Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho rằng Việt Nam cần nâng cao chất lượng hàng hóa, tận dụng hệ thống logistics để thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trước thềm sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Quốc tế (WEF) ở Thiên Tân ngày 25-28/6, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Hành lang xuất nhập khẩu trở nên thông thoáng hơn, thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc mở rộng nhu cầu và hợp tác thương mại với các nước ASEAN được Trung Quốc coi trọng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Đại sứ Mai cho biết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đang gặp một số thách thức do sự phục hồi tiêu dùng tại Trung Quốc chưa đạt kỳ vọng, cũng như áp lực cạnh tranh từ hàng hóa từ các nước khác và hàng hóa nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam vẫn có lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc muốn ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 63,2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ theo thống kê của Hải quan Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, trong đó xuất khẩu gạo tăng 62,8%, xuất khẩu sầu riêng tăng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, để tận dụng hơn nữa tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững thị phần xuất khẩu ở thị trường là những địa phương tiếp giáp Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu tới các địa bàn tiềm năng khác như khu vực Hoa Bắc, Hoa Đông, miền trung và miền tây của Trung Quốc.
Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế thị trường như hệ thống logistics thuận tiện, thương mại điện tử, gia tăng vận tải đường biển và đường sắt, giảm áp lực xuất khẩu bằng đường bộ.
Đại sứ cho rằng Việt Nam cần nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường Trung Quốc đối với những nhóm hàng hóa, gia tăng chất lượng và số lượng các chương trình phổ biến cập nhật thông tin về thị trường Trung Quốc.
Biện pháp thứ tư là đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ lớn và có uy tín tại nước bạn.
Ngoài phương diện kinh tế, Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc còn là cơ hội cho lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi chiến lược, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chính trị. Chuyến thăm sẽ xác định các biện pháp nhằm triển khai toàn diện nhận thức chung, tạo xung lực cho việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.
Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp hai nước sẽ tiếp tục trao đổi các biện pháp nhằm kiểm soát tốt bất đồng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên biển, tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, góp phần tích cực vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới.
Thanh Danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét