Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

LHQ phát hiện uranium rất gần cấp độ vũ khí ở Iran

IAEA phát hiện các phân tử uranium làm giàu ở tỷ lệ 83,7%, rất gần với cấp độ vũ khí, tại nhà máy Fordow của Iran.

Báo cáo ngày 28/2 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho thấy họ đang thảo luận với Iran về nguồn gốc các phân tử uranium được làm giàu ở cấp độ rất cao này. Uranium làm giàu ở cấp độ vũ khí có độ tinh khiết khoảng 90%.

Các phân tử uranium có độ tinh khiết 83,7% được thanh sát viên của IAEA phát hiện tuần trước tại các máy ly tâm tiên tiến ở nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordow (FFEP), nơi Tehran đang làm giàu uranium với cấp độ 60%. IAEA trước đó đã chỉ trích Iran không thông báo về những thay đổi đáng kể đối với máy ly tâm tại cơ sở này.

Dù trường hợp mức độ làm giàu uranium tăng đột biến có thể xảy ra ngẫu nhiên, giới quan sát cho rằng mức tăng này là "tương đối lớn".

"Các phân tử U-235 làm giàu trên 60% xuất hiện sau khi máy ly tâm ở FFEP được thay đổi cấu hình. Tehran sau đó cho biết 'một số biến động ngoài ý muốn về mức độ làm giàu có thể đã xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp hoặc thay thế xi lanh'", báo cáo của IAEA có đoạn.

Ảnh vệ tinh nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordow (FFEP) ở Iran hồi năm 2016. Ảnh: Times of Israel.

Ảnh vệ tinh nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordow (FFEP) ở Iran hồi năm 2016. Ảnh: Times of Israel.

Báo cáo của IAEA cũng cho biết trữ lượng uranium làm giàu 60% của Iran đã tăng thêm 25,2 kg so với báo cáo quý trước, lên mức 87,5 kg. Tổng dự trữ uranium làm giàu 60% hoặc thấp hơn của Tehran ước tính hơn 3,7 tấn.

Theo IAEA, 42 kg uranium làm giàu 60% được coi là lượng vật chất hạt nhân đáng kể, có khả năng sản xuất được bom hạt nhân.

Tehran khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích hòa bình và phục vụ hoạt động dân sự, chưa bao giờ có tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử. Nhưng uranium làm giàu 60% là mức cao hơn nhiều so với giới hạn 3,67% theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran với các cường quốc thế giới.

Theo thỏa thuận Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) năm 2015, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt.

Mỹ và Israel từ lâu bày tỏ quan ngại về năng lực hạt nhân của Iran. Cựu tổng thống Donald Trump năm 2018 đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Iran. Tehran cũng từ bỏ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả.

Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán hồi sinh JCPOA từ năm 2021, với EU làm trung gian, nhưng nỗ lực này cho đến này chưa có tiến triển.

Uranium được làm giàu như thế nào?

Quá trình làm giàu uranium. Video: AFP.

Đức Trung (Theo Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Người đàn ông bị vợ đánh suốt 20 năm, luôn phải trang điểm để che dấu vết

Dù cao lớn hơn hẳn vợ nhưng mỗi lần bị vợ đánh, Richard chỉ biết cuộn người lại như bào thai, cố gắng trang điểm để che dấu vết bạo hành trước khi ra ngoài.

Bà mẹ ba con Sheree Spencer (45 tuổi, ở Bubwith, East Yorks, Anh), vốn là giám thị trại giam, vừa bị bỏ tù vì tội bạo hành chồng suốt 20 năm qua.

Sheree đã biến cuộc sống của Richard chồng mình thành địa ngục trần gian khi liên tục tấn công ông cả về thể xác lẫn tinh thần. Những trận đòn và lời nói sỉ nhục của vợ để lại cho ông những tổn thương lâu dài. 

Sau mỗi lần bị vợ đánh, cào cấu, Richard phải trang điểm để che đi những dấu vết bạo hành trước khi đưa con đến trường. Đa số những lần bà Spencer đánh chồng, ba đứa con của họ đều chứng kiến.

Ông Spencer đã bí mật quay video và ghi âm lại những lần bị vợ đánh. Sau đó, ông gửi các file bằng chứng vào email của mình và xóa dữ liệu khỏi điện thoại để vợ không phát hiện.

Người đàn ông bị vợ đánh suốt 20 năm, luôn phải trang điểm để che dấu vết-1"Vũ thê' Sheree Spencer

Ông Spencer bắt đầu phải chịu đựng những cơn thịnh nộ dữ dội của vợ từ trước khi cưới vài tháng, tức vào năm 2000. Người phụ nữ này đánh chồng cả khi say hay tỉnh, dù ông có tuân theo mọi yêu cầu của mình hay không.

Theo lời khai của ông Spencer trước tòa, mặc dù to lớn và khỏe mạnh hơn vợ nhưng ông không đánh lại khi bị bà hành hung. Nạn nhân nói ông dường như đã miễn nhiễm với những đau đớn thể xác mà vợ gây ra cho mình, nhưng vết sẹo tinh thần thì lại khó xóa nhòa.

"Từng chút một, tôi đánh mất sự độc lập, ý chí của mình và chấp nhận rằng cuộc sống của tôi sẽ luôn diễn ra như vậy. Tôi làm theo mọi yêu cầu của Sheree, cô ấy kiểm soát hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của tôi, từ những việc nhỏ như tôi có thể ngủ ở phòng nào và thậm chí cả việc tôi có thể sử dụng nhà vệ sinh nào. Dần dần tôi bị cô lập khỏi gia đình và bạn bè, nợ nần chồng chất khiến tôi cảm thấy bị mắc kẹt" - ông Spencer trần tình.

Người đàn ông bị vợ đánh suốt 20 năm, luôn phải trang điểm để che dấu vết-2Ông Richard Spencer

Trong những lần bị vợ đánh, việc duy nhất ông Spencer có thể làm là cố kiềm chế vợ để tránh bị thương nặng, nhưng việc bị chồng ôm chặt lại càng khiến bà nổi điên hơn. "Sau một thời gian, tôi học cách lấy tay che mặt và cuộn người lại thành tư thế bào thai, cố gắng tránh những vết thương có thể nhìn thấy trên mặt, để tôi vẫn có thể đưa bọn trẻ đến trường và nhà trẻ" - người chồng đáng thương cho biết.

Giọt nước tràn ly khiến bà Spencer phải ra tòa và bị xử tù là vụ tấn công chồng vào tháng 4/2021, khi bà dùng một cái chai thủy tinh đánh chồng.

Trước tòa, bà Spencer đã thừa nhận hành vi cưỡng chế và kiểm soát cũng như ba tội danh tấn công gây tổn hại cơ thể chồng. Tòa kết án Spencer 4 năm tù.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/VmuRq2D

Adblock test (Why?)

Ông Putin ký luật đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ

Tổng thống Nga đã ký luật đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới với Mỹ, sau khi tài liệu được quốc hội thông qua.

Theo luật được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua và công bố ngày 28/2, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington, đã bị đình chỉ. Luật có hiệu lực kể từ thời điểm được công bố.

Nội dung luật có điều khoản quy định việc Moskva quay lại New START sẽ hoàn toàn do Tổng thống Nga quyết định.

Ông Putin cũng đã ký luật chấm dứt các điều ước quốc tế của Hội đồng châu Âu với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến với chính phủ từ ngoại ô Moskva ngày 11/1. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến với chính phủ từ ngoại ô Moskva ngày 11/1. Ảnh: Reuters.

Thượng viện Nga thông qua dự luật sau cuộc bỏ phiếu trong phiên họp ngày 22/2. Hạ viện Nga trước đó cũng đưa ra quyết định tương tự. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 28/2 khẳng định Nga sẽ không tham gia New START với Mỹ tới khi nào Washington lắng nghe lập trường của Moskva.

New START được ký tại Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tổng thống Mỹ Barack Obama. Hiệp ước có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Thỏa thuận giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.

New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sau khi Mỹ hồi năm 2018 quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) ký với Nga.

Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Putin gọi New START là di sản của thời kỳ Nga - Mỹ không coi nhau là đối thủ. "Phương Tây tìm cách gây thất bại chiến lược cho chúng tôi và len lỏi vào các cơ sở hạt nhân của chúng tôi. Hôm nay tôi buộc phải thông báo rằng Nga sẽ ngừng tham gia", ông cho hay.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích Nga đình chỉ tham gia New START là "vô trách nhiệm và vô cùng đáng tiếc". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo động thái của Nga có thể đánh dấu sự kết thúc của cấu trúc kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moskva và Washington đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu.

Huyền Lê (Theo TASS)

Adblock test (Why?)

Mèo cưng bị đánh, vợ ra tay sát hại chồng

Trong nhiều ngày, việc con mèo bị đánh luôn trở thành đề tài của các cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng và cuối cùng kết thúc bằng vụ án mạng trong cơn thịnh nộ.

Vụ án mạng đẫm máu

Vụ án mạng đẫm máu xảy ra vào ngày 2/6/2018 tại khu phố Fall Manor Drive thuộc thành phố Dallas (bang Texas, Mỹ). Người phụ nữ 47 tuổi thừa nhận đã bắn chết chồng mình trong một cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng.

Mèo cưng bị đánh, vợ ra tay sát hại chồng-1Mary Harrison

Khoảng 7h sáng hôm đó, những người hàng xóm nghe thấy tiếng cãi vã trong ngôi nhà mà Mary Harrison sống cùng chồng là Dexter Harrison (49 tuổi) và con trai. Tuy nhiên, không ai để ý cho tới khi nghe thấy tiếng súng vang lên. Thời điểm đó, cảnh sát cũng nhận được cuộc gọi từ con trai của Mary. Họ nhanh chóng có mặt tại hiện trường sau khi nhận được tin báo.

Đến nơi, cơ quan chức năng phát hiện Dexter nằm trong vũng máu. Mary lập tức thừa nhận mình là người bắn chồng và đã bảo con gọi cho cảnh sát. Nạn nhân được đưa ngay đến bệnh viện nhưng bác sĩ cho biết anh đã tử vong trước khi tới được đây.

Cơn thịnh nộ chết người

Tại đồn cảnh sát, Mary khai rằng trước đó, con mèo cưng của gia đình đã bị thương do Dexter đánh không rõ vì lý do gì. Con mèo tên là Smokey bị gãy xương sườn và sau đó bỏ đi. Mary đã dán nhiều thông báo trong khắp khu phố để tìm kiếm con mèo bị mất tích. Cuối cùng nó cũng được tìm thấy và đưa về gia đình.

Mèo cưng bị đánh, vợ ra tay sát hại chồng-2Con mèo Smokey bị gãy xương sườn sau khi bị đánh

Tuy nhiên sự việc không dừng lại ở đó. Smokey tiếp tục trở thành trung tâm của cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng và cuối cùng kết thúc bằng vụ nổ súng trong cơn thịnh nộ.  

Mary cho biết đây không phải lần đầu tiên chồng mình ngược đãi những con vật trong nhà. Việc này đã diễn ra nhiều lần với hai con mèo và một con chó mà gia đình cô nuôi. Người phụ nữ nói rằng dù chồng không trực tiếp đe dọa cô và con trai nhưng trước hành vi, thái độ của anh, cô sợ hai mẹ con sẽ có lúc gặp nguy hiểm.

Mary bị truy tố tội giết người nhưng đã đồng ý thỏa thuận nhận tội để được giảm nhẹ thành ngộ sát. Người phụ nữ cuối cùng chịu mức án 5 năm tù.

Theo Người đưa tin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/lbEH8cF

Adblock test (Why?)

Nỗi đau không tìm thấy thân nhân sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Gulhan Aslan túc trực bên đống đổ nát của một tòa nhà suốt ba tuần với hy vọng tìm thấy con gái 23 tuổi nhưng không có kết quả.

Zeyna, con gái của Gulhan Aslan, ở lại nhà bạn trong tòa Ronesans Residence, thành phố Antakya, khi miền nam Thổ Nhĩ Kỳ rung chuyển vì trận động đất mạnh 7,8 độ sáng sớm 6/2. Hơn ba tuần sau thảm họa, cô gái 23 tuổi vẫn chưa được tìm thấy.

Khoảng 80 người ở Ronesans Residence đang mất tích, theo các thân nhân. Hoạt động cứu hộ tại hiện trường đã dừng lại, nhường chỗ cho quá trình tái thiết, với các máy xúc dọn dẹp đống đổ nát. Aslan cùng chồng Mevlut giờ đây tìm đến các bệnh viện, níu giữ hy vọng Zeyna bằng cách nào đó vẫn sống sót và đang được điều trị.

"Chúng tôi chết dần từng ngày", Mevlut nói.

Một người đàn ông ngồi chờ trong lúc lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau động đất ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/2. Ảnh: AFP.

Một người đàn ông ngồi chờ trong lúc lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau động đất ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/2. Ảnh: AFP.

Thảm họa động đất tính đến ngày 28/2 đã khiến 44.374 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ, 5.951 người chết tại Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói hơn 185.000 tòa nhà với 554.000 căn hộ đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng. Số người chết dự kiến còn tăng do nhiều thi thể vẫn mắc kẹt dưới các lớp gạch đá. Nhiều gia đình có thể không bao giờ biết được số phận của người thân.

Trận động đất biến Ronesans Residence, tòa nhà 249 căn hộ, thành một nấm mồ khổng lồ. Các đội tìm kiếm cứu hộ với chó nghiệp vụ rời đi sau khoảng một tuần làm việc. Máy móc hạng nặng được chuyển đến, bởi giới chức thay đổi ưu tiên từ tìm kiếm thi thể sang dọn dẹp.

AFAD chưa bình luận về thông tin.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không công bố số liệu người mất tích. Năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu trận động đất mạnh khiến khoảng 17.000 người chết và khoảng 300 người vẫn còn mất tích sau đó một năm. Ali Utku Sahin, chuyên gia về thảm họa và tình trạng khẩn cấp tại Đại học Hatay Mustafa Kemal, ước tính số người đang bị chôn vùi riêng ở tỉnh Hatay là vài nghìn.

Tại hiện trường, nhân viên AFAD kiểm tra từng gàu xúc đất đá trước khi đổ đi. Tuy nhiên, do bụi quá nhiều và nhiều nơi không có nước để rửa bụi, các thi thể hoặc một phần thi thể cũng có nguy cơ biến mất theo, Sahin nói.

Việc nhận dạng các nạn nhân cũng gặp khó khăn. "Mục tiêu đầu tiên là không được làm tổn hại các thi thể", Umit Bicer, chuyên gia pháp y tại Đại học Kocaeli, từng tham gia nhận dạng thi thể sau thảm họa năm 1999, nói. "Nếu bất cẩn, chúng ta có thể tạo ra nhiều thi thể không rõ danh tính hơn".

Cách Ronesans Residence vài dãy nhà, một người đàn ông cùng con gái với vẻ mặt nhợt nhạt, thiếu ngủ đứng theo dõi khi máy xúc đào qua phòng khách trong căn nhà đổ sập của họ. "Mẹ mặc gì vậy con?", người đàn ông hỏi. Cô bé trả lời "mẹ mặc thứ gì đó màu nâu".

Khi các nhà xác và bệnh viện kín chỗ, thi thể sẽ được chôn trong mộ vô danh được gắn số thứ tự như trong hồ sơ của cảnh sát. Giới chức sẽ lấy mẫu xét nghiệm ADN và khi có kết quả, họ sẽ khai quật thi thể có số thứ tự tương ứng.

Không biết số phận người thân là một trong những tổn thương khó vượt qua nhất với con người, Pauline Boss, nhà trị liệu, giáo sư danh dự tại Đại học Minnesota, nói. "Dù khó khăn, con người vẫn có thể vượt qua khi biết người thân đã mất. Nhưng với sự mất mát mơ hồ, nỗi đau đó sẽ kéo dài mãi mãi".

Một phụ nữ cầm ảnh người cháu mất tích sau thảm họa động đất ở tỉnh Hatay ngày 12/2. Ảnh: AFP

Một phụ nữ cầm ảnh người cháu mất tích sau thảm họa động đất ở tỉnh Hatay ngày 12/2. Ảnh: AFP

Ở Antakya, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã dọn dẹp xong đống đổ nát của Ronesans Residence cuối tuần trước. Thân nhân chỉ biết chắc Zeyna đã ở trong tòa nhà khi động đất xảy ra. Dilan Akansel, bạn của Zeyna, xác nhận đã để bạn trai ở lại với Zeyna trong căn hộ của cô ở Ronesans khi cô đi làm ca đêm hôm đó.

"Tôi thà tiếp nhận thi thể của con bé trong một ngôi mộ, còn hơn là không có gì như lúc này", bà Aslan nói.

Như Tâm (Theo WSJ, AFP)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Philippines muốn tuần tra chung với Australia, Nhật ở Biển Đông

Quan chức Philippines thông báo nước này đang thảo luận phương án mời Australia và Nhật Bản tham gia hoạt động tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông.

"Các cuộc họp đã được ấn định và có khả năng Australia, Nhật Bản sẽ tham gia. Họ muốn góp mặt vào các cuộc tuần tra chung để bảo đảm quyền tự do đi lại. Ý tưởng vẫn đang được thảo luận", Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết hôm 27/2.

Tàu chiến Nhật Bản, Australia diễn tập chung ở vùng biển phía đông Philippines hồi năm 2021. Ảnh: US Navy.

Tàu chiến Nhật Bản, Australia diễn tập chung ở vùng biển phía đông Philippines hồi năm 2021. Ảnh: US Navy.

Nếu kế hoạch trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu Philippines tổ chức tuần tra đa phương trên Biển Đông. "Mỹ, Nhật Bản và Australia từng diễn tập hải quân ba bên, hoạt động tuần tra chung với những nước này sẽ mang lại lợi ích cho Philippines và cả khu vực. Chúng tôi muốn duy trì quyền tự do đi lại", ông Romualdez nói thêm.

Giới chức Mỹ, Nhật Bản và Australia chưa bình luận về thông tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Philippines Carlito Galvez Jr. hồi đầu tháng nhất trí khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông để giúp giải quyết những thách thức an ninh.

Phát ngôn viên Cảnh sát biển Philippines (PCG) Jay Tarriela tuần trước các cuộc đàm phán giữa Manila và Washington đang tiến triển, thêm rằng khả năng lực lượng chấp pháp hai nước tuần tra chung trên các vùng biển quanh Philippines là "khá cao".

Cựu phó tư lệnh hải quân Philippines Rommel Jude Ong nói rằng triển khai cảnh sát biển để tuần tra chung, thay vì điều động hải quân, sẽ "hạn chế nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng" trong khu vực.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS.

Đây là một trong những động thái được cho là sẽ tăng đáng kể sức ép với Trung Quốc, quốc gia đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn" để tuyên bố chủ quyền phi pháp với phần lớn diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Lực lượng Nga thông báo áp sát trung tâm Bakhmut

Dân quân Donetsk cho biết các đơn vị Wagner đang chiến đấu trong nội thành Bakhmut và lực lượng Nga có điều kiện thuận lợi để bao vây thành phố.

"Các đơn vị tiền phương của tập đoàn an ninh tư nhân Wagner về cơ bản đang chiến đấu ở trung tâm Bakhmut, sau khi tiến vào thành phố dưới sự yểm trợ hỏa lực của các lực lượng quân đội", Igor Kimakovsky, cố vấn của lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết hôm 27/2.

Phát biểu được đưa ra sau khi một chỉ huy trung đội của Wagner tuyên bố các tay súng đang ở cách trung tâm Bakhmut chưa đầy hai km. Ông Kimankovsky nói rằng mọi tuyến đường ra vào Bakhmut đang nằm trong tầm hỏa lực của Nga, nhưng họ sẽ không vội vàng bao vây hoàn toàn thành phố.

Khói bốc lên tại một khu nhà trong nội thành Bakhmut hôm 13/2. Ảnh: AP.

Khói bốc lên tại một khu nhà trong nội thành Bakhmut hôm 13/2. Ảnh: AP.

"Quân đội Ukraine vẫn có thể di chuyển binh lực dọc theo tuyến đường nối Bakhmut với Chasov Yar. Họ cũng tìm cách lập đường mòn để tiếp viện và quyết bám trụ thành phố, dù chịu thiệt hại rất nặng", cố vấn Kimankovsky nói thêm.

Denis Pushilin, lãnh đạo DPR, cho biết tình hình thực địa đã "thay đổi đáng kể" trong những ngày qua và lực lượng Nga đang gặp điều kiện thuận lợi để siết chặt vòng vây quanh Bakhmut, đề cập việc các tay súng Wagner kiểm soát làng Yagodny và Berkhovka, mở đường tiếp cận khu vực Khromovo và Bogdanovka ở ngoại ô thành phố.

Giới chức Ukraine không bình luận về những tuyên bố này, nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng ngày mô tả tình hình tại Bakhmut ngày càng khó khăn, nói rằng lực lượng Nga đang liên tiếp phá hủy những thứ có thể dùng để gia cố phòng tuyến.

"Nhiều trận đánh dữ dội đang diễn ra tại đó. Chúng tôi đang làm mọi thứ để ngăn đối phương tiến quân", phát ngôn viên Bộ tư lệnh miền Đông quân đội Ukraine Serhiy Cherevatyi cho hay.

Vị trí thành phố Bakhmut. Đồ họa: RYV.

Vị trí thành phố Bakhmut. Đồ họa: RYV.

Thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk là nơi diễn ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng Nga và Ukraine nhiều tháng qua, do đây được coi là đầu mối giao thông quan trọng tiếp tế cho lực lượng của Kiev tại vùng Donbass. Chiếm được Bakhmut cho phép quân đội Nga tạo bàn đạp để tiến công các thành phố quan trọng khác ở Donetsk.

Vũ Anh (Theo Ria Novosti, Reuters)

Adblock test (Why?)

Ba mẫu vũ khí giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến sự

Tên lửa chống tăng Javelin, pháo HIMARS và UAV Bayraktar TB2 đã góp phần giúp Ukraine đối phó những đợt tiến công của Nga, thậm chí có thể phản công.

Khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch tấn công cách đây hơn một năm, phần lớn chuyên gia phương Tây nhận định Nga có thể nhanh chóng giành chiến thắng trước quân đội Ukraine yếu hơn về mọi mặt. Tuy nhiên, Nga đã không đạt mục tiêu này, dù chiến sự đã bước sang năm thứ hai.

Các chuyên gia cho rằng để chặn đứng được đà tiến công của Nga trong giai đoạn đầu chiến dịch, ngoài yếu tố tinh thần và chiến thuật, quân đội Ukraine còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực về vũ khí của phương Tây.

Trong số này, ba mẫu vũ khí đã góp phần thay đổi cục diện chiến sự là tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin, Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142 và máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2.

Lính Ukraine cầm ống phóng tên lửa Javelin ở ngoại ô Kiev tháng 3/2022. Ảnh: Reuters.

Lính Ukraine cầm ống phóng tên lửa Javelin ở ngoại ô Kiev tháng 3/2022. Ảnh: Reuters.

Khi chiến sự bùng nổ, các đoàn xe tăng và thiết giáp của Nga từ phía bắc tiếp cận thủ đô Kiev. Để ngăn đoàn xe thiết giáp đối phương, quân đội Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin, loại vũ khí do phương Tây cung cấp và chỉ cần một người vận hành. Sau khi khai hỏa, xạ thủ có thể tìm chỗ ẩn nấp trong lúc tên lửa lao đến mục tiêu.

Hãng sản xuất cho hay Javelin có thể nhắm vào điểm yếu của xe tăng Nga là nóc tháp pháo, bởi đạn tên lửa sau khi phóng có thể vọt lên trên cao rồi lao thẳng xuống mục tiêu. Nhiều xe tăng Nga đã bị thổi tung tháp pháo sau khi trúng một tên lửa Javelin.

Tên lửa Javelin cũng có lợi thế chính trị khi chúng được coi là vũ khí phòng thủ. Chuyên gia Michael Armstrong tại Đại học Brock ở Ontario, Canada nhận định "chi phí thấp và yếu tố phục vụ phòng thủ khiến tên lửa Javelin dễ được chấp nhận về mặt chính trị hơn các loại vũ khí tiến công đắt tiền như tiêm kích".

Pháo phản lực HIMARS, được Mỹ chuyển giao vào tháng 6/2022, giúp Ukraine đẩy lùi nhiều đợt tấn công của Nga và mở cuộc phản công giúp họ tái kiểm soát nhiều khu vực.

"Nếu Javelin là vũ khí biểu tượng trong giai đoạn đầu chiến sự Nga - Ukraine, HIMARS thuộc về giai đoạn sau", chuyên gia Mark Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá.

Pháo phản lực HIMARS Ukraine ở tỉnh Zaporizhzhia tháng 7/2022. Ảnh: Reuters.

Pháo phản lực HIMARS Ukraine ở tỉnh Zaporizhzhia tháng 7/2022. Ảnh: Reuters.

HIMARS là bệ phóng đặt trên xe tải mang theo 6 đạn rocket với tầm bắn 80-160 km, có thể nhanh chóng di chuyển sau khi khai hỏa để tránh đối phương phản pháo.

Quân đội Ukraine đã sử dụng HIMARS để tập kích kho đạn, sở chỉ huy, cầu cống với độ chính xác cao, khiến lực lượng Nga gặp rất nhiều khó khăn về hậu cần. Pháo HIMARS đã liên tục đánh trúng các cây cầu huyết mạch tại thành phố Kherson, cắt đứt đường tiếp tế, buộc lực lượng Nga phải rút khỏi mục tiêu chiến lược này.

Hồi tháng 7 năm ngoái, phóng viên Nga Roman Sapenkov cho hay anh đã chứng kiến pháo HIMARS tập kích một căn cứ Nga tại sân bay Kherson. "Tôi đã rất sửng sốt khi chứng kiến cả loạt bắn với 5-6 quả rocket đều gần như rót trúng một chỗ", Sapenkov nói.

Yagil Henkin, giáo sư thuộc Trường Chỉ huy và Tham mưu Phòng vệ Israel, nhận định HIMARS mang đến hai tác động chính với cục diện chiến trường Ukraine. "Các vụ tập kích khiến lực lượng Nga phải đưa kho đạn xa tiền tuyến hơn, do đó làm giảm hỏa lực của pháo binh và khiến hỗ trợ hậu cần trở nên khó khăn hơn", ông Henkin cho biết.

Trong khi đó, máy bay Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo trở thành một trong những mẫu UAV nổi tiếng nhất thế giới nhờ chiến sự Nga - Ukraine. Bayraktar TB2 có giá rẻ, dễ chế tạo, có thể sử dụng tên lửa, rocket và bom thông minh tiêu diệt mục tiêu.

Chuyên gia Aaron Stein thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) nhận định video do Bayraktar TB2 ghi lại và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội "là ví dụ hoàn hảo về chiến tranh hiện đại trong thời đại TikTok".

Ông Stein đánh giá Bayraktar TB2 không phải "vũ khí ma thuật", song đủ tốt. Nhược điểm của Bayraktar TB2 là tốc độ chậm và dễ bị phòng không đối phương bắn hạ, khiến vai trò của loại vũ khí này ngày càng giảm trên chiến trường Ukraine.

Tuy nhiên, thiệt hại do Bayraktar TB2 gây ra lớn hơn nhiều giá trị của mẫu UAV. Sự xuất hiện Bayraktar TB2 vào thời điểm khó khăn nhất đã giúp lực lượng Ukraine giữ vững được phòng tuyến và mang lại nguồn động viên tinh thần đáng kể cho binh sĩ và người dân nước này.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của quân đội Ukraine trong lễ duyệt binh tại Kiev tháng 8/2021. Ảnh: Reuters.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của quân đội Ukraine trong lễ duyệt binh tại Kiev tháng 8/2021. Ảnh: Reuters.

Nguyễn Tiến (Theo CNN)

Adblock test (Why?)

Chuyện tình xuyên biên giới kết thúc trong nhà tù

Chuyện tình qua Internet giữa hai công dân Pakistan và Ấn Độ trở thành bi kịch khi Mulayam Singh Yadav giúp vợ nhập cảnh bất hợp pháp và làm giả giấy tờ.

Chuyện tình xuyên biên giới kết thúc trong nhà tù-1Mối tình chớm nở của Yadav và Jeewani phải trả giá vì vi phạm pháp luật. Ảnh: Unsplash.

Mulayam Singh Yadav (21 tuổi), đến từ Ấn Độ, và Iqra Jeewani (19 tuổi), đến từ Pakistan, quen biết nhau qua mạng vào năm 2020, khi cả hai cùng tham gia trò chơi cờ chiến lược Ludo. Yadav và Jeewani nhanh chóng phát sinh tình cảm, song đều biết tương lai cả hai có thể ở bên nhau vẫn còn mơ hồ.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan được thể hiện qua ba cuộc chiến tranh kể từ năm 1947, khi hai nước lần lượt tuyên bố giành độc lập mà không rõ ranh giới lãnh thổ. Thực tế này khiến công dân Ấn Độ gặp khó khăn trong việc xin thị thực vào Pakistan và ngược lại.


Chuyện tình xuyên biên giới kết thúc trong nhà tù-2Chuyện tình xuyên biên giới Ấn Độ - Pakistan. Ảnh: Unsplash.

Tình yêu chớm nở qua mạng
Bất chấp những rào cản trong mối quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Pakistan, vào tháng 9/2022, Yadav và Jeewani tới Nepal và kết hôn tại đây.

Hai người sau đó chuyển đến thành phố Bangalore, thủ phủ bang Karnatak (Ấn Độ), và sống cùng nhau.


Chuyện tình xuyên biên giới kết thúc trong nhà tù-3Mulayam Singh Yadav (phải), 21 tuổi, đến từ Ấn Độ, và Iqra Jeewani (trái) 19 tuổi, đến từ Pakistan. Ảnh: BBC.

Nhưng cuộc sống hạnh phúc của hai người không kéo dài lâu. Vào tháng 1, cô Jeewani bị bắt giữ vì nhập cảnh vào Ấn Độ bất hợp pháp, còn anh Yadav bị bắt với cáo buộc lừa đảo, làm giả giấy tờ và chứa chấp người nước ngoài mà không thông qua quy trình hợp lệ.

Cô Jeewani đã bị trục xuất và Pakistan vào giữa tháng 2, trong khi anh Yadav vẫn bị giam giữ ở Bangalore.

Sự vụ ảnh hưởng nặng nề đến gia đình anh Yadav, cư trú ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Họ cho rằng câu chuyện đơn thuần xoay quanh mối quan hệ tình cảm giữa anh Yadav và cô Jeewani.

“Chúng tôi mong họ có thể trở về”, Jeetlal, anh trai của Yadav, nói với BBC. “Chúng tôi hiểu tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan, nhưng họ (Yadav và Jeewani) chỉ đơn giản là yêu nhau thôi mà”.

Ngay cả cảnh sát dường như cũng đồng tình với quan điểm này.

“Đây là một câu chuyện tình, vấn đề nằm ở chỗ họ đã phạm pháp”, một quan chức cấp cao giấu tên thuộc lực lượng cảnh sát Bangalore nói.


Chuyện tình xuyên biên giới kết thúc trong nhà tù-4Chị Jeewani đã bị trục xuất về Pakistan còn anh Yadav vẫn đang bị giam giữ bởi cảnh sát Ấn Độ. Ảnh: Cảnh sát Bangalore.

Bi kịch ập đến
Chuyện tình của Yadav và Jeewani chớm nở vào năm 2020, trong thời kỳ dịch Covid-19 lan rộng và nhiều quốc gia buộc phải phong tỏa.

Anh Yadav làm bảo vệ cho một công ty công nghệ ở Bangalore, Ấn Độ; còn chị Jeewani là sinh viên theo học đại học tại thành phố Hyderabad của Pakistan.

Cả hai nảy sinh tình cảm với nhau khi giao tiếp qua Internet. Tuy nhiên, chị Jeewani ngày càng phải chịu nhiều áp lực từ phía gia đình về việc kết hôn.

Theo gợi ý của anh Yadav, chị Jeewani rời Pakistan đến Nepal để gặp người yêu. Theo thông tin từ cảnh sát, hai người đã kết hôn theo nghi lễ của Hindu giáo tại một ngôi đền ở Nepal, sau đó cùng nhau đến Ấn Độ.

Dẫu vậy, chị Jeewani không có giấy tờ để cư trú tại Ấn Độ một cách hợp pháp. Do đó, anh Yadav được cho là đã làm giả thẻ Aadhaar cho người yêu. Aadhaar là một loại giấy tờ định danh của Ấn Độ.

Theo cảnh sát Bangalore, hàng ngày, anh Yadav đến công ty làm việc còn chị Jeewani ở nhà. Chị Jeewani thường xuyên gọi điện cho mẹ ở quê nhà Pakistan thông qua nền tảng Whatsapp. Điều này đánh động lực lượng chức năng Ấn Độ và cảnh sát đã tìm đến chị Jeewani.

Giới chức Bangalore cho biết họ luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ trong giai đoạn tháng 1 vì hai sự kiện quốc tế quan trọng sẽ diễn ra tại thành phố này vào tháng 2: triển lãm hàng không Aero India và cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính các nước G20.

Qua quá trình điều tra, chị Jeewani bị bắt giữ với tội danh nhập cảnh bất hợp pháp. Vào ngày 20/1, chị được giao lại cho Văn phòng đăng ký xuất nhập cảnh người nước ngoài của Bangalore, sau đó bị trục xuất về Pakistan vào tháng 2.

“Hiện chúng tôi chưa phát hiện thêm tội danh nào của cô Jeewani bên cạnh việc nhập cảnh bất hợp pháp”, S Girish, Phó ủy viên cảnh quận Whitefileld của Bangalore, nói với BBC. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra thêm”.

Theo hãng tin PTI, cha của chị Jeewani xác nhận chị đã về nhà và gia đình họ không muốn “bình luận về vấn đề này”.

Shanti Davi, mẹ của anh Yadav, nói rằng bà hy vọng chính phủ Ấn Độ và Pakistan có thể tạo điều kiện để cả hai có thể đoàn tụ.

“Chúng tôi không quan tâm cô ấy (Jeewani) là người Hồi giáo hay người Pakistan, cô ấy là con dâu của chúng tôi”, bà Davi nói. “Chúng tôi sẽ chăm sóc cô ấy thật tốt”.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/DJUx1WP

Adblock test (Why?)

Cảnh sát thế giới dừng xe kiểm tra thế nào

Để dừng phương tiện giao thông, cảnh sát nhiều nước thường đuổi theo sau và phát mệnh lệnh qua loa phóng thanh, thay vì chặn phía trước, nhằm đảm bảo an toàn.

Dừng xe kiểm tra là một trong những chức năng quan trọng của cảnh sát nhằm đảm bảo an toàn giao thông cũng như phát hiện tội phạm. Do tính chất nguy hiểm của hoạt động này, cảnh sát các nước có những quy định riêng về phạm vi áp dụng hay cách thức dừng phương tiện đang tham gia giao thông.

Tại Mỹ, cảnh sát không được phép dừng xe nếu không thể chứng minh rằng họ có những nghi ngờ hợp lý cho quyết định đó. Những nghi ngờ này phải dựa trên thông tin cho thấy người bị dừng xe có thể có hành vi bất hợp pháp hoặc phạm luật.

Cảnh sát điều khiển xe máy dừng một phương tiện trên đường ở Santa Rosa, California, Mỹ, hồi năm 2019. Ảnh: AP.

Cảnh sát điều khiển xe máy chuyên dụng dừng một phương tiện trên đường ở Santa Rosa, California, Mỹ, hồi năm 2019. Ảnh: AP.

Việc dừng xe được thực hiện theo quy trình mang tên "yêu cầu tấp vào lề". Cảnh sát Mỹ thường tuần tra trên xe đặc chủng gắn còi hụ, loa phóng thanh và đèn chớp. Khi phát hiện phương tiện có hành vi vi phạm, cảnh sát sẽ lái xe bám theo, bật còi họ và đèn chớp để thu hút chú ý của người điều khiển và báo hiệu rằng họ phải tấp vào lề, dừng lại.

Cảnh sát cũng phát mệnh lệnh qua loa phóng thanh gắn trên xe để yêu cầu người vi phạm dừng lại, thay vì vượt lên chặn đầu. Nếu lái xe không tuân thủ các mệnh lệnh này, cảnh sát có quyền nghi ngờ rằng người đó đang tìm cách bỏ chạy và có biện pháp quyết liệt hơn.

Khi lái xe có hành vi bỏ chạy, cảnh sát có lý do chính đáng tin rằng tài xế hoặc hành khách trên xe bị nghi phạm tội nghiêm trọng và sẽ tìm cách vượt lên chặn đầu xe, buộc tài xế dừng lại.

Trong trường hợp lái xe cố tình không chấp hành yêu cầu dừng lại, cảnh sát truy đuổi sẽ áp dụng quy trình vô hiệu hóa chính xác (PIT) để chặn xe, đồng thời đảm bảo an toàn cho bản thân.

Các sĩ quan được đào tạo về PIT sẽ điều khiển xe tuần tra sao cho thanh cản bên phải hoặc bên trái xe họ ngang với phần bánh sau của xe bỏ chạy, rồi đánh lái khiến xe mục tiêu bị quay ngang, mất kiểm soát và phải dừng lại.

Cách khác để buộc phương tiện bỏ chạy phải dừng lại là rải bẫy đinh làm nổ bánh xe, phương thức được thực hiện từ những năm 1990. Tuy nhiên, cách làm này đôi khi khiến tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát, có thể khiến các phương tiện giao thông khác vướng vào bẫy đinh, gây mất an toàn.

Cảnh sát Mỹ còn áp dụng một công cụ công nghệ cao phục vụ việc truy đuổi có tên StarChase. Xe tuần tra được trang bị StarChase có một bệ phóng được lắp ở phía trước. Khi được kích hoạt, bệ phóng này sẽ bắn thiết bị theo dõi GPS dính vào phương tiện khả nghi. Thiết bị theo dõi bám vào thân xe sẽ truyền dữ liệu về vị trí và hướng di chuyển của xe, giúp các sĩ quan theo dõi và xác định vị trí dừng xe trong điều kiện chiến thuật có lợi nhất.

Khi xe nghi phạm dừng lại, cảnh sát sẽ cố gắng đảm bảo an toàn cho chính họ bằng cách đưa ra những mệnh lệnh để tài xế thi hành, nhằm duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối.

Các cảnh sát sẽ rút súng, tránh xa phương tiện bị tình nghi, đồng thời đợi các sĩ quan chi viện đến tham gia cùng, trước khi tiếp cận phương tiện vi phạm. Họ hướng dẫn người lái xe tắt động cơ, rút chìa khóa khỏi ổ và đôi khi ném chúng ra ngoài cửa sổ, rồi yêu cầu những người ngồi bên trong lần lượt ra khỏi xe, tay đặt tay lên trên hoặc sau đầu, đi lùi lại một khoảng, sau đó nằm thẳng trên mặt đất. Tiếp theo, các sĩ quan mới tiếp cận, còng tay, khám xét rồi đưa nghi phạm vào trong xe tuần tra.

Các sĩ quan cũng thường khám xét cả phương tiện bị chặn để tìm vũ khí và những bằng chứng khác theo quy trình tiêu chuẩn.

Tại Nhật, cảnh sát sẽ bật đèn báo hiệu khi đang tuần tra và tắt khi không làm nhiệm vụ. Tương tự ở Mỹ, nếu muốn yêu cầu một phương tiện trên đường dừng lại, các sĩ quan sẽ bật đèn chớp trên xe tuần tra và phát mệnh lệnh qua loa phóng thanh.

Lý do phổ biến nhất khiến các phương tiện ở Nhật bị yêu cầu tấp vào lề là do lái xe quá tốc độ. Trong một số trường hợp, để dừng phương tiện, cảnh sát sẽ trao đổi để thiết lập rào chắn và camera phía trước quãng đường xe mục tiêu di chuyển.

Cảnh sát Nhật cũng lập các tổ kiểm tra nồng độ cồn. Tài xế có hành vi sử dụng điện thoại trong khi lái xe cũng sẽ bị yêu cầu dừng lại.

Tại Anh, cảnh sát có quyền chặn bất cứ ai trên đường khi muốn kiểm tra thông tin cá nhân, giấy phép lái xe, đăng ký xe hay bảo hiểm. Nếu không mang theo những giấy tờ này bên mình, người điều khiển xe có thể mang chúng đến đồn cảnh sát địa phương trong thời gian tối đa một tuần.

Trong hầu hết trường hợp, nếu xe tuần tra cảnh sát muốn dừng một phương tiện trên đường, họ sẽ bám theo mục tiêu, bật đèn chớp màu xanh và có thể cả còi hụ. Họ sau đó sẽ ra hiệu để yêu cầu chủ phương tiện tấp vào lề.

Cảnh sát Nhật Bản ra hiệu lệnh dừng xe tại một trạm kiểm tra ở thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima, tháng 4/2018. Ảnh: Kyodo News.

Cảnh sát Nhật Bản ra hiệu lệnh dừng xe tại một trạm kiểm tra ở thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima, tháng 4/2018. Ảnh: Kyodo News.

Thông thường, khi phát lệnh dừng xe, cảnh sát sẽ không buộc tài xế phải phanh gấp để dừng lại ngay lập tức. Họ sẽ đảm bảo có một nơi an toàn gần đó để tài xế giảm tốc độ và dừng lại.

Nếu đang lái xe ở gần một khúc cua hoặc leo dốc, tài xế có thể tiếp tục đi tiếp cho đến khi tìm được một địa điểm tốt hơn để dừng xe. Trong trường hợp này, tài xế cần báo hiệu cho các sĩ quan rằng họ đang cố gắng làm theo yêu cầu, nhằm tránh khiến cảnh sát hiểu nhầm rằng họ muốn bỏ chạy.

Cảnh sát có quyền xử phạt tại chỗ nếu người điều khiển xe vi phạm lỗi nhẹ, hay yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Trong những tình huống nghiêm trọng hơn, chủ xe cũng có thể bị tịch thu phương tiện nếu cảnh sát nghi ngờ họ lái xe không có bảo hiểm hay đăng ký xe.

Vũ Hoàng (Theo Japan-talk, gov.uk, Cornell Law School)

Adblock test (Why?)

Nga tuyên bố tập kích trung tâm tình báo điện tử Ukraine

Quân đội Nga thông báo tấn công trung tâm tình báo điện tử ở ngoại ô thủ đô Kiev, cùng hàng loạt mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.

"Trung tâm tình báo điện tử của lực lượng vũ trang Ukraine tại thành phố Brovary gần thủ đô Kiev, cũng như sở chỉ huy tác chiến miền tây Ukraine ở gần thành phố Khmelnitsky đã bị đánh trúng", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết hôm nay.

Quân đội Nga cũng thông báo tập kích các đơn vị phòng không Ukraine ở tỉnh Donetsk, gồm một xe chiến đấu thuộc hệ thống Buk-M1 tại Andriivka và một đài radar cảnh giới 36D6 triển khai gần thành phố Dobropolye.

UAV tự sát Nga trên bầu trời thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP.

UAV tự sát Nga trên bầu trời thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP.

Quân đội Ukraine trước đó tuyên bố bắn rơi 11/14 máy bay không người lái (UAV) được lực lượng Nga triển khai đêm 26/2 và rạng sáng 27/2. Serhiy Popko, lãnh đạo ban chỉ huy quân sự thủ đô Kiev, tuyên bố không có thương vong hay thiệt hại cơ sở hạ tầng trong thành phố. "Đối phương đang tìm cách làm cạn kiệt nguồn lực phòng không của chúng tôi", ông nói.

Sergei Gamaly, tỉnh trưởng tỉnh Khmelnitsky ở miền tây Ukraine, cho biết ba tiếng nổ lớn đã làm rung chuyển bầu trời thành phố cùng tên rạng sáng nay, không lâu sau khi còi báo động phòng không được kích hoạt trong khu vực. Thị trưởng Khmelnitsky Oleksandr Symchyshyn thêm rằng hai người đã thiệt mạng và ba người bị thương trong đòn tấn công.

Thủ đô Kiev và tỉnh cùng tên, cũng như các tỉnh miền đông và miền trung gồm Zhytomir, Kirovograd, Poltava, Rivne, Sumy, Kharkov, Cherkasy và Chernihiv đều phát cảnh báo phòng không cùng thời điểm. Truyền thông Ukraine cho biết nhiều tiếng nổ vang lên ở Kiev và Zhytomir, trong khi các hệ thống phòng không ở miền trung đất nước đã tham chiến.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP.

Phương Tây và Ukraine đánh giá Nga có thể mở chiến dịch tiến công quy mô lớn nhằm đảo ngược tình thế sau thời gian hứng chịu nhiều bước lùi. Ngoài tập kích bằng tên lửa tầm xa, Nga đang tăng cường tấn công phòng tuyến Ukraine ở vùng Donbass nhằm phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường.

Vũ Anh (Theo Zvezda, AFP)

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Belarus có thể huy động 1,5 triệu lính nếu thiết quân luật

Chủ tịch Hội đồng An ninh Belarus khẳng định nước này có thể huy động tới khoảng 1,5 triệu quân bên ngoài lực lượng chính quy nếu ban bố thiết quân luật.

"Cơ cấu quân sự ngoài lực lượng vũ trang của Belarus sẽ lên tới khoảng 1,5 triệu người trong trường hợp ban bố thiết quân luật và chuyển nền kinh tế sang chế độ thời chiến", Chủ tịch Hội đồng An ninh Belarus Alexander Volfovich ngày 25/2 tuyên bố.

Dân số Belarus khoảng 9,3 triệu người. Theo ông Volfovich, sau khi động viên, khoảng 8 triệu người còn lại sẽ làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, giáo dục, y tế trong thời chiến, ngoài ra cũng hỗ trợ Bộ Nội vụ Belarus đảm bảo trật tự, trấn áp tội phạm và chống thám báo.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 20/2 thông báo thành lập lực lượng dân quân phòng vệ lãnh thổ, dự kiến có quân số 100.000 - 150.000 người. Ông Volfovich đánh giá quyết định này "kịp thời và dựa trên tình hình chính trị quân sự phức tạp, cũng như những thách thức và rủi ro đang hình thành đối với Belarus".

Quân nhân Belarus huấn luyện tại thao trường Belaya Luzha ngày 17/2. Ảnh: BQP Belarus.

Quân nhân Belarus huấn luyện tại thao trường Belaya Luzha ngày 17/2. Ảnh: BQP Belarus.

Theo hiến pháp Belarus, Tổng thống có thể áp đặt thiết quân luật trong trường hợp bị đe dọa hoặc tấn công quân sự, động viên quân toàn bộ hoặc một phần.

Belarus có khoảng 48.000 quân nhân chuyên nghiệp và 12.000 lính biên phòng, theo thống kê năm 2022 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). Tổng thống Lukashenko cho biết lực lượng dân quân mới được thành lập có thể đóng vai trò dự bị và chuyển thành phong trào du kích trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Ông Volfovich nói lực lượng dân quân mới thành lập là loại hình đơn vị mới, có nhiệm vụ bảo vệ đất nước nếu cần. Ông Volfovich nhấn mạnh Belarus không đe dọa bất cứ ai, song đã sẵn sàng và đang thực hiện mọi biện pháp bảo vệ biên giới phía tây và phía nam nước này.

Belarus là đồng minh của Nga và từng cho phép nước này sử dụng lãnh thổ để tiến công Ukraine hồi đầu năm 2022. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số quốc gia phương Tây áp lệnh trừng phạt nhằm vào Belarus vì ủng hộ Nga trong chiến sự Ukraine.

Nguyễn Tiến (Theo Reuters, BelTA)

Adblock test (Why?)

Đảng Cộng hòa ra điều kiện cho ông Trump

Ủy ban bầu cử Cộng hòa ra điều kiện mọi ứng viên tổng thống trong đảng phải cam kết sẽ ủng hộ người thắng vòng bầu cử sơ bộ.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Cộng hòa (RNC) Ronna McDaniel ngày 26/2 tuyên bố mọi ứng viên đảng tham gia chạy đua vào Nhà Trắng, trong đó có cựu tổng thống Donald Trump, đều phải cam kết sẽ ủng hộ người giành phần thắng chung cuộc trong vòng bầu cử sơ bộ.

Bất kỳ ứng viên nào từ chối ký cam kết sẽ không được mời tham gia những buổi tranh luận ở vòng bầu cử sơ bộ, do đảng Cộng hòa tổ chức ở các bang.

"Đây là điều kiện hiển nhiên. Nếu ứng viên xuất hiện trên sân khấu tranh luận của RNC và kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho mình, họ nên tuyên bố sẽ đồng lòng cùng cử tri và ủng hộ ứng viên cuối cùng được cử tri lựa chọn", McDaniel trả lời trên kênh CNN.

Ông Donald Trump phát biểu tại Mar-a-Lago, bang Florida, vào tháng 11/2022, sau khi tuyên bố tái tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ảnh: AFP.

Ông Donald Trump phát biểu tại Mar-a-Lago, bang Florida, vào tháng 11/2022, sau khi tuyên bố tái tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Ronna McDaniel cho rằng mọi ứng viên đều phải tuyên bố trung thành với đảng, cam kết ủng hộ ứng viên mà đảng lựa chọn để cạnh tranh phiếu bầu với phe Dân chủ.

Bà nhấn mạnh ông Donald Trump không phải ngoại lệ và tự tin cựu tổng thống Mỹ sẽ chấp nhận ý tưởng này vì ông "muốn xuất hiện trên sân khấu".

"Chúng ta không thể công kích lẫn nhau mà quên đi mục tiêu đánh bại đảng Dân chủ. Chúng ta phải chiến thắng trước ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2024", chủ tịch RNC bình luận.

Bà McDaniel cho rằng ý tưởng của mình sẽ giúp đảng Cộng hòa giảm chia rẽ trong cuộc bầu cử tổng thống và thống nhất đảng trong tương lai.

Hiện đảng Cộng hòa đã có ba thành viên công bố tranh cử tổng thống gồm ông Trump, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikkei Haley và doanh nhân Vivek Ramaswamy.

Chủ tịch RNC Ronna McDaniel phát biểu tại buổi họp ở California vào ngày 27/1 sau khi tái đắc cử. Ảnh: AP.

Chủ tịch RNC Ronna McDaniel phát biểu tại buổi họp ở California vào ngày 27/1 sau khi tái đắc cử. Ảnh: AP.

Cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên sáng cửa giành vé đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đến nay vẫn từ chối cam kết ủng hộ vô điều kiện cho ứng viên khác trong trường hợp ông vận động tranh cử bất thành.

Trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng, ông nói tùy người đánh bại ông trong vòng bầu cử sơ bộ là ai thì mới quyết định ủng hộ hay không.

Trong khi đó, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump nói cựu tổng thống sẽ ủng hộ ứng viên đại diện đảng Cộng hòa "vì người chiến thắng chỉ có thể là ông ấy".

Thanh Danh (Theo Reuters, Guardian)

Adblock test (Why?)

Vụ án mạng "tắc" hơn 50 năm được phá nhờ một mẩu thuốc lá

Sự phát triển của công nghệ ADN và phả hệ di truyền giúp cảnh sát Mỹ tìm ra hung thủ đoạt mạng một nữ giáo viên từ năm 1971.

Rita Curran là một giáo viên, ca sĩ và nhà từ thiện ở thành phố Burlington, bang Vermont, Mỹ. Một buổi tối tháng 9/1971, cô bạn cùng phòng phát hiện nữ giáo viên 24 tuổi tử vong trong phòng trong tình trạng quần áo bị xé rách và cơ thể có nhiều vết thương. Hiện trường vụ án cho thấy Rita đã cố hết sức chống trả hung thủ. Một đầu lọc thuốc lá nằm gần thi thể nạn nhân.

Thời điểm đó vụ án không được phá thành công, cảnh sát không thể tìm ra hung thủ giết nữ giáo viên.

Hơn 50 năm sau, quá trình điều tra mới nhất của cảnh sát xác định, vào đêm án mạng xảy ra, William DeRoos, người sống ở căn hộ phía trên căn hộ của Rita hai tầng, đã đánh nhau với vợ. Giận dữ vì trận ẩu đả, William rời khỏi căn hộ rồi trở về khi vợ đã ngủ. 

Vụ án mạng tắc hơn 50 năm được phá nhờ một mẩu thuốc lá-1Kẻ sát nhân William DeRoos và cô giáo xấu số Rita Curran (Ảnh: The Washington Post).

Khi các điều tra viên tới căn hộ của vợ chồng William DeRoos hỏi 2 người có nghe hay thấy hiện tượng nào khả nghi hay không. Cả hai đều nói họ ở bên nhau cả đêm và không nghe hay nhìn thấy gì.

Sau khi cảnh sát rời khỏi căn hộ, William dặn vợ nếu cảnh sát chất vấn cô lần nữa, cô tuyệt đối không nên nói rằng hắn đã rời khỏi căn hộ. 

Chỉ vài tháng sau khi án mạng xảy ra, William DeRoos tới Thái Lan và theo đạo Phật. Hắn hiếm khi về Mỹ gặp vợ nên họ đã ly hôn. Sau đó, William trở về Mỹ và tái hôn, trước khi mất mạng vì sốc ma túy vào năm 1986.

ADN trên đầu lọc thuốc lá

Chứng cứ đột phá của vụ án mạng xuất hiện vào năm 2014, khi các kỹ thuật viên phát hiện ADN trên mẩu đầu lọc thuốc lá cạnh thi thể Rita. Tuy nhiên, hy vọng của cảnh sát tắt ngấm sau khi họ đưa ADN lên kho dữ liệu tội phạm quốc gia, vì nó không khớp với bất kỳ ADN của người nào. 

Năm 2019, cảnh sát thành phố Burlington mở lại vụ án và thực hiện điều tra theo cách mới. Họ quyết định phân tích ADN trên mẩu thuốc lá bằng kỹ thuật phả hệ di truyền - một quy trình sử dụng cơ sở dữ liệu ADN cho nghiên cứu phả hệ để xác định thân nhân của người sở hữu ADN. Một chuyên gia về phả hệ di truyền đã kết luận rằng ADN trên mẩu thuốc lá có mối liên hệ chặt chẽ với họ hàng của William DeRoos, cả bên nội và bên ngoại.

Vụ án mạng tắc hơn 50 năm được phá nhờ một mẩu thuốc lá-2Quyền cảnh sát trưởng thành phố Burlington công bố thông tin về kẻ sát nhân William DeRoos hôm 21/2 (Ảnh: Burlington Free Press).

Sau đó, các nhà điều tra đã tìm thấy một người em cùng cha khác mẹ còn sống của William DeRoos. Người này sẵn sàng cung cấp mẫu ADN và mẫu đó đã củng cố kết luận rằng ADN trên mẩu thuốc lá thuộc về William DeRoos.

Cuối cùng, mẫu ADN trên áo khoác rách toạc của Rita trùng khớp với ADN trên đầu mẩu thuốc lá. Cảnh sát thẩm vấn lại vợ cũ của William DeRoos. Người phụ nữ thừa nhận bà ta đã nói dối cảnh sát về việc chồng không ra khỏi nhà vào đêm xảy ra án mạng.

Cuối cùng, cảnh sát đã tìm ra hung thủ của vụ án mạng hơn 50 năm. Ngày 21/2 vừa qua, cảnh sát trưởng thành phố Burlington đã tổ chức cuộc họp báo thông tin về vụ án bị "tắc" trong suốt nửa thế kỷ này.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/HJF4MiZ

Adblock test (Why?)

Các thành phố Ukraine trong tầm ngắm của Nga

Ukraine cảnh báo Nga đang thúc đẩy chiến dịch tấn công lớn và nhiều thành phố quan trọng như Bakhmut, Kharkov hay Kiev có thể trở thành mục tiêu.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 26/2 thông báo Nga đang dồn lực lượng tấn công toàn bộ phòng tuyến ở thành phố Bakhmut, trong đó làng Yahidne ở ngoại ô đang là trọng điểm giao tranh. Sức ép Nga tạo ra gần đây quanh Bakhmut được coi là màn mở đầu cho chiến dịch tấn công mới mà lực lượng này sẽ thúc đẩy trong thời gian tới.

Serhiy Haidai, tỉnh trưởng Lugansk thuộc Ukraine, cho hay Nga thời gian qua đã tập kết đông đảo lực lượng dự bị và khí tài ở khu vực này để phục vụ cho chiến dịch tấn công xuân hè. James Waterhouse, nhà phân tích của CNN, nhận định loạt thành phố Ukraine sẽ là mục tiêu hàng đầu của Nga trong chiến dịch tấn công này.

Bakhmut, thành phố ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, đang là mục tiêu lớn nhất của Nga sau hơn một năm chiến sự. Trong vài tuần qua, Nga đã tung vào chiến trường Bakhmut lực lượng "lính đánh thuê" Wagner nhằm tiêu hao quân đội Ukraine phòng thủ tại thành phố này.

Gần đây, khi Wagner hứng chịu thương vong lớn trong các đợt tấn công ồ ạt, Nga đã triển khai thêm lực lượng chính quy cùng nhiều khí tài hạng nặng đến đây. Quân chính quy Nga đang dần thay thế lính Wagner tiến hành các đợt tấn công lớn vào khu vực ngoại ô Bakhmut.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo về phía vị trí các lực lượng Nga tại một điểm giao tranh gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 24/1. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine bắn pháo về phía vị trí các lực lượng Nga tại một điểm giao tranh gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 24/1. Ảnh: Reuters

Trước sức ép rất lớn của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình ở Bakhmut "rất khó khăn", nhưng quân đội nước này không có ý định rút lui khỏi thành phố. Ukraine tuyên bố lực lượng Nga ghi nhận khoảng 500 người thương vong mỗi ngày khi tấn công mục tiêu này.

Nếu Bakhmut thất thủ, lực lượng Nga sẽ có bàn đạp thuận lợi để mở rộng đà tiến quân về các thành phố Sloviansk và Kramatorsk của tỉnh Donetsk. Điều này cho phép Moskva kiểm soát toàn bộ tỉnh miền đông, một trong những mục tiêu chính của chiến dịch.

Ugledar là mục tiêu quan trọng thứ hai mà Nga đang tìm cách kiểm soát. Lực lượng Nga bắt đầu tấn công thành phố từ tháng 11 năm ngoái và quyết tâm chiếm "pháo đài" nằm trên sườn đông nam của chiến trường hiện tại.

Thành phố này nằm gần tuyến đường sắt duy nhất nối bán đảo Crimea ở miền nam với các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở miền đông. Từ các điểm cao ở thành phố này, lực lượng Ukraine có thể dễ dàng nã pháo đe dọa các đoàn tàu tiếp tế của Nga từ Crimea tới Donbass.

Quân đội Nga tin rằng Bakhmut và Ugledar là những chìa khóa quan trọng giúp họ có thể mở toang cánh cửa cho chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, gồm tỉnh Lugansk và Donetsk. Đạt được mục tiêu này, Nga sẽ bảo vệ được hành lang trên bộ tới Crimea trước áp lực tập kích của Ukraine.

Vị trí Bakhmut và Ugledar. Đồ họa: RYV.

Vị trí Bakhmut và Ugledar. Đồ họa: RYV.

Nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất mà Nga hướng tới trong chiến dịch tấn công mới. Cách xa mặt trận phía đông, thành phố miền nam Zaporizhzhia là một hướng khác mà Ukraine lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Nga thời gian tới.

Quân đội Ukraine cho rằng sau khi "mở khóa" được Bakhmut và Ugledar, lực lượng Nga sẽ phát triển mũi tiến công tới thành phố Orikhiv ở tỉnh Zaporizhzhia và Pokrovsk thuộc tỉnh Donetsk.

Nếu kịch bản này xảy ra, Nga sẽ buộc các khẩu đội HIMARS và pháo tầm xa của Ukraine lùi sâu về phía tây, giúp bảo vệ an toàn các thành phố mà Moskva đang kiểm soát như Melitopol và Tokma.

Ở mặt trận đông bắc, Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine, sẽ là mục tiêu mà Nga rất muốn giành được. Dù cách biên giới Nga chưa tới 40 km, Kharkov chưa từng rơi vào tay Moskva kể từ khi chiến sự nổ ra.

Trong hơn một năm giao tranh, thành phố Kharkov đã bị tàn phá vì những đợt pháo kích liên tiếp của Nga. Giới chức địa phương cho biết dù không gia tăng lực lượng, Nga gần đây thường xuyên nã pháo, phóng tên lửa vào thành phố này. Một số sĩ quan quân đội ở Kharkov nói họ không bất ngờ nếu Nga phát động tấn công ở đây, đặc biệt khi mặt đất đang đóng băng.

Việc kiểm soát Kharkov sẽ mang lại lợi thế chiến lược đáng kể cho Nga. Họ có thể cắt đường rút của các đơn vị quân đội Ukraine ở khu vực đông bắc về thủ đô Kiev.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP.

Kiev vẫn là phần mục tiêu nhất mà Nga hướng tới, sau nỗ lực "đánh nhanh, thắng nhanh" bất thành trong giai đoạn đầu chiến sự. Khi đó, Nga đã triển khai nhiều đơn vị quân đội tới Belarus để "tập trận chung", rồi mở mũi tiến công chớp nhoáng xuống Kiev. Lực lượng này chỉ bị chặn ở ở ngoại ô phía bắc thủ đô Ukraine, trước khi phải rút lui do những bất cập về hậu cần và chỉ huy.

Tới đầu năm nay, Nga và Belarus tiếp tục tuyên bố tập trận chung không quân, làm dấy lên lo ngại ở Ukraine về nguy cơ lịch sử lặp lại. Ukraine đã điều lượng lớn binh sĩ tới miền bắc để đề phòng nguy cơ Nga tiến công từ Belarus, nhưng khả năng này được cho là khá thấp.

"Chúng tôi không thấy các đội hình tiến công được tập trung ở Belarus để có thể đe dọa Kiev", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói. "Kiểm soát Kiev cũng là điều không thể, bởi đây là thành phố lớn với 4 triệu dân luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thủ đô".

Thanh Tâm (Theo BBC)

Adblock test (Why?)

Đức hụt hơi trong nỗ lực cải tổ quân đội

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong cuộc phỏng vấn tuần trước thừa nhận bất chấp những cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng để đối phó xung đột Nga - Ukraine, lực lượng vũ trang nước này hiện ở trong tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn so với một năm trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cưỡi xe tăng trong một chuyến thăm doanh trại quân đội ở Augustdorf ngày 1/2. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cưỡi xe tăng trong một chuyến thăm doanh trại quân đội ở Augustdorf ngày 1/2. Ảnh: Reuters.

Đức không phải quốc gia châu Âu duy nhất đang phải chật vật tìm cách lấp khoảng trống sau khi viện trợ nhiều vũ khí, khí tài cho Ukraine. "Với tốc độ cung cấp vật tư, vũ khí và đạn dược như hiện nay, rất khó để tái đặt hàng và chuyển giao tiếp cho Ukraine", ông Pistorius nói.

Mỹ, Anh, Hà Lan và một số đồng minh khác của Ukraine cũng đang phải chịu áp lực tương tự. Nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu hụt khí tài trong kho dự trữ chiến lược của mình. Điều đặc biệt gây quan ngại là việc Ukraine bắn tới 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, nhiều hơn tốc độ sản xuất của cả ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Tại Đức, chỉ vài ngày sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng hai năm ngoái, Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố sẽ hồi sinh lực lượng vũ trang, thông báo về những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách quốc phòng, đồng thời xây dựng một quỹ trị giá hơn 100 tỷ USD để hỗ trợ nỗ lực này.

Trong bài phát biểu bước ngoặt của Thủ tướng Scholz năm ngoái, mục tiêu tăng cường sức mạnh quân đội Đức được công bố cùng quyết định trang bị vũ khí cho Ukraine, vượt qua "lằn ranh đỏ" Berlin duy trì lâu nay là không gửi vũ khí đến những khu vực đang xảy ra chiến sự.

"Mục tiêu là một quân đội mạnh mẽ, tiên tiến, hiện đại, có thể bảo vệ chúng ta", ông Scholz khẳng định trong tuyên bố hồi sinh lực lượng vũ trang.

Từ đó đến nay, sau những ngần ngại ban đầu, Berlin đã dần tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev, cam kết viện trợ hơn 2,5 tỷ USD, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói các thỏa thuận viện trợ vũ khí là hoàn toàn công bằng. "Bạn cho chúng tôi mọi thứ chúng tôi cần để chiến đấu, và chúng tôi chiến đấu chứ không phải bạn", ông nói. "Cho dù cái giá của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là gì, cái giá để chúng tôi đưa quân vào các trận chiến cao hơn rất, rất nhiều".

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ rằng cuộc xung đột có nguy cơ vượt ra khỏi biên giới Ukraine, lan rộng tới châu Âu. Ngay cả khi đối mặt với mối đe dọa đó, Đức vẫn trì trệ trong nỗ lực nâng cấp lực lượng vũ trang của mình, giới quan sát đánh giá.

Lời hứa dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng của Thủ tướng Scholz đã không thể được thực hiện. Bộ trưởng Pistorius cho hay chính phủ phải đặt lại mục tiêu đạt mốc 2% GDP cho quốc phòng "trong vài năm tới".

"Chúng ta đã lãng phí cả một năm trong bối cảnh phải đối mặt với cuộc xung đột lớn ở châu Âu", Joachim Weber, chuyên gia về an ninh quốc phòng tại Đại học Bonn, Đức, bình luận.

Trong một năm qua, nỗ lực chuyển giao vũ khí cho Ukraine đã khiến nguồn cung cho quân đội Đức sụt giảm. Ông Weber ước tính Đức chỉ đủ khả năng chiến đấu trong khoảng hai ngày với nguồn đạn dự trữ hiện nay.

Trong những tháng qua, hơn 10% trong quỹ đặc biệt hơn 100 tỷ USD dành cho quân đội của Đức đã bị thất thoát do lạm phát và các khoản thanh toán lãi suất. Quân đội Đức cũng chưa mua sắm được những vũ khí mà họ muốn có từ trước cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Không ít thứ được coi là quan trọng đột nhiên bị loại khỏi danh sách", Ralph Thiele, đại tá quân đội nghỉ hưu, chủ tịch Hiệp hội Chính trị - Quân sự, trụ sở tại Berlin, lưu ý.

Các đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng đã kêu gọi chính phủ Đức đẩy nhanh tốc độ đặt hàng vũ khí để tránh bị tụt hậu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết thời gian chờ đợi những loại vũ khí cỡ nòng lớn đã tăng từ 12 lên 28 tháng và các đơn hàng đặt bây giờ sẽ chỉ được giao sau hai năm rưỡi.

Hans Christoph Atzpodien, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và An ninh Đức, cho hay năng lực sản xuất của họ bị hạn chế vì nhu cầu mua sắm vũ khí của chính phủ Đức ở mức tương đối thấp trước khi xung đột Ukraine nổ ra.

"Chúng tôi cần những đơn đặt hàng chắc chắn, dài hạn. Tới nay, các đề nghị của ngành về việc sản xuất đạn cho quân đội Đức 'vẫn chưa được xem xét'", ông nói thêm.

Một số người đổ lỗi cho cựu bộ trưởng quốc phòng Christine Lambrecht, người từ chức vào tháng trước sau hàng loạt sai lầm và giữa những lời chỉ trích rằng bà gần như không làm gì để bổ sung nguồn dự trữ quốc phòng của đất nước.

Xe tăng Leopard 1 và các loại xe bọc thép khác do Đức sản xuất trong một kho chứa ở Tournais, Bỉ, hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Xe tăng Leopard 1 và các loại xe bọc thép khác do Đức sản xuất trong một kho chứa ở Tournais, Bỉ, hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Pistorius cho biết ông không muốn quan tâm đến những gì có thể đã được thực hiện trước đây. "Bây giờ, tôi chịu trách nhiệm và chúng tôi đang nỗ lực để làm những gì cần thiết càng nhanh càng tốt", Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Pistorius, mục tiêu hàng đầu hiện nay là đẩy nhanh quá trình mua sắm. Ông cho biết các đơn đặt hàng đạn dược mới đã được đệ trình. Giới chức Đức cũng đã thảo luận với nhà sản xuất vũ khí Krauss-Maffei Wegmann về thay thế 14 xe tăng Leopard 2 mà Đức cam kết viện trợ Ukraine bằng các mẫu cao cấp hơn.

"Một mặt, chúng tôi phải nâng cao năng lực của mình, nhưng đồng thời cũng phải hỗ trợ tối đa cho Ukraine", ông nói.

"Hơn 100 tỷ USD, về lâu dài, không thể đủ để làm những gì mọi người nói chúng ta phải làm", Bộ trưởng Quốc phòng Đức thừa nhận. Cần hơn 10 tỷ USD để Đức thay thế các chiến đấu cơ Tornado, vốn được đưa vào sử dụng từ những năm 1970 và đã quá cũ để tham gia các nhiệm vụ NATO, bằng máy bay F-35 tiên tiến từ tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ.

Nhưng quỹ này không bao gồm những thứ cơ bản như tiền mua đạn dược. Quân đội Đức đang sử dụng bộ đàm analog lỗi thời, khiến việc liên lạc giữa binh sĩ nước này với NATO trở nên rất khó khăn.

Tình trạng của quân đội Đức tồi tệ đến mức họ phải gửi thiết giáp Marder hàng chục năm tuổi tới Litva để hoàn thành cam kết với NATO, sau khi các xe bọc thép Puma hiện đại họ tính chuyển bị hỏng trong quá trình huấn luyện.

Trước những thách thức hiện nay, Bộ trưởng Pistorius cho biết Đức sẽ xem xét lại cách thức phân bổ ngân sách quốc phòng. "Điều quan trọng là chúng ta phải nhanh chóng có được những thứ quan trọng, cần thiết trong thời gian ngắn", ông nói.

Chính phủ Đức đã loại trừ khả năng gửi chiến đấu cơ Tornado của mình cho Ukraine. Theo Pistorius, do tính phức tạp trong khâu huấn luyện, Kiev nên tiếp tục nhận những máy bay chiến đấu đã được sử dụng rộng rãi.

Một số chuyên gia nhận định việc chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine vào mùa xuân này sẽ tăng thêm sức ép đối với năng lực hoạt động vốn đã hạn chế của Đức, với đội xe tăng chỉ 300 chiếc.

"Nếu bạn lấy xe tăng từ biên chế quân đội để chuyển giao, bạn phải đặt hàng lại ngay lập tức. Quá trình bổ sung vũ khí không giống như đi siêu thị, cần có thời gian", Marie-Agnes Strack-Zimmermann, nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Tự do Đức, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của quốc hội, nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đón Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius tại Kiev hôm 7/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đón Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius tại Kiev hôm 7/2. Ảnh: Reuters.

"Chủ nghĩa hoàn hảo" của người Đức và bộ máy hành chính quan liêu cũng được coi là yếu tố gây đình trệ quá trình cải tổ quân đội. Các chuyên gia cho hay quá trình trao đổi giữa Bộ Quốc phòng Đức với các nhà hoạch định quân sự và tập đoàn quốc phòng phức tạp hơn mức cần thiết.

"Chúng tôi đang tìm cách dỡ bỏ các rào cản quan liêu, nhưng tất cả những điều này đều cần có thời gian", Bộ trưởng Pistorius nói.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)

Adblock test (Why?)