tốc T0408 và nhiều tuyến đường đất.
Nếu kiểm soát được Robotyne, quân đội Ukraine có thể tiến quân đến thành phố Tokmak, một trong các cứ điểm chủ chốt trong phòng tuyến Nga, cách đó gần 20 km về phía nam. Giành lại Tokmak sẽ mở đường tới thành phố Melitopol cách đó 40 km, vốn là trung tâm chỉ huy và hậu cần trọng yếu của Nga, cũng là điểm có thể chia cắt lực lượng của Moskva tại Kherson, Zaporizhzhia với vùng Donbass.
Quân đội Nga hiểu rõ tầm quan trọng của trục phòng thủ Robotyne-Tokmak-Melitopol. Họ triển khai hai trung đoàn bộ binh cơ giới là 70 và 291 ở phía bắc Robotyne, cùng hai lữ đoàn đặc nhiệm và một số đơn vị dự bị, tất cả được yểm trợ bởi trực thăng vũ trang.
Phía trước phòng tuyến Nga là bãi mìn dày đặc với hàng nghìn quả mìn chống tăng TM-62. Mỗi quả được nhồi 7,5 kg thuốc nổ mạnh, có thể sử dụng nhiều loại ngòi khác nhau, trong đó phổ biến nhất là ngòi nổ áp lực được kích hoạt khi xích xe tăng, thiết giáp nghiến qua. Loại mìn này có thể được lính công binh cài thủ công, hoặc rải với số lượng lớn từ các xe cài mìn như GMZ-3.
"Mìn TM-62 dùng ngòi áp lực không có điểm gì đặc biệt, nhưng nó cũng không cần các loại ngòi nổ tiên tiến nếu được rải dày đặc như ở khu vực gần Mala Tokmachka. Các bức ảnh cho thấy các quả mìn chưa nổ nằm cách nhau chỉ vài mét tại mặt trận", Axe nhận xét.
Trinh sát Nga phát hiện Lữ đoàn số 33 và 47 tiếp cận Robotyne ngày 8/6 và lập tức yêu cầu trực thăng vũ trang Ka-52 công kích bằng tên lửa dẫn đường, nhưng thiệt hại nặng nhất với hai lữ đoàn này xảy ra trên bãi mìn.
Đội hình Lữ đoàn số 47 được dẫn đầu bởi ba xe phá mìn Leopard 2R do Phần Lan viện trợ, cùng với đó là một xe quét mìn Wisent do Đức chế tạo, dường như thuộc biên chế Lữ đoàn số 33.
Những xe này phá được một số quả mìn và dọn đường cho các xe thiết giáp Bradley và xe kháng mìn M1224 MaxxPro của Lữ đoàn số 47 bám sát ngay phía sau. Tuy nhiên, cụm con lăn và cày phá mìn do Anh chế tạo được lắp trên những chiếc Leopard 2R và Wisent đã bỏ sót nhiều quả mìn, khiến cả 4 xe và nhiều chiếc Bradley đều bị vô hiệu hóa.
Đội hình tiến công mắc kẹt và nhanh chóng tan rã giữa hỏa lực dữ dội của lực lượng Nga. Các tổ lái phải bỏ xe, đồng thời cố kéo thương binh và người thiệt mạng theo họ. Những chiếc M2A2 ở tuyến sau trở thành lực lượng giải cứu những người sống sót.
Vài giờ sau khi rút quân, thượng sĩ Valerii Markus thuộc Lữ đoàn số 47 đăng video lên mạng xã hội, yêu cầu những người chỉ trích "ngậm miệng và đừng phát tán thông tin tuyên truyền của Nga".
Thống kê sau trận đánh cho thấy Ukraine mất ít nhất 25 xe cơ giới, gồm 17 chiếc M2A2, bốn xe tăng Leopard 2A6, ba xe phá mìn Leopard 2R và một chiếc Wisent. Những đánh giá ban đầu cho thấy thiệt hại này tương đối nhẹ, nhưng phân tích hình ảnh từ máy bay không người lái (UAV) và dữ liệu hiện trường cho thấy tổn thất còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Ukraine sở hữu hàng chục xe Wisent, cùng với đó là hơn 100 chiếc M2A2 và 21 xe tăng Leopard 2A6. Lực lượng này cũng vận hành toàn bộ 6 xe Leopard 2R được sản xuất trên thế giới.
"Chỉ trong vòng một đến hai giờ, Lữ đoàn số 33 và 47 đã để mất gần 20% số xe Bradley, 20% xe tăng Leopard 2A6 và 50% xe Leopard 2R trong biên chế. Mỹ đã nhanh chóng tuyên bố cung cấp thêm xe M2A2 để bù đắp tổn thất, nhưng các đồng minh châu Âu chưa cam kết chuyển thêm xe Leopard 2A6 nào. Xe phá mìn Leopard 2R cũng không thể thay thế, do không còn chiếc nào được sản xuất", Axe nhận xét.
Thiệt hại này tương đương một tiểu đoàn đầy đủ khí tài, bằng 15% tổng sức mạnh của Lữ đoàn số 33 và 47. Nhóm phân tích thông tin xung đột CIT có trụ sở tại Nga ban đầu nhận định một số xe Leopard 2A6 và M2A2 chưa bị phá hủy hoàn toàn. "Chúng vẫn có thể được sơ tán khỏi trận địa", báo cáo của CIT có đoạn viết.
Tuy nhiên, chuyên gia Axe cho rằng phương án này khó thực hiện, khi phần lớn các xe đều bị hư hại nặng, vẫn nằm giữa bãi mìn và trong tầm hỏa lực Nga.
"Lực lượng Ukraine sẽ phải kiểm soát khu vực, lập ô phòng không và rà phá mìn trước khi có thể kéo những xe thiết giáp đó về tuyến sau. Nỗ lực này có thể không bõ công sức, vì các xe có thể mất nhiều tuần đến nhiều tháng để khôi phục hoạt động. Không thể phủ nhận rằng trận đánh ở nam Mala Tokmachka ngày 8/6 là thảm họa khó quên với quân đội Ukraine", Axe nêu quan điểm.
Trong Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ từng thử nghiệm nhiều loại vũ khí hóa học trên chính các binh sĩ của mình tại một cơ sở quân sự ở Maryland.
Được phát triển bởi Đức quốc xã trong Thế chiến II, sarin là một chất hóa học có thể giết người trong vài phút. Và suốt nhiều năm, quân đội Mỹ đã bí mật thử nghiệm nó trên các binh sĩ trong hàng loạt thí nghiệm tuyệt mật ở cơ sở quân sự Edgewood Arsenal.
Sarin không phải loại vũ khí hóa học có thể gây chết người duy nhất được thử nghiệm tại Edgewood. Từ khoảng năm 1948 đến 1975, quân đội Mỹ đã nghiên cứu nhiều chất có thể được sử dụng trong chiến tranh hóa học, khiến 7.000 binh sĩ phải tiếp xúc với hóa chất như hơi cay, chất mù tạt cùng vô số loại thuốc nguy hiểm.
Quân đội Mỹ lập luận rằng các thí nghiệm tại Edgewood là cần thiết cho an ninh quốc gia. Trong bối cảnh căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, quân đội cần biết loại hóa chất nào có thể gây hại cho binh sĩ và cũng muốn phát triển vũ khí hóa học để tấn công đối phương.
Vì vậy, họ tiến hành thử nghiệm vũ khí hóa học với liều lượng nhỏ trên lính tình nguyện, để tìm hiểu chúng sẽ ảnh hưởng đến con người như thế nào, đồng thời nhằm kiểm tra đồ bảo hộ, dược phẩm và vaccine. Họ được cho là còn tham khảo ý kiến từ những nhà khoa học phát xít Đức trước đây nhằm phát triển các thí nghiệm.
Tình nguyện viên phải thử những loại thuốc khiến họ sợ hãi và suy nhược, trong đó có cả các chất nguy hiểm như sarin hay chất độc tâm thần BZ. Các nhà nghiên cứu cũng cho những người lính dùng thuốc gây ảo giác LSD và PCP (phencyclidine).
Trong một số thí nghiệm, các bác sĩ nhỏ hóa chất lên cánh tay của những tình nguyện viên để xem phản ứng. Những người khác phải uống các loại thuốc mà họ không biết chính xác chúng chứa gì. Một số người bị mù tạm thời hoặc cố gắng tự làm hại mình. Một số bị ảo giác trong nhiều ngày. Nhiều tình nguyện viên thậm chí phải nhập viện.
L. Wilson Greene, giám đốc khoa học tại Edgewood, cho biết những phản ứng đáng chú ý là "co giật, choáng váng, sợ hãi, hoảng loạn, ảo giác, đau nửa đầu, mê sảng, trầm cảm cực độ, cảm giác tuyệt vọng, thiếu chủ động làm ngay cả những việc đơn giản, muốn tự tử".
Có lẽ hóa chất nguy hiểm nhất mà quân đội Mỹ thử nghiệm là sarin. Trong một năm, 7 kỹ thuật viên phải điều trị y tế ngay lập tức do vô tình tiếp xúc với hóa chất. Những con chim bay qua ống khói của phòng hơi sau thử nghiệm sarin lập tức chết và rơi xuống mái nhà. Những tình nguyện viên vốn khỏe mạnh bị co giật, nôn mửa và khó thở.
Bác sĩ tâm thần James Ketchum, người sau này được biết đến với biệt danh "Bác sĩ Mê sảng", đã gia nhập Edgewood vào những năm 1960 và dẫn đầu các cuộc thử nghiệm thuốc làm thay đổi tâm trí với tư cách "lãnh đạo ban nghiên cứu hóa học tâm lý".
Cho đến khi qua đời vào năm 2019, Ketchum vẫn kiên quyết bảo vệ những thí nghiệm của mình, khẳng định chúng nhân đạo hơn vũ khí truyền thống và là biện pháp phòng ngừa cần thiết trong Chiến tranh Lạnh.
"Chúng ta lúc bấy giờ đối đầu rất căng thẳng với Liên Xô và có thông tin rằng họ đang mua một lượng lớn thuốc gây ảo giác LSD, có thể để sử dụng cho mục đích quân sự", tạp chí New Yorker dẫn lời ông nói.
Greene lập luận rằng chiến tranh hóa học có thể dẫn đến ít thương vong hơn trên chiến trường. "Xuyên suốt lịch sử được ghi lại, các cuộc chiến tranh luôn tràn ngập cái chết, tình cảnh khốn khổ và thiệt hại về tài sản. Mỗi cuộc xung đột lớn về sau đều thảm khốc hơn cuộc xung đột trước đó", Greene viết vào năm 1949. "Tôi tin rằng bằng các kỹ thuật chiến tranh tâm lý, chúng ta có thể đánh bại kẻ thù mà không cần hủy hoại tài sản hay giết hại quá nhiều người".
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng các thí nghiệm của Edgewood và cách họ tiến hành chúng không hề nhân đạo. Quân đội tuyên bố rằng những người lính tình nguyện tham gia và nhận được một bản tóm tắt đầy đủ về dự án. Trong khi đó, các cựu binh từng trải qua quãng thời gian ở Edgewood bác bỏ.
"Họ nói với tôi rằng mọi thứ chỉ như bạn uống thuốc aspirin mà thôi", một người cho biết. Nhưng các cuộc thử nghiệm đã khiến ông cố tự tử trong nhiều năm.
"Họ được thông báo rằng sẽ tham gia thử nghiệm thiết bị quân sự, họ không được nghe thông tin về bất kỳ loại thuốc nào", Nick Brigden, đạo diễn bộ phim tài liệu Bác sĩ Mê sảng và Thí nghiệm Edgewood, người đã phỏng vấn hàng loạt cựu binh, cho hay. "Sau khi đến Edgewood, họ bị đe dọa đưa ra tòa án binh nếu không tham gia".
Năm 1961, tình nguyện viên John Ross thử chất độc thần kinh có tên soman và tình cờ nghe được các bác sĩ nói rằng đây là hóa chất gây chết người. "Tôi bắt đầu lên cơn co giật, nôn mửa", ông kể lại với tạp chí New Yorker. Một người đứng cạnh tôi nói 'chúng tôi đã cho cậu ta tiếp xúc hơi nhiều'. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Tôi nghĩ mình sắp chết".
Ross sống sót. Nhưng trong nhiều năm, ông bị trầm cảm và mất ngủ.
"Việc họ được phép làm điều đó mà không cho người ta biết họ đang làm gì là điều rất, rất đáng sợ", một bác sĩ nói với New Yorker. "Hoàn toàn phi nhân tính, phi đạo đức".
Năm 1975, các thí nghiệm trên người tại Edgewood buộc phải chấm dứt sau khi một cuộc điều tra của quốc hội vạch trần việc chương trình nhiều lần không được các tình nguyện viên chấp thuận.
Nhiều người lính phải chịu đựng tác động suốt nhiều thập kỷ. Không ít người phải vật lộn với chứng trầm cảm và ý muốn tự tử. Số khác bị rối loạn hệ thần kinh.
"Tôi cần biết mọi thứ đã xảy ra với mình vì điều đó có thể mang lại cho tôi chút bình yên và ít cơn ác mộng hơn", một cựu binh đã viết cho bác sĩ Ketchum. Đây không phải bức thư duy nhất mà Ketchum nhận được.
Năm 2009, một nhóm cựu tình nguyện viên của Edgewood đệ đơn kiện tập thể chống lại quân đội, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Thay vì yêu cầu bồi thường, họ chỉ muốn biết mình đã nhận loại thuốc gì, được giải phóng khỏi cam kết giữ bí mật và được tiếp cận các quyền lợi y tế từ Bộ Cựu chiến binh.
Một tòa án liên bang đã ra phán quyết đứng về phía các cựu binh vào năm 2013. Đến năm 2015, tòa phúc thẩm liên bang ra phán quyết rằng quân đội có trách nhiệm cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho những cựu binh liên quan đến các thí nghiệm.
NgaChính quyền St. Petersburg khánh thành tượng đài nhân kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thành phố.
"Vào ngày này 100 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Petrograd", Alesander Beglov, Thống đốc St. Petersburg, ngày 30/6 đề cập tới tên gọi cũ của thành phố lớn thứ hai nước Nga. "Hôm nay là ngày quan trọng đối với quan hệ Nga - Việt".
Tượng đài được làm bằng đồng, cao ba mét, đặt trên bệ 1,5 m tại ngã tư giữa phố Hồ Chí Minh và đại lộ Prosveshcheniya (Khai sáng). Tượng đài thể hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi nghiêm trang, tay phải cầm cuốn sách.
Theo ông Beglov, tượng đài là minh chứng "cho mong muốn chân thành của chúng tôi trong phát triển quan hệ song phương, tình cảm nồng hậu và lòng kính trọng sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định việc Nga cùng Việt Nam dựng tượng đài tại St. Petersburg "có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc". Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho biết tượng đài sẽ là biểu tượng mới cho tình hữu nghị giữa hai nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống tàu Karl Liebknecht tại Đức ngày 27/6/1923, sau đó tới St. Petersburg, Liên Xô ngày 30/6/1923. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó mang theo giấy thông hành mang bí danh "Chen Vang" do đại diện Liên Xô tại Đức cấp.
Sau khi tới Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm hiểu thực tế và nghiên cứu về Cách mạng tháng Mười, việc thiết lập nhà nước Xô viết. Ông gặp gỡ và thiết lập quan hệ với nhiều nhà cách mạng, cũng như tìm hiểu về văn hóa, văn học nghệ thuật Nga trong thời gian này.
Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan từ chức sau 10 ngày đảm nhận nhiệm vụ, trong lúc bị cáo buộc đưa ra phát ngôn liên quan đến phát xít.
"Để đảm bảo chính phủ tiếp tục vận hành và giữ gìn danh tiếng của đất nước, tôi nhận thấy bản thân không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ", Vilhelm Junnila, Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan, thông báo ngày 30/6.
Ông Junnila là thành viên đảng Finns, một phần của liên minh cánh hữu cầm quyền ngày 20/6 sau cuộc bầu cử hồi tháng 4. Ông Junnila vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 28/6 do phe đối lập khởi xướng với cáo buộc ông liên tục đưa ra phát ngôn liên quan đến phát xít.
Kênh YLE của Phần Lan đưa tin ông Junnila trong chiến dịch tranh cử của mình đã chúc mừng một thành viên đảng Finns vì nhận số ứng viên 88, biểu tượng mà các nhóm tân phát xít sử dụng để chỉ điệu chào Hitler (Heil Hitler).
"Xin chúc mừng anh đã nhận được con số tuyệt vời, tôi coi đó là lá bài chiến thắng. Rõ ràng, số 88 gây liên tưởng đến hai chữ H mà chúng tôi sẽ không nói thêm về nó", ông Junnila đưa ra bình luận.
Ông Junnila sau đó xin lỗi, cho rằng đây là một trò đùa gây khó chịu. Sau khi nhậm chức, ông Junnila đăng bài trên mạng xã hội bày tỏ cực lực lên án nạn diệt chủng người Do Thái và chủ nghĩa bài Do Thái.
Trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội Phần Lan, nhiều tài liệu đề cập tới quá khứ của ông Junnila được công bố. Trong số này có đề xuất của ông Junnila trên tư cách thành viên quốc hội Phần Lan vào năm 2019 rằng "nên cổ vũ phá thai tại các nước châu Phi để chống biến đổi khí hậu" .
Đảng Finns đứng thứ hai trong cuộc bầu cử hồi tháng 4 với 20,1% phiếu bầu, sau đảng Liên minh Quốc gia (NPC) với 20,8% phiếu bầu. NPC sau đó thành lập liên minh với đảng Finns và hai đảng khác.
Trung QuốcNgười mẹ muốn giúp con gái nghiện game thay đổi bằng cách đưa con đi phẫu thuật thẩm mỹ để tăng tự tin, nhưng hành động này gây nhiều tranh cãi.
"Thời cấp hai, con bé thực sự nghiện game trực tuyến. Bố nó và tôi tự hỏi phải chăng nó như thế vì ngoại hình không ưa nhìn và thiếu tự tin", bà Phùng, người mẹ ở thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, nói trong video ghi lại quá trình thăm khám, phẫu thuật của con gái.
Để khuyến khích con giao lưu nhiều hơn trong xã hội thực, hạn chế chơi game, bà đề nghị con đi phẫu thuật thẩm mỹ và nữ sinh đồng ý. Sau khi thi xong đại học, cả gia đình ngày 21/6 tới gặp bác sĩ để tư vấn nâng mũi, sửa cằm.
Đoạn sau video cho thấy cô bé nằm trong bệnh viện, mũi và cằm quấn băng. Sau vài ngày, cô bé được xuất viện. Bà Phùng rất vui với kết quả đạt được. "Người thân, bạn bè tới nhà đều khen con tôi xinh hơn nhiều", bà nói.
Món quà của người mẹ tặng con gây tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người khen bà Phùng vì biết cách giao tiếp và hỗ trợ con. "Tôi rất ghen tỵ. Cha mẹ cô bé thật cởi mở", một người nói.
"Cải thiện ngoại hình để tự tin và nổi bật hơn thì làm sao?" một người khác bình luận khi có người cho rằng cách làm này có thể khiến vấn đề càng nghiêm trọng hơn, bởi "không phải cô bé thiếu tự tin, mà là cha mẹ cô bé".
Có người chỉ ra cô bé được đón từ bệnh viện về nhà bằng xe Porsche. "Đây là gia đình kiểu gì? Người bình thường không thể làm theo họ", một người nhận xét.
Theo dữ liệu từ tập đoàn nghiên cứu Trung Quốc iReasearch Inc, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc đang tăng trưởng theo cấp số nhân. Năm 2021, quy mô của thị trường là 30 tỷ USD và dự đoán tăng lên gấp đôi vào năm 2025.
Theo dữ liệu của GengMei, ứng dụng hàng đầu của Trung Quốc về dịch vụ thẩm mỹ, hơn một nửa số khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ nằm ở độ tuổi 20. Những người nổi tiếng trên mạng cũng thường xuyên chia sẻ thẩm mỹ đã thay đổi cuộc đời họ như thế nào.
Zhou Chuna, một người có ảnh hưởng thuộc Gen Z sống ở Thượng Hải, đã phẫu thuật hơn 100 lần từ năm 2017 tới 2021. Tháng 3/2020, cô chia sẻ "nhật ký phẫu thuật thẩm mỹ" trên mạng, nhanh chóng thu hút hơn 300.000 người theo dõi.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước về Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu vào tháng 11.
"Nga sẽ rút khỏi Hiệp ước về Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) từ 0h ngày 7/11/2023", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói ngày 29/6, thêm rằng quyết định này đã được quy định trong luật Tổng thống Vladimir Putin ký cuối tháng 5.
Theo ông Ryabkov, các bên trong CFE không nên phí "thời gian và nỗ lực" để đưa ra "những lời kêu gọi vô nghĩa" với Nga.
CFE được ký năm 1990 giữa NATO và các quốc gia Khối Hiệp ước Warsaw nhằm giới hạn số lượng xe tăng và thiết giáp, pháo, trực thăng và chiến đấu cơ đóng quân tại châu Âu, tránh các bên tập trung lực lượng quy mô lớn để tấn công chớp nhoáng, thiết lập thế cân bằng quân sự.
Nga đình chỉ CFE từ năm 2007, cáo buộc các thành viên NATO nhiều lần vi phạm hiệp ước và không phê chuẩn phiên bản cập nhật. Do đó, ông Ryabkov cho biết việc Nga chính thức rút khỏi CFE sẽ không khiến tình hình thực tế thay đổi nhiều.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói Phần Lan gia nhập NATO và Thụy Điển đang trong quá trình trở thành thành viên của liên minh quân sự là "giọt nước tràn ly", khiến Moskva rời CFE là điều không thể tránh khỏi. Ông cho rằng Mỹ cùng đồng minh phải chịu trách nhiệm cho kết cục này.
NATO ngày 9/6 chỉ trích quyết định của Nga, gọi đây là "động thái mới nhất trong loạt hành động mang tính hệ thống làm xói mòn an ninh châu Âu - Đại Tây Dương". "Điều đó cho thấy Nga tiếp tục coi thường vấn đề kiểm soát vũ khí", theo tuyên bố chung của NATO.
Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cuối tháng 5 tuyên bố Moskva giờ đây có thể triển khai vũ khí đến bất kỳ nơi nào cảm thấy cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông nhấn mạnh Nga sẽ "tối đa hóa sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự và các biện pháp hủy diệt".
Nhiều binh sĩ Ukraine sống trong lo lắng thường trực vì mối đe dọa từ UAV Lancet, khi Nga tăng cường sử dụng loại vũ khí này để tập kích.
Truyền thông Nga hôm 24/6 công bố video máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet tập kích tổ hợp pháo tự hành CAESAR được Pháp viện trợ cho Ukraine, khiến nó phát nổ dữ dội. Nhiều video được quân đội Nga đăng trước đó cũng cho thấy UAV Lancet phá hủy radar của hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T và nhiều khí tài do phương Tây chuyển cho Kiev.
Các binh sĩ Ukraine cho biết Lancet đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn tại khu vực tiền tuyến những tháng qua, khi quân đội Nga sử dụng triệt để loại khí tài này để phá hủy mục tiêu đắt tiền của đối phương. "Tần suất triển khai Lancet hiện nay cao hơn nhiều so với hồi đầu năm", Doc, lính pháo binh Ukraine 35 tuổi đang tham chiến tại mặt trận Avdiivka ở tỉnh Donetsk, nói.
Samuel Bendett, chuyên gia về UAV tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, cho rằng Bộ Quốc phòng Nga đang hối thúc các nhà máy quốc phòng tăng sản lượng UAV Lancet, coi đây là biện pháp rẻ tiền đề hủy diệt những khí tài hiện đại của phương Tây được Ukraine sử dụng trong chiến dịch phản công quy mô lớn.
Chi phí sản xuất mỗi chiếc Lancet vào khoảng 35.000 USD, so với mức giá 4,3 triệu USD cho một tổ hợp pháo tự hành CAESAR. Con số này là gần 17 triệu USD với radar TRML-4D của hệ thống IRIS-T, việc mất radar cũng khiến tổ hợp trị giá 150 triệu USD bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
UAV tự sát được thiết kế để mang thuốc nổ lao vào tập kích mục tiêu phía sau phòng tuyến đối phương. Không giống UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất.
Loại vũ khí này có kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ và dễ dàng triển khai. Chúng rất khó bị các hệ thống radar, cảm biến phát hiện và tạo ra thách thức rất lớn với các hệ thống phòng không Ukraine. UAV tự sát còn được gọi là "đạn tuần kích", do chúng có khả năng quần thảo trong thời gian dài trên bầu trời và chỉ lao xuống tấn công khi xác định được mục tiêu cụ thể.
"Nga dường như đang áp dụng chiến thuật từng được Ukraine triển khai trước đây, đó là dụ các mục tiêu quan trọng tiến đến khu vực trống trải rồi phá hủy chúng bằng UAV tự sát", Bennett nói.
Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, thừa nhận sự phổ biến của UAV Lancet đang gây ra nhiều khó khăn cho chiến dịch phản công. "Mỗi ngày chúng tôi bắn rơi một đến hai phi cơ, nhưng không may tỷ lệ đánh chặn không đạt mức 100%", ông cho hay.
Lancet được trang bị đầu nổ tương đối nhỏ, chỉ nặng 1,5-5 kg, có thể là đầu đạn nổ mảnh hoặc nổ lõm xuyên giáp. "Dù yếu hơn nhiều so với đạn pháo hoặc tên lửa thông thường, chúng vẫn có thể gây thiệt hại đáng kể", ông Sak nói thêm.
Lực lượng Nga thường triển khai UAV trinh sát để phát hiện mục tiêu, sau đó điều Lancet thực hiện đòn tập kích. Cảm biến trên Lancet sẽ ghi lại quá trình lao tới mục tiêu và truyền hình ảnh trực tiếp về đài chỉ huy để đánh giá hiệu quả của đòn tấn công. UAV cũng có chế độ lái thủ công, cho phép người điều khiển chọn vị trí công kích, tăng tối đa hiệu quả sát thương.
"Điều này khiến nó khác biệt với dòng Shahed-136 do Iran chế tạo, vốn chỉ bay theo lộ trình nạp sẵn và kíp vận hành không thể can thiệp sau khi nó cất cánh", cố vấn Ukraine nhận xét.
Bendett nói rằng phiên bản Lancet 3 mới nhất có thể đạt tầm bay 50 km, cho phép tấn công những mục tiêu nằm sâu trong hậu phương Ukraine. Khả năng lượn trên không để sục sạo và truy đuổi mục tiêu khiến nó là mối đe dọa lớn với những khí tài giá trị cao như xe tăng, pháo tự hành và pháo phản lực phóng loạt.
Một trong những vũ khí của Ukraine thường xuyên bị Lancet đe dọa là pháo phản lực BM-21 Grad, gồm 40 ống phóng đạn cỡ nòng 122 mm đặt trên khung gầm xe tải. Hỏa lực và khả năng cơ động cao của Grad khiến nó được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Lancet.
Voron, thành viên khẩu đội Grad tham chiến gần Avdiivka, từng suýt chết trong cuộc tập kích hụt của UAV Lancet hồi đầu tháng 5.
Sau khi khai hỏa về phía lực lượng Nga, tổ hợp Grad của Voron lập tức bị tấn công trả đũa bằng tên lửa S-300. Quả đạn rơi cách xe phóng khoảng 150 m và không gây nguy hiểm, nhưng một chiếc Lancet nhanh chóng xuất hiện trên bầu trời và đuổi theo tổ hợp Grad.
"Chúng tôi quyết định bỏ chạy. UAV lao xuống và phát nổ cách xe chúng tôi khoảng 50 m. Ơn Chúa là nó không đâm trúng xe phóng", Voron nhớ lại.
UAV tự sát như Lancet thường bay thấp và chậm, gây khó khăn cho những hệ thống phòng không truyền thống được thiết kế nhằm đối phó mục tiêu bay nhanh và có diện tích phản xạ radar lớn như tiêm kích. Các biện pháp phòng vệ như lưới và lồng thép có thể hạn chế một phần thiệt hại do Lancet gây ra, nhưng không phải lúc nào cũng chống đỡ được đòn tập kích của nó.
"Biện pháp phòng thủ tốt nhất là sử dụng pháo tự động được dẫn bắn bằng radar để đối phó Lancet. Nếu không có những hệ thống như vậy, lính Ukraine thường xuyên phải tìm cách bắn rơi Lancet bằng súng bộ binh. Đây không phải điều dễ dàng, khi chúng rất nhỏ và thường bay với tốc độ trên 100 km/h", cố vấn Sak nói.
Thủ tướng Hun Sen cho biết sẽ ngừng đăng bài trên Facebook ngay trước thềm chiến dịch vận động tranh cử và chuyển sang dùng Telegram, TikTok.
"Từ giờ tôi sẽ không đăng bài trên Facebook nữa", Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố hôm nay.
Thủ tướng Campuchia cho biết ông sẽ chuyển sang dùng ứng dụng Telegram để truyền tải các thông điệp chính trị tới người ủng hộ, cũng như sử dụng TikTok để thu hút giới trẻ.
Ông gần đây tăng cường đăng ảnh và thông điệp chính trị trên kênh Telegram với 860.000 người theo dõi. Thủ tướng Hun Sen, người sẽ bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử vào ngày 1/7, cho biết Telegram "hiệu quả hơn" Facebook.
Trang Facebook của ông Hun Sen được ra mắt vào năm 2015 sau khi các đối thủ của ông, đặc biệt là lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy, sử dụng nền tảng này để tiếp cận thành công nhóm cử tri trẻ tuổi. Trang Facebook của ông có tới 14 triệu người theo dõi.
Truyền thông trước đó đưa tin Meta, công ty chủ quản của Facebook, có thể hạn chế hoạt động của ông Hun Sen sau khi Thủ tướng Campuchia hồi tháng 1 cảnh báo những người đối lập rằng họ sẽ phải đối mặt hành động pháp lý hoặc hậu quả khác nếu cáo buộc đảng của ông "gian lận phiếu bầu" trong cuộc bầu cử tháng 7.
Hội đồng giám sát của Meta ngày 29/6 đề xuất lệnh cấm 6 tháng đối với tài khoản Facebook của ông Hun Sen.
Campuchia sẽ tổ chức tổng tuyển cử bầu chính phủ mới vào tháng 7. Tại hội nghị bất thường ở Phnom Penh vào tháng 1, Thường vụ Ủy ban Trung ương đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền bày tỏ ủng hộ hoàn toàn ông Hun Sen với tư cách ứng viên thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử và trung tướng Hun Manet, con trai cả của ông Hun Sen, là ứng viên thủ tướng tương lai.
Thủ tướng Hun Sen là một trong những lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới với 38 năm cầm quyền. Ông Hun Sen nhậm chức Thủ tướng ngày 14/1/1985, sau khi được quốc hội nhất trí bầu kế nhiệm ông Chan Sy, người qua đời tháng 12/1984, trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới khi đó ở tuổi 32.
Mexico kích hoạt chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn sau khi 16 cảnh sát bị nhóm vũ trang chặn xe, bắt cóc trên cao tốc.
Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador hôm 28/6 cho biết đã ra lệnh giải cứu các cảnh sát bị bắt cóc ở bang Chiapas, miền nam Mexico, trước đó một ngày. Hơn 1.000 thành viên của lực lượng an ninh Mexico đã tham gia chiến dịch tìm kiếm.
Ông Obrador cho biết các cảnh sát làm việc tại một nhà tù gần đó. Ông cho rằng sự việc dường như liên quan đến tranh chấp giữa các nhóm tội phạm và cam kết sẽ không tha cho những kẻ đứng sau sự việc.
Giới chức Mexico ban đầu thông báo nhóm vũ trang bắt cóc 14 cảnh sát, sau đó cập nhật thêm hai người.
Người thân của các cảnh sát tập trung bên ngoài trụ sở cảnh sát địa phương chờ tin tức. "Chúng tôi không muốn điều gì xảy ra với anh trai của mình. Mong chính quyền hãy làm gì đó để giải cứu họ", Martha Elena Rincon Castillejos, em gái của một trong những cảnh sát, nói.
"Họ là những người vô tội, họ không liên quan gì", Dina Luz Rincon Castillejos, người có anh trai trong số cảnh sát trên, cho biết.
Truyền thông Mexico đã đăng video về những cảnh sát bị bắt, một trong số họ nói rằng các nghi phạm yêu cầu ba quan chức an ninh nhà nước từ chức hoặc bị sa thải.
Các cuộc đối đầu giữa cơ quan thực thi pháp luật và nhóm tội phạm ở Ocozocautla gần đây gia tăng. Đây là khu vực trung chuyển phổ biến của nhóm tội phạm buôn người và ma túy tại Mexico.
Mexico từ cuối năm 2006 phát động chiến dịch chống ma túy quyết liệt, với sự tham gia của các lực lượng quân đội. Tuy nhiên, chiến dịch này gây tranh cãi khi không giải quyết được tận gốc vấn đề và càng khiến cuộc đấu đá giữa các băng đảng trở nên khốc liệt hơn. Nước này đã ghi nhận hơn 350.000 vụ giết người và khoảng 110.000 vụ mất tích, chủ yếu liên quan bạo lực băng đảng.
Ông Biden sử dụng máy thở áp lực dương liên tục để giải quyết các vấn đề liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ, theo Nhà Trắng.
"Tổng thống Joe Biden bắt đầu sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) từ đêm qua, đây là điều bình thường với những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ", phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates cho biết hôm 28/6.
Tổng thống Biden trước đó xuất hiện với một số vết lằn trên mặt, cho thấy ông đã đeo dây đai tương đồng với những người sử dụng máy CPAP. Quan chức Nhà Trắng giấu tên nói rằng ông Biden bắt đầu dùng máy thở áp lực dương trong những tuần gần đây nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Giói chức Mỹ không công bố chi tiết về vấn đề Tổng thống Biden gặp phải, cũng như tình trạng dẫn đến chỉ định dùng máy CPAP và liệu ông từng điều trị chứng ngưng thở khi ngủ như thế nào trong quá khứ.
Việc ông Biden dùng máy CPAP chưa từng được công bố, những vấn đề liên quan tới giấc ngủ của Tổng thống Mỹ cũng không được đề cập trong báo cáo sức khỏe hồi tháng 2, trong đó tập trung vào những triệu chứng mà ông "đang được điều trị".
Bác sĩ Nhà Trắng Kevin O'Connor cho biết chiến dịch tranh cử của ông Biden hồi năm 2019 công bố báo cáo cho thấy ông mắc chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng các triệu chứng đã cải thiện sau những cuộc phẫu thuật đường mũi và xoang.
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn về giấc ngủ, biểu hiện thông qua những đợt ngừng thở trong quá trình ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.
Nếu không được điều trị, người bệnh có thể trở nên hay quên, mệt mỏi và buồn ngủ, kèm theo nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Ông Biden, 80 tuổi, đang là Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất lịch sử và thường bị các đối thủ chỉ trích là "quá già " để lãnh đạo. Ông cũng gây chú ý về vấn đề sức khỏe khi nhiều lần vấp ngã, bước hụt chân trong lúc lên chuyên cơ hay nói nhầm trong các bài phát biểu.
Tuy nhiên, bác sĩ Nhà Trắng hồi tháng 2 công bố kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ của Tổng thống Biden và khẳng định thể trạng của ông phù hợp thực hiện nhiệm vụ. Ông được mô tả hoàn toàn "khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực" ở tuổi 80.
Tổng thống Mỹ hôm 25/4 tuyên bố tranh cử, bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 với mục tiêu "hoàn thành công việc". Nếu thành công, nhiệm kỳ hai của ông Biden sẽ kết thúc vào năm ông 86 tuổi. Một trong những đối thủ tiềm năng của ông Biden là cựu tổng thống Trump, người năm nay 76 tuổi.
Cuộc tìm kiếm xác tàu Titanic năm 1985 gắn liền với một nhiệm vụ tuyệt mật của hải quân Mỹ liên quan đến tàu ngầm hạt nhân.
Vào thời điểm nhà hải dương học Robert Ballard tìm thấy xác Titanic năm 1985, thế giới tưởng rằng ông khi đó chỉ có nhiệm vụ là tìm ra tàn tích của con tàu chở khách khổng lồ đã chìm dưới đáy Đại Tây Dương năm 1921 do đâm vào băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.
Đến năm 2008, sự thật phức tạp hơn về cuộc tìm kiếm mới được hé lộ. Ballard vốn được hải quân Mỹ giao nhiệm vụ tuyệt mật là điều tra số phận hai tàu ngầm hạt nhân bị chìm.
Vụ chìm tàu Titanic năm 1912 đã gây chấn động toàn thế giới, khiến hàng trăm bài hát, hàng chục cuốn sách và bộ phim ra đời với chủ đề liên quan đến thảm kịch này. Nó cũng khiến quy định hàng hải thế giới phải thay đổi. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để tìm kiếm xác con tàu nhưng với độ sâu đại dương, điều kiện môi trường khắc nghiệt và những báo cáo mâu thuẫn về vị trí khiến mọi cố gắng đều thất bại.
Ballard, sinh năm 1942, đã đam mê đại dương từ khi còn nhỏ. Ông đang học tiến sĩ về địa chất biển tại Đại học Nam California vào năm 1967 thì được gọi nhập ngũ. Theo yêu cầu của Ballard, ông đã được chuyển từ lục quân sang hải quân với tư cách nhà hải dương học. Hải quân chỉ định ông làm liên lạc viên giữa Văn phòng Nghiên cứu Hải quân và Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts.
Công việc đã khiến ông quan tâm đến những vụ đắm tàu và ông mong muốn tìm ra xác tàu Titanic. Năm 1982, Ballard tiếp cận các quan chức quân đội Mỹ để yêu cầu họ tài trợ cho công nghệ lặn của ông nhằm tìm kiếm tàu Titanic. Ông giới thiệu với họ về Argo, robot dưới nước sâu do ông phát triển.
Argo là tàu lặn không người lái trang bị sonar dài 4,6 m, rộng hơn 1 m và cao hơn 1 m có khả năng hoạt động ở độ sâu 6.000 m. Nó có một dãy camera nhìn về phía trước và phía dưới, cùng hệ thống đèn để chiếu sáng đáy đại dương. Camera của nó có thể ghi hình góc rộng và phóng to để xem chi tiết.
Một quan chức từ chương trình chiến tranh tàu ngầm hải quân trả lời rằng họ sẽ cấp tiền cho thiết bị nhưng không phải để tìm con tàu chở khách xấu số. Thay vào đó, họ muốn Ballard đi đến các địa điểm hai tàu hạt nhân Mỹ USS Thresher và USS Scorpion, lần lượt bị chìm ở Bắc Đại Tây Dương vào năm 1963 và 1968. Hải quân muốn Ballard chụp ảnh xác tàu. Họ đặc biệt quan tâm đến số phận của các lò phản ứng hạt nhân trên hai tàu ngầm này và liệu có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Liên Xô đã đánh chìm tàu Scorpion hay không.
Nếu Ballard hoàn thành nhiệm vụ đó sớm, ông có thể tìm tàu Titanic, nằm ở đâu đó giữa hai chiếc tàu ngầm đắm. Nhưng các quan chức hải quân khi ấy hoài nghi về khả năng Ballard tìm thấy bất cứ thứ gì, ông cho hay.
Tháng 8/1985, Ballard lên tàu khảo sát RVKnorr, triển khai Argo để kiểm tra hai tàu ngầm. Ballard và đội ngũ của mình phát hiện ra rằng hai tàu ngầm đã bị ép nát do áp suất cực lớn dưới biển. Ông nhận ra cách hải lưu ảnh hưởng đến mảnh vỡ: Những vật nặng hơn chìm nhanh hơn, tạo ra một vệt mảnh vỡ dưới đáy đại dương. Lần theo dấu vết mảnh vỡ dẫn họ đến phần còn lại của cả hai con tàu và giúp họ xác định vị trí dễ dàng hơn đáng kể so với việc trực tiếp tìm kiếm thân tàu.
Dữ liệu của Ballard cho thấy các lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm an toàn dưới đáy đại dương và không có tác động đến môi trường. Hải quân Mỹ nghiêng về giả thuyết tàu USS Scorpion chìm do một vụ nổ đã xảy ra trên tàu khiến nước tràn vào. Họ bác bỏ giả thuyết Liên Xô có liên quan, nói rằng không có dấu hiệu cho thấy tàu ngầm bị tấn công bởi vũ khí bên ngoài.
Ballard nhận ra kiến thức ông thu được từ nhiệm vụ kiểm tra hai tàu ngầm là bước đột phá mà ông hằng tìm kiếm. Nếu tìm thấy vệt mảnh vỡ của Titanic, ông có thể tìm thấy xác con tàu.
"Nó giống như một mũi tên chỉ cho ông biết phải đi hướng nào phải không?", người dẫn chương trình của ABC News Diane Sawyer hỏi Ballard trong một cuộc phỏng vấn năm 2008.
"Và nó chỉ ngay đến con tàu", ông trả lời.
Sau khi nhiệm vụ kiểm tra tàu ngầm kết thúc, Ballard bắt đầu cuộc tìm kiếm Titanic. Đội ngũ của ông triển khai Argo quét qua quét lại đáy đại dương để tìm dấu vết mảnh vỡ của Titanic.
Ngày 1/9/1985, Ballard đang nằm trên giường trên tàu nghiên cứu, đọc sách để đầu óc không bị căng thẳng thì một đầu bếp bước vào phòng. Cả đội muốn gặp Ballard.
Khi Ballard đến khoang điều khiển con tàu, các đồng nghiệp chỉ cho ông những gì Argo phát hiện ra. Một nồi hơi của tàu Titanic có thể được nhìn thấy qua đoạn phim trên màn hình nhiễu. 73 năm sau khi chìm, con tàu nổi tiếng nhất thế giới cuối cùng đã được tìm thấy.
Sau khi trở về trung tâm nghiên cứu đại dương ở Woods Hole, Massachusetts, đội tìm kiếm được chào đón như những người hùng. Tàu của tuần duyên Mỹ hú còi khi tàu nghiên cứu cập cảng. Ballard đứng trên khoang, nở nụ cười và giơ ngón tay cái lên làm dấu hiệu. Khoảng 100 phóng viên vây kín bến cảng và hai trực thăng của kênh truyền hình lượn trên đầu.
"Hải quân lúc đó nghĩ rằng tôi sẽ không tìm được tàu Titanic. Vì vậy, khi tôi thành công, họ thực sự lo lắng về mối quan tâm từ công chúng", ông nói với kênh National Geographic hồi năm 2008 về nhiệm vụ bí mật. "Nhưng mọi người quá quan tâm tới con tàu Titanic đến nỗi họ không mảy may kết nối các sự kiện lại với nhau".
Mặc dù tàu Titanic đã bị gãy làm đôi nhưng mũi tàu vẫn đứng thẳng. Một cửa sổ bị mất hé lộ không gian bên trong, nơi từng có một cầu thang trang trí công phu. Đáy đại dương rải rác những chiếc đĩa sứ, đồ nội thất và một chai champagne chưa mở. Đèn chùm vẫn treo trên trần tàu.
Cảnh tượng giống như một ngôi nhà bị ma ám, Ballard mô tả. Hầu hết mọi thứ còn nguyên vẹn, với rất nhiều đôi giày còn sót lại là dấu hiệu duy nhất của những người đã thiệt mạng.
Tổng thống Macron nói "không thể biện minh" cho hành vi bắn chết thiếu niên vi phạm giao thông của cảnh sát, sau khi sự việc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ.
"Một thiếu niên đã thiệt mạng, đó là điều không thể biện minh và không thể tha thứ. Không gì có thể biện hộ cho cái chết của thiếu niên này", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ngày 28/6.
Tổng thống Pháp nói sự việc cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi Nael M. vi phạm giao thông đã "làm chấn động đất nước". Ông cũng gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân. AFP nhận định đây là một trong những lần hiếm hoi ông Macron chỉ trích lực lượng thực thi pháp luật Pháp.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đăng lên Twitter kêu gọi mọi người cùng bình tĩnh kiềm chế cơn phẫn nộ để tìm ra sự thật. Chủ tịch Quốc hội Pháp Yael Braun-Pivet cùng ngày kêu gọi các nghị sĩ dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Nael M. và bày tỏ sự ủng hộ với bố mẹ cùng người thân của thiếu niên.
Nael M. hôm 27/6 bị hai cảnh sát chặn xe vì vi phạm giao thông, trong đó một sĩ quan chĩa súng về phía người cậu. Khi Nael M. rồ ga bỏ chạy, cảnh sát này đã nổ súng. Chiếc xe của Nael M. chạy thêm được vài chục mét trước khi đâm vào lề đường. Cậu được cấp cứu tại hiện trường nhưng không qua khỏi.
Cảnh sát nổ súng bắn Nael M., 38 tuổi, chưa được công bố danh tính, đã bị bắt và bị điều tra với cáo buộc giết người. Cái chết của Nael M. cũng châm ngòi các cuộc biểu tình ở Nanterre và một số vùng lân cận.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết 31 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình, 24 cảnh sát bị thương nhẹ và khoảng 40 chiếc xe hơi bị phóng hỏa. Giới chức nước này đã điều 2.000 cảnh sát để ứng phó các cuộc biểu tình.
Hai tuần trước, một thanh niên 19 tuổi bị cảnh sát bắn chết sau khi quẹt xe vào chân sĩ quan này ở thị trấn Angouleme, phía tây đất nước. Một số chính trị gia cho rằng cảnh sát không có quyền giết người chỉ vì họ không dừng xe.
Năm 2022, nước Pháp ghi nhận 13 trường hợp bị bắn chết sau khi từ chối dừng xe tại trạm kiểm soát giao thông, trong đó 5 cảnh sát đã bị truy tố.
Mỹ áp các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn hoạt động khai thác vàng của Wagner ở châu Phi, thề sẽ buộc nhóm này chịu trách nhiệm vì hành động bạo lực.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 27/6 công bố các biện pháp trừng phạt đối với Midas Resources, công ty điều hành mỏ khai thác ở Cộng hòa Trung Phi, cùng Diamville, công ty thu mua vàng và kim cương ở nước này. Washington cho biết cả hai công ty đều do Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn Wagner, kiểm soát.
Các biện pháp trừng phạt sẽ phong tỏa mọi tài sản của Midas Resources và Diamville ở Mỹ, coi việc giao dịch với hai công ty là tội hình sự. Đòn trừng phạt còn nhắm vào Industrial Resources General Trading, công ty ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, và công ty DM trụ sở Nga với cáo buộc xử lý các giao dịch của Diamville.
"Tập đoàn Wagner tài trợ cho các hoạt động một phần nhờ khai thác tài nguyên thiên nhiên ở những quốc gia như Cộng hòa Trung Phi và Mali. Mỹ sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào nguồn thu của Wagner để làm giảm sự bành trướng và bạo lực của họ ở châu Phi, Ukraine và bất kỳ nơi nào", Brian Nelson, quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nói.
Tập đoàn Wagner đã ký hợp đồng với quân đội các nước châu Phi và đóng vai trò đáng kể trong chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho rằng Wagner "mang đến chết chóc và sự hủy diệt ở bất cứ nơi nào lực lượng này đi qua, làm tổn thương người dân địa phương, khai thác khoáng sản và bòn rút tiền từ cộng đồng". Ông tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục các chính phủ châu Phi và nhiều nơi khác ngừng hợp tác với Wagner.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO, liên minh đang chạy nước rút để kết nạp Thụy Điển, song vấp nhiều trở ngại từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 26/6 cho biết ông sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong những ngày tới nhằm cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Thụy Điển gia nhập liên minh.
Theo quy chế của NATO, quyết định kết nạp thêm bất kỳ quốc gia nào đều phải được tất cả thành viên đồng thuận thông qua.
Đây được cho là nỗ lực cuối cùng nhằm giúp Thụy Điển trở thành thành viên NATO trước khi hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra vào tháng 7. Stockholm đã rất kỳ vọng rằng đây sẽ là dấu mốc quan trọng để họ được kết nạp vào NATO, sau rất nhiều trở ngại đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Stoltenberg cho hay ông đã tổ chức các cuộc đàm phán mới về việc kết nạp Thụy Điển với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng như các quan chức cấp cao Thụy Điển và quốc gia láng giềng Phần Lan, nước đã trở thành thành viên thứ 31 của tổ chức an ninh lớn nhất thế giới này hồi tháng 4.
"Chúng tôi đã đồng ý triệu tập một cuộc họp cấp cao tại Brussels, Bỉ, trước hội nghị thượng đỉnh" ở thủ đô Vilnius, Litva, bắt đầu từ 11/7, ông nói. "Mục đích là để đạt được tiến bộ trong nỗ lực đưa Thụy Điển gia nhập NATO".
Ông không tiết lộ thời gian diễn ra cuộc đàm phán mới, nhưng lưu ý rằng ngoại trưởng, giám đốc tình báo và cố vấn an ninh quốc gia các nước liên quan sẽ tham dự.
Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ lập trường không liên kết để nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, sau khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng đang trì hoãn chấp thuận Thụy Điển trở thành thành viên, song chưa công bố rõ ràng vướng mắc của họ là gì. Các quan chức NATO hy vọng nếu họ có thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng sẽ gật đầu.
Dù chấp thuận Phần Lan gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn từ chối phê duyệt tư cách thành viên của Thụy Điển do quốc gia Bắc Âu này chưa đáp ứng được các yêu cầu họ đưa ra, chủ yếu liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng dân quân mà Ankara cho là "khủng bố".
Ankara cũng cáo buộc chính phủ Thụy Điển đồng lõa với những cuộc biểu tình cực hữu, nơi người dân đốt các cuốn kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.
Gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn Thụy Điển hành động sau khi cáo buộc các nghị sĩ nước này chiếu cờ PKK lên tòa nhà quốc hội ở Stockholm để phản đối việc Tổng thống Erdogan tái đắc cử hồi cuối tháng 5. Phát ngôn viên quốc hội Thụy Điển thừa nhận có người chiếu hình ảnh lên mặt bên của tòa nhà, nhưng không có bằng chứng cụ thể về việc họ chiếu cái gì và ai chịu trách nhiệm, Reuters đưa tin.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng một nguyên nhân khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Thụy Điển gia nhập NATO là nhằm tránh gây mất lòng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Không lâu trước khi tái đắc cử, Tổng thống Erdogan đã nói với kênh CNN rằng ông và người đứng đầu Điện Kremlin có "mối quan hệ đặc biệt".
Theo giới chuyên gia, nhiệm vụ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một thách thức đối với Tổng thư ký Stoltenberg và quá trình kết nạp càng kéo dài, hệ quả của nó sẽ càng lớn.
Jacob Westberg, phó giáo sư Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, lưu ý rằng "các quốc gia không phải thành viên không thể tham gia đầy đủ vào kế hoạch phòng thủ của NATO". Điều này gây bất lợi cho cả chính NATO và Thụy Điển, dù hai bên đã có quá trình hợp tác lâu dài về quốc phòng.
Ví dụ, nếu NATO muốn nhanh chóng triển khai khí tài quân sự đến những quốc gia vùng Baltic và Phần Lan, phía đông biển Baltic, "sẽ rất hữu ích nếu họ có thể hoạt động trên lãnh thổ Thụy Điển", ông nói.
Westberg thêm rằng việc trì hoãn cũng đồng nghĩa NATO sẽ không thể tận dụng những khí tài quân sự của Thụy Điển, như hạm đội tàu ngầm ở biển Baltic và các chiến đấu cơ JAS Gripen hiện đại.
Giới phân tích từ lâu đã chỉ ra tầm quan trọng về địa chiến lược của Thụy Điển trong trường hợp xảy ra xung đột ở Bắc Âu, với đảo Gotland đôi khi được mô tả là "tàu sân bay không thể đánh chìm" ở Baltic.
Ngoài mục tiêu lên kế hoạch cho những kịch bản xấu nhất, Anna Wieslander, giám đốc phụ trách khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho hay những bất đồng liên quan đến kết nạp Thụy Điện có thể phơi bày rạn nứt của liên minh.
"Nếu NATO không thể kết nạp Thụy Điển, họ sẽ trông yếu đi đáng kể", bà nhận xét. Những chia rẽ kéo dài trong nội bộ có thể ảnh hưởng đến nỗ lực viện trợ Ukraine của NATO, bà nói thêm.
"Điều từng làm nên sức mạnh lớn nhất của liên minh trong cuộc khủng hoảng Ukraine là các thành viên có thể cùng nhau tiến lên và duy trì đoàn kết", Wieslander nhấn mạnh.
Các quan chức NATO và Thụy Điển hiện lo ngại rằng việc bỏ lỡ thời hạn 11/7, ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại Vilnius, sẽ truyền đi thông điệp nguy hiểm tới các đối thủ, trong đó có Nga.
"Nếu lỡ hẹn, điều này sẽ được những người như Tổng thống Putin hiểu rằng trong liên minh phương Tây đang tồn tại những liên kết yếu", một nhà ngoại giao NATO nhận định.
Một quan chức ngoại giao Đông Âu cho hay việc chậm trễ kết nạp Thụy Điển cũng sẽ tạo ra "cảm giác về quyền lực cũng như sức ảnh hưởng mà Tổng thống Erdogan có đối với liên minh".
Các quan chức NATO tin rằng một thỏa thuận có thể được thống nhất trước tháng 7, nhưng nó chắc chắn đi kèm với cái giá nhất định.
Nhiều người nhớ lại cách mà Tổng thống Erdogan đã đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), theo đó EU sẽ trao cho Thổ Nhĩ Kỳ 6,4 tỷ USD cùng các đặc quyền khác để đổi lấy việc Ankara tiếp nhận những người tị nạn Syria đang trên đường đến châu Âu.
Theo Luke McGee, nhà phân tích chính trị kỳ cựu từ CNN, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn quốc hội Mỹ phê chuẩn cho nước này mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Giới chức Mỹ hạn chế đề cập đến vấn đề này, nhưng ở hậu trường, họ nói rằng đây chắc chắn là một thỏa thuận cần tính đến.
Các nhà ngoại giao cũng nhận thức rõ rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn nghiêm trọng, với lạm phát tăng vọt và giá trị đồng tiền sụt giảm. Mặt khác, cả Mỹ và EU đều đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù có khả năng đạt được một thỏa thuận và các thành viên ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh có đòn bẩy của riêng mình, nguy cơ NATO lỡ hẹn vẫn rất lớn.
"Vấn đề nằm ở bản chất khó đoán của Tổng thống Erdogan. Cuộc bầu cử hồi cuối tháng 5 là lần gần nhất ông bị đe dọa quyền lực và giới quan sát lo ngại ông giờ đây sẽ tăng gấp đôi áp lực lên Thụy Điển về những yêu sách mà Ankara đưa ra liên quan đến PKK", McGee lưu ý.
Tổng thống Lukashenko nói ông đã gọi điện, đưa ra hàng loạt cảnh báo để thuyết phục trùm Wagner dừng nổi loạn, góp phần ổn định tình hình ở Nga.
"Ông ấy chịu áp lực, tác động từ chỉ huy những phân đội xung kích (ở Ukraine) và phải chứng kiến các thành viên thiệt mạng", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói ngày 27/6, kể lại quá trình ông làm trung gian hòa giải để trùm Wagner Yevgeny Prigozhin dừng nổi loạn ở Nga cuối tuần trước.
Prigozhin ngày 24/6 dẫn theo hàng nghìn tay súng từ chiến trường Ukraine về Nga để "đòi công lý", sau khi cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga không kích nhắm vào doanh trại của lực lượng này khiến nhiều người chết. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc trên.
Tổng thống Lukashenko mô tả Prigozhin là "anh hùng" nhưng đã bị chấn động vì nhiều thành viên Wagner thiệt mạng ở Ukraine và trùm Wagner đến thành phố Rostov-on-Don, thủ phủ tỉnh Rostov, trong trạng thái "nửa điên". Prigozhin sau đó quyết định tiến quân về thủ đô Moskva.
Lãnh đạo Belarus nói ông đã điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào 10h ngày 24/6 để trao đổi về bất ổn ở miền nam Nga.
"Điều nguy hiểm nhất, theo tôi hiểu, không phải tình hình lúc đó mà là những diễn biến tiếp theo và hệ quả đi kèm. Một quyết định mạnh tay có thể được lựa chọn là tiêu diệt. Tôi khuyên ông Putin không nên vội vàng. Hãy trao đổi với Prigozhin, với các chỉ huy của ông ấy", ông Lukashenko kể lại.
Tổng thống Putin cho biết Prigozhin sẽ không nghe điện thoại, do đó, ông Lukashenko đã tìm các đầu mối có thể liên hệ với trùm Wagner. "Đến trưa 24/6, chúng tôi thiết lập được ba kênh có thể liên lạc ở Rostov", theo ông Lukashenko.
Lãnh đạo Belarus nói ông gọi điện cho Prigozhin vào 11h và trùm Wagner "lập tức nhấc máy". Ông tìm cách nói lý suốt nhiều giờ với Prigozhin, người đang phẫn nộ vì "sự mục nát và kém cỏi" của các lãnh đạo quân đội Nga. Ông mô tả cuộc gọi có những từ ngữ thô tục "gấp 10 lần" bình thường.
"'Chúng tôi muốn công lý! Họ muốn bóp nghẹt chúng tôi! Chúng tôi sẽ đến Moskva!'", ông Lukashenko dẫn lại lời của Prigozhin. "Tôi đáp lại rằng 'ông sẽ bị nghiền nát như một con bọ khi được nửa đường'".
Tổng thống Belarus cũng cảnh báo rằng ông sẽ không làm trung gian đàm phán nếu có dân thường thiệt mạng. Ông đảm bảo cho trùm Wagner cùng các thành viên tổ chức an toàn nếu họ dừng nổi loạn. Ông Lukashenko nói trùm Wagner gọi điện lại vào khoảng 17h và chấp nhận các điều kiện.
Tối 24/6, Prigozhin lệnh cho lính Wagner đang tiến đến Moskva quay về doanh trại để "tránh đổ máu". Lực lượng Wagner nhanh chóng rút khỏi Rostov-on-Don và Voronezh. Điện Kremlin sau đó thông báo Prigozhin sẽ tới Belarus và không truy tố ông cùng các thành viên Wagner nổi loạn. Các tay súng Wagner có thể đi theo ông chủ hoặc ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga hay đơn giản là về nhà.
Trùm Wagner ngày 26/6 lên tiếng lần đầu từ sau cuộc nổi loạn, nói hoạt động của họ ngày 24/6 là "biểu tình phản đối, không nhằm lật đổ chính quyền", nhưng muốn Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov bị cách chức.
"Không ai đáp ứng yêu cầu của ông với ông Shoigu hay Gerasimov", ông Lukashenko kể cách ông đáp lại Prigozhin, cảnh báo trùm Wagner rằng Moskva được bảo vệ và tiếp tục nổi loạn chỉ khiến Nga chìm trong hỗn loạn.
Tổng thống Lukashenko ngày 27/6 xác nhận Prigozhin đang ở Belarus, cho biết Minsk sẽ hưởng lợi từ kinh nghiệm chiến đấu của Wagner. Lãnh đạo Belarus khẳng định không xây doanh trại cho Wagner, nhưng sẽ cung cấp chỗ ở nếu họ muốn và đã đề xuất một căn cứ quân sự bỏ hoang. Belarus cũng không có ý định để Wagner mở trung tâm tuyển mộ ở nước này.
Giới chức Nga và Wagner chưa bình luận về thông tin.
Tổng thống Macron bị cáo buộc xem nhẹ vấn đề thất nghiệp, sau khi ông nói với một người mẹ rằng con trai bà có thể tìm việc dễ dàng.
"Con trai bà muốn làm việc gì?", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hỏi một phụ nữ trong chuyến thăm thành phố cảng miền nam Marseille ngày 26/6, sau khi người này nói con trai 33 tuổi của mình không thể tìm việc làm và đang nợ tiền thuê nhà.
"Điều đó không quan trọng... việc gì cũng được!", bà trả lời.
Tổng thống Macron nói quá trình tìm việc ở Marseille không khó khăn như vậy. Ông cho rằng không có chuyện con trai bà muốn tìm việc và sẵn sàng làm bồi bàn nhưng lại không có lựa chọn nào.
"Tôi hứa với bà. Nếu tôi đi cùng bà quanh Cảng Vieux tối nay, tôi chắc chắn chúng ta sẽ có 10 lời mời làm việc", ông cho biết, nhắc đến khu vực có nhiều quán cà phê và nhà hàng ở thành phố.
Marylise Leon, chủ tịch công đoàn CFDT, cảnh báo Tổng thống Macron rằng "mọi chuyện không đơn giản như vậy".
"Tổng thống muốn gửi thông điệp gì đến những người đang phục vụ trong các quán cà phê và nhà hàng? Họ chỉ cần gõ cửa là có việc làm sao?", bà Leon nói với BFM TV. "Điều đó phủ nhận các kỹ năng và khó khăn trong môi trường làm việc".
Nghị sĩ đảng cực tả France Unbowed Mathilde Panot cho rằng "ông Macron đã trở thành một bức tranh biếm họa về chính mình".
Ông Macron, 45 tuổi, cũng từng gây tranh cãi liên quan các trao đổi về việc làm. Năm 2018, ông nói với một thanh niên rằng cậu chỉ cần "sang đường để tìm được việc". Hồi tháng 5, ông nói với một người rằng công việc "chỉ đang cách đó một mét".
Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đang khoảng 7%, thấp nhất kể từ đầu những năm 1980.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nghiên cứu khả năng phát triển tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao kết nối Việt - Trung khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh chiều 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam sớm mở thêm một số văn phòng xúc tiến thương mại tại nước này.
Thủ tướng cũng mong muốn Trung Quốc cấp thêm hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, nghiên cứu khả năng hợp tác phát triển tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao kết nối giữa hai nước.
Lãnh đạo chính phủ hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam, mong muốn hai bên tăng cường giao lưu nhân dân và tuyên truyền hữu nghị, góp phần xây dựng nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh, bền vững, lâu dài với Trung Quốc luôn là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Ông khẳng định Việt Nam kiên trì chính sách "Một Trung Quốc", quan tâm các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc và sẵn sàng trao đổi, thảo luận về các sáng kiến này.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng, là lựa chọn chiến lược trên sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương. Ông Tập mong muốn và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai đảng, hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất.
Chủ tịch Tập nói Trung Quốc sẽ giúp các nước đang phát triển thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, thúc đẩy tiếp xúc cấp cao và các cấp, các ngành. Trung Quốc cũng sẽ mở rộng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ và hạ tầng cửa khẩu.
Ông hoan nghênh Việt Nam tham gia các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc, cùng thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai lãnh đạo nhất trí cùng kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển, củng cố môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, xử lý thỏa đáng những vấn đề khác biệt trên tinh thần hữu nghị, phù hợp với nhận thức chung cấp cao và luật pháp quốc tế.
Thủ tướng mong Quốc hội Việt Nam và Trung Quốc sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò giám sát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hai bên triển khai nhận thức chung cấp cao và các văn kiện, thỏa thuận đã ký kết.
Ông Triệu Lạc Tế cho rằng việc giữ gìn đoàn kết hữu nghị Trung - Việt là nhu cầu hiện thực để vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa và thực hiện phát triển thịnh vượng của mỗi nước.
Ông nói Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện tốt các thỏa thuận, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới. Quốc hội Trung Quốc cũng sẵn sàng thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác với Quốc hội Việt Nam, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân từ 25 đến 28/6.
Nghị sĩ Nga đề nghị tăng lực lượng chính quy lên 7 triệu quân để đảm bảo an ninh quốc gia mà không cần đến các công ty quân sự tư nhân.
"Nước Nga không cần bất kỳ công ty quân sự tư nhân nào hay những thứ tương tự", nghị sĩ Leonid Slutsky, người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do Nga, đăng trên Telegram ngày 26/6. "Quân đội chính quy có một số vấn đề nhất định, nhưng các công ty quân sự tư nhân không thể giải quyết chúng".
Ông Slutsky, người từng tham gia một số cuộc đàm phán liên quan chiến dịch của Nga ở Ukraine, cho rằng Nga cần một đội quân chuyên nghiệp 7 triệu người, gồm cả quân nhân ký hợp đồng và nhân viên dân sự, bên cạnh lực lượng nghĩa vụ hiện nay, để đảm bảo an ninh quốc gia.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về tuyên bố này. Cuối năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh tăng lực lượng chiến đấu từ 1,01 triệu lên 1,15 triệu người. Với quyết định này, quy mô quân đội Nga, cả nhân viên quân sự và dân sự, tăng lên gần 2,04 triệu từ đầu năm nay.
Việc xây dựng đội quân 7 triệu người sẽ cần nguồn ngân sách khổng lồ, trong bối cảnh nền kinh tế Nga chịu nhiều ảnh hưởng do chiến sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đề xuất của nghị sĩ Slutsky được đưa ra sau khi Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, tiến hành cuộc nổi loạn cuối tuần qua, đe dọa an ninh quốc gia Nga. Cuộc nổi loạn chỉ chấm dứt khi Điện Kremlin và Prigozhin đạt thỏa thuận tránh đổ máu, trong đó lính Wagner rút về doanh trại, còn ông trùm được phép rời Nga đến Belarus.
Tuy nhiên, các hãng tin Nga cho biết cuộc điều tra của các cơ quan an ninh với hành vi đứng đầu cuộc nổi loạn của Prigozhin chưa khép lại.
Trong phát biểu hôm 26/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảm ơn lực lượng Wagner đã chọn phương án đúng đắn là "dừng ở lằn ranh cuối cùng để không xảy ra đổ máu".
Ông cũng đưa ra một số lựa chọn cho các thành viên Wagner là "tiếp tục phụng sự đất nước bằng cách ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga hay cơ quan thực thi pháp luật khác, trở về với gia đình và bạn bè hoặc tới Belarus nếu muốn".
Tổng thống Nga đưa ra các lựa chọn cho lính Wagner trong bài phát biểu đầu tiên từ khi vụ nổi loạn chấm dứt.
"Tôi cảm ơn những người lính và chỉ huy Wagner đã chọn phương án đúng đắn là dừng ở lằn ranh cuối cùng, không để huynh đệ tương tàn và xảy ra đổ máu", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong bài diễn văn dài 5 phút vào đêm 26/6.
Ông Putin đưa ra một số lựa chọn cho các thành viên Wagner là "tiếp tục phụng sự đất nước bằng cách ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga hay cơ quan thực thi pháp luật khác, trở về với gia đình và bạn bè hoặc tới Belarus nếu muốn".
"Kẻ thù của Nga muốn cảnh huynh đệ tương tàn nổ ra, trong đó có các phần tử tân phát xít tại Kiev và những người bảo trợ phương Tây của họ, cũng như những tên phản bội đất nước. Chúng muốn những người lính Nga bắn giết lẫn nhau", ông Putin nói.
Tổng thống Putin tuyên bố vụ nổi loạn của Wagner cuối tuần trước "dù sao cũng sẽ bị dập tắt", song ông chọn phương án mà mình cho là tối ưu để "tránh đổ máu nghiêm trọng".
"Các bên cần thời gian, đặc biệt để những ai phạm sai lầm có thể thức tỉnh, nhận ra hành vi của họ không được xã hội chấp nhận, hành động phiêu lưu đó chỉ chuốc lấy hậu quả thảm khốc và hủy diệt đất nước", ông Putin nói.
"Những kẻ tổ chức vụ nổi loạn đã phản bội đất nước và nhân dân, lôi kéo đồng đội phạm tội, lừa dối và đẩy họ vào chỗ chết", Tổng thống Putin nói, song không đề cập trực tiếp đến Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn Wagner và là người điều quân tham gia vụ nổi loạn ngày 24/6.
Tổng thống Nga khẳng định mọi thành phần xã hội Nga trong sự kiện vừa qua đã thể hiện lập trường kiên quyết ủng hộ trật tự hiến pháp, đồng thời nhận định vụ nổi loạn khiến dân Nga thêm đoàn kết và có trách nhiệm hơn với đất nước.
"Tôi biết ơn tất cả quân nhân, thành viên cơ quan thực thi pháp luật và đơn vị đặc nhiệm, đặc biệt những người tham gia chống vụ nổi loạn", ông Putin nói. "Lòng dũng cảm và sự hy sinh quên mình của các phi công anh hùng đã ngã xuống giúp bảo vệ nước Nga trước bi kịch thảm khốc".
Bài phát biểu của Tổng thống Putin được phát vài tiếng sau khi Prigozhin cũng lần đầu lên tiếng kể từ vụ nổi loạn. Trùm Wagner tái khẳng định sự kiện ngày 24/6 là "biểu tình phản đối" và phủ nhận cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.
Tổng thống Joe Biden ngày 26/6 cho biết còn quá sớm để nhận định tình hình liên quan vụ Wagner nổi loạn sẽ diễn biến ra sao trong tương lai, song khẳng định Mỹ sẽ đảm bảo rằng "các đồng minh và đối tác của chúng tôi liên kết chặt chẽ trong theo dõi và phản ứng với tình hình".
Ông Biden cũng tuyên bố cần đảm bảo Nga không có cớ đổ lỗi cho phương Tây hoặc NATO. "Chúng tôi đã nói rõ rằng không liên quan vụ nổi loạn", ông Biden nói, nhận định đây là vấn đề nội bộ của Nga.
Hàng nghìn lính Wagner ngày 24/6 tiến vào lãnh thổ Nga sau khi ông Prigozhin cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu chỉ đạo vụ tập kích vào doanh trại của tập đoàn, gây thương vong lớn. Bộ Quốc phòng Nga bác thông tin này.
Wagner hành quân 780 km trong gần một ngày, chiếm cơ sở quân sự ở hai thành phố Rostov-on-Don và Voronezh ở miền nam nước Nga. Khi còn cách Moskva khoảng 200 km, Prigozhin quyết định rút quân để tránh đổ máu, sau khi đạt được thỏa thuận với Điện Kremlin thông qua trung gian là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Các hãng tin Nga cho biết cuộc điều tra Prigozhin của các cơ quan an ninh chưa khép lại, dù trùm Wagner đã đạt thỏa thuận với Điện Kremlin.
Công nương Kate tham gia trận đấu giao hữu cùng tay vợt huyền thoại Federer tại Wimbledon, sau đó gặp các cô bé và cậu bé nhặt bóng.
Trận giao hữu giữa Công nương Kate và Roger Federer diễn ra trên sân đấu ở Wimbledon, Anh ngày 25/6. Trước khi bắt đầu, Federer hỏi Công nương Kate muốn giao bóng trước hay không. "Tôi nghĩ anh nên giao bóng", Công nương nói.
Trong trận đấu ngắn, Công nương Kate giành được một điểm trước Federer, người từng 8 lần vô địch giải Wimbledon. Federer sau đó nhận xét "trận đấu diễn ra suôn sẻ, thật tuyệt vời".
Công nương Kate là người bảo trợ hoàng gia của All England Club và thường xuyên theo dõi các trận đấu trong khuôn khổ giải Wimbledon trên khu vực khán đài VIP. Công nương Kate gần đây nhận trách nhiệm trao cúp cho nhà vô địch giải đấu.
Kate và Federer sau đó thử công việc nhặt bóng trên sân. Họ muốn làm nổi bật vai trò quan trọng của những cô bé, cậu bé làm nhiệm vụ này, cũng như quá trình luyện tập của họ để đủ điều kiện tham gia giải Wimbledon danh tiếng.
"Wimbledon nổi tiếng với những cô bé và cậu bé nhặt bóng với kỹ năng chuyên nghiệp đảm trách khối lượng công việc đáng kinh ngạc. Thật khó tin khi được chứng kiến cảnh hậu trường", Công nương Kate nói.
Federer sau đó thi đấu với một đối thủ khác và Kate làm nhiệm vụ nhặt bóng. Cô bắt lấy một quả bóng bay về phía mình. Federer và một cô bé giải thích rằng những người nhặt bóng trong giải đấu tại Australia có thể làm vậy, nhưng ở Wimbledon thì phải để bóng rơi xuống và nảy lên mới có thể bắt.
Giải Wimbledon được tổ chức tại All England Club ở Wimbledon, London từ năm 1877, được coi là giải đấu tennis lâu đời và uy tín nhất trên thế giới. Wimbledon là một trong 4 giải Grand Slam, các giải còn lại là Australia Mở rộng, Pháp Mở rộng và Mỹ Mở rộng. Wimbledon là giải đấu lớn duy nhất tổ chức trên sân cỏ.
Federer, 42 tuổi, được coi là một trong những tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại, từng 20 lần vô địch Grand Slam. Federer tuyên bố giải nghệ năm ngoái và chơi trận cuối cùng trong sự nghiệp 24 năm với Rafael Nadal tại Laver Cup ở London.
Ngoại trưởng Lavrov thông báo các cơ quan chuyên trách của Nga đang điều tra liệu tình báo phương Tây có liên quan vụ Wagner nổi loạn hay không.
"Tôi không làm việc tại cơ quan thu thập bằng chứng về hoạt động bất hợp pháp, song chúng tôi có các đơn vị chuyên trách và tôi đảm bảo họ biết cách làm điều này", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 26/6 cho biết khi được hỏi có bằng chứng cho thấy tình báo phương Tây hoặc Ukraine liên quan vụ Wagner nổi loạn hay không.
Bình luận về thông tin tình báo Mỹ có thể sớm phát hiện dấu hiệu nổi loạn của Wagner, ông Lavrov nói "nếu tôi nhớ không nhầm, CNN đưa tin tình báo Mỹ biết về vụ nổi loạn sắp diễn ra trong vài ngày, song quyết định không thông báo cho ai. Rõ ràng họ hy vọng vụ nổi loạn sẽ thành công".
Ngoại trưởng cho biết Đại sứ Mỹ tại Nga Lynne Tracy đã thảo luận với các đại diện của Nga hôm 25/5 và đưa ra "tín hiệu" rằng Mỹ không liên quan đến cuộc nổi loạn. Ông nói thêm rằng Đại sứ Tracy đã nhấn mạnh vụ nổi loạn là vấn đề nội bộ của Nga.
Ông Lavrov thông báo các đơn vị của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner sẽ tiếp tục hoạt động tại Mali và Cộng hòa Trung Phi. "Các thành viên Wagner đang làm việc tại đây với tư cách huấn luyện viên và tất nhiên công việc này sẽ tiếp tục", ông Lavrov nói.
Mỹ và các quốc gia phương Tây chưa bình luận về phát ngôn của Ngoại trưởng Nga.
Wagner ngày 26/6 thông báo trụ sở chính của tập đoàn tại thành phố St. Petersburg "vẫn hoạt động bình thường theo luật pháp của Liên bang Nga bất chấp các sự kiện đã xảy ra", đề cập tới vụ nổi loạn trước đó hai ngày. Tập đoàn này khẳng định "đã nỗ lực cho tương lai của Nga" và cảm ơn những người ủng hộ Wagner.
Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Wagner, ngày 24/6 điều hàng nghìn thành viên tập đoàn tiến vào tỉnh Rostov sau khi cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu chỉ đạo vụ tập kích vào doanh trại của họ, gây thương vong lớn. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin này.
Lực lượng Wagner tiến vào Rostov-on-Don, thủ phủ tỉnh Rostov, kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam của Nga. Các đơn vị Wagner sau đó tới thành phố Voronezh và Lipetsk ở phía nam thủ đô Moskva, giới chức Nga mở chiến dịch chống khủng bố tại hai thành phố này để đối phó.
Sau cuộc đàm phán do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian, ông Prigozhin đồng ý rút lực lượng và lệnh cho các đơn vị Wagner quay về doanh trại để tránh đổ máu. Điện Kremlin ngày 25/6 thông báo ông Prigozhin sẽ rời Nga và tới Belarus, đồng thời ông cùng các thành viên Wagner tham gia vụ nổi loạn không bị truy tố.
Giới chức Nga cho biết một số ngôi nhà và đường giao thông hư hại trong vụ Wagner nổi loạn, đồng thời ghi nhận một đám cháy lớn tại tỉnh Voronezh có thể liên quan tới sự việc. Họ cho biết không ghi nhận thiệt hại nào về người.
Tình báo Mỹ từ giữa tháng 6 thu được thông tin cho thấy trùm Wagner đã lên kế hoạch hành động vũ trang ở Nga, dù chưa rõ quy mô.
Tờ Washington Post ngày 24/6 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết tình báo nước này từ hai tuần trước đã khẩn cấp thông báo cho Nhà Trắng và các cơ quan khác trong chính phủ để họ không bị bất ngờ về hành động của Wagner.
Tình báo Mỹ lúc ấy chưa nắm rõ bản chất và thời gian chính xác trong kế hoạch hành động vũ trang chống lại quân đội Nga của trùm Wagner Yevgeniy Prigozhin, nhưng họ có đủ cơ sở để báo cáo với các lãnh đạo Mỹ rằng "điều gì đó sắp xảy ra", một quan chức giấu tên cho hay. "Vì vậy tôi nghĩ họ đã lường trước tình huống đó".
Theo quan chức này, trong hai tuần qua các lãnh đạo Mỹ đã "lo ngại cao độ" về những gì có thể xảy ra, như tình huống nào có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của Nga, trong đó mối lo lớn nhất là bất ổn do xung đột vũ trang bên trong nước Nga.
Tình báo Mỹ đã thông báo khẩn cấp cho Nhà Trắng và các cơ quan chính phủ khác như Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao. Quốc hội cũng liên tục nhận được thông tin tình báo trong hai tuần qua.
CNN cũng đưa tin quốc hội Mỹ trong tuần qua cũng đã được các quan chức tình báo thông báo về tin tức liên quan đến Wagner.
Theo tình báo Mỹ, nguyên nhân chính dẫn đến hành động của Prigozhin là Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/6 ban hành lệnh tất cả đơn vị tình nguyện phải ký hợp đồng với quân đội, điều có thể đặt Wagner dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng.
Giới chức quân sự Ukraine cũng theo dõi động tĩnh của Prigozhin sau thông báo ngày 10/6 và ngày càng tin rằng trùm Wagner có thể huy động lực lượng chống lại quân đội, một quan chức cấp cao Ukraine cho hay. Theo quan chức này, Prigozhin đã công khai phản đối yêu cầu ký hợp đồng của Bộ Quốc phòng và các quan chức Ukraine đánh giá nghiêm túc khả năng ông có thể có hành động vũ trang.
Tuy nhiên, giới chức Ukraine không biết thời điểm Prigozhin hành động. Quan chức Ukraine cũng không rõ liệu Mỹ có chia sẻ thông tin tình báo với Kiev về kế hoạch của Prigozhin hay không.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã được thông báo rằng Prigozhin đang toan tính điều gì đó. "Không rõ ông Putin được thông báo khi nào, nhưng chắc chắn là hơn 24 giờ trước khi Wagner hành động", quan chức Mỹ cho hay.
Hiện vẫn chưa rõ tại sao Tổng thống Putin không hành động sớm hơn để ngăn Wagner kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam ở Rostov và hướng về phía Moskva.
"Nếu Prigozhin có ý định chia rẽ Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga và Điện Kremlin thì ông ấy đã thất bại", một quan chức cấp cao phương Tây nhận định.
Trùm Wagner rạng sáng 24/6 điều hàng nghìn tay súng từ chiến trường Ukraine vượt qua biên giới Nga, tiến vào tỉnh Rostov sau khi cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo thực hiện vụ tập kích tên lửa nhắm vào trại huấn luyện của Wagner, gây thương vong lớn. Quân đội Nga bác bỏ điều này.
Wagner tiến vào thành phố Rostov-on-Don, thủ phủ tỉnh Rostov, kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam Nga. Lực lượng này cũng tiến tới thành phố Voronezh và Lipetsk ở phía nam thủ đô Moskva, khiến Nga mở chiến dịch chống khủng bố tại đây để đối phó.
Tới tối cùng ngày, Prigozhin ra lệnh cho thành viên Wagner đang tiến đến Moskva quay lại và trở về doanh trại để "tránh đổ máu". Rạng sáng 25/6, Điện Kremlin thông báo Prigozhin sẽ rời Nga tới Belarus và ông này cùng các thành viên Wagner tham gia nổi loạn không bị truy tố.
Vụ nổi loạn của Wagner được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Nga đối mặt trong hàng chục năm qua. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev gọi cuộc nổi loạn là kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng nhằm giành quyền lực.