Nhiều binh sĩ Ukraine sống trong lo lắng thường trực vì mối đe dọa từ UAV Lancet, khi Nga tăng cường sử dụng loại vũ khí này để tập kích.
Truyền thông Nga hôm 24/6 công bố video máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet tập kích tổ hợp pháo tự hành CAESAR được Pháp viện trợ cho Ukraine, khiến nó phát nổ dữ dội. Nhiều video được quân đội Nga đăng trước đó cũng cho thấy UAV Lancet phá hủy radar của hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T và nhiều khí tài do phương Tây chuyển cho Kiev.
Các binh sĩ Ukraine cho biết Lancet đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn tại khu vực tiền tuyến những tháng qua, khi quân đội Nga sử dụng triệt để loại khí tài này để phá hủy mục tiêu đắt tiền của đối phương. "Tần suất triển khai Lancet hiện nay cao hơn nhiều so với hồi đầu năm", Doc, lính pháo binh Ukraine 35 tuổi đang tham chiến tại mặt trận Avdiivka ở tỉnh Donetsk, nói.
Samuel Bendett, chuyên gia về UAV tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, cho rằng Bộ Quốc phòng Nga đang hối thúc các nhà máy quốc phòng tăng sản lượng UAV Lancet, coi đây là biện pháp rẻ tiền đề hủy diệt những khí tài hiện đại của phương Tây được Ukraine sử dụng trong chiến dịch phản công quy mô lớn.
Chi phí sản xuất mỗi chiếc Lancet vào khoảng 35.000 USD, so với mức giá 4,3 triệu USD cho một tổ hợp pháo tự hành CAESAR. Con số này là gần 17 triệu USD với radar TRML-4D của hệ thống IRIS-T, việc mất radar cũng khiến tổ hợp trị giá 150 triệu USD bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
UAV tự sát được thiết kế để mang thuốc nổ lao vào tập kích mục tiêu phía sau phòng tuyến đối phương. Không giống UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất.
Loại vũ khí này có kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ và dễ dàng triển khai. Chúng rất khó bị các hệ thống radar, cảm biến phát hiện và tạo ra thách thức rất lớn với các hệ thống phòng không Ukraine. UAV tự sát còn được gọi là "đạn tuần kích", do chúng có khả năng quần thảo trong thời gian dài trên bầu trời và chỉ lao xuống tấn công khi xác định được mục tiêu cụ thể.
"Nga dường như đang áp dụng chiến thuật từng được Ukraine triển khai trước đây, đó là dụ các mục tiêu quan trọng tiến đến khu vực trống trải rồi phá hủy chúng bằng UAV tự sát", Bennett nói.
Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, thừa nhận sự phổ biến của UAV Lancet đang gây ra nhiều khó khăn cho chiến dịch phản công. "Mỗi ngày chúng tôi bắn rơi một đến hai phi cơ, nhưng không may tỷ lệ đánh chặn không đạt mức 100%", ông cho hay.
Lancet được trang bị đầu nổ tương đối nhỏ, chỉ nặng 1,5-5 kg, có thể là đầu đạn nổ mảnh hoặc nổ lõm xuyên giáp. "Dù yếu hơn nhiều so với đạn pháo hoặc tên lửa thông thường, chúng vẫn có thể gây thiệt hại đáng kể", ông Sak nói thêm.
Lực lượng Nga thường triển khai UAV trinh sát để phát hiện mục tiêu, sau đó điều Lancet thực hiện đòn tập kích. Cảm biến trên Lancet sẽ ghi lại quá trình lao tới mục tiêu và truyền hình ảnh trực tiếp về đài chỉ huy để đánh giá hiệu quả của đòn tấn công. UAV cũng có chế độ lái thủ công, cho phép người điều khiển chọn vị trí công kích, tăng tối đa hiệu quả sát thương.
"Điều này khiến nó khác biệt với dòng Shahed-136 do Iran chế tạo, vốn chỉ bay theo lộ trình nạp sẵn và kíp vận hành không thể can thiệp sau khi nó cất cánh", cố vấn Ukraine nhận xét.
Bendett nói rằng phiên bản Lancet 3 mới nhất có thể đạt tầm bay 50 km, cho phép tấn công những mục tiêu nằm sâu trong hậu phương Ukraine. Khả năng lượn trên không để sục sạo và truy đuổi mục tiêu khiến nó là mối đe dọa lớn với những khí tài giá trị cao như xe tăng, pháo tự hành và pháo phản lực phóng loạt.
Một trong những vũ khí của Ukraine thường xuyên bị Lancet đe dọa là pháo phản lực BM-21 Grad, gồm 40 ống phóng đạn cỡ nòng 122 mm đặt trên khung gầm xe tải. Hỏa lực và khả năng cơ động cao của Grad khiến nó được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Lancet.
Voron, thành viên khẩu đội Grad tham chiến gần Avdiivka, từng suýt chết trong cuộc tập kích hụt của UAV Lancet hồi đầu tháng 5.
Sau khi khai hỏa về phía lực lượng Nga, tổ hợp Grad của Voron lập tức bị tấn công trả đũa bằng tên lửa S-300. Quả đạn rơi cách xe phóng khoảng 150 m và không gây nguy hiểm, nhưng một chiếc Lancet nhanh chóng xuất hiện trên bầu trời và đuổi theo tổ hợp Grad.
"Chúng tôi quyết định bỏ chạy. UAV lao xuống và phát nổ cách xe chúng tôi khoảng 50 m. Ơn Chúa là nó không đâm trúng xe phóng", Voron nhớ lại.
UAV tự sát như Lancet thường bay thấp và chậm, gây khó khăn cho những hệ thống phòng không truyền thống được thiết kế nhằm đối phó mục tiêu bay nhanh và có diện tích phản xạ radar lớn như tiêm kích. Các biện pháp phòng vệ như lưới và lồng thép có thể hạn chế một phần thiệt hại do Lancet gây ra, nhưng không phải lúc nào cũng chống đỡ được đòn tập kích của nó.
"Biện pháp phòng thủ tốt nhất là sử dụng pháo tự động được dẫn bắn bằng radar để đối phó Lancet. Nếu không có những hệ thống như vậy, lính Ukraine thường xuyên phải tìm cách bắn rơi Lancet bằng súng bộ binh. Đây không phải điều dễ dàng, khi chúng rất nhỏ và thường bay với tốc độ trên 100 km/h", cố vấn Sak nói.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét