Một số người cho rằng đập Kakhovka vỡ vì kết cấu suy yếu sau nhiều thập kỷ hoạt động, song nhiều chuyên gia nghiêng về khả năng công trình bị phá hoại.
Sáng sớm 6/6, đập thủy điện Kakhovka, nơi chứa lượng nước nhiều nhất trong số 6 con đập được xây từ thời Liên Xô trên sông Dnieper, bất ngờ bị vỡ, khiến hàng tỷ mét khối nước tràn xuống hạ lưu, gây ngập lụt khu vực rộng lớn ở Kherson.
Con đập bắt đầu vỡ vào khoảng 2h50 sáng 6/6, nhưng trong nhiều giờ sau đó, Vladimir Leontiev, thị trưởng do Nga bổ nhiệm tại thành phố Nova Kakhovka ở dưới chân con đập khẳng định tình hình vẫn "bình thường" và bác bỏ thông tin về bất cứ sự cố nào với đập Kakhovka.
Nhưng đến sáng, khi video con đập bị vỡ bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, Leontiev thay đổi tuyên bố của mình, thừa nhận con đập đã bị vỡ. Ngay sau đó, nhiều blogger ủng hộ Điện Kremlin và truyền thông nhà nước Nga đưa ra giả thuyết đập Kakhovka tự sụp đổ do suy yếu cấu trúc theo thời gian.
Đập Kakhovka đã hoạt động gần 70 năm, khiến một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân suy yếu cấu trúc gây vỡ đập không thể bị loại trừ.
"Kakhovka là đập trọng lực bằng bê tông, cao 35 mét và dài 85 mét. Đây là loại đập rất phổ biến trên thế giới. Nếu được thiết kế và xây dựng tốt, cũng như bảo trì đầy đủ, khả năng xảy ra sự cố là rất thấp", Craig Goff, giám đốc kỹ thuật kiêm trưởng nhóm về đập và hồ chứa tại công ty tư vấn HR Wallingford, nói. "Tuy nhiên, không rõ con đập đã được bảo trì như thế nào trong hơn một năm xung đột".
Khu vực xung quanh đập là một trong những nơi chứng kiến giao tranh ác liệt và con đập từng chịu thiệt hại trước đó. Một số đoạn ở phía bắc đập và vài cửa xả đã bị ảnh hưởng trong vụ nổ nhỏ vào tháng 11 năm ngoái, khi Nga rút quân khỏi bờ tây sông Dnieper và Kherson trước đà tiến công của Ukraine.
Ukraine sau đó giành lại thành phố Kherson nằm ở bờ tây sông Dnieper, nhưng Nga vẫn kiểm soát khu vực bờ đông con sông và cả đập Kakhovka.
Ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy con đường phía trên đập vẫn nguyên vẹn vào ngày 28/5, nhưng trong ảnh chụp ngày 5/6, một ngày trước khi đập vỡ, một phần con đường này đã bị sụp. Hiện chưa rõ việc con đường phía trên mặt đập bị hư hại ảnh hưởng thế nào đến kết cấu của thân đập.
Dữ liệu cho thấy mực nước trong hồ chứa của đập Kakhovka cũng ở mức cao kỷ lục trong tháng trước, theo Hydroweb. Vladimir Rogov, quan chức chính quyền do Nga bổ nhiệm ở tỉnh Zaporizhzhia, hôm 5/5 cho biết mực nước trong hồ chứa Kakhovka đã tăng 17 mét, cao hơn 2,5 mét so với mức bình thường.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ hoài nghi về giả thuyết này, bởi đập Kakhovka được xây dựng rất vững chãi và các dấu hiệu thực tế cho thấy con đập không bị vỡ do yếu tố tự nhiên.
"Nếu do áp lực nước quá lớn ở thượng nguồn, thân đập sẽ chỉ bị vỡ một đoạn, rồi từ đó chỗ thủng dần mở rộng ra. Nhưng hình ảnh hiện trường cho thấy thân đập bị vỡ hai đoạn đồng thời, cho thấy đây không phải sự cố do nguyên nhân tự nhiên", Chris Binnie, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Exeter kiêm chủ tịch công ty về môi trường và năng lượng thủy triều ở Anh, nói.
Chuyên gia Goff cho hay thiết kế của đập Kakhovka đã tính đến mực nước rất cao, thậm chí lũ lụt nghiêm trọng. Công trình này cũng có đập tràn cho nước có thể chảy qua khi mực nước lên quá cao.
Andy Hughes, kỹ sư về hồ chứa ở Anh, cho hay với công trình khổng lồ như vậy, kết cấu của nó phải gặp nhiều vấn đề đồng loạt mới có thể giải phóng hồ chứa 18 tỷ mét khối nước. "Đập trọng lực được thiết kế để chống lại sức ép rất lớn", ông nói.
Việc thân đập bị hư hại dần dần sau những đợt pháo kích của hai bên vài tháng qua cũng khó có thể khiến công trình này sụp đổ.
"Đập Kakhovka được xây dựng để có thể chống chịu được một vụ nổ bom hạt nhân", Ihor Syrota, giám đốc Ukrhydroenergo, công ty thủy điện Ukraine, cho hay. "Để có thể phá hủy thân đập từ bên ngoài, cần ít nhất ba quả bom ném từ máy bay, mỗi quả nặng 500 kg, cùng rơi trúng một điểm".
Bởi vậy, Syrota cho hay những quả đạn pháo hay tên lửa rơi rải rác xuống thân đập không đủ uy lực để gây ra sự cố về kết cấu khiến công trình sụp đổ.
Peter Mason, kỹ sư về đập và thủy điện ở Anh, cũng nhận định rằng các cuộc pháo kích từ bên ngoài không thể gây ra vụ vỡ đập như vậy.
NOSAR, tổ chức độc lập của Na Uy theo dõi động đất và các vụ nổ hạt nhân, ghi nhận tín hiệu địa chấn mạnh tại khu vực đập Kakhovka vào 2h54 sáng 6/6, rất gần với thời điểm đập vỡ.
"Khi thấy tin tức về vụ vỡ đập, tôi nghĩ phải kiểm tra dữ liệu để xem đó là vụ nổ hay chỉ là lỗi kết cấu trúc. Sau đó chúng tôi thấy dữ liệu về vụ nổ gần đập hoặc ngay tại con đập", Anne Lycke, giám đốc điều hành NOSAR, nói.
Hiện chưa rõ phát hiện của NOSAR có phải là nguyên nhân gây vỡ đập hay không. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghiêng về giả thuyết đập bị đặt thuốc nổ phá hoại từ bên trong.
Chuyên gia cho rằng đập Kakhovka bắt đầu bị vỡ từ phần trung tâm, gần nhà máy thủy điện, trước khi mở rộng ra xung quanh. Họ cho rằng để phá hủy hoàn toàn con đập như vậy đòi hỏi nhiều khối thuốc nổ được đặt bởi chuyên gia ở những điểm có cấu trúc yếu nhất.
Gareth Collett, kỹ sư chất nổ và là cựu lãnh đạo hiệp hội xử lý bom chuyên nghiệp ở Anh, cho hay khi một vụ nổ xảy ra ở không gian kín bên trong thân đập, toàn bộ năng lượng của nó sẽ tác động đến mọi cấu trúc xung quanh, gây ra sức phá hủy lớn nhất.
Khi các vụ nổ xảy ra trong phần thân đập chìm dưới nước, sức công phá sẽ tăng lên, theo các chuyên gia.
"Các vụ nổ dưới nước có thể tăng thêm sức mạnh đáng kể cho sóng xung kích đánh vào cấu trúc", Collett nói.
Phần trung tâm của đập có thể đã trở thành mục tiêu của các vụ nổ có kiểm soát để làm ngập nhà máy thủy điện và khiến các bức tường của nó sụp đổ. Điều này đồng nghĩa đây là "hoạt động có chủ ý được nhắm mục tiêu cẩn thận".
Về mặt lý thuyết, các thiết bị nổ đặt trong nhà máy thủy điện có thể làm vỡ các đường ống dẫn nước qua tuabin, khiến nhà máy bị ngập và các bức tường của nó sụp đổ, trước khi khi phần còn lại của công trình bị phá hủy.
"Nhận định chung hiện tại là dường như đã có ai đó phá hủy con đập. Tuy nhiên, chúng tôi hiện chưa thể nói chắc chắn", Mason nói.
Các chuyên gia cho rằng để tìm ra nguyên nhân chính xác gây vỡ đập Kherson cần một cuộc điều tra độc lập để xem xét mọi dấu vết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, cuộc điều tra như vậy là bất khả thi.
Ngày 30/5, một tuần trước khi vụ vỡ đập xảy ra, chính phủ Nga thông qua luật về "đảm bảo an toàn cho các cấu trúc thủy lợi" tại 4 tỉnh vừa sáp nhập ở Ukraine. Đạo luật này cấm tiến hành các cuộc điều tra về những sự cố với công trình thủy điện, thủy lợi liên quan đến chiến sự, hành động phá hoại hay khủng bố trước ngày 1/1/2028. Đạo luật được Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký thông qua và có hiệu lực từ ngày ban hành.
Thanh Tâm (Theo WSJ, CNN, TASS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét