Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Ca sinh ở Nhật giảm mạnh do đại dịch

Số trẻ chào đời hàng năm ở Nhật dự kiến chỉ còn dưới 800.000 vào năm tới, sớm hơn 10 năm so với dự đoán, do ảnh hưởng của đại dịch.

Dựa trên số ca mang thai được báo cáo và các dữ liệu khác, Takumi Fujinami thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản ước tính số ca sinh hàng năm là 848.000 trong năm nay và 792.000 vào năm 2021, chỉ bằng 1/3 mức thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau chiến tranh. Dự báo năm 2017 của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia cho rằng con số này xuống dưới 800.000 trong 12 năm tới.

Xu hướng này có nguy cơ gây thêm áp lực lên nhóm dân số trong độ tuổi lao động, vốn hỗ trợ mạng lưới an sinh xã hội của đất nước.

Y tá chăm sóc trẻ sơ sinh trong một bệnh viện ở Nhật Bản đầu năm nay. Ảnh: Nikkei.

Y tá chăm sóc trẻ sơ sinh trong một bệnh viện ở Nhật Bản đầu năm nay. Ảnh: Nikkei.

Bệnh viện Aiwa ở tỉnh Saitama thường xử lý hơn 2.500 ca sinh mỗi năm. Tuy nhiên, bệnh viện chứng kiến sự sụt giảm khoảng 5% từ tháng 4 đến tháng 11 ở những bệnh nhân lần đầu đến khám để xác nhận mang thai và các dịch vụ khác, so với cùng kỳ năm trước, và sẽ ít hơn gần 20% số ca sinh vào tháng 1 và tháng 2/2021 so với hai tháng đầu năm 2020, mức giảm gần như chưa từng có.

Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển Trẻ em cũng nhận thấy sự sụt giảm ca sinh trong hai tháng đầu năm 2021 và sự phục hồi chậm chạp từ tháng 3 trở đi. "Có thể có những người đang do dự có con do vấn đề kinh tế và sự thiếu ổn định về tương lai", Haruhiko Sago, quan chức cấp cao của trung tâm cho biết.

Tình trạng sụt giảm ca mang thai cũng được ghi nhận trong dữ liệu chính thức. Số liệu thống kê của Bộ Y tế công bố hôm 24/12 cho thấy số ca mang thai được báo cáo trong 10 tháng đầu năm 2020 giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm 17,6% vào tháng 5, thời điểm sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. Các điểm nóng về dịch bệnh đã trải qua mức giảm đặc biệt nghiêm trọng từ tháng 4 đến tháng 10, với 9,1% ở Tokyo, 8,1% ở Hokkaido và 7,6% ở Osaka.

Sự sụt giảm hôn nhân gần đây cũng là nguyên nhân đáng lo ngại. Theo số liệu sơ bộ, có 424.000 cuộc hôn nhân trong 10 tháng đầu năm, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2019. Fujinami cảnh báo xu hướng tránh kết hôn "có thể dẫn đến giảm tỷ lệ sinh trung và dài hạn".

Điều này sẽ tiếp tục khiến dân số Nhật Bản, vốn đã bị thu hẹp, ngày càng giảm. Dựa trên tỷ lệ sinh hiện tại, Takuya Hoshino thuộc Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-ichi dự đoán dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống dưới 100 triệu người vào năm 2049, sớm hơn 4 năm so với ước tính của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia. Điều đó đồng nghĩa dân số Nhật sẽ giảm hơn 25 triệu người, gấp hai lần dân số Tokyo, trong ba thập kỷ tới.

Hoshino nhận thấy nguy cơ thay đổi văn hóa do đại dịch gây ra, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái về sinh đẻ và hôn nhân.

"Nếu những ca làm việc như làm việc ở nhà diễn ra và mọi người ít ra ngoài hơn, họ sẽ có ít hơn cơ hội gặp các đối tượng kết hôn tiềm năng", ông nói. "Các biện pháp sẽ cần được thực hiện sau đại dịch để đưa các ca sinh và hôn nhân trở lại mức cũ".

Trong vài năm qua, chính phủ Nhật đã cố gắng thực hiện những thay đổi đối với hệ thống bảo hiểm xã hội của Nhật Bản để giảm bớt gánh nặng cho những người trẻ tuổi. Nhưng những cải cách có thể không theo kịp với sự sụt giảm nhanh hơn dự kiến của dân số trong độ tuổi lao động và gánh nặng kinh tế đè nặng lên người trẻ có thể tiếp tục ngăn cản việc kết hôn và nuôi dạy con cái, dẫn đến một vòng luẩn quẩn.

Huyền Lê (Theo Nikkei)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét