Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

Giám đốc từng mất chức vì hoài nghi độ an toàn của tàu Titan

Hãng OceanGate năm 2018 sa thải giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải Lochridge sau khi ông nêu lo ngại về độ an toàn của tàu lặn Titan.

Trong vụ kiện tại bang Washington cách đây 5 năm, OceanGate, công ty vận hành và sở hữu tàu lặn Titan, cáo buộc giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải David Lochridge vi phạm thỏa thuận bảo mật khi tiết lộ các thông tin bí mật và độc quyền.

Ông Lochridge trong đơn phản tố cho biết bị OceanGate sa thải vào tháng 1/2018 sau khi nêu "những lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn liên quan đến thiết kế chưa được thử nghiệm và kiểm chứng của tàu lặn Titan", theo tài liệu được AFP công bố ngày 20/6.

Cựu giám đốc này bày tỏ lo ngại khi OceanGate từ chối thực hiện kiểm tra không phá hủy đối với thiết kế thân tàu, phương pháp nhằm tìm lỗi bên trong hoặc ngoài vỏ mà không gây tổn hại đến mẫu kiểm tra.

Trong đơn phản tố, Lochridge cho biết thiết kế cửa quan sát của tàu lặn chỉ chịu được áp suất cho phép ở độ sâu 1.300 mét, song Ocean đã lên kế hoạch đưa khách xuống độ sâu 4.000 mét. "OceanGate từ chối trả tiền cho nhà sản xuất để thiết kế cửa quan sát đáp ứng độ sâu 4.000 mét cần thiết", tài liệu cho biết.

Tàu lặn Titan trong phóng sự của CBS hồi năm ngoái. Ảnh: CBS

Cựu giám đốc Lochridge cảnh báo hành khách trên tàu có thể gặp nguy hiểm khi tàu lặn xuống quá sâu. "Ông Lochridge ban đầu nói với ban giám đốc OceanGate về lo ngại liên quan kiểm soát chất lượng và độ an toàn của tàu lặn Titan, song ý kiến này bị bỏ qua", tài liệu có đoạn.

Ông Lochridge cũng đề nghị OceanGate đánh giá tàu Titan thông qua cơ quan chuyên môn như Cục Thuyền vận Mỹ. "Thay vì giải quyết những lo ngại mà ông Lochridge nêu ra, tìm cách khắc phục vấn đề và đảm bảo an toàn cho tàu Titan, hoặc đánh giá qua cơ quan chuyên môn, OceanGate làm điều ngược lại là lập tức sa thải ông", theo hồ sơ tòa án.

Cựu giám đốc Lochridge, thủy thủ tàu lặn kiêm thợ lặn đến từ Scotland, bắt đầu làm việc cho OceanGate từ tháng 5/2015 với tư cách nhà thầu độc lập. Ông Lochridge sau đó được thăng chức giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải của OceanGate.

Hồi tháng 3/2018, Hiệp hội Công nghệ Hàng hải từng gửi thư cho giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush để bày tỏ quan ngại về tàu Titan. "Chúng tôi lo ngại phương pháp thử nghiệm hiện tại của OceanGate có thể dẫn tới những kết quả tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng cho mọi người trong ngành", thư có đoạn.

Vị trí xác tàu Titanic trên Đại Tây Dương. Đồ họa: Guardian

Tàu lặn Titan chở theo 5 người, bắt đầu chuyến tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương hôm 18/6 và mất tích cùng ngày. Giới chức Mỹ và Canada đã triển khai nhiều nguồn lực cho chiến dịch tìm kiếm.

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian, trong bối cảnh Titan chỉ đủ dưỡng khí cho 96 giờ, tính từ khi bắt đầu lặn lúc 6h ngày 18/6. Tại cuộc họp báo ngày 20/6, quan chức tuần duyên Mỹ Jamie Frederick ước tính lượng dưỡng khí còn lại chỉ đủ cho 40 giờ.

Tàu chở khách Titanic bị chìm sau khi đâm phải núi băng trôi vào năm 1912, khiến 1.514 trong tổng số 2.224 người trên tàu thiệt mạng. Xác Titanic được tìm thấy năm 1985 ở độ sâu gần 4.000 m, cách Newfoundland của Canada khoảng 600 km.

OceanGate trụ sở ở Everett, bang Washington, Mỹ bắt đầu mở tour du lịch ngắm xác tàu Titanic với chi phí khoảng 250.000 USD mỗi người từ năm 2020. Các du khách sẽ trải qua 8 ngày trên biển, được đưa xuống khu vực xác Titanic bằng tàu lặn có sức chứa 5 người.

Thanh Tâm (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét