Thảm kịch tàu Titan khiến Michael Guillen nhớ lại trải nghiệm đau đớn khi mắc kẹt trong tàu lặn tại vị trí tương tự vào năm 2000.
"Tôi là một trong những phóng viên đầu tiên được chứng kiến xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương. Điều đó khiến tôi thấy rất phấn khích", Michael Guillen, tiến sĩ vật lý Mỹ kể lại chuyến đi với tư cách là phóng viên khoa học của đài ABC cách đây 23 năm.
Trong chuyến thám hiểm đó, Guillen đi cùng người bạn Brian và lái tàu người Nga tên là Viktor trong chiếc tàu lặn Mir-1 của Nga được thả xuống từ tàu mẹ Akademik Mstislav Keldysh. Sau khi quan sát mũi tàu Titanic một cách thuận lợi ở độ sâu 3.800 m, họ quyết định di chuyển tới phần đuôi tàu cách đó khá xa.
Tàu Titanic bị đắm ngày 15/4/1912 sau khi đâm phải tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. Trước khi chìm xuống đáy biển, tàu chở khách của Anh đã bị tách làm đôi.
"Khi đi qua khu vực có nhiều mảnh vỡ để tiếp cận khu vực đuôi tàu, chúng tôi bị cuốn vào dòng hải lưu mạnh. Cuối cùng, Mir-1 bị mắc kẹt vào chân vịt khổng lồ của tàu Titanic", ông Guillen kể.
"Sau cú va chạm, chúng tôi thấy những khối rỉ sét của tàu Titanic rơi xuống tàu lặn", ông kể. "Lúc đó tôi đã nghĩ mình sẽ không thoát nổi".
Viktor, từng là phi công tiêm kích MiG của Nga, đã tìm cách đưa tàu lặn thoát ra ngoài.
"Giống như chiếc xe của bạn bị mắc kẹt trong bùn và bạn phải tìm cách tiến lùi để thoát ra", ông nói. "Chúng tôi đều im lặng vì không muốn làm phiền hay khiến Viktor phân tâm. Chúng tôi hiểu mình đang trong tình thế nghiêm trọng, nên quyết định giữ im lặng".
Tàu lặn Mir-1 loay hoay suốt một giờ dưới đáy biển tối đen, khi Viktor quyết định tắt đèn để tiết kiệm năng lượng. "Trong thời gian đó, tôi đã nhiều lần nghĩ rằng mình sẽ không thể thoát. Tôi sẽ không bao giờ quên những khoảnh khắc nghĩ rằng mình sẽ chết", Gullen nói.
Đúng lúc đó, Gullen có cảm giác tàu lặn đang nổi lên. "Tôi quay sang Viktor và hỏi 'có ổn không?'. Anh ấy trả lời bằng một chất giọng khàn khàn rằng 'không vấn đề gì'", ông kể. "Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm"
Nhờ kỹ năng điều khiển của Viktor, tàu lặn Mir-1 cuối cùng cũng thoát ra khỏi chân vịt của Titanic và đống đổ nát. Họ mất khoảng 2 tiếng rưỡi để trở lại mặt nước và những người trên tàu mẹ đã nhận ra tàu lặn vừa thoát chết trở về.
Vào năm 2000, chỉ có hai nước có thể phát triển tàu lặn chịu được áp lực nước khổng lồ là Pháp và Nga, theo Guillen.
Mir là lớp tàu lặn sâu tự hành. Dự án ban đầu được phát triển bởi Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cùng với Cục Thiết kế Trung ương Lazurit và sau đó đặt hàng Phần Lan sản xuất. Hai tàu lặn Mir-1 và Mir-2 được thiết kế và chế tạo bởi công ty Oceanics của Phần Lan, dưới sự giám sát của các kỹ sư Viện Hải dương học Shirshov của Nga.
Hai tàu lặn được bàn giao vào năm 1987 và do Viện Hàn lâm Khoa học Nga vận hành để nghiên cứu khoa học dưới đáy biển sâu và cũng có thể hỗ trợ hoạt động cứu hộ tàu ngầm.
Tàu lặn Mir dài 7,8 m, rộng 3,6 m, cao 3 m và nặng 18.600 kg. Tàu này có thể đạt độ sâu tối đa theo thiết kế là 6.000 m. Trong thử nghiệm thực địa, Mir-1 có thể xuống tới độ sâu 6.170 m và Mir-2 là 6.120 m.
Động cơ đẩy thủy lực phía sau và hai động cơ đẩy hai bên giúp tàu lặn Mir có thể di chuyển với vận tốc khoảng 9 km/h. Tàu được trang bị hệ thống dưỡng khí đủ cho thủy thủ đoàn 3 người dùng trong 3,42 ngày.
"Tôi sợ nước nên việc thám hiểm đáy đại dương thật khó khăn", tiến sĩ Guillen nói, nhưng thừa nhận rằng ông không thể từ chối cơ hội hấp dẫn để tìm hiểu và đưa tin về xác tàu Titanic.
Trước chuyến lặn, thủy thủ đoàn đã được hướng dẫn về những gì có thể xảy ra với tàu Mir-1.
"Chúng tôi được nghe chia sẻ về câu chuyện có thật khi một người đàn ông bị mắc kẹt trong tàu lặn. Phản ứng bản năng đầu tiên của ông ấy là tìm tới cửa thoát ngay trên đầu và tìm cách mở ra. Ngay khi ông ấy cố mở cửa, tia nước áp lực cực cao xịt vào khiến ông ấy thiệt mạng ngay lập tức", Gullen kể lại.
Guillen đã rất lo kịch bản này lặp lại với con tàu của mình. Ông nói trong lúc mắc kẹt, ông trở nên cảnh giác và sẵn sàng ngăn cản bất kỳ ai có những hành động hoảng loạn tương tự.
"Là nhà khoa học, tôi lập tức nghĩ tới lượng dưỡng khí của chúng tôi còn bao nhiêu và chúng tôi có thể làm gì. Tôi đã nghĩ làm thế nào chúng tôi thoát khỏi đó và tôi đã có lúc phải thừa nhận thực tế rằng chúng tôi không có lối thoát. Đó là khi suy nghĩ mình sẽ chết xuất hiện trong đầu tôi", ông kể.
Thanh Tâm (Theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét